Văn phòng Diện Chẩn Sống Khỏe_ Khu nhà 102 Ngõ 95 Chùa Bộc-Đống Đa-Hà Nội _ ĐT : 0906143408

Hướng dẫn lý thuyết và thực hành cơ bản cho những quí vị thực sự yêu thích Diện Chẩn . Hãy gọi cho chúng tôi để biết lịch .

Tư vấn sức khỏe , chẩn bệnh đưa ra phác đồ miễn phí.

Thứ Hai, 31 tháng 8, 2015

Cắt bỏ chi chỉ vì... cắt móng sai cách

Chỉ là một vết thương khi cắt móng chân, cắt một mảng chai cứng ở gót chân, nếu những bệnh nhân tiểu đường không được phát hiện và điều trị sớm, rất dễ phải cắt bỏ chân.

51
Người mắc bệnh tiểu đường cần thận trọng khi cắt móng chân, móng tay
Lơ là dấu hiệu lạ
Điều trị sau cắt chi tại Khoa Nội tiết tiểu đường (BV Bạch Mai), ông Hoàng Văn Lâm (60 tuổi, Bắc Ninh, mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 khá lâu nhưng mới phát hiện bệnh) không ngờ từ một vết thương rất nhỏ khi ông cắt móng chân gây ra lại để lại hậu quả nghiêm trọng đến vậy.
Theo lời ông Lâm, thấy móng chân dài, tiện con dao gọt hoa quả trên bàn, ông dùng luôn vào việc cắt móng. Khi cắt, ông trượt tay nên dao cứa vào thịt, gây ra vết thương ngay mép ngón. 
Ông cứ nghĩ, vài ngày vết thương tự lành, nên chỉ lưu ý không để vết thương bẩn, ngấm nước. Nhưng vài ngày sau, vết loét xâm lấn rộng, bôi thuốc mỡ cũng không lành. Ông tìm đến viện thì vết thương đã có biểu hiện gây hoại tử. Bác sỹ chỉ định buộc phải tháo bỏ ngón chân để ngăn chặn vết loét nhiễm trùng gây hoại tử lan rộng.
Phát hiện bệnh tiểu đường được hơn một năm, bà Nguyễn Thị Thanh (63 tuổi, Hưng Yên) nhập viện với bàn chân bị loét và nhiễm trùng nặng do trước đó tự dùng dao lam cắt bỏ mảng chai cứng ở gót và ngón chân.
“Thấy có mảng chai cứng ở gót chân, tôi tự cắt bỏ. Không ngờ chỉ sau một thời gian ngắn, vết cắt bỏ loét lan rộng và ăn sâu vào trong, mưng mủ. Bác sỹ nói, đây là một biến chứng nguy hiểm do bệnh tiểu đường gây ra. Nếu tới viện sớm, thì tôi đã không phải cắt bỏ chi thế này”, bà Thanh than thở.
Theo BS Phạm Thị Hồng Hoa, Khoa Nội tiết tiểu đường (BV Bạch Mai), mỗi ngày Khoa khám ngoại trú cho khoảng 80 - 90 bệnh nhân tiểu đường, trong đó có khoảng 10 bệnh nhân đến khám do nhiễm trùng bàn chân và bàn tay.
“Nguyên nhân dẫn tới loét, phải cắt bỏ chi thường tiềm ẩn từ những hành động bình thường của người bệnh như: Cắt lẹm móng chân, tự ý cắt các vết chai cứng ở gót chân, do đặc thù của bệnh tiểu đường với lượng đường trong máu luôn cao, đây chính là “mồi ngọt” cho vi khuẩn phát triển thuận lợi. 
Người bệnh thường bị phối hợp cả biến chứng thần kinh, làm mất cảm giác đau, không phát hiện và chăm sóc vết thương ngay từ đầu, nên dễ nhiễm trùng lan rộng và gây hoại tử”, BS Hoa nói.
52
Biến chứng dẫn đến cụt chi phổ biến ở bệnh nhân tiểu đường
Bắt buộc phải khám định kỳ
GS Tạ Văn Bình (nguyên Giám đốc BV Nội tiết T.Ư) cho hay, bệnh lý loét bàn chân là một biến chứng của tiểu đường. Trên thế giới cứ 20 giây có một người phải cắt chân vì tiểu đường, 6 giây có 1 một người tử vong vì bệnh tiểu đường. Biến chứng bàn chân dễ nhìn thấy, để lại hậu quả tức thì mà bất cứ bệnh nhân bị tiểu đường nào cũng lo sợ.
Vì vậy, để phòng ngừa biến chứng sớm thì người bệnh nên thăm khám bàn chân ít nhất một năm một lần. Người bệnh cần kiểm soát tốt đường huyết cũng như huyết áp, nên làm xét nghiệm định kỳ chỉ số HbA1c. Người bệnh cần lưu ý không được đi chân đất, không ngồi khoanh chân, vắt chéo khiến đầu gối co cứng, không dùng nước nóng lâu, nên dùng xà phòng để rửa chân buổi tối trước khi đi ngủ.
Khi bàn chân xuất hiện những dấu hiệu nhỏ nhất, cũng cần tham vấn bác sĩ điều trị kịp thời. Điều đặc biệt, người bị bệnh tiểu đường không được hút thuốc lá, cắt móng chân không được cắt sâu vào khóe chân. Khi tắm, cần kiểm tra toàn bộ bề mặt da để phát hiện sớm bất kỳ tổn thương nào ở bàn chân như vết thương, trầy xước, vết loét, cục chai, mắt cá, mụn cóc, móng quặp, phồng nước...


Báo động: Nhồi máu cơ tim đang tấn công người trẻ



51
Cần lưu ý khoảng thời gian vàng cấp cứu bệnh nhân NMCT
Nếu trước đây, thường mặc định nhồi máu cơ tim (NMCT) là bệnh thường thấy ở người già thì gần đây, xuất hiện nhiều ca NMCT ở người trẻ, thậm chí có người chưa đầy 30 tuổi cũng NMCT.
Chưa đầy 30 tuổi đã nhồi máu cơ tim
BS Bùi Long, Trưởng khoa Tim mạch can thiệp, BV Hữu Nghị kể, bệnh nhân tên Nguyễn Văn H. (quê ở Ninh Bình, làm ruộng), nhập viện trong tình trạng mệt, vã mồ hôi kèm cảm giác khó thở và tức nặng ngực trái. 
Do bệnh nhân mới 27 tuổi nên các bác sĩ cũng bất ngờ khi hình ảnh chụp động mạch vành qua da có huyết khối nhiều gây tắc hoàn toàn một nhánh động mạch lớn. 
Bệnh nhân được hút huyết khối và đặt stent kịp thời nên không để lại biến chứng nguy hiểm. Một trong những nguyên nhân khiến bệnh nhân rơi vào tình trạng này là do bệnh nhân nghiện thuốc lá nặng từ năm 16 tuổi.
Theo BS Bùi Long, đối với người cao tuổi, nguyên nhân chủ yếu của NMCT là xơ vữa động mạch diễn ra nhiều năm. Còn với người trẻ dưới 40 tuổi, NMCT chủ yếu là do huyết khối hình thành trong lòng động mạch do stress, béo phì, nghiện thuốc lá nhiều năm liền dẫn tới lớp nội mạc mạch máu bị tổn thương nặng.
Nếu như ở người cao tuổi, xơ vữa động mạch diễn ra từ từ làm cơ tim có sự thích nghi nhất định với tình trạng thiếu máu thì ở người trẻ tuổi, việc đột ngột xuất hiện huyết khối làm tắc nghẽn mạch máu nuôi cơ tim sẽ khiến cơ tim dễ bị choáng hơn, hoại tử nhanh hơn. Người trẻ lại thường chủ quan không nghĩ mình mắc phải căn bệnh này nên càng dễ nguy hiểm đến tính mạng.
“Chính chế độ ăn uống không hợp lý, những áp lực cuộc sống và thói quen không tốt cho sức khỏe đã và đang làm thay đổi độ tuổi mắc bệnh tim mạch”, bác sỹ Long nhìn nhận
Lưu ý khoảng “giờ vàng”
Trao đổi với PV, BS Bùi Long cho biết, hiện nay đã có nhiều tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị, nên tỉ lệ tử vong do nhồi máu cơ tim cấp đã giảm đi đáng kể. Dù vậy, NMCT cấp vẫn là một bệnh nặng, diễn biến phức tạp, có nhiều biến chứng nguy hiểm luôn đe dọa tính mạng người bệnh.
Đa số các trường hợp NMCT là hậu quả của xơ vữa động mạch vành. Tuy nhiên, cũng có thể bắt nguồn từ những nguyên nhân khác như: Bất thường bẩm sinh động mạch vành, bóc tách động mạch chủ lan vào động mạch vành, chấn thương giập vỡ động mạch vành, viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn, huyết khối từ nhĩ trái hay thất trái gây tắc động mạch vành, sử dụng cocain, co thắt động mạch vành, hoặc do tai biến trong thủ thuật chụp hay can thiệp động mạch vành qua da...
Để xử trí với ca NMCT, bệnh nhân thường được sử dụng thuốc tiêu cục máu đông hoặc can thiệp qua da như nong bóng và đặt stent động mạch vành kết hợp với việc hút bỏ cục máu đông. 
Tuy nhiên, theo BS Bùi Long, hiệu quả của các biện pháp này phụ thuộc rất nhiều vào thời gian áp dụng điều trị, thuốc tiêu cục máu đông hay can thiệp động mạch vành qua da chỉ có hiệu quả thực sự khi được tiến hành trong khoảng “thời gian vàng” là từ 2 - 4 giờ kể từ lúc khởi phát.
Trường hợp phải mổ bắc cầu nối chủ vành cấp cứu là biện pháp cuối cùng để mở thông lòng mạch và cứu sống bệnh nhân đồng thời sửa chữa những biến chứng do NMCT gây ra dù tỷ lệ thành công ở giai đoạn cấp là không cao. “Như vậy khi đã NMCT, bệnh nhân cần được điều trị tích cực càng sớm càng tốt, nhất là việc mở thông đoạn mạch bị tắc”, BS Bùi Long cho biết.
Theo khuyến cáo của các chuyên gia về tim mạch, để giảm nguy cơ xơ vữa động mạch nói chung và nguy cơ NMCT nói riêng, điều cần làm là phải điều chỉnh lối sống thích hợp. Trong đó, người bệnh nên bỏ hoàn toàn hút thuốc lá, tránh ngửi khói thuốc, ăn ít chất béo, ăn thêm hoa quả, giảm cân nặng nếu thừa cân, kiểm soát chặt chẽ huyết áp và đường máu trong giới hạn cho phép.
Nhiều thử nghiệm có quy mô rất lớn ở nhiều nước trên thế giới đã cho thấy việc dùng các thuốc chống ngưng tập tiểu cầu (aspirin) và các thuốc hạ mỡ máu nhóm statin có hiệu quả tương đối rõ đối với phòng ngừa xuất hiện các biến cố tim mạch, không những NMCT mà cả tai biến mạch não...
“Ngoài ra, theo dõi sát, điều chỉnh kịp thời, phát hiện từ sớm và xử trí triệt để cơn đau thắt ngực ổn định do hẹp động mạch vành cũng có vai trò hết sức quan trọng để hạn chế và phòng ngừa xuất hiện NMCT”, BS Long  nhấn mạnh. 

Phát hiện sớm ung thư đại trực tràng

Nếu được phát hiện sớm, ung thư đại trực tràng có thể chữa khỏi. Tuy vậy, thực tế, đa phần bệnh nhân đến khám ung thư đại trực tràng khi bệnh đã bước sang giai đoạn muộn.
Tầm soát ung thư đại trực tràng bằng phương pháp nội soi (ảnh: ungthuvietnam.com)
Những dấu hiệu không thể bỏ qua
Ung thư đại trực tràng là bệnh lý gây ra do các tế bào niêm mạc lót ở bề mặt phân chia không kiểm soát được dẫn đến u ác tính. Tỉ lệ mắc bệnh khác nhau theo vùng, địa lý nhưng thường gặp ở các nước phát triển. Ở Việt Nam, theo ghi nhận, tại TPHCM năm 2011, ung thư đại trực tràng đứng hàng thứ 3. Ung thư đoạn trực tràng xích - ma và trực tràng phổ biến hơn cả, chiếm 60%.
Theo BS.CKI Vương Đình Thy Thảo, BV Chợ Rẫy, đến nay, ung thư đại trực tràng vẫn chưa rõ nguyên nhân. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã đưa ra các yếu tố nguy cơ gây bệnh. Ung thư đại trực tràng thường gặp ở những người trên 50 tuổi và tỉ lệ mắc bệnh tăng dần đến 80 tuổi (chiếm 90%).
Bệnh cũng dễ gặp ở những người có người thân bị ung thư đại trực tràng hoặc bệnh đa polyp tuyến có tính chất gia đình, những người có bệnh lý viêm ruột. Ngoài ra, những người thường xuyên hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, người béo phì, lười vận động…cũng dễ mắc bệnh.
Ở giai đoạn sớm, ung thư đại trực tràng thường không có dấu hiệu rõ ràng. Sau đó, ung thư đại trực tràng có những triệu chứng cảnh báo điển hình như: thiếu máu, chóng mặt khi thay đổi tư thế; đi cầu có phân dính máu; đau bụng âm ỉ; thay đổi thói quen đi cầu (tiêu chảy, táo bón xen kẽ). Ở giai đoạn muộn, bệnh nhân dễ gặp các triệu chứng: tắc ruột, sụt cân, mệt mỏi,…
Ai cần tầm soát ung thư đại trực tràng?
Theo BS Vương Đình Thy Thảo cách hiệu quả nhất để phát hiện và điều trị bệnh ung thư đại trực tràng là tầm soát căn bệnh này khi chưa có những dấu hiệu kể trên. Tầm soát sớm còn giúp sớm phát hiện và cắt đi các polyp tuyến để phòng ngừa các polyp này phát triển thành ung thư.
Tất cả những người trên 50 tuổi nên đi tầm soát ung thư đại trực tràng. Ngoài ra, nên tầm soát sớm hơn ở những trường hợp có nguy cơ cao: người có người thân ruột mắc ung thư đại trực tràng, gia đình có tiền căn bệnh polyp đại tràng, người mắc một số hội chứng di truyền như Lynch; bệnh nhân bị viêm ruột mãn tính, tiền căn có xạ trị vùng bụng chậu vì bệnh khác.
Hiện nay, phương pháp tầm soát ung thư đại trực tràng khá đa dạng: tìm máu trong phân (thực hiện 1 lần/năm) soi đại tràng xích - ma, trực tràng (5 năm/lần) hoặc soi toàn bộ đại tràng (10 năm/lần). Soi toàn bộ đại tràng là phương pháp tầm soát tốt nhất, có thể khảo sát hết toàn bộ đại tràng. Những người thuộc nhóm nguy cơ cao nên tầm soát bằng phương pháp soi toàn bộ đại tràng, bắt đầu tầm soát sớm hơn, thời gian tầm soát gần nhau hơn.
Thịt đỏ, thịt chế biến làm ung thư đại trực tràng xấu hơn
Theo khuyến cáo của các bác sĩ, ung thư đại trực tràng có thể phòng ngừa được qua chế độ ăn uống, vận động .Với những bệnh nhân có polyp đại tràng dài hơn 1cm, nên cắt đốt polyp nội soi để ngăn ngừa sự phát triển thành ung thư.
Hạn chế rượu bia, không hút thuốc lá; thực hiện một chế độ ăn nhiều chất xơ, rau quả, giảm chất béo, bổ sung vitamin B6, D, axit folic, canxi, dầu cá omega - 3 là cách tốt để tăng cường miễn dịch và ngừa ung thư đại trực tràng. Ngoài ra, nghiên cứu cho thấy, tập luyện thể dục thể thao thường xuyên giảm nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng đến 24%.
Ngoài ra, Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ cũng khuyến cáo, thịt đỏ (thịt của nhóm động vật có vú: bò, heo, dê…), thịt chế biến làm ung thư đại trực tràng xấu hơn. Các nhà khoa học cho rằng, thịt đỏ chứa nhiều mỡ bão hòa, có liên hệ với ung thư đại trực tràng. Các chất sinh ung thư cũng dễ sinh ra trong quá trình chế biến thức ăn. Vì vậy, nên hạn chế ăn thịt nướng cháy than, nấu thịt ở nhiệt độ quá cao, các loại thịt qua chế biến như lạp xưởng, thịt xông khói.

Bệnh nhiễm trùng niệu đạo, xét nghiệm thành bệnh lậu

Vợ chồng ông N.T.D. (41 tuổi, ở đường Láng, Hà Nội) vừa bị một phen hú vía, chồng ngờ vợ, vợ đổ cho chồng vì kết quả xét nghiệm là ông D. bị bệnh lậu.

Theo vợ chồng ông D., do biểu hiện bệnh của ông chỉ liên quan tới tiết niệu, đường tiểu nên ngày 26/8 vợ chồng ông tới phòng khám Thiên Tâm (ở 212 Nguyễn Lương Bằng, Hà Nội) khám.
Ông D. được chỉ định xét nghiệm hàng loạt chỉ số liên quan đến máu, nước tiểu: từ muối mật, sắc tố mật, hồng cầu, protein, đường, nitrit, bạch cầu, độ kiềm toan, HIV... Tiền xét nghiệm hết 800.000 đồng cùng với kết luận ông D. bị bệnh lậu.
Một bác sĩ Trung Quốc tới hỏi han ông D. rồi cho biết ông cần phải làm vật lý trị liệu và truyền kháng sinh tĩnh mạch bảy lần, mỗi lần 1 triệu đồng thì mới có khả năng chữa khỏi.
Nghi ngờ kết quả xét nghiệm, trưa hôm đó vợ chồng ông D. cùng nhau đi khám tiếp. Tại phòng khám trên phố Lý Nam Đế (Hà Nội), chuyên gia về nam học đã cho ông D. và vợ làm xét nghiệm lại, kết quả ông bị nhiễm trùng niệu đạo, không phải bị bệnh lậu.
Đây không phải lần đầu tiên phòng khám Thiên Tâm bị kiện tụng liên quan đến chỉ định dịch vụ và kết quả xét nghiệm.
Ông Nguyễn Việt Cường, chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội, cho biết hồi tháng 5/2015, phòng khám này vừa bị thanh tra Sở Y tế Hà Nội phạt 28 triệu đồng do quảng cáo quá phạm vi hoạt động được phép, không niêm yết giá đầy đủ...
Theo ông Cường, hiện Thiên Tâm có hai bác sĩ Trung Quốc có đăng ký hành nghề và đang làm thủ tục cho một bác sĩ thứ ba.
Một bác sĩ của BV Phụ sản T.Ư cũng cho biết gần đây chị nhận một nữ bệnh nhân từng xét nghiệm hết 2 triệu đồng tại Thiên Tâm và kết quả xét nghiệm là bệnh nhân có thai, nhưng xét nghiệm tại BV Phụ sản T.Ư thì không có.
“Tại Hà Nội hiện có hai phòng khám có bác sĩ Trung Quốc hành nghề thường chỉ định nhiều xét nghiệm không cần thiết, bệnh nhân viêm cổ tử cung thường chỉ định bệnh nhân điều trị bằng chiếu đèn, xông hơi với giá rất cao, trong khi biện pháp này không có trong hướng dẫn quốc gia về sức khỏe sinh sản” - bác 
sĩ này cho biết.


Ðể đầu bạc răng không long

Người ta thường nói "đầu bạc, răng long", nghiễm nhiên thừa nhận một sự thật là tuổi cao sức khỏe răng lợi càng kém.

