Văn phòng Diện Chẩn Sống Khỏe_ Khu nhà 102 Ngõ 95 Chùa Bộc-Đống Đa-Hà Nội _ ĐT : 0906143408

Hướng dẫn lý thuyết và thực hành cơ bản cho những quí vị thực sự yêu thích Diện Chẩn . Hãy gọi cho chúng tôi để biết lịch .

Tư vấn sức khỏe , chẩn bệnh đưa ra phác đồ miễn phí.

Thứ Năm, 13 tháng 2, 2014

Tự giúp mình giảm nguy cơ thoái hóa khớp

Nhiều người lầm tưởng rằng những bước chân nặng nề khó nhọc, sự mỏi nhức của các khớp chỉ diễn ra ở tuổi già nhưng thực tế quá trình thoái hóa khớp diễn ra ngay cả khi chúng ta đang còn trẻ. Mặc dù các yếu tố di truyền và lão hoá không thể điều chỉnh được nhưng chúng ta vẫn có thể giảm nguy cơ thoái hóa khớp nếu có tác động tích cực vào các yếu tố cơ học, dinh dưỡng, lối sống...
Chất lượng cuộc sống bị giảm sút khi khớp bị đau
Thoái hoá khớp là hậu quả của mất cân bằng giữa quá trình tổng hợp và thoái giáng tổ chức sụn khớp: quá trình thoái giáng sụn tăng lên trong khi quá trình tổng hợp sụn giảm sút; làm thay đổi hình thái, sinh hoá, phân tử và cơ sinh học của tế bào và chất cơ bản của sụn dẫn đến hiện tượng sụn khớp bị nhuyễn hoá, nứt, loét và mỏng dần, xơ hoá xương dưới sụn, tạo gai xương và hốc xương dưới sụn. Bệnh tiến triển thầm lặng, không có biểu hiện gì cho đến một mức độ tổn thương nhất định của sụn khớp mới gây nên các triệu chứng trên lâm sàng như đau khớp, cứng khớp, tràn dịch ổ khớp, biến dạng khớp, dính khớp, teo cơ quanh khớp, gây khó khăn trong lao động, sinh hoạt, giảm chất lượng cuộc sống, thậm chí là tàn tật. Các khớp hay bị thoái hoá là những khớp phải chịu sức nặng của cơ thể (các khớp tải trọng) như khớp gối, khớp háng, khớp cột sống...
 Diễn viên múa balê dễ bị chấn thương khớp.
Truy tìm nguyên nhân
Nguyên nhân thực sự của bệnh thoái hóa khớp vẫn chưa được hiểu biết đầy đủ. Tuy nguyên nhân của bệnh chưa biết rõ nhưng người ta đã biết được một số yếu tố nguy cơ cơ bản gây nên bệnh thoái hóa khớp, đó là:
- Yếu tố di truyền: thoái hoá khớp cũng như nhiều bệnh khác chịu chi phối rất lớn của di truyền, có những chủng tộc người có tỷ lệ thoái hoá khớp cao hơn các chủng tộc khác.
- Lão hoá: Các tế bào sụn với thời gian lâu dần sẽ giảm khả năng tổng hợp các chất tạo nên sợi colagen và chất cơ bản của sụn làm cho chất lượng của sụn, tính đàn hồi, tính chịu lực bị giảm sút. Nói cách khác thoái hóa khớp là hậu quả của quá trình lão hoá của sụn khớp, do đó tần số mắc bệnh tăng dần theo tuổi. Với tuổi thọ trung bình ngày càng cao đồng nghĩa với số bệnh nhân bị bệnh thoái khớp ngày càng nhiều.
- Yếu tố cơ học: các vi chấn thương tích tụ lại nhiều lần (hiện tượng quá tải) là yếu tố quan trọng thúc đẩy quá trình thoái hoá tăng nhanh. Hiện tượng quá tải hay gặp trong trường hợp tư thế làm việc không hợp lý; tăng cân quá mức do béo phì, do nghề nghiệp đặc biệt là các chấn thương thể thao như khớp bàn tay, khớp vai của các võ sĩ quyền anh; khớp khuỷu tay của công nhân vận hành búa máy, khoan cắt bê tông;  khớp gối của vận động viên bóng rổ hoặc cử tạ, khớp cổ chân của diễn viên balê, vận động viên bóng đá; đĩa đệm cột sống của vận động viên cử tạ; thợ mỏ than, người đội đá, cát, đất...
- Yếu tố dinh dưỡng: thừa cân, béo phì gây quá tải nên sụn khớp, ăn uống thiếu chất dinh dưỡng, thiếu chất khoáng (mangan, zinc), một số vitamin làm ảnh hưởng đến chất lượng của sụn khớp.
 - Các dị dạng bẩm sinh và rối loạn phát triển như loạn sản sụn; trật khớp háng bẩm sinh, biến dạng kiểu chân chữ X, chữ O; gù vẹo cột sống gây ra do những rối loạn làm thay đổi đặc tính của sụn và làm hư hại bề mặt khớp.
 Thoái hóa khớp.
Có thể trì hoãn quá trình thoái hóa khớp?
Vì chưa biết rõ nguyên nhân của bệnh và bệnh diễn tiến âm thầm không triệu chứng một thời gian dài trước khi bộc lộ đầy đủ trên lâm sàng nên phòng bệnh là tác động vào các yếu tố nguy cơ đã phân tích ở trên càng sớm càng tốt. Mục đích là làm chậm quá trình hủy hoại khớp, nhất là ngăn sự thoái hóa sụn khớp, duy trì khả năng vận động, cải thiện chất lượng cuộc sống.
Trong các yếu tố cần điều chỉnh thì yếu tố di truyền và yếu tố lão hoá là những yếu tố mà chúng ta không thể điều chỉnh được. Ngược lại các yếu tố còn lại (yếu tố cơ học, dinh dưỡng, lối sống) chúng ta có thể điều chỉnh được bằng các biện pháp sau:
Tránh cho khớp bị quá tải: tư thế làm việc hợp lý, không nên làm việc ở một tư thế kéo dài mà nên thay đổi tư thế thường xuyên, nên kết hợp những khoảng nghỉ ngắn 5-10 phút trong khi làm việc, giữ cân nặng ở mức hợp lý, giảm cân nếu béo phì. Tập thể dục thường xuyên và vừa sức, như bơi lội, đạp xe đạp, đi bộ khoảng 30- 60 phút/ngày, tập dưỡng sinh, tập các động tác tập tăng cường sức mạnh của các cơ quanh khớp, làm giảm lực tác động trên bề mặt sụn.
Phát hiện và điều trị kịp thời các chấn thương do thể thao, do nghề nghiệp, sau đó là sử dụng các biện pháp lý liệu pháp, phục hồi chức năng để đưa khớp trở về trạng thái sinh lý bình thường, tránh diễn biến xấu dẫn đến thoái hoá khớp. Với những người làm những nghề có nguy cơ thoái hoá khớp cao thì tìm kiếm các biện pháp thích nghi với điều kiện làm việc, với nguyên tắc là tránh cho khớp ít bị quá tải nhất có thể.
 Dinh dưỡng hợp lý: ăn uống đầy đủ và cân bằng các chất dinh dưỡng nhất là các chất khoáng, các vitamin như rau quả tươi, giàu các chất chống ôxy hoá.
Phát hiện và sửa chữa các dị dạng bẩm sinh, tư thế xấu, lệch trục khớp như chỉnh lại trục khớp, gọt giũa xương chày trong lệch trục khớp gối, sửa chữa lại các thiểu sản khớp háng bẩm sinh.
 Dự phòng bằng sử dụng thuốc có tác dụng trên cấu trúc sụn khớp. Hiện các thuốc này mới được khuyến cáo dùng để điều trị bệnh thoái hoá khớp, chưa có các nguyên cứu về chỉ định dự phòng thoái hoá khớp (ở giai đoạn tiền lâm sàng: khi mà các triệu chứng thoái hoá khớp chưa biểu hiện trên lâm sàng).
TS.BS. Đào Hùng Hạnh
 
 

“Chiếc cầu” trong trái tim

Đau ngực là một triệu chứng rất thường gặp trong cuộc sống hàng ngày. Tại khoa tim mạch của các bệnh viện thì lí do vào viện chiếm tới 90% là đau ngực. Tuy nhiên, có phải tất cả đau ngực đều do bệnh tim hay không thì chúng ta cần xem xét kĩ lưỡng. Đặc biệt là những người trẻ tuổi. Bởi thế, bài viết này nhằm giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về chứng đau ngực.
Bệnh tim là một nguyên nhân gây đau ngực phổ biến.
Nguyên nhân gây đau ngực Các loại đau ngực có nguồn gốc từ thành ngực: bệnh lí da, tuyến vú, thần kinh liên sườn, cơ, xương ức, sườn, khớp, sụn sườn, cột sống ngực...
Các loại đau ngực có nguồn gốc từ cơ quan hô hấp: bệnh lí màng phổi, khoang màng phổi, phế quản, phổi.
Các nguyên nhân gây đau ngực có nguồn gốc tiêu hóa: bệnh lí thực quản, dạ dày - hành tá tràng.
Đau ngực có liên quan đến yếu tố thần kinh, nội tiết.
Các nguyên nhân gây đau ngực có nguồn gốc tim mạch: bệnh tăng áp lực động mạch phổi, phình tách động mạch chủ, màng tim.
Trong các nguyên nhân trên thì đau thắt ngực do mạch vành bao gồm suy mạch vành mạn hoặc cấp do vữa xơ động mạch vành (ĐMV) thường hiếm gặp ở người trẻ tuổi, trong khi đau ngực do cầu cơ ĐMV có thể hay gặp hơn.
Cầu cơ ĐMV là gì?
Cầu cơ là một bất thường bẩm sinh. Hệ thống ĐMV gồm có ĐMV phải và ĐMV trái, ĐMV trái chia ra động mạch mũ và động mạch liên thất trước chạy trên bề mặt của quả tim. Từ các nhánh động mạch này sẽ cho các nhánh nhỏ chạy vào tưới máu cho cơ tim. Nếu có một hoặc vài nhánh ĐMV chạy bắt chéo bó cơ tim sẽ sinh ra hiện tượng khi cơ tim co thì đoạn động mạch này sẽ bị "chẹt" giữa các bó cơ và gây hẹp lòng ĐMV ít hoặc nhiều.
Nếu cầu cơ gây hẹp ĐMV nhiều trong thời kỳ tâm thu thì có thể gây ra các triệu chứng đau thắt ngực tương tự như ĐMV bị hẹp do mảng vữa xơ động mạch, thậm chí có trường hợp gây nhồi máu cơ tim. Đối với những trường hợp này thì chụp ĐMV là phương pháp hữu hiệu nhất để chẩn đoán.
Điều trị bệnh cầu cơ cũng là một vấn đề nan giải
