Văn phòng Diện Chẩn Sống Khỏe_ Khu nhà 102 Ngõ 95 Chùa Bộc-Đống Đa-Hà Nội _ ĐT : 0906143408

Hướng dẫn lý thuyết và thực hành cơ bản cho những quí vị thực sự yêu thích Diện Chẩn . Hãy gọi cho chúng tôi để biết lịch .

Tư vấn sức khỏe , chẩn bệnh đưa ra phác đồ miễn phí.

Thứ Tư, 30 tháng 9, 2015

Điều trị viêm khớp dạng thấp không dùng thuốc

Điều trị viêm khớp dạng thấp bằng YHCT là một quá trình điều trị lâu dài và kiên trì, dựa trên nguyên tắc phối hợp cả thuốc YHCT và các phương pháp không dùng thuốc của YHCT. Bài viết dưới đây xin giới thiệu cách điều trị bằng điện châm và xoa bóp để bạn đọc tham khảo và áp dụng khi cần thiết.
Theo y học hiện đại (YHHĐ), tổn thương giải phẫu chủ yếu trong bệnh viêm khớp dạng thấp là tình trạng viêm không đặc hiệu của màng hoạt dịch khớp do các rối loạn về miễn dịch mà nguyên nhân chưa được xác định. Điều trị theo YHHĐ cho đến nay vẫn chủ yếu là dùng các thuốc có tác dụng giảm đau chống viêm, giãn cơ và thuốc tác động đến hệ miễn dịch (nhóm thuốc điều trị cơ bản).
Trong điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp, châm cứu và xoa bóp bấm huyệt cũng có những tác dụng điều trị giảm đau - chống viêm - giãn cơ và tác động đến cả hệ miễn dịch của cơ thể nhưng có một ưu điểm đặc biệt là rất ít tác dụng phụ như thuốc giảm đau chống viêm.
Theo YHHĐ, châm cứu và xoa bóp bấm huyệt là những kích thích vật lý tác động tại chỗ vào da, cơ, thần kinh, mạch máu. Ngoài tác dụng tại chỗ là giảm đau, giãn cơ, tăng cường dinh dưỡng và lưu thông tuần hoàn thì còn có tác dụng toàn thân thông qua cơ chế thần kinh thể dịch. Khi người thầy thuốc tác động trực tiếp vào huyệt là những điểm mà kết quả nghiên cứu gần đây cho thấy ở đó tập trung nhiều mạch máu và đặc biệt những dây, nhánh, thụ cảm thể thần kinh, hệ thống thần kinh thể dịch của cơ thể tiếp nhận tín hiệu kích thích huyệt, đồng thời huy động toàn bộ cơ thể đáp lại kích thích bằng 3 loại phản xạ: tại chỗ, tiết đoạn, toàn thân. Các đáp ứng của cơ thể dưới sự điều khiển của hệ thống thần kinh - thể dịch đều nhằm nâng cao khả năng tự bảo vệ điều hoà các rối loạn bệnh lý.
Trên thế giới đã có nhiều nghiên cứu của các nhà khoa học chứng minh được rằng điện châm có vai trò điều hoà bài tiết một số hormon có liên quan đến cơ chế chống đau của cơ thể như catecholamin, ACTH, cortisol và đặc biệt là điện châm làm tăng hàm lượng beta - endorphin (một hormon nội sinh có tác dụng mạnh gấp 200 lần so với morphin) trong máu ngoại vi. Người ta đã tiến hành đo độ tập trung của beta - endorphin của các tế bào đơn nhân ở máu ngoại vi và quá trình tăng sinh lympho T ở các bệnh nhân được điện châm và kết quả cho thấy điện châm không những có thể làm tăng hàm lượng opiat trong các tế bào miễn dịch mà còn tăng sinh tế bào lympho.
Một nghiên cứu khác đã đánh giá tác dụng chống viêm của điện châm ở các thời điểm khác nhau. Kết quả cho thấy điện châm là một tác nhân kích thích hàn gắn tổn thương thông qua hoạt hoá các tế bào miễn dịch tại chỗ.
Phương pháp điện châm được áp dụng tùy theo từng thể bệnh
Thể phong thấp nhiệt tý (tương ứng với viêm khớp dạng thấp có đợt tiến triển cấp)
Điện châm các huyệt: phong trì, khúc trì, phong môn, hợp cốc, huyết hải, túc tam lý, a thị huyệt.
