Văn phòng Diện Chẩn Sống Khỏe_ Khu nhà 102 Ngõ 95 Chùa Bộc-Đống Đa-Hà Nội _ ĐT : 0906143408

Hướng dẫn lý thuyết và thực hành cơ bản cho những quí vị thực sự yêu thích Diện Chẩn . Hãy gọi cho chúng tôi để biết lịch .

Tư vấn sức khỏe , chẩn bệnh đưa ra phác đồ miễn phí.

Thứ Bảy, 31 tháng 10, 2015

Rắc rối như bệnh tiêu hóa ở người già

Sức đề kháng yếu, hệ tiêu hóa suy giảm là nguyên nhân gây ra các rắc rối về đường tiêu hóa ở người già.

Hiểu được sự biến đổi của hệ tiêu hóa sẽ giúp khắc phục những khó khăn do tuổi tác gây ra.

Các loại bệnh tiêu hóa ở người già

Chán ăn mệt mỏi, không muốn ăn, hay bỏ bữa, thậm chí không có cảm giác đói hoặc mất hẳn cảm giác thèm ăn như trước là điều khá thường gặp ở người cao tuổi. Lý do bắt nguồn từ sự suy giảm của hệ tiêu hóa. Lúc này cả 3 chức năng của hệ tiêu hóa là co bóp, tiết dịch và hấp thu đều giảm sút. Từ đây nhiều chứng bệnh phát sinh như nghẹn, đầy bụng, táo bón, tiêu chảy… Tùy từng người và tốc độ lão hóa của hệ tiêu hóa không giống nhau mà có các dạng rối loạn khác nhau. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
BS Đỗ Thị Xuân Hương (Trưởng khoa Nội Cơ xương khớp, BV Nguyễn Tri Phương, TPHCM) cho biết: Một số người cao tuổi thường bị nghẹn khi ăn mặc dù ăn chậm và nhai kỹ. Bình thường, các thớ cơ vòng ở thực quản luôn trong tình trạng co nhẹ khiến ống này kín mít, nhưng khi làm động tác "nuốt" thì đoạn trên thực quản mở ra để nhận thức ăn và ngay sau đó co lại để đẩy thức ăn xuống dưới; cứ vậy, thức ăn bị đẩy xuống dạ dày chỉ hết vài ba giây đồng hồ. Nhưng ở người già , đoạn thực quản vừa giãn (hay vừa co) thì "trơ" ra, phải mất thời gian lâu hơn mới phục hồi để co (hay giãn) tiếp được, nhất là sự phối hợp co - giãn của đoạn trên với đoạn dưới mất nhịp nhàng làm người già dễ bị nghẹn.
Một dạng rối loạn tiêu hóa nữa thường gặp ở người già là chứng táo bón. Nguyên nhân chủ yếu do chế độ dinh dưỡng không hợp lý bởi vì kiêng khem quá mức, ăn ít hoặc chán ăn nên chất cặn bã ít, phân ít không tạo được phản xạ co bóp của đại tràng. Táo bón khiến cho người già lúc nào cũng cảm thấy mệt mỏi do các chất độc tố có trong phân, trong đó có nhiều độc tố của vi khuẩn ngấm vào máu đi đến hệ thống thần kinh.
Suy giảm chức năng ở hệ miễn dịch, hệ tiêu hóa cũng khiến người cao tuổi dễ mắc bệnh tiêu chảy. Chỉ cần một điều kiện thuận lợi nhỏ cũng khiến vi khuẩn xâm nhập vào đường tiêu hóa của họ và gây ra tiêu chảy cấp. Bệnh nặng dẫn đến tình trạng mất nước khiến cho môi khô, mắt trũng và người bệnh luôn khát nước, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Bên cạnh đó, hệ thống cơ của hệ tiêu hóa và các men tiêu hóa bị suy giảm một cách đáng kể nên người cao tuổi rất dễ bị sôi bụng, đầy hơi, đi ngoài phân không thành khuôn.
Ngoài ra, bệnh ở túi mật và đường dẫn mật (viêm, sỏi) ở người già cũng có tỷ lệ rất cao so với người trẻ. Các bệnh về gan mật liên quan đến tiêu hóa, chức năng gan tốt làm cho việc tiêu hóa thức ăn tốt hơn và ngược lại. Mắc bệnh về gan làm cho hệ tiêu hóa bị ảnh hưởng.
Phòng hơn chữa
BS Hương chia sẻ, một số bệnh gây rối loạn tiêu hóa khi không cần uống thuốc vẫn có thể tự khỏi hoặc giảm. Trong đó, điều quan trọng nhất để phòng bệnh là người cao tuổi nên có chế độ ăn hợp lý, kết hợp với thể dục hàng ngày và có đời sống tinh thần thoải mái.
1. Chế độ ăn: Ưu tiên rau quả, chia nhỏ bữa ăn
Tùy từng bệnh lí và thể trạng bệnh nhân để cân bằng dinh dưỡng phù hợp, nhưng tốt nhất vẫn nên ăn nhiều rau và thức ăn có nhiều chất xơ. Phải đảm bảo "ăn chín uống sôi", thức ăn cần được nấu kỹ hơn, ưu tiên thức ăn mềm, loãng. Không nên ăn thức ăn đường phố hay những thức ăn đã để lâu ngày.
Thực phẩm nên được cắt nhỏ hơn. Chia ra thật nhiều bữa ăn nhỏ nếu hay bị nuốt nghẹn, thậm chí có thể ăn 8-10 bữa ăn một ngày nhưng mỗi lần chỉ ăn một ít. Đặc biệt đừng bao giờ ăn quá no vì sẽ càng làm tăng thêm tình trạng đầy trướng bụng. Không nên uống rượu, bia; không ăn chất cay, nóng như ớt, hành, hồ tiêu. Uống đủ nước 1,5-2 lít nước mỗi ngày.
2. Vận động ở mức vừa phải
Ngoài dinh dưỡng, người cao tuổi nên tạo thói quen luyện tập thể thao hàng ngày để vừa cải thiện chức năng tiêu hóa, vừa tăng cường sức khỏe. Hàng ngày không nên ngồi lâu một chỗ vì các tư thế này một mặt gây cản trở sự chuyển vận, lưu thông trong ống tiêu hóa, mặt khác làm ức chế nhu động các cơ trơn dạ dày - ruột.
Tập luyện những động tác nhẹ nhàng như dùng hai bàn tay úp lên bụng, lặp lại nhiều lần vừa ấn vừa xoa tròn đều vòng quanh rốn, nếu triệu chứng là táo bón thì xoa theo chiều kim đồng hồ từ bên phải của mình, lên trên, qua trái rồi xuống dưới. Nếu triệu chứng là tiêu chảy thì xoa bụng theo chiều ngược lại.
Hoặc động tác khác: thóp bụng vào sau đó phình bụng ra, đồng thời dùng cơ bụng vận động đẩy bụng lên xuống nhằm xoa bóp chủ động các nội tạng bên trong khoang bụng, nhằm tăng cường lưu thông tuần hoàn đến các cơ quan vùng bụng.
Hình thức vận động tốt nhất là đi bộ. Mỗi ngày nên đi bộ tối thiểu 30 phút, không nên đi bộ quá một giờ và nên chia thành 2-3 lần đi bộ. Đối với người cao tuổi sức khỏe yếu nên đi bộ trong nhà, trong sân, khi có sức khỏe tốt hơn thì đi bộ xa hơn hoặc tham gia các môn thể thao như cầu lông, bóng chuyền…
3. Sử dụng thảo dược theo sự hướng dẫn của bác sĩ
Có thể dùng thuốc hoặc nhiều loại thảo dược như trần bì, bạch truật, nhân sâm, sa nhân, mộc hương, phục linh, hoài sơn, cam thảo, gừng, nghệ... để tăng cường chức năng hệ tiêu hóa.
Các biện pháp châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt cũng giúp điều hòa sự mất cân bằng trong cơ thể, tăng cường lưu thông khí huyết đến các tạng phủ, góp phần điều chỉnh, tăng cường chức năng truyền tống, vận hóa và bài thải của dạ dày - ruột. Tuy nhiên, tất cả những phương pháp này phải theo sự hướng dẫn của thầy thuốc.
4. Giữ tinh thần thoải mái
Cần cố gắng giảm thiểu những căng thẳng, bực tức cho người cao tuổi vì tâm lý không thoải mái sẽ làm giảm lượng máu cung cấp cho bộ máy tiêu hóa và dẫn đến tình trạng khó tiêu, trướng bụng, đầy hơi.


