Văn phòng Diện Chẩn Sống Khỏe_ Khu nhà 102 Ngõ 95 Chùa Bộc-Đống Đa-Hà Nội _ ĐT : 0906143408

Hướng dẫn lý thuyết và thực hành cơ bản cho những quí vị thực sự yêu thích Diện Chẩn . Hãy gọi cho chúng tôi để biết lịch .

Tư vấn sức khỏe , chẩn bệnh đưa ra phác đồ miễn phí.

Thứ Năm, 31 tháng 7, 2014

Mẹo hay trị đầy hơi dạ dày

Mẹo hay trị đầy hơi dạ dày
Đầy hơi là vấn đề sức khỏe thường gặp và có thể trị bằng những phương pháp tư nhiên như đi bộ, uống nước... Ảnh: internet
Đầy hơi là hiện tượng trướng dạ dày, thường đi kèm với triệu chứng đau bụng. Đầy hơi dạ dày chủ yếu gây ra bởi hội chứng ruột bị kích thích - do ruột không thể tiêu hóa nhanh các loại thức ăn - dẫn đến gây trở ngại cho các chức năng của hệ tiêu hóa.
Theo các chuyên gia, để trị chứng đầy hơi, ngoài việc sử dụng thuốc, bạn cũng có thể áp dụng các phương pháp tự nhiên dưới đây:
1. Uống nước
Hiện tượng dạ dày đầy hơi, gây đau, thường là do có vấn đề bên trong hệ tiêu hóa. Vấn đề này thường đi kèm với tình trạng, táo bón, “đầu ra” đứt quãng và sự hình thành không khí bên trong đường ruột. Theo các chuyên gia, nhằm giúp giảm đau và các vấn đề gây táo bón, bạn nên uống nhiều nước mỗi khi có cảm giác trướng và đầy hơi.
2. Đi bộ
Đi bộ là một phương pháp tự nhiên được đánh giá rất hiệu quả trong việc giảm đầy hơi và chứng đau dạ dày. Vì việc hoạt động thể chất sẽ giúp giải phóng lượng không khí được lưu trữ bên trong hệ tiêu hóa. Tuy nhiên, bạn phải đi nhanh, vì nếu đi chậm sẽ không mang lại hiệu quả.
Ngoài ra, để tránh các vấn đề gây đầy hơi, bạn nên tạo thói quen đi bộ ít phút sau mỗi bữa ăn.
Mẹo hay trị đầy hơi dạ dày
3. Tiêu thụ thức uống có gas
Thức uống có gas như soda có tên hóa học là dioxít carbon, rất hữu ích trong việc giúp giảm chứng đầy hơi. Bất cứ khi nào bạn cảm thấy dạ dày bị trướng và khó chịu nên cố gắng uống một ít thức uống có gas. Chất dioxít carbon được chứng minh có tác dụng giải phóng khí trong dạ dày, giúp bạn cảm thấy nhẹ nhàng và giảm đau đáng kể.
4. Uống trà bạc hà
Bạc hà rất hữu ích trong việc giúp giảm chứng đầy hơi và làm dịu cơn đau dạ dày. Để mang lại hiệu quả, cách tốt nhất là bạn nên uống trà, hoặc các loại thức uống có gas pha với bạc hà. Ngoài bạc hà, còn có vài loại thực phẩm khác cũng có tác dụng giúp trị chứng đầy hơi dạ dày như gừng, muối đen, nước cốt chanh…
Mẹo hay trị đầy hơi dạ dày
5. Sử dụng thuốc
Trong trường hợp sau khi áp dụng các phương pháp tự nhiên trên, chứng đầy hơi vẫn không thuyên giảm, bạn nên sử dụng các loại thuốc hỗ trợ tiêu hóa để giải quyết vấn đề.
Lưu ý: Một số biện pháp thông thường để phòng ngừa chứng đầy hơi là bạn nên ăn chậm và nhai kỹ nhằm giúp dạ dày và đường ruột dễ tiêu hóa thức ăn, giúp giảm quá trình hình thành khí trong dạ dày. Bên cạnh đó, thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên cũng là các biện pháp giúp tăng cường hệ tiêu hóa và sức khỏe nói chung.
Theo Phụ nữ/Medicmagic

Khắc phục chứng chuột rút về đêm

Chuột rút (vọp bẻ) có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng có xu hướng gia tăng khi tuổi cao. Nhiều người cao tuổi (NCT) than chuột rút vào ban đêm làm ảnh hưởng đến giấc ngủ. Theo thống kê, có khoảng 1/3 người trên 60 tuổi và 1/2 tổng số người từ 80 tuổi trở lên thường bị chuột rút, nhất là vào ban đêm. Trong đó, người bị chuột rút 3 lần/tuần chiếm tỷ lệ 4/10, thậm chí một số người ngày nào cũng bị chuột rút.
Vì sao NCT thường bị chuột rút?
Chuột rút có nhiều nguyên nhân: do thiếu ôxy cung cấp cho cơ hoặc rối loạn một số chất điện giải quan trọng như thiếu canxi hoặc kali máu. Hiện tượng thiếu ôxy và chất điện giải hay xảy ra nhất ở NCT còn sức khỏe dồi dào, khả năng lao động còn tốt hoặc tập thể thao với các động tác vận động nhiều, liên tục không nghỉ ngơi hoặc đứng, ngồi quá lâu, hoặc khi nằm ngủ để tư thế chân không đúng. Do đó, làm cho lượng mồ hôi bài tiết quá nhiều mà không được bù đắp hoặc bù đắp nhưng không đủ; do mắc bệnh đái tháo đường, loãng xương, bệnh tuyến giáp trạng, rối loạn chuyển hóa... Chuột rút có thể xảy ra ở những người bệnh đang dùng một số thuốc (thuốc lợi tiểu, thuốc hạ mỡ máu, thuốc chống trầm cảm, thuốc hạ huyết áp, thuốc dạ dày, thuốc giãn phế quản) hoặc do đang lọc thận. Ngoài ra chuột rút còn có thể xảy ra do cơ thể thiếu lượng nước cần thiết hàng ngày (NCT thường ngại uống nước vì phải đi tiểu nhiều, nhất là ban đêm) hoặc thiếu lượng vi chất cần thiết cho cơ thể như canxi, magiê, kali, natri clorua hoặc do ra nhiều mồ hôi, hoặc trong trường hợp bị tiêu chảy, nôn nhiều.
Khắc phục chứng chuột rút về đêm
Nên tập thể dục đều đặn giúp lưu thông khí huyết, phòng chống chuột rút.
Biểu hiện khi bị chuột rút
Khi bị chuột rút nếu sờ vào sẽ thấy cơ bị co cứng thành một cục và chân hoặc tay bị đau không thể cử động được trong một khoảng thời gian mấy giây hoặc một vài phút, đôi khi lâu hơn, nhưng sau đó triệu chứng ê đau hết hoặc có thể kéo dài cả ngày hay vài ngày. Đa số các trường hợp chuột rút là lành tính và là triệu chứng đơn độc. Nếu chuột rút đi kèm các triệu chứng khác như ăn nhiều, thèm ngọt (bánh, kẹo), uống nhiều, tiểu nhiều, mệt mỏi, sợ lạnh, tăng cân, da xanh xao, nhợt nhạt hoặc bị đau chân khi đi bộ trên một quãng đường ngắn thì cần đến cơ sở y tế đủ điều kiện để khám bệnh, không nên chủ quan, xem thường, đề phòng có bệnh tiềm ẩn nào đó (ví dụ, nghẽn động mạch chân, biến chứng của bệnh đái tháo đường).
Cách xử trí khi bị chuột rút
Mỗi khi bị chuột rút nên tìm mọi cách làm cho hiện tượng đó giảm hoặc mất đi nếu không sẽ rất đau, rất khó chịu, thậm chí rất nguy hiểm. Khi chuột rút ở cơ bắp chân thì cần duỗi thẳng chân ra và nhẹ nhàng uốn cong các ngón chân ra phía sau, ép mạnh một tay vào gót chân. Lúc mới áp dụng có thể thấy đau tăng lên nhưng ngay sau đó cơn đau sẽ giảm xuống do các cơ hết co thắt, máu lại được lưu thông trở lại. Khi đã hết hiện tượng chuột rút nên xoa bóp nhẹ nhàng vùng cơ bắp vừa bị co cứng để cho máu hoạt động lưu thông trở lại tránh xảy ra chuột rút tái diễn. Tại nơi bị chuột rút, nếu có điều kiện có thể xoa các loại dầu làm nóng da và cơ hoặc chườm lạnh bằng túi đá hoặc tắm nước ấm để máu càng dễ lưu thông. Đồng thời cũng nên cố gắng đứng dậy đi hoặc lắc lư chân...
Cần làm gì để phòng chuột rút?
Để phòng chuột rút, nên tập thể dục đều đặn, thường xuyên làm lưu thông khí huyết. Nên vận động các cơ bắp thật nhẹ nhàng, nhất là buổi tối trước khi đi ngủ. Mỗi ngày nên tập vận động như đi bộ, tập xoa bóp cơ bắp, co duỗi và xoay cổ tay, cổ chân vài ba lần. Thường ngày có thể tập xe đạp tại chỗ hoặc tập kéo căng cơ bắp chân vài phút trước khi ngủ. Không nên tắm khi nước lạnh quá, nhất là tắm ở biển, bể bơi nước lạnh. Khi làm việc nặng, ra mồ hôi nhiều cần được bổ sung nước có pha muối ăn (tốt nhất là bổ sung dung dịch oresol). Cần uống đủ lượng nước trong một ngày/đêm (khoảng trên 1,5 - 2 lít). Nên ăn nhiều rau trong các bữa ăn chính, sau mỗi bữa ăn nên bổ sung các loại quả như chuối, mơ, chà là, nho, đậu, bắp cải, cam, cà chua, đu đủ, xoài, sầu riêng, lựu, lê. Nếu có bệnh đái tháo đường, loãng xương, bệnh tuyến giáp, rối loạn chuyển hóa, rối loạn thần kinh thực vật, thiếu máu cần được bác sĩ chuyên khoa khám và điều trị sớm.