Dùng phương pháp điện châm với xung điện cường độ thích hợp (tuỳ theo ngưỡng chịu đựng của từng bệnh nhân), tần số nhanh, thời gian 20-30 phút một lần châm, hiệu quả giảm đau rất nhanh.
Thể thấp nhiệt thương âm (tương ứng với viêm khớp dạng thấp giai đoạn mạn tính, tiến triển chậm)
Điện châm huyệt: A thị huyệt, phong trì, khúc trì, phong môn, hợp cốc, huyết hải, túc tam lý, tam âm giao, thái khê.
Dùng phương pháp điện châm với xung điện cường độ thích hợp (tùy theo ngưỡng chịu đựng của từng bệnh nhân), tần số chậm, thời gian 20-30 phút một lần châm.
Thể đàm ứ ở kinh lạc (tương ứng viêm khớp dạng thấp kéo dài có biến dạng khớp, teo cơ, dính khớp)
Điện châm huyệt: A thị huyệt, phong môn, đại chùy, khúc trì, hợp cốc, huyết hải, âm lăng tuyền, huyền chung, phong long, túc tam lý.
Có thể lựa chọn phương pháp thể châm (châm thường không kích thích xung điện) hoặc phương pháp điện châm với xung điện cường độ thích hợp (tùy theo ngưỡng chịu đựng của từng bệnh nhân), tần số chậm, thời gian 20-30 phút một lần châm.
Phương pháp xoa bóp, ấn huyệt
Làm các thủ thuật ấn (dùng ngón tay ấn vào vùng huyệt cần tác động), day (dùng ô mô út hoặc gốc bàn tay ấn xuống vùng da của bệnh nhân di động theo đường tròn), lăn (dùng mu bàn tay hoặc mặt bên của ô mô út vận động nhẹ nhàng khớp cổ tay với một sức ép nhất định lăn trên vùng định xoa bóp), véo (dùng đầu ngón tay cái và ngón tay trỏ, kéo da người bệnh lên, cần làm liên tiếp cho da người bệnh luôn bị cuộn ở giữa các ngón tay của thầy thuốc) ở các khớp và các cơ quanh khớp vùng tổn thương.
- Vận động: vừa xoa bóp vừa vận động các khớp theo các tư thế, động tác hoạt động chức năng của khớp. Vận động từng bước, động viên người bệnh kiên trì chịu đựng, tập luyện dần dần tăng biên độ hoạt động các khớp. Khi các khớp đã phục hồi chức năng vận động thì động viên người bệnh thường xuyên luyện tập, co duỗi vận động các khớp đều đặn hàng ngày để dự phòng dính khớp tái phát.
Xoa bóp, vận động là phương pháp có giá trị quan trọng và cơ bản trong điều trị bệnh giai đoạn này.
Dự phòng bệnh viêm khớp dạng thấp tái phát
Sau khi bệnh đã ổn định, các khớp hết sưng, nóng, đỏ, đau, cần đề phòng đợt tái phát bằng tự xoa bóp các khớp hàng ngày, rèn luyện thể dục thể thao (chơi các môn thể thao nhẹ) để tăng cường khả năng tự bảo vệ của cơ thể với sự biến động của môi trường thời tiết khí hậu. Tránh các tác nhân không có lợi cho người bệnh như nơi ở ẩm thấp, thời tiết lạnh, mưa gió...
Vị trí các huyệt cần tác động
A thị huyệt: Các vị trí vùng khớp bị tổn thương ấn vào bệnh nhân thấy đau.
Phong trì: Huyệt ở chỗ trũng phía ngoài cơ thang, phía trong cơ ức đòn chũm sau gáy.
Khúc trì: Đầu ngoài nếp gấp khuỷu, khi gấp cẳng tay vào cánh tay.
Phong môn: Mỏm gai D2 đo ra 1,5 thốn.
Hợp cốc: Huyệt ở chỗ lõm giữa ngón cái và ngón trỏ, đặt đốt 2 ngón cái bàn tay bên đối diện lên hố khẩu bàn tay bên này, đầu ngón cái ở đâu thì huyệt nằm tương ứng tại chỗ đó (giáp xương bàn 2).
Huyết hải: Ở mé trong đầu xương bánh chè đo lên 2 thốn.
Đại chùy: Lấy huyệt ở chỗ lõm dưới mỏm gai đốt sống cổ 7 hay trên đốt sống lưng 1.
Tam âm giao: Từ đỉnh giữa bờ trên mắt cá trong đo lên 3 thốn, huyệt cách bờ sau trong xương chày một khoát ngón tay.
Túc tam lý: Thẳng dưới hõm ngoài xương bánh chè 3 thốn, cách lồi củ trước xương chày 1 khoát ngón tay.
Phong long: Từ huyệt túc tam lý đo xuống dưới 5 thốn, đo ngang ra ngoài một khoát ngón tay.


Chuyển mùa, chặn bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tái phát

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) gặp chủ yếu ở người trưởng thành, đặc biệt ở người cao tuổi. Hiện tại, thời tiết diễn biến phức tạp, nhiều bệnh mạn tính tái xuất hiện, trong đó phải kể đến bệnh COPD. Bệnh gây tử vong với tỷ lệ rất cao, đứng hàng thứ 4 trong các nguyên nhân gây tử vong trên thế giới. Vì vậy, người cao tuổi cần hết sức đề phòng.
Nghiện thuốc lá, thuốc lào là nguyên nhân chủ yếu mắc bệnh COPD
COPD là một bệnh có đặc điểm tắc nghẽn lưu lượng khí thở ra thường xuyên, tiến triển, khó hồi phục hoặc chỉ hồi phục một phần do viêm phế quản mạn tính hoặc do khí phế thũng gây ra. COPD có 2 thể bệnh: thể viêm phế quản mạn tính và thể khí phế thũng. Nghiên cứu cho thấy đã có người mắc cả viêm phế quản mạn tính và khí phế thũng, trong khi đó, triệu chứng của 2 thể bệnh cũng tương tự nhau nên người ta gọi là bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Bệnh COPD thường xảy ra ở lứa tuổi trưởng thành và đặc biệt là người có tuổi, nhất là những người có tiền sử hút thuốc lá, thuốc lào hoặc hít phải khói hoặc hóa chất trong một thời gian dài.
Chuyển mùa, chặn bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tái phát
Đo chức năng hô hấp phát hiện bệnh COPD.
Ho, khạc đờm kéo dài kèm theo khó thở ngày càng tăng báo hiệu bệnh COPD
Triệu chứng thường gặp nhất là khó thở, ho, khò khè và có hiện tượng tăng tiết chất nhày và đờm. Khó thở lúc đầu chỉ thỉnh thoảng. Khi bệnh nặng, người bệnh luôn luôn thấy khó thở và đôi khi phải thở ôxy. Thở khò khè giống như hen suyễn vì phế nang bị sưng nề và xuất tiết nhiều (đờm) làm nghẽn đường dẫn khí. Ho lúc đầu vào buổi sáng, sau đó dần dần ho suốt ngày đêm. Ho ra đờm, lúc đầu ít, lỏng, càng về sau càng đặc quánh. Đờm của bệnh COPD thường trong hoặc hơi đục, đôi khi đờm có màu hơi vàng. Người bệnh luôn luôn cảm thấy mệt mỏi, lười vận động, chán ăn do thiểu dưỡng khí.
Các kết quả nghiên cứu cho thấy những người nghiện thuốc lá, thuốc lào có nguy cơ mắc COPD chiếm tỷ lệ cao nhất (ước tính rằng cứ 5 người nghiện thuốc lá sẽ có một người mắc COPD). Ở Mỹ, có khoảng 14 triệu người mắc COPD với tỷ lệ dao động từ 4 - 6%. Ở châu Âu, chỉ số lưu hành của COPD từ 23 - 41% ở những người nghiện thuốc lá, tỷ lệ nam/nữ là 10/1.
Một người bệnh được chẩn đoán là COPD khi có biểu hiện ho, khạc đờm trên 3 tháng trong một năm và biểu hiện liên tiếp như vậy trong vòng hai năm trở lên; đồng thời khó thở càng ngày càng tăng. Bệnh nhân thường phải gắng sức để thở hoặc thở hổn hển. Đo chức năng hô hấp sẽ thấy chỉ số thông khí tắc nghẽn không hồi phục. Đặc điểm của COPD là hay tái diễn, đều có khả năng trở thành tâm phế mạn tính và COPD không liên quan đến chất gây dị ứng như bệnh hen phế quản. Người cao tuổi nên lưu ý rằng mỗi một khi mắc COPD đã có ho nhiều, khó thở nặng, tăng tiết chất nhầy nhiều, là bệnh đã ở giai đoạn nặng.
Để chẩn đoán bệnh COPD, ngoài triệu chứng lâm sàng, tiền sử (hút thuốc, viêm phế quản mạn tính hoặc mắc bệnh khí phế thũng, môi trường độc hại bởi hóa chất, khói bụi,...) cần đo phế dung ký, giúp chẩn đoán phân biệt với các bệnh gây tắc nghẽn đường thở như hen suyễn, bệnh xơ phổi.
Dự phòng bệnh COPD như thế nào?
COPD là một bệnh mạn tính kéo dài trường diễn, vì vậy, việc điều trị gặp không ít khó khăn. Các nghiên cứu cho thấy các thuốc corticosteroids có thể làm giảm các triệu chứng của bệnh hen suyễn cấp tính rất hiệu nghiệm nhưng lại không có tác dụng hoặc tác dụng hạn chế trong COPD giai đoạn ổn định, trong khi đó thuốc anticholinnergic dạng bơm đem lại hiệu quả khá cao trong COPD. Nhiều tác giả khuyến nghị nên dùng các thuốc anticholinergic là thuốc điều trị duy trì đối với COPD và khi bệnh tiến triển xấu cần kết hợp với các thuốc chủ vận bêta hoặc một số thuốc khác (thuốc giãn phế quản, long đờm, corticoid). Tuy vậy, dùng thuốc gì, trong thời gian bao lâu, người cao tuổi bị COPD cần tuân theo một cách tuyệt đối chỉ định điều trị của bác sĩ và những tư vấn kèm theo mỗi một lần tái khám, dứt khoát không tự mua thuốc để điều trị.
Lời khuyên của thầy thuốc