Bình thường nếu bệnh nhân đau ngực ít, không ảnh hưởng đến thể trạng nhiều thì chỉ cần điều trị nội khoa là đủ. Nhưng để giải quyết tận gốc nguyên nhân thì phải can thiệp bằng phẫu thuật bắc cầu nối chủ vành. Bác sĩ sẽ lấy một đoạn mạch máu khác trên cơ thể bạn và tạo một đường vòng qua vị trí có cầu cơ giúp cho việc lưu thông máu nuôi cơ tim sẽ không bị ảnh hưởng bởi cầu cơ đó.
Dấu hiệu nhận biết đau ngực do cầu cơ
Bệnh mạch vành luôn luôn nguy hiểm và đe dọa tính mạng người bệnh. Bởi vậy chúng ta cần hết sức chú ý để tránh sai sót đáng tiếc. Đặc biệt là ở những người trẻ khi có dấu hiệu đau ngực với các tính chất sau thì cần phải cẩn trọng bệnh cầu cơ mạch vành: Đau ngực ở vùng sau xương ức và là một vùng (chứ không phải một điểm), đau có thể lan lên cổ, vai, tay, hàm, thượng vị, sau lưng; hay gặp hơn cả là hướng lan lên vai trái rồi lan xuống mặt trong cánh tay trái, có khi xuống tận các ngón tay 4-5. Cơn đau như thắt lại, nghẹt, rát, bị đè nặng trước ngực và đôi khi cảm giác buốt giá. Một số bệnh nhân có khó thở, mệt lả, đau đầu, buồn nôn, vã mồ hôi. Cơn đau thường xuất hiện khi gắng sức, xúc cảm mạnh làm quả tim đập mạnh hơn, nhu cầu ôxy nhiều hơn, cơ tim co bóp mạnh hơn làm cho cầu cơ thắt nghẹt ĐMV gây nên thiếu máu cơ tim. Khi có các dấu hiệu trên, người bệnh cần nằm nghỉ ngơi, bất động hoàn toàn, nới lỏng quần áo để bệnh nhân dễ thở. Gọi ngay cấp cứu 115 hoặc nếu không gọi được thì cần cho bệnh nhân ngậm dưới lưỡi viên nitriglycerin rồi đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất. 
Bệnh cầu cơ mạch vành là bệnh bẩm sinh. Tuy nhiên cũng như các bệnh mạch vành khác, khi phát hiện ra bệnh thì cần phải bỏ hoàn toàn thuốc lá, kiêng rượu bia và các chất kích thích. Đặc biệt là chế độ ăn cần hạn chế mỡ để tránh bị xơ vữa động mạch làm nặng thêm tình trạng bệnh.
Như vậy, đau ngực ở người trẻ tuổi có nhiều nhóm nguyên nhân, có nguyên nhân người bệnh tự phát hiện được, có nguyên nhân chỉ phát hiện được ở các trung tâm y tế có trang thiết bị hiện đại. Để chẩn đoán sớm phòng biến chứng thì việc khám sức khoẻ định kỳ là cần thiết.
ThS.BS. Lưu Hùng An(Trưởng khoa Tim mạch - Bệnh viện 19/8)
 
