Văn phòng Diện Chẩn Sống Khỏe_ Khu nhà 102 Ngõ 95 Chùa Bộc-Đống Đa-Hà Nội _ ĐT : 0906143408

Hướng dẫn lý thuyết và thực hành cơ bản cho những quí vị thực sự yêu thích Diện Chẩn . Hãy gọi cho chúng tôi để biết lịch .

Tư vấn sức khỏe , chẩn bệnh đưa ra phác đồ miễn phí.

Thứ Tư, 30 tháng 7, 2014

Thủ phạm “sát hại” thiên tài âm nhạc Mozart

Hơn một trăm năm, kể từ sau khi nhà soạn nhạc thiên tài Mozart qua đời một cách bí ẩn ở độ tuổi 35 vào năm 1791, các nhà khoa học khắp nơi trên thế giới dưới sự hỗ trợ của khoa học mới bắt đầu vào cuộc tìm kiếm nhằm làm rõ nguyên nhân dẫn tới cái chết của ông.
Có rất nhiều giả thuyết đã được đặt ra
Một số giả thuyết cho rằng, Mozart đã bị mắc khuẩn tụ cầu và bị suy giảm hệ miễn dịch trầm trọng cho tới lúc chết. Một số giả thuyết khác lại cho rằng, cái chết bất ngờ của nhà soạn nhạc trong lúc ông vẫn đang khỏe mạnh là do bị nhiễm độc hoặc do mắc phải chứng thấp khớp... Thay vì kết luận Mozart chết bởi một bệnh lý cụ thể nào đó, mới đây các nhà khoa học NASA đã nghiên cứu và xác định việc Wolfgang Amadeus Mozart bị ốm nặng và tử vong có liên quan không nhỏ tới việc ông bị thiếu vitamin D nghiêm trọng.
Theo ghi nhận về cái chết của Mozart từng được ghi lại trong lịch sử, thì nhà soạn nhạc qua đời khi mang trong mình khá nhiều bệnh tật như: đậu mùa, sốt thương hàn, viêm amiđan và viêm nhiễm đường hô hấp nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong cuộc đời ngắn ngủi của Mozart, ít người biết rằng để sáng tác ra những tác phẩm âm nhạc bất hủ, Mozart đã dành phần lớn thời gian trong sáng tác nhạc trong phòng kín và rất hạn chế việc tiếp xúc với môi trường bên ngoài. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến cho Mozart mắc phải tình trạng thiếu vitamin D nghiêm trọng dẫn tới suy giảm hệ miễn dịch.
 Thiên tài âm nhạc Mozart.
Các nghiên cứu...
Nghiên cứu về cuộc đời của nhà soạn nhạc vĩ đại, TS. Wiliam Grant - nhà khoa học từng làm việc trong Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ - NASA cho biết: Trong suốt thập kỷ cuối của cuộc đời mình, nhà soạn nhạc thiên tài rất ít khi ra ngoài và rất hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Đó là lý do khiến cơ thể ông không thể tổng hợp đủ vitamin D cần thiết. Từ những kinh nghiệm của mình trong quá trình nghiên cứu khoa học tại NASA, TS. Grant cho biết: Nhóm nghiên cứu của ông đã phát hiện ra rằng có rất nhiều vấn đề về sức khỏe ngày nay có liên quan đến tình trạng thiếu vitamin D. Khi bị thiếu vitamin D, gần như toàn bộ quá trình dinh dưỡng trong cơ thể bị xáo trộn. Vào thời của Mozart, khoa học chưa phát triển và người ta chưa biết đến tầm quan trọng của yếu tố này. Những khái niệm về vitamin, vi khuẩn hay huyết áp... gần như chưa được biết đến. Do đó, Mozart gần như đã phải chấp nhận cái chết oan uổng mà lẽ ra không đáng xảy ra.
Nghiên cứu về những gì được ghi chép lại về cuộc đời của nhà soạn nhạc vĩ đại, TS. Grant thấy rằng: từ năm 1762 - 1783 là khoảng thời gian Mozart đau ốm liên miên. Hầu hết các chứng đau, viêm nhiễm xảy ra trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 5 năm sau. Đó là khoảng thời gian mà tại nước Áo, hầu hết người dân đều bị thiếu vitamin D do thiếu sự tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Và những căn bệnh thường gặp do tình trạng thiếu vitamin D tập trung vào các bệnh như: cúm, viêm phổi, bệnh tim mạch, suy giảm hệ miễn dịch và thậm chí cả ung thư.
Và thực tế
Trong khi trung bình mỗi ngày cơ thể con người cần khoảng từ 400 - 600IU vitamin D từ thức ăn và từ ánh nắng mặt trời, thì cơ thể Mozart do ít tiếp xúc với bên ngoài, nên tình trạng thiếu vitamin D là điều tất yếu. Ngoài Mozart, nghiên cứu còn chỉ rõ một số nghệ sĩ âm nhạc nổi tiếng như Jacqueline Mary Du Pre (mất năm 1987 ở tuổi 42), hay nhà soạn nhạc người áo Gustav Mahler (mất năm 1911) do các bệnh như đa xơ cứng và viêm màng tim - những căn bệnh đã được khoa học xác nhận có một phần không nhỏ do tình trạng thiếu vitamin D.
Ngoài ra, Viện Hàn lâm khoa học Amsterdam, Hà Lan khi nghiên cứu về cuộc đời và cái chết của Mozart còn đưa ra kết luận cuối đời Mozart đã bị nhiễm liên cầu khuẩn. Họ cũng tìm thấy, trong những năm tháng thời trẻ, Mozart đã cùng với gia đình có nhiều chuyến hành trình và các chuyến biểu diễn khắp châu Âu từ Anh, Pháp, Đức cho tới nước Ý... Những chuyến đi vắt kiệt sức lực của Mozart khiến ông vô cùng mệt mỏi. Khi trở về nhà, Mozart thường mắc những trận đau ốm kéo dài. Năm 1765, sau khi trở về từ chuyến lưu diễn ở London - Anh, Mozart bị nhiễm sốt phát ban, và phải mất nhiều tuần để hồi phục sức khỏe. Năm 1767, qua gần ba năm rưỡi lưu diễn liên tục và miệt mài sáng tác âm nhạc, Mozart trở về quê hương để tĩnh dưỡng sau khi bị nhiễm đậu mùa.
 Vào tháng 8/1791, loại khuẩn tụ cầu bùng phát mạnh tại Áo và nhiều quốc gia khác tại châu Âu. Theo TS. Richard Zeger - Viện Hàn lâm y học Amsterdam và các đồng nghiệp của ông, phân tích những dữ liệu được ghi lại trong khoảng thời gian tháng 1/1790 - 3/1792, họ phát hiện thấy chính khuẩn tụ cầu là thủ phạm đã cướp đi tính mạng của khoảng 3.442 nam giới và 1.569 phụ nữ trưởng thành tại Áo và các quốc gia lân cận. Đi kèm với sự bùng phát của khuẩn tụ cầu, dịch tiêu chảy và các yếu tố có liên quan cũng được xác nhận có xuất hiện trong thời gian xảy ra cái chết của nhà soạn nhạc Mozart. Sự suy giảm sức đề kháng và thiếu hụt nghiêm trọng vitamin D cùng với quá trình nhiễm khuẩn tụ cầu đã khiến cho người bệnh tử vong nhanh chóng. Cũng vào thời điểm này, nhiễm khuẩn tụ cầu được xem là nguyên nhân phổ biến thứ ba trên thế giới gây ra tử vong.
Minh Ngọc (Theo History)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét