Văn phòng Diện Chẩn Sống Khỏe_ Khu nhà 102 Ngõ 95 Chùa Bộc-Đống Đa-Hà Nội _ ĐT : 0906143408

Hướng dẫn lý thuyết và thực hành cơ bản cho những quí vị thực sự yêu thích Diện Chẩn . Hãy gọi cho chúng tôi để biết lịch .

Tư vấn sức khỏe , chẩn bệnh đưa ra phác đồ miễn phí.

Thứ Hai, 2 tháng 11, 2020

Cách dưỡng sinh phòng bệnh

 Con người không ai có thể thoát khỏi quy luật “sinh, lão, bệnh, tử” của tạo hóa, cũng không có phép thuật hay phương thuốc bí truyền huyền diệu nào có thể giúp cho con người “trường sinh bất tử”, nhưng bằng sự hiểu biết quy luật và khả năng thích ứng của mình, con người có thể hoàn toàn đạt được mục đích sống khỏe hơn và sống lâu hơn.

Xưa kia, nhiều đấng quân vương, nhiều nhà quyền quý đã từng đua nhau đi tìm phép dưỡng sinh kỳ bí với mong ước sống sao cho thật lâu để tận hưởng vinh hoa phú quý. Thậm chí, không ít ông vua suốt đời ôm giấc mộng có được một bí thuật nào đó để thỏa mãn mục đích cao nhất là “trường sinh bất tử”. Tần Thủy Hoàng và Hán Võ Đế là hai vị hoàng đế tiêu biểu nhất trong lịch sử Trung Quốc đã huy động sức người, sức của sẵn có trong tay cố tìm cho được thứ thuốc “trường sinh bất lão”. Nhưng tại sao tất cả đều thất bại và tuổi thọ của hai vị hoàng đế đều không kéo dài thêm được bao lâu?

Bài viết dưới đây xin được giới thiệu cùng bạn đọc phương pháp vô cùng độc đáo của y học phương Đông: Dưỡng sinh trường thọ là phương pháp dự phòng bệnh tật, bảo vệ và phục hồi sức khỏe, làm chậm quá trình lão hóa và kéo dài tuổi thọ để bạn đọc tham khảo và áp dụng.

 

 

Nội dung của dưỡng sinh trường thọ

Kiện thân (dưỡng thân) để dưỡng sinh trường thọ:

 Để đạt được điều này, ba vấn đề quan trọng nhất cần thực hành là: ăn uống khôn ngoan, dùng thuốc hợp lý và vận động, tập luyện đúng cách.

Dùng thuốc để cường thân ích thọ là việc nên làm, song theo phép dưỡng sinh trường thọ thì phải “biện chứng thi trị”, nghĩa là phải căn cứ vào đặc điểm thể chất và tình hình sức khỏe bệnh tật cụ thể của mỗi người mà lựa chọn và dùng thuốc cho phù hợp, cơ thể thiếu cái gì thì bù đắp cái đó, không được sử dụng vô độ, bừa bãi. Nước chảy thường xuyên thì không biến mùi, trục cánh cửa luôn quay thì không han gỉ, cơ thể con người cũng cần vận động và tập luyện thường xuyên thì mới mong có được sức khỏe và trường thọ.

Tập luyện có nhiều cách, cách nào cũng có mặt tích cực và mặt hạn chế, cho nên cần lựa chọn cho mình bài tập phù hợp và tham khảo hướng dẫn của các nhà chuyên môn để đạt được hiệu quả mong muốn.

Dưỡng tâm (dưỡng thần) để dưỡng sinh trường thọ

nghĩa là sử dụng các biện pháp cần thiết để điều hòa đời sống tinh thần, tình cảm cốt sao đạt được sự ổn định và cân bằng. Theo y học cổ truyền, “thần” là một trong ba thứ cực kỳ quan trọng (tam bảo) của nhân thể cùng với “tinh” và “khí”. Một trong những điều cơ bản là “hình thần hợp nhất”, nghĩa là giữa thể xác và tinh thần luôn có một mối quan hệ biện chứng mật thiết. Muốn cho thân thể cường tráng và trường thọ thì nhất thiết phải chủ động xác lập một đời sống tinh thần khỏe mạnh. Quách Khang Bá, dưỡng sinh gia trứ danh Trung Quốc nói: “Tự thân hữu bệnh tự thân tri, thân bệnh hoàn tương tâm tự y. Tâm cảnh tịnh thời thần diệc tịnh, tâm sinh hoàn thị bệnh sinh thì” (Thân mình có bệnh chính mình biết, thân bệnh thì nên chữa tâm đi! Tâm trạng được yên bệnh sẽ hết, tâm mà rối loạn bệnh tất nguy).

Mỹ dung để dưỡng sinh trường thọ

 (cái đẹp có tính tự nhiên và chỉnh thể, đẹp cả trong lẫn ngoài, cả thể xác và tâm hồn). Trong mỹ dung dưỡng sinh cổ truyền phương Đông, điều đó có nghĩa là phải tuân thủ triệt để nguyên tắc “hình thần kiêm cố, nội ngoại đồng trị”. Sở dĩ cần làm như vậy là vì: vùng mặt chỉ là một bộ phận của cơ thể con người, muốn đạt được mục đích làm đẹp thì nếu chỉ bảo dưỡng vùng mặt không thôi thì chưa đủ, mà phải làm cho công năng tạng phủ điều hòa, kinh mạch vận hành thông suốt, khí huyết toàn thân vượng thịnh thì không những chỉ riêng bộ mặt mà dung mạo toàn thân cũng toát lên vẻ đẹp tự nhiên và bền vững.

Nguyên tắc dưỡng sinh trường thọ

Thuận ứng với hoàn cảnh để dưỡng sinh trường thọ:

 Cổ nhân khuyên phải “thuận thiên thời”, tức là phải thích ứng với tự nhiên và phải lợi dụng tự nhiên nhằm bảo vệ và tăng cường sức khỏe. Ví như, nhà ở phải thoáng khí, mát về mùa hạ, ấm về mùa đông, “trong vườn trồng vài cây hoa,... trước thềm đặt chậu nước lớn nuôi vài con cá vàng... phủi bụi, cắm hoa, câu cá... chẳng phải lo lắng buồn phiền” (theo sách Lão lão hằng ngôn) hay như sách Hoàng Đế nội kinh viết: “Hạ tam nguyệt... dạ ngọa tảo khởi, vô yếm ư nhật”nghĩa là: mùa hạ hàng ngày nên dậy sớm để thuận ứng với sự hưng thịnh của dương khí, đi ngủ muộn một chút để thuận với âm khí suy vi, không nên khó chịu, ghét bỏ cái việc ngày dài trời nóng. Có thể nói, quan điểm dưỡng sinh thích ứng với hoàn cảnh tự nhiên để đạt được mục đích kiện thân, khứ bệnh và trường thọ.

Vận động hợp lý để dưỡng sinh trường thọ

Y thư cổ viết: “Sinh mạng tại vu vận động” (sự sống là ở vận động) hay “hình bất động tắc tinh bất lưu, tinh bất lưu tắc khí uất” (cơ thể không vận động thì tinh không lưu thông được, tinh không lưu thông thì khí bị uất lại). Bởi vậy, cổ nhân khuyên nên “tập hít thở, thở ra khí cũ, hít vào khí mới, như con gấu vươn thân, con chim vỗ cánh là để sống lâu vậy” hay “hết thảy những ngày khí hậu bình thường, đều tùy trời nóng lạnh mà ra khỏi nhà đi bộ 3 dặm, 2 dặm, 300 bước, 200 bước đều tốt” (theo sách Bảo sinh danh) hay “theo đạo dưỡng sinh, không nên đi nằm sau khi ăn hoặc không ngồi suốt ngày, vì như thế làm khí huyết ngưng kết, lâu dần ắt tổn thọ” (theo sách Thọ thế bảo nguyên). Có thể nói nguyên tắc vận động hợp lý là nguyên tắc cơ bản và then chốt của phép dưỡng sinh.

Cân bằng và toàn diện để dưỡng sinh trường thọ:

 Ăn uống không nên thiên lệch, lao động không được quá sức, suy nghĩ chớ có cực đoan, tình dục cũng đừng thái quá... Cần vận dụng tổng hợp các biện pháp thì mới mong đạt được hiệu quả cao nhất của phép dưỡng sinh trường thọ. Ví như, cổ nhân khuyên “ngũ cốc vi dưỡng, ngũ quả vi trợ, ngũ súc vi ích, ngũ thái vi sung, khí vị hợp nhi phục chi, dĩ bổ tinh ích khí” ý nói nên ăn đầy đủ và cân đối giữa ngũ cốc, thịt cá, hoa quả và rau; hay phải luôn luôn chú ý giữ cân bằng âm dương trong đời sống tinh thần vì “nộ thương can, hỉ thương tâm, tư thương tỳ, ưu thương phế, khủng thương thận” (giận quá hại can, mừng quá hại tâm, suy nghĩ quá hại tỳ, ưu phiền quá hại phế, sợ hãi quá hại thận).

Vận dụng phù hợp để dưỡng sinh trường thọ

Mỗi con người là một vũ trụ thu nhỏ, mỗi cá thể đều có những đặc điểm khác nhau về cấu trúc cơ thể, tuổi tác, giới tính, điều kiện sống và làm việc, tình trạng bệnh tật... Cho nên, phương pháp dưỡng sinh cũng phải tuân thủ nguyên tắc “nhân nhân chế nghi, nhân thời chế nghi, nhân địa chế nghi”, nghĩa là phải tùy người, tùy thời, tùy nơi mà vận dụng cho phù hợp.

Thứ Bảy, 31 tháng 10, 2020

5 vùng dưỡng sinh kỳ diệu

 Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, thường xuyên kích thích vào năm vùng dưỡng sinh kỳ diệu này sẽ giúp cơ thể phòng chữa được nhiều bệnh, tăng cường sức khỏe và kéo dài tuổi thọ.

Vùng ngực vùng dưỡng sinh kỳ diệu

Tuyến ức nằm trong lồng ngực là một trong những cơ quan quan trọng để tạo ra hệ miễn dịch của cơ thể. Tuyến ức có chức năng làm biến đổi tế bào miễn dịch lympho T từ dạng tế bào non thành tế bào trưởng thành và có chức năng miễn dịch.

Cách làm: Hàng ngày dùng tay massage lồng ngực từ trên xuống dưới từ 100 - 200 lần để kích thích tuyến ức, có tác dụng phòng bệnh ung thư, chống viêm, tăng cường sức khỏe và tuổi thọ.

Các huyệt đạo ở lòng bàn chân tương ứng với các cơ quan trong cơ thể.

Các huyệt đạo ở lòng bàn chân tương ứng với các cơ quan trong cơ thể.

Vùng nách hai bên vùng dưỡng sinh kỳ diệu

Vùng nách là nơi có chứa nhiều mạch máu, hạch bạch huyết và hệ thống dây thần kinh phong phú nhất của cơ thể. Đây cũng là vùng có chức năng bảo vệ sức khỏe một cách kỳ diệu.

Ở nách có huyệt Cực tuyền liên hệ trực tiếp với tim, là nơi tập trung rất nhiều mạch máu và thần kinh liên quan đến tim. Đối với người bị bệnh tim thường hay hồi hộp, tim đập nhanh, đau tim… khi kích thích vùng nách có tác dụng như một biện pháp bảo vệ sức khỏe đơn giản mà hiệu quả.

Cách làm: Bạn nằm ngửa trên giường, bốn ngón tay trái khép lại (ngoại trừ ngón cái) đưa vào trong nách bên phải, day thuận chiều kim đồng hồ và ngược chiều kim đồng hồ, mỗi chiều 20 vòng thì đổi chiều, tổng cộng 200 vòng, sau đó đổi tay lấy tay phải xoa nách trái tương tự như đã xoa nách bên phải.

Vùng cột sống vùng dưỡng sinh kỳ diệu

Dọc theo cột sống là một vùng dưỡng sinh được các nhà khoa học rất quan tâm. Nơi đây có hai đường kinh của Đốc Mạch chạy qua. Kinh lạc ở hai bên cột sống có mối liên quan mật thiết với lục phủ ngũ tạng của cơ thể. Cột sống có chức năng chống đỡ cho toàn cơ thể, liên kết với xương sườn, xương chậu để bảo vệ các tạng phủ bên trong lồng ngực và ổ bụng.

Cách làm: Thường xuyên massage kích thích ở cột sống có thể giúp lưu thông kinh lạc, lưu thông khí huyết, lưu thông mạch máu và tốt cho các cơ quan trong cơ thể. Bạn có thể thực hiện theo nhiều cách như: massage, tẩm quất lưng, dùng máy xoa bóp…

Mạch đốc chạy dọc cột sống.

Mạch đốc chạy dọc cột sống.

Vùng rốn vùng dưỡng sinh kỳ diệu

Vùng rốn thường được các nhà dưỡng sinh mệnh danh là “pháo đài” bảo vệ sức khỏe. Huyệt vị ở rốn là huyệt Thần khuyết, nó liên kết với 12 kinh mạch, lục phủ ngũ tạng, tứ chi, ngũ quan, da thịt gân cốt của cơ thể. Các bác sĩ y học cổ truyền thường dùng thuốc đắp vào rốn để điều trị các loại bệnh như đau thắt cơ tim, tiêu hóa kém.

Nếu bạn thường xuyên massage vùng rốn, sẽ có công dụng kiện não, hỗ trợ tiêu hoá, an thần, lợi đại tiểu tiện, tăng cường quá trình trao đổi chất của gan và thận, giúp khí huyết lưu thông, tăng cường khả năng đề kháng với các loại bệnh tật.

Cách làm: Mỗi tối trước khi ngủ, bạn nằm ngửa, hai chân chống lên. Xoa hai lòng bàn tay vào nhau cho ấm. Đầu tiên úp tay phải ấn nhẹ vào rốn, tay trái đặt trên tay phải. Sau đó nhẹ nhàng vừa ấn vừa xoa theo chiều kim đồng hồ 20 - 30 lần. Đổi tay trái xuống dưới, rồi lại nhẹ nhàng vừa ấn vừa xoa ngược chiều kim đồng hồ 20 - 30 lần.

Hai lòng bàn chân vùng dưỡng sinh kỳ diệu

Ở mỗi lòng bàn chân của con người, có hơn bảy mươi loại huyệt vị, sáu đường kinh lạc đều bắt đầu và kết thúc ở chân.

Theo các nhà khoa học, ở lòng bàn chân có hàng vạn đầu mút dây thần kinh liên hệ mật thiết với não bộ và các cơ quan nội tạng khác trong cơ thể như tim, phổi, gan, lách, dạ dày, ruột non, ruột già, thận, thượng thận, bàng quang… Họ ví đây như là “trái tim thứ hai” của con người.

Cách làm: Hàng ngày nên gập ngón chân, đi bộ, dẫm lên đá cuội để massage chân, ngâm chân bằng nước nóng, ngâm chân với nước thuốc Nam… đều có thể thúc đẩy tuần hoàn tại đây, giúp máu lưu thông đi những nơi cách xa tim và khắp toàn thân. Làm thường xuyên còn có công dụng giúp cân bằng âm dương, phòng và chữa bệnh, bảo vệ sức khỏe và kéo dài tuổi thọ.


Thứ Ba, 27 tháng 10, 2020

Mẹo hay giúp giảm cơn đau dạ dày

   Đau dạ dày là một trong những chứng bệnh khá phổ biến của nhịp sống hiện đại. Mọi triệu chứng của đau dạ dày như: Đầy hơi, đầy bụng, buồn nôn gây cảm giác cực kỳ khó chịu đối với người bệnh và đều khiến cơ thể bị suy nhược.

Vậy làm thế nào để đẩy lùi những cơn đau dạ dày hiệu quả? Dưới đây là một số mẹo hay đơn giản  giúp giảm đau dạ dày.

Ăn thức ăn nhạt, mềm giúp giảm cơn đau dạ dày

Đồ ăn nhạt giúp dạ dày tiêu hóa tốt hơn nên trong những ngày đau dạ dày bạn nên chế biến thức ăn nhạt hơn, các cơn đau dạ dày nhờ đó cũng ít xuất hiện hơn. Ngoài ra, để dạ dày giảm “gánh nặng” bạn ưu tiên chọn các thức ăn dạng mềm, dễ tiêu, tránh đồ ăn nhiều dầu mỡ và nhớ chia nhiều bữa nhỏ trong ngày.

Ăn bánh mỳ giúp giảm cơn đau dạ dày

Bánh mỳ, bánh quy ngọt có thể giúp giảm đau dạ dày. Những người thường bị đau dạ dày, đau bụng khi đói thì nên dự trữ một ít bánh quy hoặc bánh mỳ không nhân. Bởi khi cảm thấy đau bụng, bạn có thể ăn một chút bánh, các loại bánh này sẽ giúp thấm hút bớt đi những dịch vị thừa có trong dạ dày, giúp giảm đau rất hiệu quả.

Mách bạn mẹo hay giúp giảm cơn đau dạ dàyĂn bánh mì sẽ giúp thấm hút bớt đi những dịch vị thừa có trong dạ dày, giúp giảm đau rất hiệu quả.

Dùng nước muối loãng giúp giảm cơn đau dạ dày

Nước muối nóng thường được dùng để súc miệng giúp tiêu diệt vi khuẩn trong khoang miệng. Bên cạnh đó nước muối nóng còn có tác dụng chống viêm, làm sạch đường ruột, tiêu diệt vi khuẩn đường tiêu hóa. Dùng nước muối còn có thể giúp bạn làm giảm cơn đau dạ dày tạm thời một cách nhanh chóng. Khi có dấu hiệu đau dạ dày, người bệnh có thể pha muối hạt với nước nóng và uống từng ngụm nhỏ để giảm bớt cơn đau.

Xoa bụng đúng cách giúp giảm cơn đau dạ dày

Khi cơn đau dạ dày xuất hiện hãy xoa bụng, đây là biện pháp rất đơn giản bất cứ ai cũng có thể thực hiện được ngay. Dùng tay áp lên bụng, sau đó xoa nhẹ theo chiều kim đồng hồ với lực vừa phải và duy trì xoa như vậy lặp đi lặp lại nhiều lần trong khoảng 10 phút bạn sẽ thấy cơn đau dạ dày giảm đi đáng kể.

Làm ấm bụng giúp giảm cơn đau dạ dày

Nếu xoa bụng như trên vẫn chưa hiệu quả, bạn có thể làm ấm bụng bằng cách lấy một chai nước ấm (cần kiểm tra không để nóng sẽ gây bỏng), sau đó lăn nhẹ lên vùng bụng. Khi vùng bụng ấm lên thì kết hợp xoa bụng theo chiều kim đồng hồ. Hoặc có thể rang một nắm muối cho nóng. Bọc nắm muối đó vào bằng một tấm vải sạch rồi chườm vào vùng bụng bị đau. Khi hơi nóng lan tỏa khắp bụng sẽ làm tăng lưu thông tuần hoàn máu, từ đó giảm đau co thắt dạ dày và cơn đau dạ dày sẽ giảm đi đáng kể.

Nằm nghiêng bên trái làm giảm cơn đau dạ dày

Đây là một cách giảm cơn đau dạ dày đơn giản và rất hữu ích dành cho bệnh nhân khi phải đối mặt với những cơn đau dạ dày dai dẳng. Khi cơn đau dạ dày xuất hiện, hãy bình tĩnh, chậm rãi nằm xuống giường, cố gắng nằm nghiêng người về phía bên trái.

Hít thở sâu giúp giảm cơn đau dạ dày

Hít thở đúng cách cũng là cách đơn giản để giảm các cơn đau. Khi hít thở sâu có thể sẽ kích thích quá trình co thắt của dạ dày, giảm thiểu các chất acid dư thừa có trong dạ dày, từ đó giúp người bệnh giảm được các triệu chứng đầy bụng, buồn nôn và đặc biệt là các cơn đau ở dạ dày.

Để hít thở sâu, người bệnh ngồi với tư thế thoải mái, hai tay đặt ở bụng, sau đó từ từ hít một hơi thật sâu bằng mũi, tiếp tục giữ khí trong bụng từ 3 đến 5 giây, sau đó từ từ thở chậm ra bằng đường miệng. Nên lặp lại động tác này nhiều lần trong ngày với thời lượng khoảng 13-15 phút mỗi lần.

Mách bạn mẹo hay giúp giảm cơn đau dạ dàyNghệ là thảo dược, là nguyên liệu giúp giảm đau dạ dày được ông bà ta áp dụng từ xưa tới nay.

Giảm cơn đau dạ dày với củ nghệ

Nghệ là thảo dược, là nguyên liệu chữa đau dạ dày được ông bà ta áp dụng từ xưa tới nay. Các nghiên cứu y học hiện đại cũng đã nghiên cứu cho thấy hoạt chất tạo nên màu vàng và đem lại công dụng hữu ích của nghệ vàng là Curcumin, chiếm 0,3% khối lượng củ nghệ. Đối với bệnh đau dạ dày thì Curcumin có tác dụng ức chế vi khuẩn HP, làm giảm tiết dịch vị, tăng tiết chất nhầy, đồng thời giúp phục hồi nhanh các tổn thương và bảo vệ niêm mạc dạ dày, chống viêm, chống ung thư, bảo vệ gan thận… Do đó, nghệ được xem là thảo dược hỗ trợ điều trị bệnh hiệu quả. Vì vậy, để đẩy lùi bệnh đau dạ dày bạn nên sử dụng nghệ  hằng ngày có thể pha chế tinh bột nghệ và mật ong làm nước uống hoặc hoàn viên để uống. Ngày nay, với sự phát triển của ngành công nghệ thực phẩm, củ nghệ được ứng dụng vào nhiều sản phẩm chăm sóc sức khỏe, trong đó có bệnh lý dạ dày...

Chủ Nhật, 18 tháng 10, 2020

Tập thở đối phó bệnh đường hô hấp

  Người mắc các bệnh lý hô hấp là khó thở do tình trạng tắc nghẽn mạn tính đường thở và tăng tính đáp ứng của đường thở đối với nhiều kích thích khác nhau, đặc biệt là các hoạt động gắng sức, do đó làm giảm sút khả năng hoạt động thể lực, ảnh hưởng đến công việc, cuộc sống sinh hoạt thường ngày.

Phục hồi chức năng hô hấp thông qua các phương pháp tập thở, các bài tập vận động phù hợp sẽ góp phần nâng cao khả năng hoạt động thể lực, cải thiện thông khí hô hấp, giảm bớt tình trạng khó thở chung và khó thở gây ra do gắng sức.

Tập thở

Cần chọn vị trí tập có không gian đủ rộng, thoáng, không khí trong lành, nhiệt độ, độ ẩm phù hợp theo thời tiết. Có ghế tựa với độ cao thích hợp để có thể ngồi tập thở với tư thế lưng thẳng, thả lỏng thoải mái nhất.

Thở chúm môi: 

Hít vào chậm qua mũi thở ra từ từ bằng miệng, môi chúm lại như thổi sáo. Có thể áp dụng thêm kỹ thuật ngưng thở cuối kỳ hít vào (nín thở khoảng 03 giây).

Thở bụng:

 Thả lỏng hai vai, một tay đặt lên bụng (để cảm nhận di động của bụng); mím môi hít vào bằng mũi, phình bụng ra; thóp bụng lại, thở ra bằng phương pháp chúm môi.

Khi tập thở, nên hít vào sâu nhất có thể (lưu ý không cần gắng sức quá mức), thở ra vừa sức. Tập ít một, tăng dần, thường xuyên thành thói quen hàng ngày. Có thể dùng kỹ thuật này khi khó thở hoặc khi hoạt động thể lực.

Phương pháp thở bụng đúng giúp cải thiện chức năng hô hấp.

Phương pháp thở bụng đúng giúp cải thiện chức năng hô hấp.

Tập thở ra gắng sức và ho chủ động

Thở ra gắng sức: Mím môi hít vào sâu và chậm; thở ra nhanh, mạnh gắng sức.

Ho chủ động: Nên tập thở vài nhịp trước khi ho chủ động. Hít vào chậm sâu, nén hơi khoảng 3 giây; ép ngực và bụng ho mạnh ra liên tiếp 2-3 lần; khạc đờm. Nếu không khạc được đờm, có thể nghỉ ngơi tập thở vài nhịp rồi làm lại.

Thở ra gắng sức và ho chủ động giúp khạc đờm dễ dàng hơn. Nên khạc đờm vào giấy ăn hoặc khăn tay để kiểm tra số lượng, màu sắc đờm. Nếu đờm có màu vàng, xanh hoặc đỏ máu, cần khám tư vấn bác sĩ. Mỗi ngày nên ho khạc đờm 2 lần vào buổi tối trước lúc ngủ và buổi sáng khi mới dậy và làm thêm mỗi khi thấy có đờm.

Việc tập luyện cần kiên trì, đều đặn. Bài tập từ dễ, đơn giản đến khó, phức tạp, tăng dần khối lượng, cường độ tập luyện một cách thích hợp. Các bài tập phải đảm bảo tăng cường cả về sức mạnh, sức bền và các bài tập dẻo dai, nhẹ nhàng thư giãn.  Phương pháp tập luyện phù hợp, không tập luyện trong đợt cấp tính của bệnh hoặc phải có chỉ định, hướng dẫn của bác sĩ.

Tập luyện kết hợp với chế độ dinh dưỡng hợp lý. Thời gian tập luyện phù hợp với nhịp sinh học của cơ thể, ví dụ: không nên quá sớm hoặc quá muộn trong ngày; quá xa hoặc quá gần bữa ăn chính. Tập ngoài trời phải đảm bảo thời tiết, nhiệt độ, nắng, gió ôn hòa.

Phối hợp thuốc điều trị và tập luyện. Kiểm tra sức khỏe định kỳ.

Các bài tập sức bền (aerobic, đi bộ, chạy chậm, đạp xe, bơi...) là trọng tâm của chương trình vận động phục hồi chức năng hô hấp, là cách tốt nhất để tăng cường khả năng chịu đựng của hệ tuần hoàn-hô hấp.

Các bài tập tăng cơ lực cơ thân, chi trên như cơ thang, cơ rộng lưng, cơ nhị đầu, tam đầu cánh tay, các cơ ngực, cơ vai, cơ liên sườn... phối hợp với các bài tập thở vừa giúp tăng cơ lực vừa có tác dụng tăng thông khí nhờ tăng hoạt động của các cơ hô hấp và sự giãn nở của lồng ngực.

Các bài tập tăng lực cơ chi dưới ít tác động trực tiếp đến chức năng hô hấp. Mỗi bài tập nên thực hiện 8-12 lần trong 2-3 lượt với cường độ khoảng 50-70% cường độ tối đa có thể thực hiện. Các bài tập cử động vùng cổ, vai, ngực, đùi giúp tăng độ dẻo dai được lồng ghép xen kẽ trong mỗi buổi tập.

Việc tập luyện cần phải được duy trì thường xuyên trong thời gian dài.

Đối với những người mới tập chưa thành thạo, nên bắt đầu với cường độ thấp. Có thể tập ngắt quãng 2-3 phút tập cường độ cao xen kẽ 1-2 phút cường độ thấp hoặc nghỉ ngơi. Cường độ tập luyện thấp cũng có thể đạt được sự cải thiện đáng kể về triệu chứng giúp dễ dàng thực hiện công việc, sinh hoạt và tuân thủ điều trị, gia tăng chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, người bệnh ở giai đoạn nhẹ và trung bình cũng có thể thực hiện các bài tập với cường độ cao.

Bệnh nhân có tình trạng tắc nghẽn đường thở nghiêm trọng được khuyến cáo bắt đầu bằng các bài tập sức bền hoặc chỉ các bài tập tăng độ dẻo dai và có thể hỗ trợ thêm các thuốc giãn phế quản, oxy.

Môi trường xanh sạch, không khói thuốc, không chất gây ô nhiễm kết hợp với điều trị, kiểm soát bệnh và tập luyện phục hồi chức năng hô hấp là những điều kiện tiên quyết để cải thiện tình trạng sức khỏe cho người mắc các bệnh lý hô hấp.

Chữa bệnh và kéo dài tuổi thọ bằng phương pháp cứu (Kỳ II)

 ể cứu đạt hiệu quả cao, ngoài việc phải am hiểu bệnh nào nên cứu thì chọn huyệt để cứu phải tuân thủ lý luận của y học cổ truyền.

Để cứu đạt hiệu quả cao, ngoài việc phải am hiểu bệnh nào nên cứu thì chọn huyệt để cứu phải tuân thủ lý luận của y học cổ truyền. Cụ thể cần phải cứu các huyệt theo thứ tự nhất định. Phải cứu các huyệt kinh dương trước, kinh âm sau; cứu trên trước, dưới sau (từ đầu xuống chân); cứu bên trái trước, bên phải sau. Sau khi cứu không nên uống trà ngay vì sợ hỏa khí bị giải; không nên ăn ngay vì sợ kinh khí bị trệ. Bệnh nhân cần được nghỉ ngơi yên tĩnh từ 1-2 giờ.

                     Chữa bệnh bằng phương pháp cứu trên các huyệt đạo 

 Phương pháp cứu một số bệnh tiêu biểu chỉ dùng ít huyệt mà có hiệu quả tốt:

- Điều trị các triệu chứng của bệnh đường tiểu (chứng lâm bế) với các biểu hiện tiểu tiện khó, đái són, đái rắt, đau dọc niệu đạo, đái ra chất đục như nước vo gạo hoặc đái ra máu, người mệt mỏi...

Cách cứu: Rang muối nóng đắp đầy rốn người bệnh rồi cứu liên tục 7 mồi hoặc cứu 3 mồi ở huyệt tam âm giao (vị trí huyệt tam âm giao nằm ở mặt sau trong xương chày, cách chỗ lồi cao nhất mắt cá trong chân lên 3 tấc).

- Chữa chứng đau do thoát vị bẹn, đau từ bụng lan xuống bìu, tiểu tiện són, nhỏ giọt (chứng tiểu trường sán khí): Cứu 3 mồi ngải ở huyệt đại đô (vị trí huyệt: Ở chỗ lõm sau đốt 1 ngón chân cái, nơi tiếp giáp da mu và da lòng bàn chân).

- Bệnh lâu ngày, nóng lòng bàn tay, chân, đổ mồ hôi trộm, người mỏi mệt, đau lạnh các đốt xương, người gầy gò, da vàng: cứu huyệt tâm du, cứ mỗi tuổi thì cứu 1 mồi ngải. (Huyệt tâm du ở ngang đốt sống lưng thứ 5 đo ngang ra hai bên, mỗi bên 1,5 tấc).

- Người bệnh do khí huyết hư nhược gây các chứng nóng âm ỉ trong xương, sốt thành từng cơn kèm ho, ho suyễn, người hư nhược thì cứu 2 huyệt cách du, đởm du, mỗi huyệt 7 mồi ngải (huyệt cách du ở ngang đốt sống lưng 7 đo ngang ra hai bên, mỗi bên 1,5 tấc; huyệt đởm du từ đốt sống lưng 10 ngang ra 1,5 tấc).

- Trẻ con hay khóc đêm: Cứu 3 mồi ở huyệt bách hội (vị trí huyệt là giao điểm của đường thẳng ngang qua chỗ cao nhất của 2 vành tai và đường thẳng đứng đi qua giữa đỉnh đầu).

- Chứng tiêu chảy, nôn mửa, sốt nhẹ, mạch nhỏ, nhanh: cứu huyệt thái khê (ở chỗ lõm sau chỗ lồi cao nhất của mắt cá trong chân 0,5 tấc).

Tiểu tiện hay bị són, không tự chủ: cứu hai huyệt âm lăng tuyền và dương lăng tuyền (dương lăng tuyền ở chỗ lõm phía trên xương chày và xương mác, dưới xương bánh chè 1 tấc, còn âm lăng tuyền thì đối diện ở ngang qua mặt trong cẳng chân).

- Phụ nữ sau khi sinh không có sữa: Cứu huyệt chiên trung (ở điểm giữa đường nối hai đầu vú) và châm bổ huyệt thiếu hải (co cẳng tay lên đầu, huyệt ở đầu trong nếp gấp cánh – cẳng tay).

- Phụ nữ sinh ngôi ngang, sa tay (tay của trẻ ra trước): Cứu 3 mồi ở đầu chót ngón chân út thì sẽ đẻ được.

- Vọp bẻ chân (chuột rút) nhiều, uống thuốc không hiệu quả: Cứu 14 mồi ở huyệt thừa sơn (vị trí ở chỗ lõm dưới cẳng chân, giữa cơ sinh đôi ngoài và trong).

- Người nặng nề, ớn lạnh, bụng đầy trướng khó chịu: Cứu 2 huyệt quan nguyên, khí hải (ở đường giữa cách phía dưới rốn 1,5 tấc và 3 tấc).

- Tăng sức đề kháng, kéo dài tuổi thọ: Thường xuyên cứu các huyệt quan nguyên, khí hải, túc tam lý (ngang và cách mào xương chày một khoát ngón tay, dưới đầu gối 3 tấc), nhất là về mùa lạnh.