Nguy hiểm khi hít phải thủy ngân từ cặp nhiệt độ vỡ

Cặp nhiệt độ thủy ngân là vật dụng y tế có mặt ở hầu hết các gia đình. Chúng được các bậc phụ huynh sử dụng thường xuyên để cặp nhiệt độ cho con, đo nhiệt độ nước pha sữa…

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Hiểm họa trong nhà
Khoa cấp cứu (BV Nhi Trung ương) và Khoa Chống độc (BV Bạch Mai - Hà Nội) là nơi cấp cứu những trường hợp bệnh nhân bị ngộ độc thủy ngân do cặp nhiệt độ vỡ, trong đó trẻ em chiếm số đông. Có những trường hợp trẻ nuốt toàn bộ thủy ngân vào bụng vì nghịch cắn cặp nhiệt độ. Cũng có trường hợp trẻ uống phải sữa lẫn thủy ngân do bố mẹ chủ quan khi đo nhiệt độ nước pha sữa cho bé. Khi cặp nhiệt độ vỡ mà không biết hoặc biết nhưng thu dọn không đúng cách thì nó sẽ trở thành hiểm họa cho cả gia đình.
Theo ThS Vũ Thị Tuyết Mai (ThS y tế công cộng, bác sĩ đa khoa, Bộ Y tế), thủy ngân là một kim loại màu trắng bạc, thể lỏng, không tan trong nước và có thể bốc hơi tương đối dễ ở nhiệt độ phòng. Thủy ngân có trong nhiệt kế là dạng thủy ngân nguyên chất, được hấp thu rất ít khi vào đường tiêu hóa nhưng chúng sẽ trở nên rất độc khi vào phổi do trẻ hít phải trực tiếp. 
Khi trẻ hít phải thủy ngân sẽ hấp thu nhanh qua đường hô hấp, qua màng phế nang vào máu đến thận, gan lách và hệ thần kinh trung ương. Nếu hít phải thủy ngân có thể gây bệnh phổi nặng cấp tính, khiến nạn nhân bị ho, khó thở, đau tức ngực và có cảm giác đau rát ở phổi. Ngoài ra, nó gây mất trí nhớ, viêm miệng, lơ mơ, co giật, nôn ói và viêm ruột. Trong một số trường hợp, có thể gây ra ngộ độc cấp tính, suy hô hấp, thậm chí tử vong nếu tiếp xúc lượng thủy ngân nhiều.
Nhiều cha mẹ do bất cẩn, dùng cặp nhiệt độ cho con xong để chúng trên bàn hoặc giường, trẻ nghịch dẫn đến vỡ mà không biết, điều này rất nguy hiểm. Bởi với nhiệt độ trong phòng, thủy ngân rất dễ bốc hơi. Với nhiệt độ càng cao thì thủy ngân bốc hơi càng nhanh, càng nhiều và hình thành hơi Mercury.
Khi cặp nhiệt độ bị vỡ, thủy ngân trong nhiệt kế sẽ trào ra, hình thành rất nhiều hạt Mercury phân li lăn tròn trên mặt đất. Những "hạt trân châu" rất đẹp này phải nhanh chóng xử lí ngay nếu không nó sẽ "hòa tan" trong không khí, biến thành hơi Mercury rất độc hại và dễ xâm nhập vào cơ thể con người bằng con đường hô hấp, kể cả thấm qua da theo các tuyến thể, chân lông.
Trong thời gian ngắn, sau khi con người bị hít phải một lượng lớn hơi thủy ngân sẽ bị ngộ độc. Thoạt đầu, ta có cảm giác thấy mùi kim loại trong miệng, sau đó đau đầu, chóng mặt, lợm giọng, nôn ọe, toàn thân đau mỏi, uể oải, lạnh bụng vị hàn.
Khi hít phải hơi thủy ngân, nó sẽ kích thích đường hô hấp dẫn đến ho húng hắng, ho ra đờm, khó thở, da có thể tím tái do thiếu ôxy. Ở khoang miệng còn biểu hiện lợi răng xưng đỏ, niêm mạc bị vỡ và xuất huyết. Số ít còn có hiện tượng mất ngủ, tinh thần hoảng loạn, tình cảm khác thường, không ổn định. Hơi thủy ngân còn có thể thâm nhập vào cơ thể qua da gây viêm da dị ứng nhất là ở mặt, cổ, nách và đùi non (bẹn). Biểu hiện là phát ban đỏ trên diện tích lớn, mẩn ngứa và đau nhẹ.
Thủy ngân là một loại hóa chất rất độc, khi đã vào trong cơ thể người, chúng có thể dễ dàng liên kết với các chất béo trong máu và mô gây độc cho các cơ quan nội tạng và hệ thần kinh. Nếu phụ nữ mang thai hít phải thủy ngân phát tán trong không khí, chúng có thể xuyên qua cuống nhau để lọt vào tử cung, gây hại cho cả thai nhi.
Cách tránh bị ngộ độc thủy ngân
Thủy ngân rất khó thu dọn. Sẽ rất sai lầm nếu bạn dùng chổi quét hay thu dọn xong lại đổ vào thùng rác hoặc hất ra cửa… Để tránh bị ngộ độc thủy ngân cho tất cả các thành viên trong gia đình, bạn cần phải thận trọng thực hiện thu dọn chúng tuần tự theo những cách sau:
1. Nhanh chóng đưa mọi người trong nhà, nhất là trẻ em sang phòng khác ngay. Đóng cửa phòng lại để tránh hít phải hơi bốc của thủy ngân. Mở cửa sổ, bật quạt điện để tăng cường lưu thông không khí trong phòng. Tắt điều hòa nhiệt độ hoặc lò sưởi để giảm thủy ngân bốc hơi.
2. Thu hết những hạt thủy ngân trên mặt đất bằng cách dùng que bông ướt hoặc tờ danh thiếp (card) hay giấy Pơluya thu gom thủy ngân lại và cho vào lọ thủy tinh có bịt kín. Động tác phải hết sức nhẹ nhàng nhằm tránh các hạt thủy ngân lại phân li, chia thành nhiều hạt nhỏ, không thể thu hồi được. Có thể rắc một chút bột lưu huỳnh vì lưu huỳnh và thủy ngân kết hợp thành Mercury sulfide khó bốc hơi, tính chất ổn định sẽ giúp giảm được thủy ngân bốc hơi. Ở gia đình không có bột lưu huỳnh, có thể sử dụng lòng đỏ trứng gà sống, cũng đạt được hiệu quả như trên.
3. Sau khi thu hồi thủy ngân vào lọ thủy tinh, miệng lọ phải đậy nắp (nút) rồi quấn chặt, bịt kín bằng băng dính và ghi rõ nhãn ở bên ngoài rồi để vào thùng rác phân loại. Hết sức tránh đổ thủy ngân đã thu thập được xuống các cống rãnh thoát nước để tránh làm ô nhiễm nguồn nước ngầm.
4. Nếu quần áo bị dính thủy ngân, cần ngâm trong nước lạnh khoảng 30 phút, ngâm thêm 30 phút nữa trong nước xà phòng ở nhiệt độ 70 - 80 độ. Sau đó ngâm 20 phút trong nhiệt độ cao trong nước pha hóa chất và xả bằng nước lạnh.
5. Cuối cùng, phải mở hết cửa để thông gió trong phòng với bên ngoài trong nhiều giờ mới có thể vào phòng và sinh hoạt bình thường.
Khi trẻ không may nuốt phải thủy ngân, bố mẹ không nên cuống cuồng làm các biện pháp như móc họng, bóp bụng gây nôn cho trẻ. Bởi việc móc họng sẽ khiến trẻ bị sặc, thủy ngân bị đẩy ngược lên, có nguy cơ chui vào phổi khiến trẻ tử vong. Việc cần làm là đưa trẻ đến bệnh viện hoặc trung tâm y tế nơi gần nhất để được các y bác sĩ hướng dẫn. Bình tĩnh theo dõi phân của trẻ trong vài ngày để xác định, đánh giá lượng thủy ngân đã được bài tiết ra ngoài. Đồng thời cho trẻ ăn uống đầy đủ, đặc biệt uống nhiều nước để tránh táo bón, giúp sự bài tiết tốt hơn.


Huyết áp thấp: Khi nào thì nguy hiểm?

Có một số người không nhỏ thường xuyên bị huyết áp thấp. Đó là không kể những bệnh nhân bị hạ huyết áp đột ngột phải vào cấp cứu. Vậy hạ huyết áp có nguy hiểm hay không?

Triệu chứng huyết áp thấp

Nhiều người bị huyết áp thấp thường có triệu chứng choáng váng, chóng mặt, mặt xanh khó chịu bứt rứt trong người.

Thường các triệu chứng này hay đi kèm với các triệu chứng của các bệnh nền gây tụt huyết áp như: tiêu chảy, đau bụng, sốt cao, lạnh run hay các bệnh mạn tính khác như viêm phế quản mạn, xơ gan, suy tim, ung thư, đái tháo đường…

Các triệu chứng này có khi khá rầm rộ trong những trường hợp huyết áp thấp cấp tính làm bệnh nhân rất mệt mỏi và phải nhập viện ngay. Nhưng cũng có khi rất khiêm tốn chỉ hoa mắt chóng mặt thoáng qua, hay chỉ hơi khó chịu trong cơ thể một chút đối với những người huyết áp thấp mạn tính.

Việc phát hiện các triệu chứng như trên không khó, bệnh nhân sẽ là người nói cho thầy thuốc biết tất cả những triệu chứng này. Dù thế nào đi chăng nữa việc chẩn đoán xác định chắc chắn có phải huyết áp thấp hay không phải do người thầy thuốc tiến hành bằng cách đo huyết áp ở tư thế nằm và khám nhằm phát hiện ra các triệu chứng đi kèm. Việc khám bệnh kỹ càng, đo huyết áp đúng phương pháp, hỏi bệnh nhân sẽ giúp cho thầy thuốc có chiến lược điều trị có hiệu quả.

Cần phải lưu ý kỹ vì có rất nhiều triệu chứng giống như vậy nhưng bệnh nhân lại bị cao huyết áp, nên vai trò của việc đo huyết là rất quan trọng.

Nguyên nhân nào?

Nguyên nhân gây huyết áp thấp thì khá nhiều, nhưng cũng có khi chẳng có nguyên nhân nào cả. Thường những người huyết áp thấp có thể trạng gầy, xanh xao một chút. Phần nhiều là những cô gái trẻ có type thần kinh nghệ sĩ nhạy cảm với các cảm xúc âm tính của cuộc sống.

Các nguyên nhân gây huyết áp thấp có thể là một bệnh cấp tính gây mất dịch trong cơ thể như tiêu chảy nhiều, ói mửa nhiều, say rượu… Nhưng có một số người hay bị hạ huyết áp tư thế. Họ bị hoa mắt chóng mặt khi đang nằm mà ngồi dậy, hoặc thay đổi tư thế đột ngột. Tình trạng này hay xảy ra vào buổi sáng sớm và không có nguyên nhân nào rõ rệt. Bệnh nhân chỉ cảm thấy hoa mắt chóng mặt, tim đập nhanh và vã mồ hôi. Các triệu chứng này chỉ kéo dài vài phút rồi hết và thực ra nó không hề gây tử vong cho bệnh nhân nhưng gây khó chịu cho người bệnh và làm giảm đi chất lượng của cuộc sống.

Huyết áp thấp: Khi nào thì nguy hiểm?
Trong những trường hợp này, người bệnh nếu không được khám kỹ và tư vấn tốt thường rất hoang mang. Họ có thể đi khám rất nhiều thầy thuốc, nhiều khi cũng không chẩn đoán được vì khi đến khám bệnh huyết áp của họ hoàn toàn bình thường. Chính vì vậy ho nghi ngờ tất cả, nghi ngờ cả thầy thuốc và hệ thống y tế.

Vậy thế nào là huyết áp bình thường?