ThS.BS. Bùi Mai Hương

Sơ cứu bỏng lửa, nước sôi

Bỏng là tai nạn thường gặp ở trẻ, số lượng bệnh nhi phải nhập viện cấp cứu, điều trị, thậm chí tử vong do bỏng ngày càng gia tăng, nhất là vào thời gian nghỉ hè. Thống kê tại các cơ sở y tế cho thấy, trong các nguyên nhân gây bỏng như bỏng lửa, nước sôi, điện, hóa chất,… thì bỏng nước sôi và bỏng lửa chiếm tỷ lệ cao nhất. Việc sơ cứu ban đầu đúng cách khi trẻ bị bỏng là một trong những yếu tố quan trọng giúp cho vết thương không bị ăn sâu vào bên trong, tránh tình trạng bội nhiễm và biến chứng nguy hiểm.
Sơ cứu bỏng lửa, nước sôi
 Làm mát vết bỏng, tránh cho da khỏi bị rộp bằng cách mở vòi nước cho chảy chầm chậm lên vết bỏng khoảng 15 - 20 phú
Khi trẻ không may bị bỏng lửa, nước sôi, cha mẹ và người thân cần nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi nguồn gây bỏng và thực hiện các bước sau:
- Làm mát vết bỏng, tránh cho da khỏi bị rộp bằng cách mở vòi nước cho chảy chầm chậm lên vết bỏng khoảng 15 - 20 phút. Nước sạch vừa có tác dụng giảm nhiệt, giảm đau, giảm phù nề, viêm nhiễm, giảm độ sâu của vết thương. Không dùng nước lạnh, nước đá (trong tủ lạnh) để làm mát da cho trẻ.
-  Nhẹ nhàng tháo bỏ những vật cứng trên vùng bỏng như giầy, dép, vòng trước khi vết bỏng sưng nề.
- Che phủ vùng bỏng bằng gạc vô khuẩn. Nếu không có gạc có thể dùng vải sạch
- An ủi trẻ, cho uống nước và đặt trẻ ở tư thế nằm.
- Nếu vết bỏng nhẹ, diện tích da bị bỏng nhỏ, tổn thương có thể tự liền nhờ quá trình biểu mô hóa, thì sau khi sơ cứu có thể điều trị tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ. Nếu nặng hơn thì ngay sau khi sơ cứu cần chuyển trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để các bác sĩ điều trị kịp thời.
Chú ý: Tuyệt đối không được dùng nước mắm,  kem đánh răng,… hoặc các loại thuốc mỡ bôi để đắp lên vết bỏng. Việc sơ cứu không đúng cách sẽ khiến tình trạng bỏng nặng thêm gây khó khăn trong điều trị. Khi trẻ bị bỏng cha mẹ hoặc người thân cần bình tĩnh, nhanh chóng, nhẹ nhàng  khi sơ cứu tránh trẻ bị sốc.
Điều quan trọng là cần phòng tránh nguy cơ gây bỏng cho trẻ. Trẻ nhỏ vốn hiếu động, tò mò,… do đó cha mẹ cần luôn chú ý giám sát trẻ, sắp xếp đồ đạc mọi thứ quanh nhà hợp lý. Để phích nước sôi, thức ăn mới nấu, bàn là đang nóng, bật lửa,... ở nơi trẻ không sờ hoặc với tới được. Bố trí bếp và nơi nấu ăn hợp lý như để bếp lò phẳng, cao để trẻ không với tới được hoặc có vách ngăn không cho trẻ tới gần. Khi nấu ăn luôn quay cán xoong, chảo vào phía trong. Không để trẻ nhỏ tự ăn, tự tắm vòi nước nóng lạnh, luôn kiểm tra nhiệt độ nước trước khi tắm cho trẻ. Khi bê nước nóng, thức ăn mới nấu tránh xa trẻ để không va đụng. Kiểm tra nhiệt độ của thức ăn, đồ uống trước khi cho trẻ ăn, uống. Không nên ăn thức ăn nóng khi bế trẻ nhỏ,…
BS. Trọng Nghĩa