Có thể kể ra rất nhiều các bệnh mà sử dụng thủ thuật cứu đạt được kết quả tốt. Vì vậy Dương Kế Châu, một danh y nổi tiếng của Trung Quốc có nói: “Phục dược tam niên bất như cứu ngải nhất tráng”, nghĩa là dùng thuốc 3 năm không bằng một mồi ngải cứu.

Chữa bệnh và kéo dài tuổi thọ bằng phương pháp cứu (Kỳ I)

 Châm và cứu là hai thủ thuật điều trị phổ biến trong y học cổ truyền (YHCT). Tuy nhiên trong thực tiễn lâm sàng, một số thầy thuốc do thiếu hiểu biết hoặc do thấy phương pháp cứu có thao tác phiền phức hơn nên ít sử dụng, làm cho nhiều bệnh nhân không được tiếp cận một phương pháp chữa bệnh độc đáo, hiệu quả.

Vậy vì sao cứu lại có hiệu quả trong phòng, chữa bệnh, kéo dài tuổi thọ cho con người?

                       Cứu Phương pháp điều trị hiệu quả và độc đáo


Để trả lời câu hỏi này cần phải tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, sự già cả và cái chết. Cách đây hơn 2.000 năm, nhà triết học cổ Hy Lạp Aristole (384-199 trước Công nguyên) đã cho rằng "sự giảm dần thân nhiệt bẩm sinh là nguyên nhân dẫn đến cái già". Còn hai học giả khác là Galen và Pecgamon (129-199 trước Công nguyên) cũng kết luận: Sự mất mát về thân nhiệt thông qua sự giảm độ ấm trong cơ thể và trong các mô sẽ dẫn đến cái già, còn cái chết là sự mất hoàn toàn thân nhiệt. Nền YHCT thì nhận định nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, nếu là do ngoại nhân thì hàn tà (thời tiết lạnh) được xem là nguy hiểm nhất, bởi vì nó liên kết với phong tà (gió), thấp tà (độ ẩm thấp), làm suy giảm vệ khí (dương khí, thân nhiệt) bảo vệ bên ngoài cơ thể gây nên bệnh là chủ yếu. Còn bên trong, mỗi tạng phủ đều nhờ dương khí mới hoạt động được. Cùng với tuổi tác ngày mỗi cao và nhất là bị bệnh lâu ngày làm cho dương khí bị giảm sút sẽ làm rối loạn chức năng các tạng, phủ. Các nguyên nhân trên dẫn đến làm thiên lệch âm - dương mà gây nên bệnh. Sự thiên lệch âm dương có hư và có thực. Nếu thực là do âm thắng, tức là do hàn tà, thì phải dùng nhiệt (sử dụng thủ thuật cứu để đẩy hàn tà đi). Nếu hư mà do dương hư cũng dùng thủ thuật cứu để trợ dương. Như vậy rõ ràng rằng, dùng thủ thuật cứu có thể áp dụng điều trị cho khoảng 40-50% bệnh nhân trên lâm sàng.

Để cứu đạt hiệu quả tốt, ngoài việc phải am hiểu bệnh nào thì nên cứu, còn phải bào chế ngải cứu, tiến hành thủ thuật cho thật đúng.

Để chẩn đoán đúng bệnh, như đã phân tích trên, nếu do nhiễm hàn tà (kể cả hàn tà kết hợp với các tà khác như phong hàn, phong thấp) hoặc do dương hư thì phải cứu. Ngoài ra, trong sách Châm cứu đại thành của Dương Kế Châu (Trung Quốc) còn nói thêm nếu gặp các bệnh mà châm không thấy có hiệu quả thì cứu; nếu âm, dương đều hư hoặc kinh lạc hạ hãm cũng cần phải cứu.

Để cứu, cần phải có ngải nhung. Ngải nhung được bào chế như sau: Hái lá ngải cứu (tốt nhất là hái vào ngày 3 tháng 3 hoặc ngày 5 tháng 5 âm lịch) phơi hoặc sấy cho thật khô và để càng lâu càng tốt. Khi dùng phải tước hết cọng và gân lá rồi đem giã cho thật mịn. Sau đó dùng rây, rây bỏ phần còn thô, chỉ lấy phần bột mịn để làm ngải nhung. Ngải nhung được sử dụng để làm điếu ngải hoặc mồi ngải.

Cách chế điếu ngải: Lấy giấy mỏng, dễ cháy (giấy cuộn thuốc lá), cắt thành hình chữ nhật, thường với kích thước 24cm x 28cm, cho vào 20g ngải nhung, cuộn lại như cuốn thuốc lá rồi cất vào hộp kín dùng dần.

Cách làm mồi ngải: Để ngải nhung lên một mảnh ván phẳng, nhẵn. Dùng ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa vê ngải nhung thành hình tháp hoặc hình chóp nón là được. Tùy vị trí huyệt và yêu cầu chữa bệnh mà dùng mồi ngải to, nhỏ khác nhau.

Phương pháp cứu trong đông y

Có hai phương pháp cứu là cứu trực tiếp và cứu gián tiếp.

- Cứu trực tiếp: Đặt mồi ngải trực tiếp lên da vùng huyệt định cứu rồi đốt từ đỉnh mồi ngải. Khi mồi ngải cháy gần hết, bệnh nhân có cảm giác nóng lắm thì thay mồi khác. Tùy bệnh và tùy vị trí các huyệt mà có thể dùng nhiều hay ít mồi ngải. Phương pháp này thích hợp với các bệnh mạn tính, lâu ngày.

Có thể cứu trực tiếp bằng cách đốt cháy điếu ngải rồi hơ lên vùng huyệt.

Cứu gián tiếp: Là đặt mồi ngải lên trên các vị thuốc lót sẵn trên huyệt. Tùy tác dụng mà có thể dùng các vị thuốc lót khác nhau. Thông thường người ta hay lót gừng, tỏi, muối.

Cứu lót gừng: Lấy gừng tươi thái thành lát mỏng 0,5cm, đường kính khoảng bằng 1/2 tấc (1/2 thốn). Dùng kim xăm nhiều lỗ xuyên qua miếng gừng rồi đặt lên huyệt. Sau đó đặt mồi ngải lên trên miếng gừng và đốt cháy từ đỉnh mồi ngải. Khi bệnh nhân cảm giác nóng bỏng mới thay mồi khác. Khi lát gừng cháy khô thì thay lát gừng mới. Cứu lót gừng ứng dụng để chữa các bệnh như nôn mửa, tả lỵ, các khớp xương đau nhức.

Cứu lót tỏi: Thái củ tỏi có kích thước như lát gừng và cũng tiến hành cứu như cứu lót gừng. Cứu lót tỏi để chữa các bệnh như mụn nhọt mới mọc, bị rắn độc cắn, lao phổi...

Cứu lót muối: Thường dùng cho huyệt thần khuyết (tại lỗ rốn). Lấy muối ăn lấp phẳng núm rốn, rồi đặt mồi ngải lên trên muối đốt từ đỉnh mồi ngải. Khi bệnh nhân cảm giác nóng bỏng thì thay mồi ngải khác. Áp dụng để chữa các chứng tay, chân lạnh toát; đau bụng thổ tả; cấp cứu trong các trường hợp dương thoát (tay, chân lạnh, toát mồ hôi, mạch nhỏ, tụt huyết áp...).

Ngoài ra còn có phương pháp kết hợp giữa châm và cứu như sau: châm kim vào huyệt rồi dùng điếu ngải hơ vào đốc kim để nhiệt theo kim truyền vào huyệt vị. Hơ từng huyệt một cho đến khi bệnh nhân có cảm giác nóng lại chuyển qua huyệt khác. Phương pháp này được áp dụng chủ yếu trong các trường hợp dương khí hư; những huyệt vị vùng mặt, các huyệt nằm sát gân, xương không có chỉ định cứu trực tiếp; hàn tà xâm nhập sâu dưới bì phu gây đau nhức, nặng nề vùng bị bệnh.


Thứ Năm, 15 tháng 10, 2020

Phòng viêm họng khi trời trở lạnh đông về

 Viêm họng là những viêm nhiễm tại họng, phía sau khoang miệng, thường biểu hiện đặc trưng bởi dấu hiệu “đau họng”. Biểu hiện đau rát họng hoặc nuốt khó cũng là các dấu hiệu của viêm họng. Tuy nhiên, đau họng là một trong những nguyên nhân thường gặp nhất của người bệnh đến khám với bác sĩ. Viêm họng xuất hiện nhiều hơn ở mùa lạnh.

Thời gian ủ bệnh viêm họng trung bình 2-5 ngày. Tùy theo sức đề kháng của cơ thể mà các biểu hiện khác nhau: đau, khô và ngứa họng. Ngoài ra, bệnh nhân hắt hơi, chảy mũi, đau đầu, ho, mệt mỏi,ớn lạnh, sốt.

Đối với triệu chứng của bệnh bạch cầu hạt đơn nhân thì bệnh nhân có biểu hiện nổi hạch, sốt cao, đau cơ, kém ăn, ban đỏ. Đối với liên cầu có triệu chứng nuốt đau, nuốt khó. Niêm mạc họng đỏ, có những giả mạc trắng hoặc xám. Sốt, ớn lạnh, chán ăn, nôn, thay đổi cảm giác vị giác, toàn trạng thay đổi.

Làm sao để phòng viêm họng

Vệ sinh răng miệng, mũi,họng thường xuyên và hằng ngày. Cần đánh răng sau khi ăn, trước và sau khi ngủ dậy;

Trời trở lạnh, mùa đông đã về, làm gì để phòng viêm họng?

                               Phòng viêm họng khi trời trở lạnh đông về

Súc miệng bằng nước muối sinh lý hoặc các dung dịch sát khuẩn miệng, họng theo hướng dẫn của bác sĩ;

Nên tắm bằng nước ấm, đặc biệt là với những người mắc bệnh viêm họng tái đi tái lại nhiều lần. Khi tắm xong cần lau khô người trước khi mặc quần áo sạch;

Chú ý không ngồi trước quạt hoặc trong phòng điều hòa lạnh khi vừa tắm xong;

Giữ ấm cơ thể khi thời tiết trở lạnh, đặc biệt là khi đi ra ngoài vào buổi tối hoặc sáng sớm. Với trẻ em cần giữ ấm các vị trí quan trọng như bàn chân, bàn tay, cổ, ngực, đầu,...;

Không tiếp xúc với người có biểu hiện cúm, viêm đường hô hấp, người đang hút thuốc lá;

Uống nước ấm, hạn chế ăn đồ quá lạnh như kem, đá,...

Tăng cường dinh dưỡng với thực đơn cân đối các nhóm dưỡng chất như: Tinh bột, chất béo, chất đạm và rau, củ, quả;

Bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất;

Tiêm vaccine phòng chống các loại bệnh;

Khi bị bệnh viêm họng cấp tính, bệnh nhân nên dùng thức ăn mềm, dễ nuốt, ăn thêm rau và trái cây, nghỉ ngơi nhiều hơn, giữ ấm cơ thể, tắm bằng nước ấm trong phòng kín gió, vệ sinh cơ thể sạch sẽ và giữ khoảng cách với người khác, tránh gây lây nhiễm bệnh.