Làm giàu trên mảnh đất quê hương
Chỉ tay ra khu vườn ươm cây thuốc Nam đang lên xanh
mơn mởn, bác Hoàng Văn Trọng, Chủ nhiệm Hợp tác xã thuốc Nam Ba Vì chia
sẻ: Đúc kết từ quá trình sinh sống gắn liền với thiên nhiên, bà con đã
tìm ra những phương pháp thu hái, chế biến thích hợp với từng loại dược
liệu. Cho đến nay, cộng đồng người Dao ở đây đã sưu tầm được 283 loại
cây thuốc khác nhau, trong đó có nhiều cây thuốc quý. Tuy nhiên, do
nguồn cung cấp cây thuốc Nam chủ yếu lấy từ rừng tự nhiên, thu hái tự
phát nên nguồn dược liệu từ những cánh rừng trên núi Ba Vì ngày càng cạn
kiệt.
Trước thực trạng khai thác tự phát bừa bãi làm cạn
kiệt nguồn dược liệu, hơn 3 năm qua, HTX thuốc Nam Ba Vì đã quyết định
xây dựng mô hình bảo tồn và phát triển vùng dược liệu một số cây thuốc
quý hiếm nhằm gìn giữ nguồn "vành xanh" quý giá của địa phương cũng như
nhằm nhân rộng ra một số địa phương cả nước. Bác Trọng cho biết, để thực
hiện được mô hình này, chính quyền xã Ba Vì cùng với người dân đã dành
ra gần 100ha đất nông nghiệp không có hiệu quả cao để làm vườn ươm trồng
cây dược liệu góp phần tạo nguồn dược chủ động và ổn định. "Tuy nhiên
việc bảo tồn không làm tràn lan các loài cây đã bị thoái hóa về nguồn
gen mà tập trung lựa chọn bảo tồn những loài cây thuốc có nguy cơ bị
tuyệt chủng hoặc đang bị đe dọa tuyệt chủng...", bác Trọng bật mí. Do
đó, đến nay sau hơn 3 năm thực hiện mô hình trên bắt đầu đem lại những
hiệu quả tích cực, tổng thu nhập từ việc sản xuất KD thuốc Nam của người
dân trong xã lên tới hàng tỷ đồng/năm, góp phần quan trọng vào việc cải
thiện đời sống người Dao.
![]()
Ươm sâm Ngọc Linh ở Kon Tum.
|
Nhân giống và phát triển dược liệu quý
Chia tay với những ông lang, bà mế người Dao trên
đỉnh Ba Vì xanh ngút mắt, chúng tôi tới Kon Tum, nơi nổi tiếng với củ
sâm Ngọc Linh. Ông Trần Hoàn, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần sâm Ngọc
Linh - người đã có hơn 13 năm gắn với với cây sâm Ngọc Linh chia sẻ:
Ngày xưa sâm Ngọc Linh được tìm thấy tại nhiều xã của huyện Đak Lei. Bà
con đồng bào dân tộc thường lấy đem về sử dụng như một cây rừng bình
thường mà không biết giá trị của loài sâm quý hiếm này, khiến nguồn dược
liệu rất giá trị này có nguy cơ tuyệt chủng. Đau xót trước nguồn dược
liệu vô cùng quý của quốc gia ngày càng cạn kiệt, từ năm 1998, ông Hoàn
và một số người thân đã lặn lội đi tìm rồi tiến hành trồng cây sâm Ngọc
Linh ở Kon Tum và đưa sang vùng núi cao Đà Lạt trồng thử.
Đến năm 2003, sau khi khảo sát và thử nghiệm trồng
sâm ở nhiều vùng, ông Hoàn quyết định chọn huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum làm
điểm trồng sâm Ngọc Linh. Nhờ đầu tư sức người sức của, dần dần những
cây sâm Ngọc Linh cũng phát triển và cho thu hoạch. Ông Hoàn chia sẻ,
việc bảo tồn và phát triển được cây sâm Ngọc Linh không chỉ đem lại
thương hiệu, giá trị kinh tế cho tỉnh Kon Tum mà còn để cho mọi người
đến đây nhớ đến sâm Ngọc Linh như một thứ đặc sản rất có giá trị của Kon
Tum nói riêng và cả nước nói chung.
Trong khi đó, mặc dù không có được những dược liệu
đặc sản quý hiếm, nhưng tỉnh Nghệ An lại có được một thảm thực vật thiên
nhiên rất phong phú, với các khu bảo tồn thiên nhiên nổi tiếng là Pù
Hoạt, Pù Huống và Vườn quốc gia Pù Mát có rất nhiều cây dược liệu. Trước
lợi thế đó, Nghệ An đã tiến hành quy hoạch 8 vùng rừng tập trung có
nhiều cây thuốc để bảo tồn, phát triển cây dược liệu làm thuốc trên địa
bàn nhằm khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên dược liệu, cung cấp
thuốc cho nhu cầu chữa bệnh trong y học cổ truyền ở địa phương. Từ đó
phát triển diện tích, khuyến khích nhân dân trồng các cây thuốc và vị
thuốc có giá trị xuất khẩu như: bách bộ, cát căn, binh lang, bán hạ,
bạch biển đậu, quế, kim tiền thảo, cẩu tích, xuyên tâm liên, hoa hòe.
Đáng chú ý, để phát triển tiềm năng dược liệu sẵn có hiện nay, đóng
góp vào việc tự chủ sản xuất thuốc trong nước và tham gia thị trường
khu vực và thế giới, gần đây Bộ Y tế đã tiến hành xây dựng Quy hoạch
tổng thể phát triển dược liệu từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn 2030.
Trong đó chú trọng đến nhiều công tác như: điều tra tổng thể nguồn tài
nguyên dược liệu; xây dựng một số vùng sản xuất nguyên liệu các loài cây
thuốc đang có nhu cầu lớn theo điều kiện sinh thái và địa lý phù hợp;
bảo tồn và phát triển các loài cây thuốc quý có tiềm năng phát triển tạo
thuốc mới. Xây dựng Bộ Dược liệu chuẩn và chất chuẩn phục vụ công tác
đánh giá chất lượng dược liệu và hiện đại hóa, tiêu chuẩn hóa và nâng
cao chất lượng thuốc từ dược liệu.
Vũ Hải
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét