Văn phòng Diện Chẩn Sống Khỏe_ Khu nhà 102 Ngõ 95 Chùa Bộc-Đống Đa-Hà Nội _ ĐT : 0906143408

Hướng dẫn lý thuyết và thực hành cơ bản cho những quí vị thực sự yêu thích Diện Chẩn . Hãy gọi cho chúng tôi để biết lịch .

Tư vấn sức khỏe , chẩn bệnh đưa ra phác đồ miễn phí.

Thứ Hai, 16 tháng 11, 2015

Ung thư vòm họng có còn là bệnh nan y?

Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ gây ung thư vòm họng
Thống kê năm 2012 cho thấy cứ 100.000 nam giới có khoảng 7,4 người bịung thư vòm họng (đứng hàng thứ tư trong các loại ung thư thường gặp ở nam giới), ở nữ tỷ lệ này là 4,8/100.000 nữ (đứng hàng thứ tám trong các loại ung thư thường gặp ở nữ giới).
Hiện nay có nhiều giả thuyết được đưa ra về nguyên nhân của ung thư vòm họng. Cũng giống như các bệnh ung thư khác thuộc đường hô hấp - tiêu hóa, hút thuốc lá - thuốc lào và sử dụng đồ uống có cồn (rượu, bia) được coi là một trong những yếu tố chính làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vòm họng. Bên cạnh đó, việc ăn nhiều những thức ăn lên men như dưa muối, cá muối khô... cũng đã được chứng minh là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Gần đây, ngày càng nhiều nghiên cứu chỉ ra mối liên quan của virus Ebstein-Barr (EBV) với bệnh ung thư vòm họng, trong đó những người bị nhiễm virus Ebstein-Barr từ nhỏ có thể xuất hiện đột biến ở các gien gây ung thư vòm và làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Nhiều giả thuyết về bất thường trong bộ gien di truyền cũng được đề cập khi các nhà khoa học quan sát thấy bệnh ung thư vòm họng xảy ra với tỷ lệ cao ở nhóm người vùng Đông Nam Á và Quảng Đông, Hồng Kông, Đài Loan (Trung Quốc), đồng thời một số trường hợp ung thư vòm họng có tính chất gia đình. Chính do những nguyên nhân như nhiễm virus EBV và nguyên nhân di truyền làm cho bệnh ung thư vòm họng có thể xuất hiện ở cả các lứa tuổi trẻ em và thanh thiếu niên, khác với đa số các ung thư khác thường chỉ xuất hiện nhiều ở người tuổi trung niên và người cao tuổi. Tuy nhiên, cần hiểu rõ rằng virus Ebstein-Barr thường bị nhiễm từ rất sớm trong những năm đầu đời, và hiện tượng một số ung thư vòm họng có yếu tố gia đình là do gien di truyền, còn bản thân bệnh ung thư vòm họng không thể bị lây nhiễm qua tiếp xúc trực tiếp giữa người bệnh và người lành, giữa những người trong gia đình, cũng như giữa người có nhiễm virus Ebstein-Barr và người chưa nhiễm virus.
Các biểu hiện sớm của ung thư vòm họng là gì?
Các triệu chứng sớm của ung thư vòm họng cụ thể như sau:
Ù tai một bên, tiếng ù thường trầm như tiếng còi tàu, hoặc có cảm giác nút kín lỗ tai, ù tự nhiên xuất hiện (trước đó không có ngã, chấn thương hay va đập gì vào vùng tai), kéo dài liên tục, có thể tăng dần, có thể kèm theo giảm nghe mức độ nhẹ cùng bên tai bị ù. Triệu chứng ù tai là do u chèn ép vào vòi tai gây tắc vòi tai và viêm tai giữa ứ dịch cùng bên u.
Chảy máu mũi, xì mũi lẫn máu hoặc chảy dịch mũi lẫn máu, máu có thể chảy ra ở cửa mũi trước, ít khi là máu tươi mà hay lẫn với dịch mũi, có thể không chảy ra cửa mũi trước mà người bệnh khịt xuống họng sau đó khạc ra dịch lẫn máu, dịch này trông lờ lờ như máu cá hoặc như nước rửa thịt. Lượng máu chảy mỗi lần thường ít nhưng triệu chứng này có thể tái phát nhiều lần. Chảy máu là do khối u bị hoại tử và vỡ một số mạch máu nhỏ.
Nhìn mờ, giảm thị lực một bên mắt, sụp mi, lác ngoài hoặc tự nhiên xuất hiện nhìn một thành hai. Triệu chứng này xuất hiện chứng tỏ khối u ở vòm họng chèn ép vào các dây thần kinh sọ số II, III, VI.
Nổi khối hạch to ở cổ, hạch điển hình thường nằm ở dưới tai hoặc sau góc hàm, cứng, chắc, ấn không đau.
Cần làm gì để phát hiện sớm ung thư vòm họng?