 

Viêm thanh quản cấp

 Khám họng cho bệnh nhân tại Bệnh viện Xanh Pôn. Ảnh: P. Văn
Theo báo cáo của các cơ sở y tế: Bệnh viện Xanh Pôn, Viện Lão khoa Trung ương, Bệnh viện Nhi Trung ương…, hiện nay do thời tiết chuyển lạnh khiến số bệnh nhân đến khám và điều trị viêm thanh quản cấp gia tăng. Tại các khoa khám bệnh của các cơ sở y tế này, trung bình mỗi ngày có tới 100 - 150 bệnh nhân đến khám vì bị viêm thanh quản cấp. Nguyên nhân, do thời tiết thay đổi nhất là khi có những đợt rét đậm, rét đột ngột, cơ thể không thích nghi kịp nên dễ dẫn đến viêm thanh quản cấp. Khởi đầu của viêm thanh quản cấp thường do bị viêm mũi, hoặc viêm mũi - họng xuất tiết, cũng có khi bệnh xuất hiện ngay sau khi bị cảm lạnh với dấu hiệu chính là khàn tiếng hay mất tiếng đột ngột (ngoài ra, cũng có thể do nói hoặc la hét nhiều...). Bệnh hay gặp ở trẻ em, người cao tuổi do sức đề kháng kém nên không thích ứng kịp khi thời tiết thay đổi hoặc những người phải nói nhiều do yêu cầu nghề nghiệp.
Triệu chứng ban đầu, người bệnh thấy nhức đầu, mệt mỏi, sổ mũi, ngấy sốt sau đó đau họng, có cảm giác nóng và khô hoặc rấm rứt như có dị vật trong cổ họng, kích thích ho (lúc đầu ho từng cơn, ho khan, sau đó ho có đờm nhầy). Tiếp đến, giọng nói bị khàn, đôi khi khàn đặc, thậm chí mất tiếng. Những triệu chứng trên của bệnh thường kéo dài trong vài ngày. Sau đó, các triệu chứng giảm dần, khoảng sau 7 ngày thì khỏi. Ban đầu có thể chỉ khỏi cơn ho, sốt, chảy mũi nhưng khàn tiếng có thể kéo dài thêm một vài ngày nữa mới khỏi hẳn. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp khi bị viêm thanh quản cấp do chủ quan nghĩ chỉ bị viêm họng nhẹ hoặc vì trời lạnh tâm lý ngại đi khám, thường tự điều trị ở nhà, khi bệnh không đỡ mới đến cơ sở y tế. Bởi vậy, nhiều bệnh nhân tới khám đã bị viêm khí - phế quản, viêm phổi... gây khó thở nặng có thể nguy hiểm đến tính mạng và cũng do tự điều trị ở nhà, lạm dụng nhiều thuốc nhất là kháng sinh nên gây khó khăn trong quá trình điều trị. Chính vì thế, khi có những dấu hiệu của bệnh như mất tiếng, hoặc giọng khàn, nói khó khăn kèm theo hiện tượng ho, sốt, nhiều đờm; khó thở, hít vào có tiếng rít; tiếng ho khàn, người mệt nhiều và gần như không nói được; khàn tiếng kéo dài dùng thuốc không thấy đỡ (có thể là biểu hiện của chứng ung thư các dây thanh âm)... cần đi khám chuyên khoa tai - mũi - họng để tìm nguyên nhân và phương pháp điều trị.
Để phòng viêm thanh quản cấp, cần lưu ý không để bị lạnh, mặc quần áo đủ ấm đặc biệt là giữ ấm cổ, gan bàn chân, tay. Khi đi đường, làm việc trong môi trường bụi nên đeo khẩu trang. Đồng thời, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể để chống lại sự thâm nhập của vi rút, vi khuẩn. Trước khi đi ngủ nên nhỏ mũi, súc miệng bằng nước muối sinh lý. Khi có những triệu chứng sớm của viêm mũi, viêm họng cấp cần điều trị ngay. Hạn chê tối đa việc hút thuốc...
Bác sĩ  Huy Thông
 
 