Huyết áp chính là áp lực của dòng máu trong hệ thống động mạch. Chính nhờ sự chuyển động của dòng máu này mà các tế bào của cơ thể nhận được oxy và các chất dinh dưỡng để duy trì họat động của sự sống. Huyết áp được duy trì nhờ áp lực co bóp của cơ tim còn gọi là cung lượng tim, thể tích máu trong cơ thể và độ co giãn của thành động mạch. Khi một trong các yếu tố trên bị rối loạn, bệnh nhân có thể bị cao huyết áp hay hạ huyết áp

Huyết áp trung bình của mỗi người dao động trong khoảng từ 110 - 120mmHg đối với huyết áp tối đa và từ 70 - 80mmHg với huyết áp tối thiểu. Khi huyết áp tối đa dưới 100mmHg và huyết áp tối thiểu dưới 60mmHg, bệnh nhân rơi vài tình trạng hạ huyết áp. Có hai tình trạng hạ huyết: hạ huyết áp cấp hay xảy ra với những bệnh nhân cấp cứu vì chấn thương gây mất máu nhiều, tiêu chảy mất nước, suy tim hay bị bệnh nội khoa khác. Những bệnh nhân này phải được nhập viện cấp cứu và tùy theo nguyên nhân gây hạ huyết áp mà thầy thuốc cho chỉ định điều trị phù hợp: truyền dịch, truyền máu, thuốc vận mạch hay thuốc trợ tim…

Hạ huyết áp mạn tính: ở những người này huyết áp thường xuyên thấp hơn 100mmHg đối với huyết áp tối đa. Bệnh nhân có thể có hoặc không có bất kỳ một sự khó chịu nào. Rất nhiều người chỉ phát hiện tình cờ trong đợt khám sức khỏe định kỳ hay được đo huyết áp khi đi khám một bệnh nào khác không liên quan đến tim mạch.

Hạ huyết áp: nguy hiểm?

Bệnh nhân rơi vào tình trạng hạ huyết áp cấp thì rất nguy hiểm và cần được nhập bệnh viện để điều trị trong phòng săn sóc đặc biệt. Truyền dịch và máu cũng như các dung dịch thay thế máu là phương pháp điều trị đầu tiên được áp dụng cho hầu hết các bệnh nhân.

Còn tình trạng hạ huyết áp mạn tính thì hầu như không có gì là quá nguy hiểm cả. Thậm chí có ngưới còn cho rằng: những người bị huyết áp thấp còn sống thọ hơn những người có huyết áp bình thường. Và thực tế trong thực hành bệnh viện hàng ngày, chúng tôi cũng như nhiều thầy thuốc khác cũng có chung một nhận định như vậy.

Những người thực sự bị huyết áp thấp mạn tính thường phàn nàn với mọi người và với thầy thuốc là hay buồn ngủ, mỏi mệt, chóng mặt, hoa mắt hoặc thỉnh thoảng bị ngất xỉu. Đặc biệt là khi thay đổi tư thế đột ngột. Các triệu chứng này xuất hiện do giảm lưu lượng máu ở não, tim, gan và các cơ quan khác trong cơ thể.

Tình trạng hạ huyết áp mạn tính hay xảy ra ở những người làm việc quá sức, bị stress, rối loạn nội tiết, suy dinh dưỡng, đái tháo đường hay bị bệnh thần kinh ngoại vi… Do đó, nếu tình trạng hạ huyết áp mạn tính kéo dài và gây nhiều khó chịu, thậm chí phải nhập bệnh viện cấp cứu thì nên đi khám ở những thầy thuốc chuyên khoa tim mạch và nội tiết để tìm ra nguyên nhân và có phương pháp điều trị triệt để.

Phòng ngừa hạ huyết áp

Quan trọng nhất là đừng để mắc các bệnh cấp tính làm mất dịch nhiều như tiêu chảy, nôn ói. Không uống quá nhiều rượu, có chế độ ăn hợp lý chứ đừng ăn kiêng thái quá, nhất là ở một số trường hợp nhịn ăn uống để giảm cân nặng ở một số phụ nữ trẻ Tránh thay đổi tư thế quá đột ngột nhất là buổi sáng khi mới thức dậy. Hạn chế uống rượu bia và việc sử dụng các chất kích thích khác gây tổn hại cho hệ thần kinh.

Tránh stress, cân bằng về tâm lý, với một số người bị huyết áp thấp vô căn có thể tập dưỡng sinh, Yoga đúng cách rất có lợi cho sức khỏe và hệ tuần hoàn. Có một chế độ ăn uống hợp lý, đầy đủ chất dinh dưỡng và phù hợp với lứa tuổi. Không để đói bụng quá, ngủ đủ và tập thể dục thường xuyên. Chữa trị tốt những bệnh mạn tính mà mình đã mắc phải như đái tháo đường, suy gan, viêm phế quản mạn tính… Nên khám sức khỏe định kỳ với những người trên 40 tuổi với 2 lần trong năm để điều chỉnh những rối loạn trong cơ thể có thể dẫn đến huyết áp thấp bất ngờ.