Nguy hiểm cận kề vì dính ruột

Dính trong ổ bụng là dính ruột vào thành bụng, dính các tạng với nhau do các mô sẹo hình thành giữa các tạng và gây dính. Dính có thể xảy ra bên trong ruột, bên trong tử cung, hoặc giữa các bề mặt của các tạng và phúc mạc. Dính tiềm ẩn mối nguy hiểm cận kề do làm nghẽn đường đi của thức ăn, nghẽn tắc mạch máu, gây đau bụng, đầy hơi, táo bón, bí tiểu, rối loạn kinh nguyệt, vô sinh, hoại tử ruột.
Ai dễ bị dính trong ổ bụng?
Những người dễ bị dính trong bụng là: bệnh nhân sau phẫu thuật vùng bụng như mổ ruột thừa, túi mật, cắt nối ruột, mổ cấp cứu thai ngoài tử cung, mổ đẻ, mổ sỏi thận... Các thủ thuật nạo, hút thai có thể dẫn đến dính trong tử cung. Bệnh nhân bị viêm nhiễm trong ổ bụng như: viêm ruột thừa, viêm ruột non, ruột già, viêm tử cung, buồng trứng, viêm đường tiết niệu, viêm bàng quang... đều có thể bị dính. Trong bệnh Crohn, nhiễm khuẩn có thể dẫn đến áp-xe trong hoặc xung quanh thành ruột, đặc biệt là quanh trực tràng và hậu môn. Điều trị áp-xe, bệnh lao ruột, nhiễm khuẩn vết mổ có thể dẫn đến dính ruột. Các bệnh lây truyền qua đường tình dục như: lậu, giang mai, nhiễm Chlamydia... có thể dẫn đến dính trong tử cung, ống dẫn trứng và xung quanh buồng trứng gây đau vùng chậu mạn tính, kinh nguyệt không đều, vô sinh hoặc thai ngoài tử cung. Vi khuẩn có thể đi đến gan và gây ra tổn thương “dính chuỗi violin” giữa gan và cơ hoành. Những người bị các bệnh: chảy máu trong ổ bụng do thủng ruột, lạc nội mạc tử cung; ung thư trong ổ bụng hoặc vùng chậu; dừng xạ trị hoặc hóa trị ung thư bụng hoặc vùng chậu; dị vật như một miếng gạc hoặc một phần của thiết bị phẫu thuật vẫn còn trong ổ bụng sau khi phẫu thuật; dính bẩm sinh.
Dính bên ngoài ruột và tử cung với nhau.
Dính bên ngoài ruột và tử cung với nhau.
Làm sao biết bị dính trong bụng?
Ở một người có các trường hợp dễ dính nói trên, khi bị dính sẽ xảy ra các triệu chứng phụ thuộc vào vị trí kết dính và các biến chứng, thường gặp là: đau bụng cấp tính hoặc mạn tính, thỉnh thoảng hoặc thường xuyên, co thắt hoặc kéo, dính trên gan có thể gây ra đau khi hít sâu, dính ruột có thể gây đau khi duỗi người hoặc với lấy một món đồ trên cao, đau do kéo căng hoặc do tắc ruột. Đau vùng chậu cấp tính hoặc mạn tính, nếu dính gần âm đạo có thể gây đau khi giao hợp. Đau do co kéo dây thần kinh của tạng bị lạc chỗ. Bệnh nhân thấy chán ăn và buồn nôn là phổ biến. Đôi khi, bị nôn ói đi kèm sau khi đau và giảm đau sau khi nôn. Các rối loạn liên quan dính gồm: đau bụng hoặc vùng chậu mạn tính; vô sinh; trào ngược dạ dày - thực quản; thường xuyên đi tiểu hoặc ngược lại bị bí tiểu; đau ruột do nhu động; đau khi đi bộ, ngồi hoặc nằm ở những tư thế nhất định; thiếu máu và thiếu dinh dưỡng do cho ăn uống thiếu chất hoặc chán ăn; giảm chất lượng cuộc sống; bệnh nhân bị trầm cảm, có ý định tự tử.
Siêu âm và chụp Xquang có chuẩn bị (uống barium) có thể phát hiện dính ở ruột non và thụt tháo barium, phát hiện dính ở đại tràng. Chụp cắt lớp vi tính đôi khi cho thấy dính bên ngoài ruột. Chụp cộng hưởng từ (MRI) có thể cho thấy dính bên trong và bên ngoài ruột, tử cung. Nội soi ổ bụng thường có thể cho thấy dính bên ngoài ruột. Nội soi tử cung có thể phát hiện dính tử cung và chụp tử cung vòi trứng có cản quang (hysterosalpingography) có thể phát hiện dính trong tử cung và ống dẫn trứng.
Các biến chứng do dính
Trên bệnh nhân bị dính trong ổ bụng, dính ruột nếu không được phát hiện và điều trị sẽ xảy ra các biến chứng như sau:
Tắc ruột do mô xơ có thể gây tắc trong lòng ruột hoặc kéo quai ruột làm nghẽn đường đi của thức ăn. Vì tắc nghẽn có thể gây chán ăn, khô da và miệng, khát nước, ít đi tiểu do mất nước, buồn nôn, nôn mửa, đau bụng, táo bón, bí trung tiện, trướng bụng do hỗn hợp thức ăn và dịch, khí trong ruột và sốt do viêm đường ruột.
Hoại tử: dính có thể gây xoắn ruột dọc theo trục của nó làm tắc nghẽn mạch máu cung cấp máu và thậm chí hoại tử của phần ruột. Khi bị hoại tử, bệnh nhân có các triệu chứng: cơn đau bụng quặn dữ dội trên nền đau âm ỉ, sôi ruột, buồn nôn, ói mửa và chảy máu trực tràng.
Dính âm đạo và môi bé ở nữ giới: viêm âm đạo do vi khuẩn, phát ban do kích thích bởi quần áo có thể gây ra dính âm đạo hoặc môi bé ở phụ nữ.
Vô sinh do dính trong tử cung hoặc ống dẫn trứng.
Thai ngoài tử cung do dính trong ống dẫn trứng.
Phòng tránh dính cách nào?
Các bệnh là nguyên nhân gây dính kể trên có thể được phòng ngừa bằng các biện pháp như sau: bệnh nhân nên tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị để thực hiện các kỹ thuật phẫu thuật xâm lấn tối thiểu, như nội soi ổ bụng thay vì phẫu thuật mở; khi phẫu thuật bác sĩ hạn chế cầm nắm các mô; sử dụng chỉ khâu không gây dị ứng; tránh dùng găng tay chứa tinh bột hoặc bột talc khi mổ; ngăn ngừa sự khô bề mặt tạng bằng cách sử dụng gạc ướt...; gắn các miếng chống dính (làm bằng cellulose được ôxy hóa) để tách rời các tạng trong và sau khi phẫu thuật, nhằm ngăn ngừa sự hình thành dây dính. Miếng chống dính này che trên bề mặt của các tạng trong 5 - 7 ngày giúp ngăn ngừa sự hình thành dây dính, sau đó nó sẽ tự hủy trong cơ thể trong vòng 7 - 14 ngày. Tiêm steroid trong ổ bụng để ngăn ngừa viêm. Tránh lặp lại phẫu thuật gỡ dính, vì mỗi lần phẫu thuật làm tăng nguy cơ gây dính mới.          

    ThS. Trần Ngọc Hương

Cách phòng ngừa bệnh văn phòng

Phòng khám của chúng tôi hàng ngày tiếp nhận vài ba bệnh nhân là nhân viên của các văn phòng đến khám bệnh vì những triệu chứng rất mơ hồ, gọi là bệnh cũng được mà gọi là không bị bệnh cũng được.
Số lượng bệnh kiểu nói trên ngày càng đông cùng với sự gia tăng đến chóng mặt của các công ty, văn phòng trên địa bàn thành phố.
Mệt mỏi kinh niên
Rất nhiều nhân viên văn phòng đến khám bệnh tại bệnh viện với những triệu chứng mơ hồ đau chỗ này một chút, khó chịu chỗ kia một chút. Phần lớn họ đều có chung một triệu chứng là luôn cảm thấy mệt mỏi, khó tập trung khi làm việc, dễ cáu gắt và khó ngủ.
Hỏi kỹ lại, phần lớn những bệnh nhân này đều phải làm việc quá sức, áp lực công việc nhiều, việc gì cũng đến tay. Sếp tin tưởng cưng chiều quá cũng khổ, việc gì sếp cũng sai bảo vì luôn nghĩ rằng, việc này chỉ có anh A, chị B mới làm được còn người khác thì không thể. Nhân viên thì cố gắng làm vừa lòng sếp để được thăng tiến, để được lương cao…Chính vì vậy, đến một lúc nào đó cơ thể hết chịu nổi cường độ làm việc quá sức như vậy và việc gì đến sẽ phải đến: mệt mỏi kinh niên, khó ngủ hay không ngủ được, đau chỗ này nhức mỏi chỗ kia, rất mơ hồ và rất khó điều trị.
Cách phòng ngừa bệnh văn phòng
Không nên làm việc quá lâu, khoảng 30 phút nên nghỉ ngơi, thư giãn hay đi lại
Theo các chuyên gia về y học thì trầm cảm là một hệ quả tất yếu của việc làm việc quá bị áp lực và cố gắng làm vừa lòng những đòi hỏi quá đáng phi thực tế của các sếp đơn vị chỉ coi con người là một cái máy biết làm việc.
Quá nhiều bệnh do lạnh và ít vận động
Phần lớn nhân viện văn phòng đều có những vấn đề về sức khỏe. Thông thường nhất là viêm mũi xoang. Suốt ngày làm việc trong môi trường máy lạnh, tưởng rằng là tốt nhưng thực tế thì không phải như vậy. Không khí văn phòng lưu cữu vì máy lạnh, không có sự thông thoáng trong môi trường làm việc, chỉ cần một người mắc bệnh viêm nhiễm đường hô hấp là cả cơ quan có thể bị lây. Bởi vì hầu như tất cả hệ thống lạnh của văn phòng không được làm vệ sinh thường xuyên, môi trường lạnh và ẩm rất dễ dàng cho việc lây lan của vi trùng và các siêu vi trùng.
Một số nhân viên văn phòng khác do ngồi nhiều, ít vận động dễ dàng bị suy tĩnh mạch chân sưng phù, chuột rút… Hoặc bị các bệnh do sử dụng máy vi tính liên tục sẽ làm giảm thị lực, đau vai, đau cổ tay và nhiều rối loạn khác nữa. Ở Nhật, thường có những bài tập thể dục giữa giờ ngay tại bàn làm việc. Lúc đầu có một số người cho rằng đó là trò phù phiếm, không có tác dụng. Nhưng thật ra, những bài tập thể dục giữa giờ ngay tại bàn làm việc như vậy rất có tác dụng. Nó tránh được các khó chịu hay các bệnh gây nên bởi các tác động xấu của việc ngồi nhiều, sử dụng máy vi tính liên tục.
Ở Việt Nam, thời gian trước việc tập thể dục giữa giờ được tiến hành gần như bắt buộc ở các cơ quan công sở. Nhưng về sau, do tính chất hình thức nên dần dần bị mai một và hiện nay không có cơ quan nào tập thể dục giữa giờ nữa. Điều này quả là không tốt, có nên chăng phục hồi lại việc tập thể dục giữa giờ tại các cơ quan văn phòng? Tất nhiên là phải loại bỏ việc hình thức, chạy theo thành tích phong trào như trước đây.
Một vấn đề rất quan trọng nữa trong việc phòng ngừa các bệnh lây lan qua đường hô hấp của các nhân viên văn phòng là phải vệ sinh hệ thống lạnh của văn phòng thường xuyên. Nếu có điều kiện, nên sử dụng hệ thống lạnh có đối lưu tốt, độ lạnh vừa phải và có khả năng sát khuẩn tốt. Tuy nhiên, do hệ thống này có giá thành khá cao nên các chủ đầu tư thường khó chấp nhận.
Nên giữ đủ ấm và vận động thường xuyên
Để phòng tránh các bệnh về văn phòng, chúng tôi thường khuyên những người đến khám bệnh nên giữ ấm khi làm việc trong môi trường lạnh thường xuyên như vậy. Họ có thể mặc thêm áo vest, đi tất để giữ chân cho ấm. Khi bị bệnh về đường hô hấp nên chủ động xin nghỉ vì bản thân mình và vì tránh lây lan cho đồng nghiệp.
Một việc nữa cũng khá quan trọng là không nên làm việc quá lâu, khoảng 30 phút nên nghỉ ngơi, thư giãn hay đi lại và làm một vài động tác thể dục ngay tại nơi làm việc. Thời gian thư giãn, nghỉ ngơi hay vận động nên kéo dài từ 5 - 10 phút.
Một vấn đề rất quan trọng nữa là nên trao đổi với sếp về cường độ làm việc. Nên duy trì ở mức độ vưà phải hợp với đồng hồ sinh học của mỗi người và nhất là phải có kế hoạch làm việc hợp lý. Tránh chạy theo thành tích hay chỉ để vừa lòng một số người.