Cái sự kém ấy nằm trong tổng thể chung đang đà sập xệ, nhiều cơ quan bộ phận cùng lên tiếng đòi hưu nên lại càng thêm phiền. Bởi "răng long" không những làm giảm sút chất lượng cuộc sống của người cao tuổi mà còn tác động tiêu cực cho các bộ phận khác, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe cơ thể nói chung.
Người cao tuổi thường gặp nhiều vấn đề về răng lợi, vì vậy rất hay phải đến gặp nha sĩ. Sau đây là những tổn thương răng lợi thường gặp ở người cao tuổi.
Đau khi nhai, cắn thức ăn
Nguyên nhân của tình trạng này là do vệ sinh răng miệng không tốt dẫn tới bệnh nha chu. Lợi bị viêm, răng cũng bị lung lay. Khi nhai cắn thức ăn có cảm giác đau khiến người bệnh không ăn được đồ cứng. Đau khi nhai cũng còn có thể do khớp thái dương hàm có vấn đề, do răng giả bị lệch cần tới nha sĩ chỉnh lại.
Ðể đầu bạc răng không long
Nên khám răng thường xuyên để phát hiện sớm các bệnh răng miệng.
Sâu răng
Sâu răng ở độ tuổi nào cũng có, nguyên nhân thường gặp là do vấn đề vệ sinh răng miệng chưa tốt, thức ăn bám vào gây sâu răng. Ở người cao tuổi còn có nguyên nhân khác là do hậu quả của chứng khô miệng tuổi già. Hoặc đó có thể là do tác dụng của một số thuốc điều trị các bệnh khác.
Men răng mòn
Ở người cao tuổi, điều này dường như là tất yếu do nhiều nguyên nhân tích tụ. như tuổi tác, hay do những nguyên nhân khác như một quá trình dài chải răng không đúng cách, chải răng với lực quá mạnh, ăn thức ăn quá cứng... Men răng mòn dẫn đến răng thường bị ê, buốt.
Mất răng
Mất răng cũng là hiện tượng thường thấy ở người lớn tuổi. Mất răng ngoài yếu tố lão hóa còn do nguyên nhân quyết định nhổ răng sớm khi chưa điều trị, bị tổn thương vùng miệng, thiếu dinh dưỡng. Đây cũng còn là hậu quả của bệnh nha chu. Mất răng làm giảm sức nhai trầm trọng, ăn uống khó khăn. Ảnh hưởng lớn tới chất lượng cuộc sống.
Tụt nướu, trồi răng
Khi cổ răng và chân răng bị tụt lợi và lộ ra thì các kẽ chân răng sẽ bị hở nhiều hơn và tạo điều kiện cho thức ăn bị dắt vào, rất khó làm sạch tạo điều kiện cho vi khuẩn tích tụ và hoạt động, phát sinh các vấn đề viêm nhiễm.Tụt nướu có thể là do chải răng sai kỹ thuật. Ngoài ra, tụt nướu có thể do viêm lợi, viêm quanh răng. Lợi có thể bị tụt do một số tổn thương gây ra bởi virut.
Nếu mất răng cần làm răng giả nhanh chóng
Người cao tuổi dù bị mất răng bởi bất kỳ lý do gì cũng nên đến nha sĩ để khám và phục hình răng. Nếu để lâu ngày, răng sẽ bị xô lệch, làm mất khoảng trống của răng đã mất, đồng thời gây xáo trộn khớp cắn, khó chải sạch răng.
Khi có răng giả, nên giữ vệ sinh thật kỹ, chải răng hằng ngày như răng thật. Nếu dùng răng giả kiểu tháo lắp, nên tháo ra lúc nghỉ ngơi hoặc đi ngủ để niêm mạc ở hàm giả được thoáng, máu lưu thông dễ dàng. Hàm giả tháo ra nên được chùi rửa sạch sẽ, ngâm vào một ly nước nguội có nắp đậy.
Quan tâm đến việc phòng bệnh
Mảng bám vi khuẩn là nguyên nhân gây bệnh viêm lợi (nha chu). Nếu không chải răng kỹ, chải đúng cách để loại bỏ mảng bám sẽ dày dần và gây viêm lợi. Tuy răng còn nguyên nhưng các mô và màng đỡ quanh chân răng (như lợi, xương, men gốc răng, dây chằng) đã bị phá hủy. Răng không còn điểm tựa vững chắc nên từ từ lung lay và thưa dần; bệnh nhân sẽ có các biểu hiện như sưng lợi, lợi có túi mủ, miệng hôi.
Để phòng bệnh nha chu, cần giữ vệ sinh răng miệng, ăn những thức ăn mềm. Không nên dùng tăm xỉa răng vì dễ gây mòn cổ răng, gây viêm lợi, sưng đau. Nên dùng chỉ nha khoa làm sạch thức ăn ở kẽ răng và lưu ý chải răng đúng cách. Khám răng định kỳ cũng là cách phòng bệnh răng lợi chủ động.
Lời khuyên của thầy thuốc
Khi đã có tuổi, chức năng của mọi cơ quan trong cơ thể con người đều suy yếu đi và nếu không được chăm sóc cẩn thận, kỹ lưỡng thì sẽ có hại tới sức khỏe chung của cơ thể. Răng chắc cũng là thể hiện một sức khỏe tốt, vì vậy cần chăm sóc răng miệng đúng cách. Ngoài ra cần chú ý chế độ dinh dưỡng hợp lý cụ thể.
- Bổ sung các loại rau và trái cây tươi bởi chúng là nguồn cung cấp vitamin cho cơ thể nói chung, cho răng và lợi nói riêng; chúng cũng có tác dụng làm sạch răng sau khi ăn; Nên ăn trái cây tươi thay cho các loại bánh kẹo ngọt vì chúng dẻo dính và là nguyên nhân gây sâu răng; Nếu ăn bánh ngọt chỉ nên ăn bánh ngọt vào bữa chính và đánh răng ngay sau đó; 
Nên ăn đủ các chất: đạm (thịt, trứng, tôm, cua, sữa, đậu phụ), béo (dầu thực vật; hạn chế tối đa ăn mỡ và phủ tạng động vật), vitamin (trái cây), muối khoáng; Nên lưu ý không ăn những thức ăn quá cứng, quá nóng hoặc quá lạnh. Nên ăn thức ăn có chứa nhiều vitamin, chất khoáng giúp răng chắc khỏe; Nên ăn ít và chia làm nhiều bữa. 
Sau mỗi lần ăn, phải súc miệng và chải răng ngay, không để thức ăn lưu lại trên răng và lợi, tạo điều kiện cho vi khuẩn có sẵn trong miệng lên men, tạo ra chất axit phá hủy men răng, dẫn đến sâu răng.