Khi thấy có ít nhất một trong các triệu chứng bất thường trên, bạn cần đi khám sớm tại chuyên khoa Tai Mũi Họng. Bác sĩ chuyên khoa sẽ hỏi bệnh, đánh giá tiền sử bệnh cũng như các yếu tố nguy cơ, sau đó sử dụng các dụng cụ thăm khám và phát hiện khối u. Khoảng 10 năm trở lại đây, thiết bị nội soi Tai Mũi Họng đã trở nên phổ cập ở Việt Nam (có thể được trang bị ở cả các tuyến huyện), vì vậy việc nội soi phát hiện sớm ung thư vòm họng trở nên dễ dàng và nhanh chóng hơn nhiều so với thời kì chưa áp dụng nội soi. Sau khi thăm khám, nếu nghi ngờ có khối u, bác sĩ sẽ tiến hành sinh thiết (dùng dụng cụ lấy một mảnh nhỏ của khối nghi ngờ u đem cắt, nhuộm và soi dưới kính hiển vi để tìm các tế bào ung thư). Thủ thuật sinh thiết vòm họng có thể tiến hành ngay tại phòng khám Tai Mũi Họng, vô cảm bằng gây tê tại chỗ. Nếu kết quả sinh thiết phát hiện có tế bào ung thư vòm họng, bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn làm thêm các xét nghiệm và thăm dò cần thiết (như xét nghiệm máu, chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ...) để xác định mức độ và giai đoạn của bệnh, từ đó tìm ra hướng điều trị phù hợp nhất.
Các phương pháp điều trị
Ung thư vòm họng có đặc điểm là tương đối nhạy cảm với điều trị xạ và hóa chất chống ung thư. Vì vậy, nếu bệnh được phát hiện ở giai đoạn sớm (khi tổn thương còn khu trú ở vòm họng, chưa di căn xa) và điều trị kịp thời, đúng phác đồ thì khả năng khỏi bệnh tương đối cao, tỷ lệ sống sau 5 năm có thể lên đến 70 - 90%.
Ở giai đoạn I, bệnh có thể được điều trị chỉ bằng xạ trị đơn thuần, với liều xạ 5 ngày/tuần, kéo dài từ 6 - 8 tuần liên tiếp. Hiện nay ở Việt Nam, bên cạnh những kỹ thuật xạ trị kinh điển (như xạ trị sử dụng nguồn tia Cobalt, xạ trị bằng máy gia tốc), nhiều trung tâm ung bướu ở các thành phố lớn đã triển khai các kỹ thuật xạ trị tiên tiến như: xạ trị mô phỏng ba chiều, xạ trị điều biến liều... Các kỹ thuật mới này cho tỷ lệ chữa khỏi bệnh cao, đồng thời làm giảm đáng kể tác dụng phụ của phương pháp xạ trị trên cơ thể người bệnh. Tuy nhiên do phải sử dụng nhiều trang thiết bị hiện đại, đắt tiền nên giá thành điều trị của các kỹ thuật mới này còn tương đối cao.
Ung thư vòm họng có còn là bệnh nan y?
Điều trị cho bệnh nhân ung thư vòm họng
Ở các giai đoạn sau, ung thư vòm họng thường được điều trị phối hợp cả xạ trị và truyền hóa chất. Phẫu thuật hiện chỉ được áp dụng cho những trường hợp khối u và/hoặc hạch cổ sót hoặc tái phát sau điều trị phối hợp hóa chất và xạ trị. Tuy nhiên ở giai đoạn bệnh đã tiến xa hoặc có di căn thì khả năng khỏi bệnh giảm thấp, tỷ lệ sống sau 5 năm dao động từ 10 đến 40%.
Bên cạnh các phương pháp điều trị kinh điển trên, hiện nay trên thế giới cũng như ở Việt Nam đang có nhiều nghiên cứu các phương pháp điều trị tiên tiến dựa trên các tiến bộ về miễn dịch học, sinh học phân tử, công nghệ gien... như điều trị bằng kháng thể đơn dòng, sử dụng thuốc điều trị trúng đích, sử dụng đồng vị phóng xạ gắn kháng thể đặc hiệu... với những kết quả bước đầu tương đối khả quan.
Phòng bệnh
Hiện nay, do chưa tìm được nguyên nhân chính xác nên chưa có khuyến cáo phòng bệnh đặc hiệu cho ung thư vòm họng. Nhiều nghiên cứu chỉ ra vai trò của virus Ebstein-Barr trong nguyên nhân gây bệnh, vì vậy đang có nhiều nghiên cứu phát triển vắc - xin phòng virus này, với hy vọng khi tiêm vắc - xin đặc hiệu sẽ làm giảm nhiễm EBV, từ đó giảm khả năng mắc ung thư vòm họng. Ngoài ra, mọi người đều có thể áp dụng các biện pháp phòng bệnh không đặc hiệu như: chế độ ăn uống sinh hoạt điều độ, không ăn quá nhiều các thực phẩm lên men như dưa muối, cá muối, hạn chế sử dụng thuốc lá thuốc lào và đồ uống có cồn; tích cực rèn luyện thể dục thể thao để nâng cao thể trạng. Khi có các biểu hiện bất thường ở Tai Mũi Họng như: ù tai một bên, xì mũi hoặc khịt khạc mũi lẫn máu, nổi hạch cổ... nên đi khám sớm tại chuyên khoa Tai Mũi Họng để được nội soi vòm họng loại trừ bệnh. Ngoài ra, ở những người có nguy cơ cao (nghiện thuốc lá thuốc lào, uống rượu bia nhiều, có người thân trong gia đình bị ung thư vòm họng...) có thể đi khám và nội soi vòm họng định kỳ 6 tháng một lần để tầm soát và phát hiện bệnh sớm.