PGS.TS. NGUYỄN HOÀI NAM

Công dụng chữa bệnh bất ngờ từ khoai lang

Khoai lang là món ăn dân dã, dễn kiếm. Nhưng nên xem thường món ăn này bởi chúng có khả năng điều trị sức khỏe của chúng ta rất tuyệt vời.
Trong khoai lang có protein, glucid, nhiều tinh bột, ít đường khử, sterol, chất nhựa, sinh tố B1, B2, C, acid nicotinic, Ca, Mn, P, Fe, K, I,... Thân và lá khoai lang còn chứa chất nhựa, acid fumaric, acid succinic và một số acid amin... Theo Đông y, khoai lang vị cam bình, vào tỳ, thận. Có tác dụng kiện tỳ, ích khí, hòa vị, sinh tân, thông tiện. Dùng cho các trường hợp tỳ vị hư nhược (đái tháo đường, táo bón, quáng gà, vàng da...). Hằng ngày có thể dùng 16 - 500g dưới dạng luộc, hầm, nướng.
Một số cách dùng khoai lang làm thuốc
Nhuận tràng: củ khoai rửa sạch, gọt bỏ vỏ, xay (giã) nhỏ, thêm ít nước sôi, khuấy đều. Uống 1 bát vào buổi sáng. Chữa táo bón. Dùng 3 - 7 ngày đến khi hết táo bón. Hoặc dùng 100 - 150g lá tươi luộc ăn hàng ngày.
Chữa đái tháo đường: lá khoai lang tươi 150g, bí đao 50g. Lá khoai rửa sạch, bí đao gọt vỏ, thái miếng. Nấu canh ăn trong ngày.
Phụ nữ băng huyết: lá khoai lang tươi 100 - 150g, giã nát, cho ít nước sôi, ép nước uống.
Trị mụn nhọt, chín mé: lá và ngọn non 1 nắm nhỏ, muối ăn 1 nhúm. Rửa sạch khoai, giã nát với muối. Đắp lên chỗ bị nhọt hay chín mé.
Công dụng chữa bệnh bất ngờ từ khoai lang
Món ăn bài thuốc có khoai lang
Cháo kê khoai lang: khoai lang 60g, kê 50g. Khoai lang gọt vỏ, thái lát; kê xay bỏ vỏ; nấu cháo, ăn bữa sáng. Dùng cho bệnh nhân đái tháo đường, tỳ vị hư nhược.
Cháo gạo khoai lang: khoai lang đỏ (tươi) 200g, gạo tẻ 100g. Khoai rửa sạch, gọt vỏ, thái miếng. Nấu với gạo thành cháo, thêm đường trắng đảo đều. Dùng cho bệnh nhân quáng gà, thị lực giảm.

Công dụng chữa bệnh bất ngờ từ khoai lang

Khoai lang nấu canh: khoai lang vàng (kim thự) 100 - 150g, rửa sạch, thái miếng. Nấu canh ăn hoặc thêm 50g gạo tẻ, nấu cháo. Dùng cho bệnh nhân viêm gan vàng da sốt nóng.
Khoai lang nấu canh hoặc nấu cháo với dấm ăn: khoai lang 100 - 150g, rửa sạch, thái miếng. Nấu canh hoặc nấu cháo với 300ml nước dấm. Dùng cho bệnh nhân phù nề.
Bột khoai: bột khoai lang hòa nước sôi hoặc nấu chín thêm đường. Dùng cho người bệnh khô miệng đau họng.
Khoai lang hầm cá bống (hoặc cá quả): khoai lang 500g, cá quả 1 con (500g), nghệ 1 củ (20g). Khoai rửa sạch, thái miếng, cá đánh vảy, mổ bỏ ruột, nghệ giã nát. Cho vào nồi hầm kỹ. Dùng cho sản phụ bị suy nhược.
Kiêng  kỵ: Người có thực tích, đầy ợ hơi nên hạn chế ăn khoai lang.

TS. Nguyễn Đức Quang

Cẩn trọng: 3 món tẩm bổ nhưng có thể gây độc chết người

Gần đây, tại nhiều địa phương trên cả nước đã xảy ra những vụ ngộ độc từ những thực phẩm có độc tố từ tự nhiên. Những loại ngộ độc hay gặp ở khoa cấp cứu của các bệnh viện cho dù đã được cảnh báo rất nhiều về độc tính của những loại “thực phẩm” này, đó là củ ấu tầu, thịt cóc và cá nóc.
1. Củ ấu tầu
Củ ấu tàu, còn gọi là củ gấu tàu, là rễ củ của cây ô đầu Việt Nam.Ô đầu được xếp vào loại thuốc rất độc (bảng A).Độc tố có trong ô đầu là aconitin. Độc tính của aconitin rất mạnh, chỉ cần một liều từ 0,02 - 0,05mg cho 1kg thể trọng là có thể gây tử vong.
Trong Đông y, ấu tầu được dùng ngâm rượu để xoa bóp khi bị đau nhức, tê mỏi chân tay. Thường chỉ dùng làm thuốc uống khi đã qua chế biến cẩn thận và được dùng với liều nhỏ, theo chỉ định và có sự theo dõi thận trọng của thầy thuốc. Tây y dùng làm thuốc ho, chữa chứng ra mồ hôi nhiều.
Nguy cơ bị ngộ độc khi uống rượu ngâm củ ấu tầu (chỉ dùng để xoa bóp), khi dùng quá liều chỉ định của thầy thuốc, khi ăn những thức ăn có củ ấu tầu chế biến chưa đúng cách.
Sau khi ăn, aconitin ngấm rất nhanh qua niêm mạc dạ dày, ruột để vào máu gây nên các triệu chứng như tê miệng lưỡi, nói khó, tê mỏi chân tay, chuột rút, đau đầu, nhìn mờ, buồn nôn, nôn,tiêu chảy, nặng hơn có thể liệt cơ hô hấp, loạn nhịp tim và nếu không được điều trị kịp thời bệnh nhân sẽ tử vong.
Khi có biểu hiện ngộ độc củ ấu tầu, có thể gây nôn nếu bệnh nhân còn tỉnh táo, sau đó nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để theo dõi xử trí. Tuyệt đối không nên giữ bệnh nhân ở nhà điều trị bằng các thuốc chữa rõ nguồn gốc vì như thế rất nguy hiểm do bệnh nhân có thể tử vong nhanh chóng do liệt cơ hô hấp hoặc loạn nhịp tim.
2. Thịt cóc
Theo quan niệm dân gian, thịt cóc rất bổ dưỡng, được dùng làm thực phẩm bổ dưỡng cho người già; hỗ trợ, tăng cường dinh dưỡng sau ốm dậy; hỗ trợ điều trị trẻ em suy dinh dưỡng, chán ăn, chậm lớn, còi xương, cam tích, lở ngứa… dưới dạng ruốc, bột hoặc thịt tươi dùng để nấu cháo, làm chả cóc... Tuy nhiên, trong cơ thể cóc có chứa nhiều chất độc trong đó chất độc chủ yếu là bufotoxin. Chất này có rất nhiều trong nhựa, da, gan, trứng cóc nên khi làm thịt cóc, chỉ một lượng nhỏ bufotoxin dính vào thịt, người ăn phải là có thể bị ngộ độc. Các biểu hiện của ngộ độc cóc bao gồm khó chịu, mệt mỏi, đầy bụng, chướng hơi, buồn nôn… nhưng nguy hiểm nhất là rối loạn nhịp tim. Nặng hơn nữa bệnh nhân có thể trụy mạch, tổn thương đa cơ quan và tử vong.
Cẩn trọng: 3 món tẩm bổ nhưng có thể gây độc chết người
Cơ thể cóc chứa nhiều độc tố.
Đề phòng ngừa ngộ độc thực phẩm do cóc: Tốt nhất và an toàn nhất là không ăn cóc và sản phẩm tự chế biến từ cóc. Nhưng nếu vẫn muốn sử dụng cóc làm thực phẩm thì tuyệt đối không ăn trứng và gan cóc. Trong quá trình chế biến, tuyệt đối không để  da cóc, nội tạng cóc, nhựa cóc lẫn vào cơ cóc hay thịt cóc.
3. Cá nóc
Cá nóc là một loài cá sống nhiều tại vùng biển một số nước như Việt Nam, Nhật Bản… Chất độc chính trong cá nóc là chất tetrodotoxin.Chất này có mặt trong hầu hết các bộ phận của cá nóc nhưng hàm lượng rất cao trong trứng, ruột, gan, phần thịt bụng cá và tetrodotoxin cũng tăng lên gấp nhiều lần vào mùa cá sinh sản. Tetrodotoxin có đặc tính bền vững với nhiệt độ cao nên không bị phân hủy khi nấu chín vì vậy khi ăn cá nóc đã nấu kỹ vẫn có thể bị ngộ độc.
Triệu chứng ngộ độc cá nóc xuất hiện sau khi ăn cá khoảng 2 - 3 giờ, có thể sớm hơn nếu ăn khi dạ dày trống khi đói, ăn một lượng cá lớn có nhiều chất độc hoặc uống kèm rượu bia… Ban đầu, bệnh nhân thấy tê bì miệng, lưỡi, đầu chi, cảm giác kiến bò, dị cảm, buồn nôn, nôn, hoa mắt chóng mặt sau đó xuất hiện đồng tử giãn, yếu cơ, liệt cơ và sẽ tử vong nhanh chóng do chất độc gây liệt cơ hô hấp. Mức độ nặng nhẹ của ngộ độc phụ thuộc lượng độc chất có trong từng loại cá, vào thời điểm ăn cá nóc (cá nóc có nhiều độc tố hơn ở mùa sinh sản), bệnh nhân ăn nhiều hay ít cũng như ăn khi đói, no hoặc có kèm rượu bia hay không.
Cẩn trọng: 3 món tẩm bổ nhưng có thể gây độc chết người
Cá nóc
Hiện việc điều trị ngộ độc cá nóc vẫn chỉ dừng ở mức xử lý triệu chứng, chưa có chất kháng độc đặc hiệu với tetrodotoxin nên để phòng tránh ngộ độc cá nóc tốt nhất là không nên ăn chúng khi chưa rõ độc tính. Trường hợp không may bị ngộ độc, nên tiến hành các biện pháp sơ cứu như gây nôn sau đó chuyển nhanh bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị tích cực.