Để phòng hoặc tái phát COPD, người bệnh cần bỏ thuốc lá, thuốc lào, hạn chế đến mức thấp nhất tiếp xúc với khí, hóa chất, khói độc hại, bụi. Nếu công việc phải tiếp xúc không thể tránh khỏi (do nghề nghiệp) cần có bảo hộ lao động đúng tiêu chuẩn. Cần vệ sinh họng, miệng, răng sạch sẽ để không mắc bệnh đường hô hấp. Nếu đã bị viêm phế quản mạn tính cần được khám bệnh và điều trị triệt để. Tránh lạnh đột ngột (không tắm nước lạnh, không cho quạt xoáy vào người, khi nằm ngủ ở phòng máy lạnh nên để nhiệt độ khoảng 26-27 độ). Nên tập thể dục đều đặn hàng ngày, nhất là hít thở không khí trong lành trước và sau khi ngủ dậy. Người bệnh COPD nên đi bộ và hít thở đúng cách. Đi bộ nhanh nhất có thể nhưng đừng chạy và không cần gắng sức quá mức. Thời gian đi bộ ít nhất 30 phút đến 1 giờ vào buổi sáng hoặc tối. Hằng ngày tập hít thở kiểu thở chúm môi: hít vào bằng mũi (mím môi), thở ra từ từ bằng miệng (chúm môi lại như thổi sáo). Thời gian thở ra gấp đôi thời gian hít vào. Nếu hít sâu được thì càng tốt nhưng không cần gắng sức quá. Khi nào khó thở hay vận động thì dùng cách hít thở này. Mỗi ngày ít nhất 3 lần, mỗi lần 15 phút. Sau khi quen rồi có thể dùng cách thở này liên tục hằng ngày.


Làm gì khi bị chuột rút?