Kháng thuốc: Vấn đề toàn cầu

“Thuốc kháng sinh - cẩn thận khi sử dụng” - là chủ đề của Chiến dịch toàn cầu về tuần lễ chống kháng thuốc thường niên do WHO khởi động trong nhiều năm. Chiến dịch này sẽ được khởi động lần đầu tiên từ 16 đến 22/11/2015.
Hệ lụy báo động của tình trạng kháng kháng sinh
Hiện tượng kháng kháng sinh (KKS) sẽ xảy ra một cách tự nhiên, song việc sử dụng không đúng cách kháng sinh ở người và động vật đang làm quá trình này diễn ra nhanh hơn. KKS đã và đang là một trong những mối nguy lớn nhất của sức khỏe thế giới ngày nay. Nó có thể xảy đến với bất kỳ ai, ở bất kỳ độ tuổi nào, bất kỳ quốc gia nào.Các cơ chế kháng thuốc mới được tạo ra và lan rộng trên toàn thế giới mỗi ngày, đe dọa khả năng chữa trị các bệnh truyền nhiễm thường gặp của chúng ta. Ngày càng có nhiều bệnh truyền nhiễm như: viêm phổi, lao phổi, nhiễm trùng máu và bệnh lậu... trở nên khó chữa hơn, thậm chí không thể chữa được, do kháng sinh trở nên kém hiệu quả hơn.
Kháng thuốc: Vấn đề toàn cầu
Ở các quốc gia nơi kháng sinh có thể mua mà không cần đơn thuốc, sự xuất hiện và lan rộng của KKS còn mạnh mẽ hơn. Cũng giống như vậy, ở các quốc gia không có một hướng dẫn điều trị bệnh chuẩn, các thuốc kháng sinh thường bị các bác sĩ kê một cách bừa bãi và bị cộng đồng lạm dụng.
Khi các thuốc kháng sinh dòng đầu tiên không còn khả năng chữa các bệnh truyền nhiễm, các loại thuốc thế hệ mới cần phải được sử dụng. Bệnh kéo dài hơn, phải chữa lâu hơn, thường là ở trong bệnh viện, làm gia tăng chi phí điều trị cũng như gánh nặng về kinh tế lên gia đình và xã hội, tăng nguy cơ tử vong... Chỉ trong khu vực EU, các vi khuẩn KKS ước tính gây ra 25.000 ca tử vong và gây tổn thất hơn 1,5 tỷ đô-la Mỹ mỗi năm vào các chi phí chăm sóc sức khỏe và mất sức lao động.
KKS đang đe dọa các thành tựu của y học hiện đại. Nếu không có các thuốc kháng sinh hiệu quả thì việc cấy nội tạng, hóa trị và các phẫu thuật như mổ lấy thai trở nên nguy hiểm hơn rất nhiều. Nếu không có biện pháp khẩn cấp, chúng ta chắc chắn sẽ bước vào kỷ nguyên hậu KKS, khi mà các bệnh truyền nhiễm và tổn thương nhẹ lại một lần nữa có thể gây chết người.
Vì vậy, thế giới cần phải nhanh chóng thay đổi phương pháp kê và sử dụng thuốc kháng sinh. Kể cả khi chúng ta phát triển ra các loại thuốc mới, nếu không thay đổi hành vi, kháng thuốc vẫn còn là một mối nguy hại nghiêm trọng. Thay đổi về hành vi bao gồm các hoạt động làm giảm sự lan truyền của các bệnh truyền nhiễm, như tiêm chủng, rửa tay và vệ sinh thực phẩm tốt.
Phòng chống và kiểm soát như thế nào?
Đối với cộng đồng có thể phòng bệnh truyền nhiễm bằng cách rửa tay thường xuyên, vệ sinh thực phẩm tốt, tránh tiếp xúc gần gũi với người mắc bệnh và tiêm chủng đúng lịch. Chỉ sử dụng kháng sinh khi được kê đơn bởi một chuyên gia y tế đủ tiêu chuẩn; Luôn dùng hết liều được kê và không dùng đơn thuốc kháng sinh của người khác...