Tiến sĩ, Bác sĩ Vũ Đức Định

Các loại thực phẩm cực tốt cho thính lực

Có thể  nhiều người thấy ngạc nhiên khi nghe nói một số loại thực phẩm ăn vào sẽ có tác dụng tốt, bảo vệ được đôi tai và thính giác, ngăn chặn sự tiến triển các tổn thương thính lực
Các nhà khoa học đã chứng minh rằng, những khoáng chất, vitamin, chất chống oxy hóa và chất dinh dưỡng có trong các thực phẩm đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc duy trì khả năng nghe của con người.
Tai của chúng ta rất nhạy cảm. Nhờ đôi tai, chúng ta có thể khám phá thế giới qua  sóng âm thanh bắt được ở xung quanh. Bộ não con người tạo ra bản đồ âm thanh giúp chúng ta nhận biết được cuộc sống hiện tại. Nhưng nếu tiếp xúc quá nhiều với những âm thanh chói tai hay tiếng ồn liên tục có thể làm hỏng các bộ phận thính giác. Đến tuổi già, nhiều người không còn nghe rõ hoặc điếc hẳn do các tế bào thính giác bị chết hoặc bị mất chức năng hoạt động. Một số thực phẩm sau rất tốt cho sự phát triển của thính lực.
Các thực phẩm giàu Kali như: chuối, mơ, dưa hấu, cam, và rau chân vịt.
Mức kali trong cơ thể sẽ bị giảm khi chúng ta già đi. Tai đặc biệt nhạy cảm với sự sụt giảm này bởi kali đóng vai trò lớn trong cách thức các tế bào  tương tác ở tai trong. Các loại thực phẩm có chứa kali giúp cơ thể chống lạị sự lão hóa các cơ quan thính giác, thậm chí có thể giúp ngăn chặn tiếng ồn liên quan đến việc  mất thính lực.
Các loại thực phẩm cực tốt cho thính lực
Thực phẩm chứa nhiều Folate
Folate đã được chứng minh có tác dụng làm chậm lại sự lão hóa của cơ quan thính giác do tuổi tác. Loại  vitamin nhóm B này từ lâu đã được biết đến như một thần dược trong ngăn ngừa dị tật bẩm sinh và đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe trong suốt cuộc đời bạn. Folate tan trong nước và không được lưu trữ tốt trong cơ thể, vì vậy bạn phải bổ sung  hàng ngày từ thực phẩm.
Folate có trong bông cải xanh, măng tây, rau chân vịt (rau bina) và các loại rau lá xanh khác, đậu lăng, đậu, bơ. 

Các loại thực phẩm cực tốt cho thính lực
Rau chân vịt (rau bina)
Thực phẩm có Vitamin C và E
Hai loại vitamin này hoạt động như một chất chống oxy hóa bảo vệ các tế bào khỏi tác hại của gốc tự do. Vitamin E khôi phục lại các mạch máu và dây thần kinh xung quanh tai trong khi vitamin C tăng cường chức năng miễn dịch để chống lại nhiễm trùng tai. 
Vitamin C có nhiều trong trái cây họ cam quýt, các loại thảo mộc tươi, ổi, và dâu tây. Vitamin E có trong quả hạnh, hạt hướng dương, rau lá xanh, xoài, và dầu ô liu. Loại thực phẩm giàu cả hai loại vitamin này là ớt chuông, bông cải xanh, kiwi, đu đủ. 
Các loại thực phẩm cực tốt cho thính lực
Quả đu đủ
 Vitamin D
Loại vitamin này rất hiếm thấy trong thực phẩm tự nhiên nhưng lại rất quan trọng đối với  sức khỏe cũng như nhiều cơ quan nội tạng. Nó đóng vai trò  kiểm soát cân nặng để hình thành xương. Gần đây vitamin D được biết đến  trong công tác phòng chống mất thính lực. Vitamin D có đặc tính kháng viêm và tăng cường xương nhỏ trong tai.
Người ta lấy vitamin D cho cơ thể từ ánh sáng mặt trời, nấm, vi tảo và địa y. Để cung cấp đủ lượng vitamin D bạn cần, hãy dành mỗi ngày vài phút tắm nắng.
Các thực phẩm giàu Omega 3 axit béo
Omega 3 là chất béo có lợi cho sức khỏe được tìm thấy trong nhiều loại hạt, ngũ cốc, đậu, và các loại dầu. Những chất béo này làm giảm chứng viêm gây tổn thương biểu  mô và rất có lợi cho hệ tim mạch. Omega 3 cũng rất hiệu quả trong việc phòng chống điếc do tuổi tác.
Omega 3 có nhiều trong hạt quả óc chó, đậu, dầu ô liu, dầu dừa.
Các loại thực phẩm cực tốt cho thính lực
Quả óc chó
Các thực phẩm chứa Magiê
Khoáng chất này giúp chúng ta đối phó với sự căng thẳng và đã được chứng minh trong vai trò làm tăng mẫn cảm thính giác, giảm ù tai, và ngăn ngừa mất thính lực.  Có rất nhiều loại thực phẩm giàu magiê như hạnh nhân, gạo nâu, rau lá xanh, atisô, lúa mạch, quả hạch Brazil, các loại đậu và hạt bí ngô.
Các loại thực phẩm cực tốt cho thính lực
Hạt bí ngô
Các loại thực phẩm chứa Vitamin B12
Đối với người ăn chay sẽ gặp khó khăn hơn trong việc bổ sung B12 vì loại vitamin này chỉ có một lượng  nhỏ trong các sản phẩm hữu cơ, sau khi vào cơ thể được tạo ra trong ruột nhờ  vi khuẩn có ích. Thiếu hụt vitamin B12 có thể dẫn đến mất thính lực. Ngoài ra B12 được tìm thấy trong các loại rong biển.
Các loại thực phẩm cực tốt cho thính lực
rong biển