Chế độ ăn cũng quan trọng

Nên ăn các loại thức ăn giàu năng lượng và giàu vitamin cũng như các yếu tố vi lượng như: vitamin A, kẽm, magne… Có người cho rằng, bệnh nhân nên ăn mặn một chút để làm tăng khối lượng tuần hoàn trong cơ thể nhờ tác dụng giữ nước của muối. Tuy nhiên, cũng rất nguy hiểm vì sẽ gây tăng huyết áp khi nằm.

Việc uống đủ nước, nhất là khi trời nắng nóng cũng góp phần làm giảm nguy cơ hạ huyết áp ở một số người.

Và một điều rất quan trọng mà nhiều người trong chúng ta không mấy quan tâm, đó là nên đi khám kiểm tra sức khỏe định kỳ mỗi 6 tháng để phát hiện những trục trặc về sức khỏe để có hướng điều chỉnh ngay từ lúc đầu. Đây là khuynh hướng mới nhằm phòng bệnh tật trong một xã hội hiện đại.



Những dấu hiệu bệnh thận không thể bỏ qua

Sở dĩ ngày càng nhiều người mắc bệnh thận là vì các triệu chứng về bệnh này thường khó phát hiện, dễ bị bỏ qua, khiến bạn chủ quan không đi khám kịp thời. Phát hiện sớm bệnh thận vô cùng quan trọng để ngăn chặn những biến chứng nguy hiểm.
Dưới đây là 12 dấu hiệu bệnh thận không thể bỏ qua:
Khó tập trung
Nếu bạn đột nhiên cảm thấy bản thân khó tập trung hoặc dễ nhầm lẫn thì bạn nên đến gặp bác sĩ vì rất có thể thận đang gặp vấn đề

Theo Viện giáo dục y tế Mỹ, thiếu máu liên quan đến suy thận, có nghĩa là não của bạn đang bị thiếu oxy. Điều này có thể dẫn đến các vấn đề liên quan đến trí nhớ, khó tập trung và chóng mặt.
Sự thay đổi trên da
Trên thực tế các triệu chứng như khô da, da bị ngứa hoàn toàn có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh thận. Trung tâm thận quốc gia Mỹ cho rằng nếu thận không thể loại bỏ chất thải trong máu, sự tích tụ có thể gây phát ban và ngứa trầm trọng. Nếu bạn gặp phải trường hợp bị ngứa không rõ nguyên nhân hoặc phát ban nặng, tốt nhất nên đi gặp bác sĩ để kiểm tra thận.
Tăng huyết áp
Trung tâm y tế Mayo Clinic, Mỹ cho rằng các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh thận có thể bao gồm cả cao huyết áp, khó kiểm soát về huyết áp.
Có rất nhiều bệnh nghiêm trọng có thể gây ra tình trạng cao huyết áp, do đó bạn nên đi khám để biết nguyên nhân cụ thể nếu huyết áp thường xuyên cao.
Khó thở
Theo Viện giáo dục y tế Mỹ, khó thở liên quan đến bệnh thận có thể xuất phát từ hai nguyên nhân. Một là do lượng nước dư thừa trong cơ thể có thể tích tụ trong phổi. Hai là do thiếu máu, thiếu các tế bào máu đỏ mang oxy.
Khi vận động nặng chúng ta thường cảm thấy khó thở. Nhưng nếu đột nhiên bạn bị khó thở không rõ nguyên nhân hoặc khi ngủ ngáy thì cần đi khám càng sớm càng tốt.
Đau chân
Điều này có thể sẽ khiến nhiều người ngạc nhiên nhưng khi bạn bị đau chân đừng chủ quan cho rằng nó không liên quan đến thận. 
Bởi theo Trung tâm Thận quốc gia Mỹ, bệnh thân có thể dẫn đến đau ở lưng, phần phụ và cả ở chân. U nang thận do đa nang hình thành ở thận hoặc sỏi thận cũng có thể gây ra cơn đau lưng và đau chân.
Sưng tấy
Theo Viện giáo dục y tế, khi thận không đào thải được lượng nước dư thừa trong cơ thể, nó sẽ dẫn đến tình trạng sưng mắt cá chân, bàn chân, mặt, bàn tay. Tình trạng sưng có thể dao động từ nhẹ đến rất nặng. Điều quan trọng cần nhớ là nếu bạn thấy hiện tượng sưng tấy ở tứ chi, bạn nên đến cơ sở y tế để thăm khám ngay lập tức.
Ớn lạnh
Tự nhiên bị ớn lạnh hoặc cảm thấy lạnh thấu người mặc dù ở trong phòng ấm, bạn có thể đang mang dấu hiệu bị bệnh thận. Trung tâm thận quốc gia Mỹ cho rằng thận khỏe mạnh sẽ sản xuất ra những loại hormone nhắc nhở cơ thể tạo ra các tế bào máu đỏ mang oxy.
Bệnh thận có thể gây gián đoạn trong việc sản xuất ra hormone gây ra bệnh thiếu máu. Thiếu máu và bệnh thận có thể dẫn đến một loạt các triệu chứng bao gồm cả hiện tượng cảm thấy ớn lạnh.