Chuột rút là hiện tượng co thắt cơ đột ngột, ngoài ý muốn, gây đau dữ dội ở một bắp thịt, làm cho cử động khó khăn. Bình thường chuột rútkhông kéo dài và không gây ra hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên sẽ rất nguy hiểm nếu chuột rút xảy ra khi đang lái xe, điều khiển máy móc hay đang bơi. Do đó cần phải biết cách xử trí nhanh và đúng cách.
Chuột rút thường xảy ra khi đang vận động, khi đang ngủ, tập luyện căng thẳng lâu trong một tư thế, gặp lạnh đột ngột, cơ thể thiếu nước, khi mang thai,... Tùy từng trường hợp cần có cách xử trí phù hợp.
Làm gì khi bị chuột rút?
Khi bị chuột rút cần kéo đầu ngón chân và bàn chân lên cao hướng về đầu gối và nhẹ nhàng xoa bóp cơ. Ảnh: MH
- Nếu đang đi lại bình thường bất ngờ bị chuột rút sẽ rất đau bắp thịt, khiến phải dừng lại ngay không cử động được nữa. Khi đó cần dừng vận động, cố gắng thả lỏng chân bị chuột rút để thư giãn bắp thịt đang bị co rút. Nhẹ nhàng xoa bóp bắp cơ, nếu có dầu nóng thì thoa dầu lên vùng da của bắp thịt đang bị co rút rồi xoa bóp nhẹ nhàng. Nếu chuột rút ở cẳng chân, bạn nên nhẹ nhàng vươn duỗi cơ theo chiều đối ngược: kéo đầu ngón chân và bàn chân lên cao hướng về đầu gối. Nếu bị chuột rút bắp đùi, cần nhờ người khác kéo thẳng chân ra, một tay nâng cao gót chân, tay kia đồng thời ấn đầu gối xuống. Trường hợp chuột rút cơ xương sườn, bạn phải hít thở sâu để thư giãn cơ hoành đồng thời xoa bóp nhẹ các bắp thịt xung quanh lồng ngực.
- Nếu chuột rút xảy ra khi đang tập luyện căng thẳng lâu trong một tư thế, phải ngừng ngay tập luyện, nếu được thì kéo duỗi cơ 15 - 20 giây cho đến khi cơ giãn hoàn toàn. Xoa dầu, làm nóng vùng chuột rút trong vài phút để làm giãn cơ. Sau đó, nên nghỉ luyện tập khoảng 1 giờ để cơ bắp hồi phục.
- Nếu bị chuột rút khi đang bơi lội, bất cứ ở chỗ nông hay sâu, việc đầu tiên là phải tìm cách báo cho người xung quanh biết nếu có thể, phải bình tĩnh thả lỏng toàn thân trong tư thế dang rộng tay chân, từ từ hít sâu và dùng tay xoa nhẹ nhàng lên vùng chuột rút rồi nhờ người xung quanh hoặc cứu hộ giúp đưa lên bờ.

Để phòng tránh chuột rút, nên tập thể dục đều đặn, thường xuyên làm lưu thông khí huyết. Nên vận động các cơ bắp thật nhẹ nhàng, nhất là buổi tối trước khi đi ngủ. Việc xoa bóp khởi động khi chuẩn bị luyện tập hoặc lao động có tác dụng giảm tối thiểu tình trạng chuột rút. Trước khi bơi cần tập các động tác khởi động, vào nước từ từ để tránh lạnh đột ngột. Vận động viên cũng cần có chế độ ăn hay dùng thuốc bổ sung đủ canxi, magiê, vitamin,… theo hướng dẫn của bác sĩ.


Khi bị polyp đại tràng: Không nên chủ quan!