Mai Hương - Học viện Quân y (theo Food for hearing) 

7 thói quen cải thiện trí nhớ

Bệnh sa sút trí tuệ nguy hiểm không kém gì những căn bệnh khác nên việc phòng tránh là rất quan trọng. Trong đó, 7 khuyến cáo dưới đây được xem là “kim chỉ nam” đã được chứng minh qua các nghiên cứu khoa học.
1. Duy trì cuộc sống vận động, năng luyện tập
Đối với nhóm người trên 50 tuổi, duy trì cuộc sống vận động không chỉ tốt cho sức khỏe thể chất mà còn tốt cả cho sức khỏe tinh thần, giúp cải thiện trí nhớ. Theo nghiên cứu do các chuyên gia ĐH Texas - Dallas, Mỹ, thực hiện và công bố cuối năm 2013 thì chỉ sau 6 tuần luyện tập, tâm tính của nhóm người trên 50 đã được cải thiện rõ rệt so với nhóm tĩnh tại, ít vận động. Tần suất mỗi tuần tập 3 lần, mỗi lần dài 1 giờ, như đi xe đạp, đi bộ nhanh tại chỗ, hay chạy bộ trên máy.
2. Sử dụng rượu vang điều độ
Để cải thiện trí nhớ ở nhóm người trung cao tuổi mỗi bữa nên uống 1 chén rượu vang nhỏ hay một cốc bia, nhưng chỉ nên dùng trong giới hạn có lợi, không được lạm dụng sẽ phản tác dụng. Theo một nghiên cứu gần đây ở nhóm người đàn ông trung tuổi, các nhà khoa học phát hiện thấy, nếu uống trên 2 bữa rượu/ngày sẽ gây giảm trí nhớ và nhận thức ngay sau 6 tuần dùng rượu, trong khi đó những người uống rượu điều độ lại có tác dụng ngược lại. Ngoài ra, uống rượu vang điều độ còn tác dụng giúp ăn ngon miệng và giúp máu lưu thông tốt.
3. Không nên bỏ qua giấc ngủ trưa
Theo nghiên cứu của các chuyên gia ở ĐH Y khoa Havard Mỹ, giấc ngủ trưa chất lượng không kém gì đồ ăn thức uống, nó giúp giảm căng thẳng, lo âu, cải thiện tâm trí, giảm ngáp vặt và giúp con người minh mẫn hơn. Ngay cả những người trẻ tuổi, học sinh - sinh viên nếu được ngủ trưa thì chất lượng học tập thông qua kết quả bài thi cũng sẽ tốt hơn so với nhóm không ngủ. Đặc biệt, ở nhóm người trung cao niên giấc ngủ còn giúp củng cố trí nhớ, ít lú lẫn hơn so với nhóm người không ngủ trưa.
Những trải nghiệm mới như đi du lịch góp phần tăng cường trí nhớ
Những trải nghiệm mới như đi du lịch góp phần tăng cường trí nhớ
4. “Đa dạng hóa” cuộc sống
Theo nghiên cứu của Dịch vụ y tế Quốc gia Anh (NIH), việc đa dạng hóa cuộc sống, phát huy tính sáng tạo, phá bỏ thói quen nhàm chán sẽ có tác dụng giúp não trẻ hóa, nhớ được nhiều thông tin hơn và làm chậm quá trình lão hóa ở người già. Rất đa dạng như ăn uống đa dạng, không nên áp dụng thực đơn ngày nào cũng giống ngày nào giao tiếp cộng đồng, thử nghiệm một sở thích mới, đi du lịch cho đến tham gia những môn thể thao mới lạ. Tất cả, ai cũng có thể làm được, miễn là kiên trì và chịu khó. Tiếp xúc với môi trường mới cũng là liều thuốc tốt giúp não trẻ hóa và cập nhật được nhiều thông tin bổ ích.
5. Tăng cường thực đơn rau xanh, trái cây
Một có thể khỏe mạnh là ccơ thể khỏe cả về  thể chất lẫn tinh thần. Theo nghiên cứu của ĐH Y khoa Harvard, Mỹ, dài 25 năm thì những phụ nữ có thói quen ăn nhiều rau xanh trái cây, đặc biệt rau xanh dạng lá ít bị suy giảm trí nhớ hơn so với nhóm ít ăn nhóm thực phẩm này. Lý do, giàu hóa chất phytochemicals, có tác dụng kích thích tế bào não hoạt hóa như rau bina, cải xoăn, tỏi tây, súp lơ và bắp cải...
6. Thủ thuật ngồi thiền
Để giúp trí nhớ minh mẫn, con người phải có cuộc sống vô tư, thoải mái, không có áp lực, căng thẳng hay trầm cảm. Để làm giảm stress nên áp dụng liệu pháp ngồi thiền, dưỡng sinh. Theo nghiên cứu của ĐH California, Mỹ thì mỗi tuần ngồi thiền 45 phút, trí nhớ con người sẽ được cải thiện ngay sau 2 tuần luyện tập. Các nhà khoa học gọi đây là phương pháp chánh niệm, rất đơn giản, chi phí thấp và dễ luyện tập như: thở sâu, lắng nghe âm thanh và thư giãn...
7. Dùng nhóm đồ uống có lợi cho tâm trí
Ngoài rượu vang, nhóm đồ uống khác như chè, cà phê uống vào buổi sáng cũng có tác dụng kích thích trí nhớ. Theo nghiên cứu của ĐH Johns Hopkins, Mỹ, cà phê có tác dụng gợi lại và lưu giữ thông tin rất hiệu quả. Cụ thể, những người dùng dưới 200mg caffein (hợp chất có trong cà phê và các đồ uống khác) tương đương 1 - 2 tách cà phê thì kết quả các bài kiểm tra tốt hơn so với nhóm dùng giả dược (placebo Pill) hay còn gọi là thuốc vờ. Với kết quả nghiên cứu trên, giới ẩm thực khuyến cáo nhóm người trung cao niên không nên bỏ qua đồ uống này, nhưng chỉ nên dùng với liều lượng thích hợp, không được lạm dụng, và nên dùng buổi sáng sẽ phát huy được tác dụng cao nhất.
KHẮC NAM (Theo Health P)

Tại sao bệnh thần kinh lại gây đau khớp?