Mất cảm giác ngon miệng
Nếu bạn thấy mình không có cảm giác thèm ăn với bất kỳ món ăn nào thì bạn nên kiểm tra sức khỏe của thận. Mất cảm giác ngon miệng là một trong những tác dụng phụ trong quá trình giảm cân nhưng điều này cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo bạn đang bị bệnh.
Nếu triệu chứng mất cảm giác ngon miệng đi kèm cùng triệu chứng khác của bệnh thận thì khả năng bị bệnh của bạn càng rõ ràng.

Hơi thở có mùi hôi
Hơi thở có mùi hôi là một trong những dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy thận bạn có vấn đề. Theo Trung tâm y tế Davita Healthcare, hơi thở có mùi hôi có thể là do việc xử lý chất thải tích tụ trong cơ thể không tốt.
Nếu nó đi kèm với biểu hiện khác như thay đổi khẩu vị, hoặc chán các thực phẩm giàu protein như thịt thì có thể thận của bạn đang không làm đúng chức năng của nó.
Gặp vấn đề về tiểu tiện
Theo Trung tâm Thận quốc gia Mỹ, do thận làm nhiệm vụ tạo ra nước tiểu, bất kì sự thay đổi nào trong việc tiểu tiện, ví dụ tần suất, màu sắc, cảm giác khi đi tiểu... đều có liên quan đến thận.
Một số thay đổi phổ biến như đi tiểu thường xuyên hơn vào ban đêm hoặc với số lượng nước tiểu nhiều hơn, đi tiểu ít hơn bình thường hoặc với lượng nước ít hơn, có bọt hoặc nước tiểu có bọt hoặc máu trong nước tiểu, tiểu khó... đều có thể do bạn đang bị bệnh thận.
Mệt mỏi
Một trong những triệu chứng ban đầu của bệnh thận là mệt mỏi. Đó là do thiếu các tế bào hồng cầu khỏe mạnh trong máu. Nếu thận khoẻ mạnh, nó sẽ sản xuất một lượng hormone giúp sản xuất các tế bào máu đỏ.
Biểu hiện mệt mỏi dễ nhầm lẫn với hiện tượng thông thường hàng ngày. Tuy nhiên, nếu nhận thấy bạn đang gặp phải mệt mỏi cùng cực, thậm chí ngay sau khi đã có giấc ngủ ngon đêm hôm trước thì đây là một dấu hiệu cho thấy có vấn đề đang xảy ra ở thận. Bạn nên nói chuyện với bác sĩ ngay lập tức.
Buồn nôn và nôn
Theo Trung tâm Thận quốc gia Mỹ, khi bị bệnh thận là chất thải bị tích tụ trong máu và cũng có thể gây buồn nôn và nôn.


Bởi vì thận chịu trách nhiệm cho việc loại bỏ các chất thải ra khỏi cơ thể nên khi không làm tốt điều này nó sẽ dẫn đến cảm giác buồn nôn và ói mửa. Nếu hay gặp triệu chứng này, hãy đi khám sớm, đặc biệt là khi có kèm theo các triệu chứng khác.