Chuyên gia y tế và dược sĩ có thể phòng bệnh truyền nhiễm bằng cách đảm bảo tay, các dụng cụ y tế và môi trường đều sạch sẽ; tiêm chủng cho bệnh nhân đúng lịch; khi nghi mắc bệnh truyền nhiễm, cần phải nuôi cấy vi khuẩn và làm các xét nghiệm để khẳng định; chỉ kê đơn kháng sinh khi thực sự cần trong đúng khoảng thời gian cần thiết.
Các nhà quản lý có thể xây dựng một kế hoạch hành động quốc gia vững chắc nhằm vào KKS; cải thiện việc giám sát các bệnh truyền nhiễm đã phát hiện kháng kháng sinh; củng cố các biện pháp phòng chống và kiểm soát bệnh truyền nhiễm; kiểm soát và khuyến khích việc sử dụng đúng cách các loại thuốc đạt chuẩn; đưa thông tin về ảnh hưởng của KKS tới cộng đồng và có biện pháp khen thưởng việc phát triển các biện pháp điều trị, chẩn đoán và vắc-xin mới.
Ngành nông nghiệp có thể đảm bảo rằng các thuốc kháng sinh dùng trên động vật, bao gồm động vật nuôi lấy thịt và động vật cảnh, chỉ được sử dụng để chữa các bệnh truyền nhiễm và được giám sát bởi bác sĩ thú y; tiêm chủng cho động vật để làm giảm nhu cầu kháng sinh và phát triển các phương pháp thay thế thuốc kháng sinh ở thực vật; khuyến khích và thực hành các thói quen tốt ở tất cả các giai đoạn sản xuất và chế biến thực phẩm từ các nguồn động vật và thực vật; xây dựng các hệ thống bền vững, cải thiện vệ sinh, an ninh sinh học và giết mổ động vật nhân đạo; thực hành các tiêu chuẩn quốc tế về sử dụng thuốc kháng sinh một cách có ý thức, đặt ra bởi OIE, FAO và WHO.
Mặc dù một số loại kháng sinh mới đang được phát triển, nhưng không thuốc nào được mong đợi sẽ có hiệu quả với những loại vi khuẩn KKS ở dạng nguy hiểm nhất. Ngày nay cùng với sự phát triển và toàn cầu hóa, kháng thuốc là một vấn đề toàn cầu, đòi hỏi sự nỗ lực của tất cả các quốc gia.
Và phản ứng của WHO
Giải quyết vấn đề KKS là ưu tiên hàng đầu của WHO. Một kế hoạch hành động toàn cầu về kháng thuốc, bao gồm KKS được thông qua tại Hội nghị Y tế Thế giới tháng 5/2015. Mục đích của kế hoạch hành động toàn cầu là đảm bảo tiếp tục phòng và chữa các bệnh truyền nhiễm với các loại thuốc an toàn và hiệu quả. Kế hoạch hành động toàn cầu có 5 mục tiêu chiến lược: Nâng cao nhận thức và hiểu biết về kháng thuốc; Đẩy mạnh giám sát và nghiên cứu; Giảm các trường hợp nhiễm bệnh; Tối ưu hóa việc sử dụng các thuốc kháng sinh; Đảm bảo đầu tư bền vững vào chống kháng thuốc.
Để thực hiện mục tiêu “Nâng cao nhận thức và hiểu biết về kháng thuốc”, WHO đang dẫn đầu một chiến dịch toàn cầu, trong nhiều năm, với chủ đề: “Thuốc kháng sinh: cẩn thận khi sử dụng”. WHO đang hỗ trợ các quốc gia thành viên phát triển các kế hoạch hành động quốc gia riêng để giải quyết vấn đề kháng thuốc, phù hợp với các mục tiêu của kế hoạch toàn cầu.