Có một số bệnh thần kinh, trong quá trình phát bệnh xảy ra các triệu chứng về khớp như: viêm, tràn dịch, thoái hóa, biến dạng khớp... Đây không phải là bệnh khớp xảy ra cùng lúc với bệnh thần kinh, mà chỉ là hậu quả của các tổn thương thần kinh gây nên. Hầu hết những triệu chứng về khớp thường xuất hiện muộn ở bệnh nhân có bệnh thần kinh, nhưng cũng có ít trường hợp triệu chứng khớp lại xuất hiện sớm, là dấu hiệu đầu tiên, nên dễ nhầm là bệnh khớp mà bỏ qua bệnh thần kinh.
Tổn thương khớp trong bệnh Charcot - Marie - Tooth.
Tổn thương khớp trong bệnh Charcot - Marie - Tooth.
Bệnh thần kinh nào có biểu hiện ở khớp?
Bệnh thần kinh có biểu hiện khớp được mô tả sớm nhất là bệnh Tabès (giang mai thần kinh) do Charcot mô tả lần đầu từ năm 1868. Ngày nay, y học đã biết nhiều bệnh thần kinh có biểu hiện ở khớp, gọi chung là nhóm bệnh khớp do thần kinh, gồm: bệnh Tabès; séringomyélie (bệnh rỗng ống tủy), bệnh Charcot - Marie - Tooth; Các bệnh thần kinh: chấn thương tủy sống, thoát vị màng não tủy, liệt nửa người, liệt 2 chi dưới, bệnh đái tháo đường và bệnh phong.
Biểu hiện khớp của các bệnh thần kinh
Đau khớp chỉ là những biểu hiện của bệnh thần kinh nên các đặc điểm về giới tính và tuổi của bệnh nhân cũng tùy thuộc vào bệnh chính. Các triệu chứng ở khớp thường xuất hiện sau các triệu chứng thần kinh từ vài tháng đến nhiều năm, rất ít khi có cùng một lúc hoặc đi trước, nên nếu không chú ý, bệnh nhân tưởng là bị thêm bệnh khớp. Tổn thương khớp bao giờ cũng ở cùng với vùng có tổn thương thần kinh trước đó. Thường gặp thể chỉ có một khớp hay vài khớp bị đau, ít khi thấy đau đa khớp. Các khớp đau có thể đối xứng hoặc không đối xứng.
Biểu hiện đau khớp bằng 2 dạng: Một là, viêm cấp tính hoặc mạn tính như sưng, nóng, đỏ, đau, có dịch trong khớp. Nhưng thường đau ít hoặc không đau, đây là một tính chất đặc biệt của bệnh khớp do thần kinh. Hai là: tổn thương thoái hóa, biến dạng tiến triển từ từ tăng dần, ít đau. Đó là hậu quả của những tổn thương loạn sản, loạn dưỡng ở đầu xương, sụn khớp, dây chằng và bao khớp. Trên thực tế chúng ta thấy khớp của bệnh nhân có những hình dạng bất thường và nhất là có những động tác bất thường như lỏng lẻo khớp. Viêm cấp thường kéo dài một thời gian, sau đó khỏi rồi lại tái phát. Hầu hết các ca bệnh diễn biến từ từ tăng dần, khớp biến dạng dần, khả năng vận động càng giảm nhưng rất ít khi dẫn đến dính khớp. Bệnh có thể có các biến chứng như: nhiễm khuẩn khớp, gãy xương tự nhiên, chảy máu trong khớp, chèn ép mạch máu hoặc thần kinh, sai khớp hoàn toàn.
Xét nghiệm máu và dịch khớp không thấy gì đặc biệt. Chụp phim Xquang có các hình ảnh tổn thương xơ hóa đậm đặc đầu xương, đầu xương biến dạng do những tổn thương phối hợp vừa khuyết vừa mọc thêm, vôi hóa phần mềm quanh khớp, hình ảnh gai xương, gãy xương...
Tại sao bệnh thần kinh lại gây đau khớp?
Các nhà khoa học đã dày công nghiên cứu và cho biết những tổn thương ở khớp do các bệnh thần kinh, có thể giải thích bằng hai cơ chế như sau:
Thứ nhất là vai trò dinh dưỡng: do tổn thương thần kinh (nhất là ở phần tủy) gây nên những rối loạn thần kinh thực vật, thần kinh vận mạch, những rối loạn này làm thay đổi dinh dưỡng của đầu xương và bao khớp, đưa đến tình trạng loạn sản làm thay đổi cấu trúc và hình dạng của khớp.
Thứ hai, do tác nhân cơ giới: các bệnh thần kinh là nguyên nhân gây bệnh khớp thường gây mất cảm giác sâu (như bệnh giang mai thần kinh, rỗng ống tủy...) hoặc co cứng gân, cơ, dây chằng (vì liệt bó tháp...). Vì vậy khi vận động, bệnh nhân thường không giữ được tư thế cố định cân bằng, mất các phản ứng tự vệ của khớp đối với các tư thế xấu, có hại. Tình trạng này kéo dài, các động tác, tư thế có hại tác động như những vi chấn thương làm cho khớp bị thoái hóa và di lệch biến dạng dần.
Điều trị và phòng bệnh
Việc điều trị phải tùy theo thể bệnh và mức độ tổn thương khớp. Nếu đang trong thời kỳ viêm cấp: phải dùng thuốc chống viêm, tiêm hydrocortison tại chỗ, để chi bệnh ở tư thế cơ năng. Nếu là thể kéo dài: cần tránh va chạm, tránh vận động nhiều và mạnh, cố định ở tư thế cơ năng nếu tổn thương nặng. Phẫu thuật làm dính khớp áp dụng trong trường hợp khớp quá lỏng lẻo không vận động được. Điều trị nguyên nhân tức là điều trị bệnh thần kinh gây đau khớp như: điều trị bệnh giang mai, đái tháo đường, chấn thương chèn ép...
Biểu hiện khớp của các bệnh thần kinh, không phải là bệnh khớp xảy ra cùng lúc với bệnh thần kinh, mà chỉ là hậu quả của các bệnh thần kinh gây nên. Vì vậy muốn phòng tránh tổn thương khớp, chủ yếu phải phòng tránh bệnh thần kinh. Đồng thời khi đã phát hiện các bệnh thần kinh là nguyên nhân gây tổn thương khớp thì cần điều trị sớm và tích cực để bệnh không tiến triển đến giai đoạn đau khớp. Trong các bệnh là nguyên nhân gây đau khớp có bệnh giang mai, khi đến giai đoạn giang mai thần kinh sẽ gây đau khớp. Do đó cần phòng tránh giang mai bằng các biện pháp quan hệ tình dục an toàn để tránh lây giang mai; khám chẩn đoán sớm và điều trị triệt để bệnh giang mai từ giai đoạn đầu. Phòng tránh chấn thương tủy sống bằng các biện pháp bảo hộ lao động, đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông...

ThS. Trần Ngọc Hương

4 Công dụng tuyệt vời của nha đam

Bên cạnh đặc tính kháng khuẩn, nha đam còn chứa một hợp chất chống viêm có tác dụng làm dịu triệu chứng khó tiêu do axit, diệt vi khuẩn đường miệng - vốn khiến hơi thở có mùi.
Nha đam là loài thực vật phổ biến nhất thuộc chi lô hội, có nguồn gốc từ châu Phi và vùng Trung Đông. Chúng nổi tiếng với các công dụng chữa bệnh, được sử dụng hàng nghìn năm nay để điều trị rất nhiều tình trạng bệnh lý, từ dị ứng da, mụn rộp đến táo bón và tiểu đường. Loài cây thân nhầy và mọng nước này là một trong những loại dược liệu được sử dụng rộng rãi nhất trong suốt thế kỷ 18 và 19.
Lá nha đam chứa một nguồn dồi dào vitamin và khoáng chất chống lại bệnh tật. Đây cũng là thành phần phổ biến trong rất nhiều loại mỹ phẩm. Mới đây người ta còn phát hiện ra nhiều công dụng khác của nha đam như:
Dùng làm gel cạo râu
Nha đam là dược liệu tự nhiên thay thế cho các loại gel và kem hóa học được bán trong các tiệm thuốc. Loại cây này chứa khoảng 95% nước, giúp làm trơn bề mặt da, tạo cảm giác thoải mái và dễ chịu.
Trong thành phần nha đam còn chứa các enzim chống viêm, bảo vệ da khỏi nhiễm trùng khi bị trầy xước hoặc nốt mụn bị vỡ ra. Bên cạnh đó, nó giữ ẩm và nuôi dưỡng da, giúp da luôn mềm mại và trẻ trung. Đặc biệt, bạn có thể sử dụng gel nha đam nguyên chất để cạo râu hoặc kết hợp với một số thành phần khác như dầu hạnh nhân hoặc dầu bạch đàn cạo râu rất sạch sẽ và êm ái.
4 Công dụng tuyệt vời của nha đam
Điều trị hơi thở có mùi
Hơi thở có mùi (hôi miệng) là tình trạng phổ biến, ảnh hưởng đến khoảng 1/4 dân số thế giới. Mặc dù các loại kem đánh răng và nước súc miệng có thể giúp điều trị tình trạng này, song những thành phần hóa học thường không cho hiệu quả mong muốn.
Thay vào đó, bạn hãy dùng nha đam. Bên cạnh đặc tính kháng khuẩn, nha đam còn chứa hợp chất chống viêm gọi là beta-Sisterol, có tác dụng làm dịu triệu chứng khó tiêu do axit, diệt vi khuẩn đường miệng – một trong những nguyên nhân chính khiến hơi thở có mùi.
Nha đam không có tác dụng như nước súc miệng và kem đánh răng, nhưng khi dùng kết hợp với thuốc muối sẽ đem lại hiệu quả khử mùi tuyệt vời.
Tẩy trang
Không như các chất tẩy trang hóa học, gel nha đam là phương pháp tự nhiên và nhẹ nhàng để tẩy trang (kể cả những đường kẻ quanh mắt ở vùng da mỏng nhất). Bạn chỉ cần cho một ít gel vào bông gòn và nhẹ nhàng lau mặt. Liệu pháp này còn giúp cải thiện tình trạng mắt mệt mỏi và sưng húp.
Điều trị rám nắng
Nha đam có công dụng như một loại kem dưỡng ẩm, nhưng ít người biết loại thực vật này còn có công dụng chữa rám nắng. Do thuộc tính làm mát và dưỡng ẩm, nha đam giúp điều trị rám nắng rất hiệu quả. Bạn chỉ cần bôi gel hoặc dầu nha đam lên những nơi bị rám nắng. Chúng sẽ hoạt động như một lớp màng bảo vệ và bổ sung độ ẩm cho da. Các loại da nhờn thường phục hồi nhanh hơn da khô.
Theo VNExpress