Polyp đại tràng là một khối phát triển bất thường ở bề mặt trong đại tràng (ruột già), cả nam và nữ giới đều có thể mắc bệnh. Bản chất của polyp đại tràng không phải u, là một tổn thương có hình dạng giống như một khối u, có cuống hoặc không, tổn thương này do niêm mạc đại tràng và tổ chức dưới niêm mạc tăng sinh tạo thành. Polyp đại tràng có thể lồi vào lòng đại tràng hoặc phẳng. Một người có thể bị nhiều polyp đại tràng và kích thước của chúng có khác nhau, có thể rất nhỏ bằng hạt đậu nhưng có trường hợp to hơn rất nhiều, chẳng hạn bằng quả bóng bàn. Đa số polyp đại tràng là lành tính nhưng một số có khả năng trở thành ác tính (ung thư). Vì vậy, một người càng có nhiều polyp đại tràng hoặc polyp có kích thước càng lớn càng cần phải lưu tâm, cảnh giác.
Những nguyên nhân
Nguyên nhân của polyp đại tràng tuy chưa được xác định một cách chắc chắn nhưng có nhiều tài liệu và công trình nghiên cứu cho thấy chủ yếu là dođột biến gen làm phát triển tế bào không bình thường tạo thành polyp, thậm chí dẫn tới ung thư. Bình thường quá trình tăng sinh tế bào chịu sự kiểm soát của 2 nhóm gen, đó là nhóm gen gây ung thư và nhóm gien ức chế khối u. Khi có sự đột biến ở bất kỳ gen nào trong số hai loại gen này đều có thể làm cho tế bào tăng sinh quá mức tạo thành u hoặc dạng polyp. Ở đại tràng sự tăng sinh này sẽ tạo thành những khối dạng u và đáng lo ngại nhất một số dạng u đó (polyp) có thể trở thành ung thư.
Ngoài ra, có thể do chế độ ăn uống và sinh hoạt không hợp lý. Khi chế độ ăn nhiều chất béo, thịt có màu đỏ (thịt bò, trâu, thịt chó…) hoặc ăn ít rau, quả, chất xơ, hoặc lười, ít vận động có thể là những yếu tố nguy cơ gây nên polyp đại tràng.
Những người nghiện thuốc lá, béo phì hoặc do bị viêm đại trực tràng mạn tính... có thể được xem như một trong những yếu tố nguy cơ gây polyp đại tràng. Bên cạnh đó, yếu tố di truyền cũng được đề cập tới ở những trường hợp cùng huyết thống (ông bà, bố mẹ, anh, chị em ruột thịt) bị polyp đại tràng dẫn đến polyp mang tính chất gia đình.
Khi bị polyp đại tràng: Không nên chủ quan!
Khi bị polyp đại tràng: Không nên chủ quan!
.Polyp đại tràng dạng có cuống và không cuống
Biểu hiện như thế nào?
Người bị polyp đại tràng thường có diễn biến âm thầm, nhất là loại polyp nhỏ, chỉ phát hiện khi tình cờ chụp đại tràng hoặc nội soi đại tràng vì một lý do khác. Vì vậy, hầu hết người bệnh có polyp nhỏ không có một biểu hiện gì khác thường. Tuy vậy, ở một số người bệnh có biểu hiện đi ngoài ra máu (đây là triệu chứng hay gặp nhất). Có thể thấy máu tươi thành vệt hay loang ra trên khuôn phân hoặc thấy máu ở giấy vệ sinh khi đi ngoài hoặc có trường hợp phân lẫn nhầy với máu màu nâu, đen hoặc nhờ nhờ như máu cá (giống phân của người bị lỵ trực khuẩn); đặc biệt là khi phân mềm hoặc nhão nhưng có máu kèm theo.
Hầu hết người bệnh bị chảy máu ở mức độ nhẹ và vừa, trường hợp chảy máu nặng gây mất máu nghiêm trọng xẩy ra ít hơn. Có thể có đau bụng quặn do polyp có kích thước lớn, kích thích làm tăng nhu động ruột và gây đau, những trường hợp này rất dễ nhầm với bệnh kiết lỵ. Một số trường hợp đau bụng kèm theo buồn nôn, nôn, bí trung tiện hoặc bí đại tiện rất dễ nhầm với tắc ruột hoặc bán tắc ruột.
Biến chứng do polyp gây ra
Những polyp đơn độc ở đại tràng có thể là những khối u hoàn toàn lành tính và tồn tại trong nhiều năm mà không ảnh hưởng gì đến sức khỏe. Tuy nhiên, những polyp có chân rộng, không có cuống, khả năng ác tính cao hơn những loại có chân nhỏ hay cuống dài và trên một cơ thể càng có nhiều polyp, khả năng ác tính càng cao, đặc biệt những trường hợp nhiều polyp đại tràng di truyền, khả năng trở thành ung thư là rất lớn.
Để chẩn đoán polyp đại tràng, cần chụp X-quang đại tràng có chuẩn bị, tốt nhất là nội soi đại tràng. Nội soi là phương pháp tốt nhất để kiểm tra đại tràng vì nó giúp quan sát được toàn bộ lớp niêm mạc của đại tràng và có thể sinh thiết để xét nghiệm phát hiện tế bào lạ (tế bào ác tính). Ngoài ra có thể chụp cộng hưởng từ.
Nguyên tắc điều trị và phòng bệnh
Trong trường hợp người cao tuổi (NCT) có nhiều polyp, đặc biệt là loại do di truyền hoặc loại có kích thước lớn hoặc đã gây biến chứng (đau bụng, chảy máu, nôn, buồn nôn…) cần được được hội chẩn sớm để phẫu thuật cắt bỏ, nhằm ngăn ngừa ung thư và sau đó cần dùng thuốc để ngăn chặn polyp tái phát.
Bất kỳ NCT nào khi gặp phải một trong các biểu hiện đi ngoài ra máu hoặc đau bụng quặn hoặc thấy bất thường về tiêu hóa, thậm chí buồn nôn, nôn, cần đi khám ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Người bị polyp đại tràng thường có diễn biến âm thầm