Yoga giúp giảm đau do viêm khớp

Các nhà nghiên cứu tại trường Y Johns Hopkins (JHM) đã chỉ định thực hiện tập yoga 8 tuần cho 75 người trưởng thành bị một trong các dạng viêm khớp: viêm khớp dạng thấp hoặc thoái hóa khớp gối (viêm xương khớp ở đầu gối). Những người này đã tham gia hai lớp học kéo dài 1 tiếng và tự tập 1 lần/ tuần ở nhà.
Sau 8 tuần, các nhà nghiên cứu thấy cải thiện đáng kể về sự thoải mái thể chất, sức khỏe tinh thần, thể chất và sức sống nói chung ở những người tham gia. Nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng tập yoga có thể giúp giảm viêm ở các khớp. Mặc dù cỡ mẫu của của nghiên cứu JHM là nhỏ, nhưng phát hiện mới cho thấy ngay cả các tư thế yoga nhẹ nhàng cũng có thể làm giảm khó chịu hàng ngày.
Theo một trong các tác giả nghiên cứu PGS Susan J Bartlett thuộc ĐH Johns Hopkins và ĐH McGill, yoga có thể đặc biệt thích hợp cho những người bị viêm khớp vì nó kết hợp hoạt động thể chất với kiểm soát căng thẳng và kỹ thuật thư giãn và tập trung vào những chỗ đau để có thể tạo ra sự thay đổi dần dần.
Không giống các môn tập khác, yoga rất dễ tiếp cận: các lớp học chào đón mọi thành viên ở mọi mức độ và giáo viên sẽ chỉnh sửa tư thế cho người mới tham gia. Nếu bạn bị viêm khớp hoặc bất kỳ vấn đề nào khác hãy nói với người hướng dẫn để nhận được sự hỗ trợ nhiều nhất.