Công dụng chữa bệnh tuyệt vời của quả dứa

Quả dứa (trái thơm) dùng làm thức uống giải nhiệt ngày nóng nực rất tốt. Nó còn dùng để chữa một số bệnh.
Quả dứa hay còn gọi là trái thơm, khóm… có nhiều loại khác nhau. Quả dứa thực ra là trục của bông hoa và các lá bắc mọng nước tụ hợp lại. Còn trái thật là các “mắt thơm”. Trong 100g quả dứa, phần ăn được cho 25kcal, 0,03mg caroten, 0,08mg vitamin B1, 0,02mg vitamin B2, 16mg vitamin C (thơm tây). Các chất khoáng là 16mg Ca, 11mg phospho, 0,3mg Fe, 0,07mg Cu, 0,4g protein, 0,2g lipid, 13,7g hydrat cacbon, 85,3g nước, 0,4g xơ.
Trong quả dứa có chứa enzyme bromelin hay bromelain, có thể phân hủy protein. Do vậy, quả dứa được sử dụng trong chế biến một số món ăn như: thịt bò xào, thịt vịt xào để giúp thịt nhanh mềm và tạo hương vị đặc trưng. Trong dân gian thường ướp các loại thịt dai, già với dứa hoặc xào cùng thịt, thịt sẽ được nhừ, ăn dễ tiêu.
Những công dụng
Đã có công trình nghiên cứu cho thấy enzyme của quả dứa có khả năng chữa bệnh tim do có thể làm tan máu tụ dẫn đến cơn đau tim. Có báo cáo trong 140 bệnh nhân mắc bệnh tim được điều trị bằng phương pháp này thì chỉ có 2% số người bị tử vong do lên cơn đau tim so với trước đó không dùng phương pháp này thì có tới 20% tử vong. Trong sách ở Việt Nam có hướng dẫn người bị cao huyết áp nên ăn thơm hàng ngày để lợi tiểu.
Mỗi ngày uống một cốc nước ép quả dứa hoặc ăn 1/2 quả thơm chín có thể thay thế được các loại thuốc chống đông (coumarin, warfarin…) vốn là những chất thường gây nhiều tác dụng phụ chảy máu (do đó tránh dùng thơm cho những người có các bệnh xuất huyết).
Mỗi ngày uống một cốc nước ép thơm hoặc ăn 1/2 quả thơm chín có thể thay thế được các loại thuốc chống đông
Mỗi ngày uống một cốc nước ép quả dứa hoặc ăn 1/2 quả dứa chín có thể thay thế được các loại thuốc chống đông
Các nghiên cứu vào các năm 1960 - 1970 đã xác định bromelin của quả dứa có đặc tính kháng phù và kháng viêm. Từ đó, vài công ty dược đã đưa ra các thực phẩm bổ sung có chứa chất chiết từ quả dứa để giải quyết viêm mô tế bào, làm tan các cục mỡ nổi cộm. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu nào xác định dứa có khả năng làm tan các khối mỡ không đẹp này. Bromelin giảm thiểu viêm xoang. Ở Đức, trẻ em bị viêm xoang thường được chữa trị bằng bromelin, chiết xuất từ trái thơm. Bromelin cho kết quả tốt, nó làm giảm thời gian bị bệnh (từ 8 ngày, còn 6 ngày). Bromelin dùng làm thuốc tẩy giun như một loại giun nhỏ, thường gặp ở trẻ em. Qua nghiên cứu của Hordegen P., bromelin cũng cho thấy kết quả tốt như Pyratel.
Quả dứa làm liền sẹo, một số enzyme của quả dứa làm mau lành các vết thương ở da hay các vết phỏng như chuột bị phỏng, khi dùng chất chiết xuất từ quả dứa giúp tiến trình làm sạch một vết thương sau 4 giờ, lấy đi các vật lạ và mô chết để không còn trở ngại nào cho vết thương lành lại. Bromelin còn làm giảm hiện tượng phù nề, các vết bầm tím trên da và giảm đau nhức.
Phụ nữ lập gia đình muộn hoặc sau khi sinh con thứ hai, ba, có vấn đề bất thường về kinh nguyệt nên dùng quả dứa làm nước giải khát, bởi thơm giàu magiê, giúp giảm lượng máu xuất huyết nhiều, hạn chế mất máu, tụt huyết áp.
Mới mổ hoặc sưng amiđan, ca sĩ giảm cường độ âm thanh nên ăn dứa chín hoặc uống nước giá ngày 2 lần (tối, sáng sớm) sẽ nhanh chóng lấy lại giọng.
Quả dứa tươi có tính kháng khuẩn, kháng virút cảm cúm, bôi trơn nhu động thành ruột, thanh lọc cholesterol nên giúp bài tiết các độc tố, chất thải thực phẩm ra khỏi đại tràng, chống viêm ruột cùng.
Dứa còn dùng để giải nhiệt mùa hè nóng nực, khô khan, mệt mỏi, khát nước, ăn không ngon miệng, khó ngủ trằn trọc, tiểu ít, nước tiểu đỏ khai. Cách dùng là ăn trái, uống nước quả dứa ép, hoặc nấu canh, xào với các món.
Vài cách trị bệnh từ trái thơm
Dứa được dùng trong các trường hợp viêm nhiệt, tiểu tiện khó khăn, đại tiện táo bón, sỏi thận, tiểu tiện có mủ.
Viêm thận: 60g quả dứa, rễ cỏ tranh tươi 30g, sắc uống thay nước hàng ngày.
Viêm phế quản: 120g quả dứa, mật ong 30g, lá tỳ bà 30g, sắc uống.
Sỏi thận: 1 quả dứa chín nguyên quả vỏ hoặc khoét ở cuống một lỗ nhỏ bằng ngón tay cho vào khoảng 7 - 8g phèn chua giã nhỏ rồi đậy lại. Đem quả dứa đó nướng chín trên than đỏ hoặc lùi vào lửa cho cháy xém hết vỏ, dứa chín mềm. Để nguội, ép lấy nước (bỏ bã) để uống. Mỗi ngày 1 trái.
Nam suy thận, nữ lãnh cảm uống ngày 3 lần nước dứa ép (150ml) với món súp gồm 100g chim câu, 15g hạt sen và 10 quả táo tàu đỏ hầm nhừ sau 30 phút. Ăn 3 lần ngày, liên tục 2 tuần.
Viêm ruột, tiêu chảy: lá dứa 30 gam sắc uống.
Cảm nóng phiền khát: 1 quả dứa giã nát lấy nước, hòa nước sôi để nguội uống.
Rối loạn tiêu hóa: 1 quả dứa, 2 quả quýt, ép lấy nước uống.
Những lưu ý
Cần lưu ý rằng quả dứa thích hợp hơn cho người trẻ khỏe và có thể hiện các chứng táo chướng do nhiệt. Ngược lại không dùng cho trường hợp do hư hàn thấp. Dân gian có câu nói: “Trái thơm (quả dứa) ngon miệng, nhưng mệt bụng”. Nghĩa là nếu bộ phận tiêu hóa có hư hàn thấp, hay gây đau bụng đi ngoài nhiều lần, lỏng nát, có bọt vàng thì không lạm dụng. Không nên ăn nhiều một lúc gây rát lưỡi, nên ăn lúc no để tránh cồn ruột. Ăn nhiều dứa không những gây rát lưỡi, xót môi mà do thơm cũnggiàu acid oxalic; nếuhàm lượng oxalic quá cao sẽ khiến cơ thể bị thiếu hụt canxi.
Khi say dứa (ngộ độc dứa), theo nhiều tác giả thì thủ phạm gây độc là do nấm độc Candida tropicalis thường có trên mặt đất ẩm. Nếu quả dứa bị dập nát thì nấm thâm nhập cả vào bên trong. Khi ngộ độc có các triệu chứng xuất hiện sau 30 phút đến 1 giờ sau khi ăn thơm. Nạn nhân thấy mệt mỏi, nhức đầu, chóng mặt, ngứa dữ dội khắp người sau đó thấy nóng bừng và nổi mẩn toàn thân, đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy, hạ huyết áp, khó thở. Trường hợp nhẹ sẽ tự khỏi sau 2 - 3 giờ.
Trường hợp nặng là tình trạng sốc dị ứng trụy tim mạch. Trường hợp nặng phải đi bệnh viện truyền dịch chống sốc. Theo kinh nghiệm dân gian khi chớm bị dị ứng thì phải tránh nước, gió lạnh mà phải ủ ấm và lấy khăn vải hơ nóng mà chườm lên chỗ mẩn ngứa, đồng thời cho uống nước sắc gồm vỏ quả dứa 100g với 20g cam thảo hoặc mộc nhĩ trong 3 bát nước (600ml) còn 1 bát (200ml).
Để phòng say dứa, ta chỉ ăn trái tươi, còn nguyên vẹn, không dập nát, ủng thối. Gọt mắt sâu cho hết và phải ăn ngay.

BS. HOÀNG XUÂN ĐẠI