Cách mới điều trị ung thư dạ dày sớm

Cấu tạo thành dạ dày chia thành 4 lớp: từ trong lòng ra ngoài bao gồm lớp niêm mạc, lớp dưới niêm mạc và lớp thanh mạc
Cách mới điều trị ung thư dạ dày sớm
Ung thư dạ dày được gọi là sớm khi tổn thương ung thư chỉ nằm ở lớp niêm mạc hoặc xuống lớp dưới niêm mạc nhưng chưa quá 500um .
Ung thư dạ dày nếu phát hiện ở giai đoạn muộn thì tỉ lệ sống sau 5 năm chỉ còn dưới 10% (theo Orditura M và cộng sự), trong khi đó tỉ lệ sống sau 5 năm đối ung thư phát hiện giai đoạn sớm là 97,1-100%, và 97,1 %-100% sau 5 năm bệnh nhân vẫn còn sống khỏe mạnh mà không phải điều trị hóa chất hoặc các phương pháp gì khác sau cắt tách dưới niêm mạc dạ dày quanội soi (Endoscopic Submucosal Dissection- ESD). Trong khi đó ung thư dạ dày được phát hiện giai đoạn muộn chủ yếu là phẫu thuật cắt dạ dày và sau đó phải điều trị hóa chất toàn thân, làm chất lượng cuộc sống người bệnh bị giảm đáng kể.
Theo nghiên cứu của Choi IJ. và cộng sự năm 2014 tỉ lệ sống sau 5 năm của ung thư dạ dày sớm là tương đương nhau khi dùng phương pháp phẫu thuật cắt bỏ dạ dày so với phương pháp cắt tách dưới niêm mạc dạ dày qua nội soi. Theo các nghiên cứu của Abe S và Okada K ngay cả khi ung thư dạ dày típ kém biệt hóa thì tỉ lệ sống sau 5 năm cũng đạt 93-96%.
Cắt tách dưới niêm mạc qua nội soi (Endoscopic Submucosal Dissection- ESD)
Cắt tách dưới niêm mạc qua nội soi là một phương pháp điều trị ung thư dạ dày sớm và tổn thương tiền ung thư là kỹ thuật được tiến hành hành qua nội soi thực quản dạ dày với thuốc tiền mê hoặc gây mê (giúp người bệnh không bị khó chịu và không đau). Toàn bộ vùng tổn thương được tách ra khỏi các lớp cơ và thanh mạc dạ dày và được cắt ra. Toàn bộ vùng tổn thương sau đó sẽ được làm xét nghiệm giải phẫu bệnh để đánh giá lại tổn thương ung thư đã tới lớp nào và thực sự ung thư có còn ở giai đoạn sớm hay không. Phương pháp này được tiến hành bắt đầu từ những năm cuối thập kỷ 90 của thế kỷ trước, tới năm 2003 đã chính thức được hiệp hội ung thư dạ dày Nhật Bản công nhận.
Hiện nay, một số chuyên gia hàng đầu của Nhật Bản cho rằng nếu trên hình ảnh nội soi dạ dày tổn thương ung thư sớm hoặc tiền ung thư đã điển hình thì không cần sinh thiết trước khi tiến hành cắt tách dưới niêm mạc qua nội soi mà tiến hành cắt tách dưới niêm mạc qua nội soi sau đó lấy cả vùng tổn thương tiến hành xét nghiệm trên mô bệnh học.
Bệnh nhân nội soi tiêu hóa tại BV Bạch Mai.