Ăn dầu ô liu tốt cho tim mạch

Kết luận này phần nào lý giải về chế độ ăn uống của người dân vùng Địa Trung Hải với dầu ô liu giúp họ có trái tim khỏe mạnh, ít gặp nguy cơ đột quỵ hơn so với các vùng khác. “Dầu ô liu có tác dụng hạ thấp lượng đường glucose trong máu và cholesterol nhằm giảm tác động tiêu cực lên hệ thống tim mạch", nhà nghiên cứu Violi tại ĐH Sapienza, Rome, cho hay.
oilive-oil640-istock-4900-1440996403.jpg
Ảnh: Fox.
Thí nghiệm này tiến hành với nhóm người khỏe mạnh ăn một bữa ăn trưa kiểu Địa Trung Hải điển hình gồm trái cây, rau, ngũ cốc, cá và hạn chế dùng sữa hay các loại thịt đỏ. Một nhóm dùng 10 g tức khoảng 2 muỗng cà phê dầu ôliu, còn nhóm khác ăn kèm 10 g dầu ngô.
Xét nghiệm máu thực hiện trước và sau bữa ăn hai giờ cho thấy lượng đường trong máu tăng lên ở tất cả những người tham gia. Tuy nhiên lượng đường trong máu tăng ít hơn với nhóm ăn dầu ô liu so với người dùng dầu ngô. Ngoài ra, ăn dầu ô liu cơ thể ít tích lũy lipoprotein và cholesterol, vốn được biết đến là nguyên nhân gây xơ vữa động mạch, huyết khối và các cơn đau tim.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) người chết vì bệnh tim mạch nhiều hơn bất kỳ nguyên nhân nào khác, mà nguyên nhân chính đến chế độ ăn uống nhiều cholesterol, chất béo và thói quen ít vận động.