Bài tập tốt cho người đau thần kinh tọa

Theo Đông y bệnh đau dây thần kinh tọa dưới các tên: yêu cước thống, yêu thoái thống, tọa cốt thống... Đặc tính của bệnh đau thần kinh tọa là đau lan theo đường đi của dây thần kinh hông.  Trong quá trình điều trị dùng thuốc theo chỉ định của nhà chuyên môn, các bài tập vật lý trị liệu thông thường, giúp bệnh nhân bị đau thần kinh tọa mạn tính, tái đi tái lại nhiều lần, giảm cơn đau trong quá trình điều trị bệnh.
Bài tập tốt cho người đau thần kinh tọa
Đi bộ đúng cách rất tốt cho sức khỏe.
Một số  động tác bệnh nhân có thể tự tập:
- Trước hết nằm sấp và làm những động tác gồng cơ mông sau đó ngẩng đầu lên, xoay đầu sang trái, phải, trước, sau từ 2-6 cái. (Hình 1)
Bài tập tốt cho người đau thần kinh tọa
Hình 1.
- Bệnh nhân nằm ngửa, gập duỗi gối từng bên và 2 bên cùng lúc. Sau đó tay để sau gáy, nhấc đầu và vai lên. Tiếp theo nhấc từng chân lên, hạ xuống, làm từ 1-3 lần.
- Người bệnh quỳ, chống 2 tay và 2 gối. Sau đó, đưa từng chân lên, hạ xuống (Hình 2). Tiếp theo bệnh nhân quỳ một chân, mông ngồi trên bắp chân, bàn chân duỗi. Chân kia duỗi ra phía sau. 2 tay để 2 bên đầu gối chống xuống giường.
Bài tập tốt cho người đau thần kinh tọa
Hình 2.
- Bệnh nhân đưa 2 tay thẳng lên trời, 2 cánh tay ngang với 2 tay, thân ưỡn ra sau tối đa, hít vào tối đa, giữ hơi mở thanh quản bằng cách hít thêm, đồng thời dao động thân trên và đầu về phía trước, sau từ 2 - 6 cái. Sau đó, hạ tay chống xuống giường thở ra triệt để. Động tác này làm từ 1-3 lần.
Đối với người bệnh chân bị đau cần xoa chi dưới  bằng cách bệnh nhân ngồi, nếu chân trái đau thì hơi co đầu gối trái, chân phải thẳng, 2 bàn tay đặt trên đầu gối trái, xoa từ trên xuống dưới và phía bên cẳng chân, rồi xoa từ cổ chân lên đến mông phía sau từ 10-20 lần. Thở tự nhiên.
Đối với bệnh nhân bị thoái hóa cột sống, tốt nhất là nên đi bộ mỗi buổi sáng. Tùy theo thể trạng mà đi bộ với thời gian phù hợp. Lúc đầu có thể đi khoảng 20 phút, sau tăng lên 30-45 phút. Đi bộ có thể chống cứng khớp, làm dẻo dai cột sống.
Đối với người bệnh chân đau, nếu có điều kiện, tập động tác có sự hỗ trợ của của kỹ thuật viên hoặc người thân.  Tập cổ chân gồm 2 động tác: Động tác quay cổ chân, bệnh nhân nằm ngửa, kỹ thuật viên đứng bên cạnh phần cẳng chân, một tay giữ gót chân người bệnh, tay kia nắm phía đầu bàn chân quay cổ chân bệnh nhân 2-3 lần, rồi đẩy bàn chân vào ống chân để chân co tối đa, sau đó, duỗi bàn chân đến cực độ. Động tác lắc cổ chân, kỹ thuật viên đứng phía dưới, 2 tay ôm cổ chân bệnh nhân, 2 ngón cái để trên mắt cá trong và mắt cá ngoài; dùng gốc bàn tay đẩy đưa gót chân người bệnh vào trong, ra ngoài khoảng 2 - 3 lần.
Lưu ý, để bài tập đạt hiệu quả, người bệnh cần kiên trì, mỗi lần tập tối đa từ 30 - 45 phút.