Bệnh nhân nội soi tiêu hóa tại BV Bạch Mai.
Tại Việt Nam kỹ thuật này còn là mới. Khoa Tiêu Hóa, BV Bạch Mai với sự giúp đỡ của Nhật Bản, đặc biệt là trường đại học Nagoya mà đứng đầu là giao sư Goto Hidemi đã được trang bị một trung tâm nội soi Tiêu Hóa hoàn chỉnh theo tiêu chuẩn của Nhật Bản. Đồng thời thường xuyên có đội ngũ giáo sư bác sĩ và y tá từ Nhật Bản sang trực tiếp làm việc hướng dẫn và chuyển giao kỹ thuật. Cho tới nay kỹ thuật này đã được tiến hành thường quy mang lại hiệu quả điều trị cao cho người bệnh.
Cắt tách dưới niêm mạc qua nội soi là một kỹ thuật cao, nhưng điều khó khăn nhất không tiến hành thường quy được không phải vì là kỹ thuật khó mà là do ở Việt Nam chúng ta phần lớn (gần như 100%) ung thư dạ dày được phát hiện ở giai đoạn muộn, nên không thể áp dụng được pháp này điều trị cho người bệnh. Vì vậy gần đây khi tập trung vào phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm chúng tôi đã phát hiện được những ung thư ở giai đoạn sớm cũng như tổn thương tiền ung thư và có thể dễ dàng áp dụng phương pháp cắt tách niêm mạc để điều trị.
Cắt tách niêm mạc được tiến hành như thế nào?
Đầu tiên người ta tiến hành đánh dấu vùng tổn thương. Tiếp theo dùng dung dịch có chất chỉ điểm màu (indigocarmin) tiêm vào lớp dưới niêm mạc mục đích tách tổn thương ung thư đang nằm trong lớp niêm mạc ra khỏi lớp cơ giúp cho khi cắt không làm tổn thương lớp cơ. Bước tiếp theo là dùng dao điện chuyên biệt cắt khoanh toàn bộ vùng tổn thương tại lớp niêm mạc. Như vậy toàn bộ dạ dày vẫn được bảo tồn, tại vị trí cắt vẫn còn lại lớp cơ và lớp thanh mạc. Sau đó bệnh nhân được dùng thuốc giảm tiết axit PPI (proton pump inhibitors) liều cao, nếu không có biến chứng gì sau 2 ngày bệnh nhân ăn trở lại và ra viện sau đó. Thường tổn thương loét sau cắt tách niêm mạc sẽ liền sẹo hoàn toàn sau 2 tháng.
Các biến chứng của cắt tách dưới niêm mạc qua nội soi
- Các biến chứng tùy thuộc vào kích thước của tổn thương cần cắt, tình trạng đông máu của người bệnh.
- Có thể gây thủng dạ dày chiếm khoảng 1,2- 5,2%. Chảy máu muộn sau cắt 0- 15,6%.

Như vậy, cắt tách dưới niêm mạc qua nội soi là một phương pháp điều trị rất hiệu quả có thể nói là khỏi hẳn đối với ung thư dạ dày ở giai đoạn sớm mà không cần điều trị, giúp bệnh nhân bảo tồn toàn bộ dạ dày tránh được phẫu thuật cắt dạ dày. Đây là phương pháp điều trị an toàn với thời gian nằm viện ngắn, hầu như không ảnh hưởng tới sức khỏe người bệnh.