Các loại thực phẩm phòng, chữa đau khớp

 Canh xương hầm tốt cho người bệnh khớp.
Trong những ngày mùa đông giá rét hay khi mưa phùn gió bấc, nhiều người, nhất là người lớn tuổi thường hay than phiền về những cơn đau chân, tay, đau nhức mình mẩy hay sưng các khớp gối, lên xuống cầu thang khó khăn. Đó có thể là những biểu hiện tái phát của căn bệnh thoái hóa khớp. Ngoài thuốc, chế độ ăn uống có thể góp phần phòng, chống chứng bệnh này. Thoái hóa khớp (THK) là một bệnh khớp của người cao tuổi. Khi cơ thể già đi, bị lão hóa thì các khớp cũng bị lão hóa theo. Đó chính là bệnh THK. Tuy bệnh thường xảy ra ở người cao tuổi nhưng không phải người cao tuổi nào cũng mắc bệnh này. Ngay cả những cụ trên 70 tuổi thì chỉ có 80% mắc bệnh THK. Người ta chỉ nói về THK khi người cao tuổi có các triệu chứng đau khớp, hạn chế vận động hay sưng khớp, biến dạng khớp. Những người có dị dạng khớp, thừa cân béo phì, chấn thương khớp, khi trẻ lao động nặng thì đến tuổi trung niên hoặc về già cũng dễ mắc bệnh này. Vậy làm thế nào để có được chế độ ăn uống phù hợp để dự phòng và giảm nhẹ căn bệnh THK?.
Chế độ dinh dưỡng trong bệnh THK
Về thịt thì có thể ăn thịt lợn, thịt gia cầm (gà, vịt), tôm, cua. Đặc biệt là nên ăn cá nước lạnh như cá hồi, cá ngừ vì chúng chứa nhiều acid béo omega-3. Nhiều người quan niệm "ăn gì bổ nấy", do vậy để phòng ngừa THK, họ thường ăn những món ăn nấu từ xương ống hoặc sườn. Về mặt khoa học, nước hầm từ xương ống hay sụn sườn bò và bê có chứa nhiều glucosamin và chondroitin là những hợp chất tự nhiên trong sụn, có tác dụng giúp sụn chắc khỏe. Ngoài ra, các món ăn nấu từ xương ống hoặc sườn còn có thể bổ sung nguồn canxi quí báu cho cơ thể. Việc ăn các món ăn từ tôm, cá hầm cả xương cũng giúp bổ sung canxi. Những người cao tuổi nếu có điều kiện thì nên sử dụng những "dược liệu" tự nhiên này.
 Về thực vật thì cần ăn đầy đủ các loại ngũ cốc. Ngoài ra, một số thực vật như đậu nành, rau xanh, hạt mầm có đặc tính chống bệnh tật, tăng cường hệ miễn dịch, kháng oxy hóa. 
Về hoa quả thì nên ăn đu đủ, dứa, chanh, bưởi vì các loại trái này là nguồn cung ứng men kháng viêm và sinh tố C, hai hoạt chất có tác dụng kháng viêm. Đặc biệt hiện nay người ta đã phát hiện được tác dụng chữa THK của quả bơ kết hợp với đậu nành. Các cuộc nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy rằng các chất trong trái bơ hay đậu nành có thể kích thích tế bào sụn sinh trưởng collagen, một thành phần protein chủ yếu của gân, sụn và xương. Trong một cuộc nghiên cứu, những người bị THK gối hay khớp háng được cho uống trái bơ hay đậu nành trong vòng 6 tháng thấy giảm các triệu chứng của THK và không phát hiện thấy tác dụng phụ gì cả. Một số gia vị như ớt, hạt tiêu, gừng, lá lốt đều có tác dụng chống viêm, giảm đau đối với bệnh THK. Thậm chí người ta còn phân tách được từ ớt hoạt chất capsain có thể bôi chữa sưng đau khớp thoái hóa.
 Người bệnh khớp ăn cà chua không nên bỏ hạt.
Nấm và mộc nhĩ: có nhiều loại nấm rất có ích cho sức khỏe người cao tuổi. Các món ăn chế từ nấm như canh nấm đông cô, lẩu nấm, nấm hương xào thập cẩm rất được ưa chuộng. Không chỉ là món ăn ngon, các loại nấm còn có tác dụng tăng cường sức đề kháng cơ thể, chống lão hóa, làm giảm nguy cơ mắc các bệnh như ung thư, tim mạch... là các bệnh thường hay gặp ở người cao tuổi. Mộc nhĩ và nấm hương là những thực phẩm gia vị được dùng phổ biến để nấu cỗ, trong các dịp Tết lễ. Tuy nhiên, mộc nhĩ còn có tác dụng hạ huyết áp, phòng ngừa bệnh xơ vữa động mạch. Mộc nhĩ còn chứa một loại polysaccharid có khả năng tăng cường miễn dịch trong cơ thể người để chống chất phóng xạ và ức chế khối u. Nấm hương được mệnh danh là "vua của các loại nấm" còn có tác dụng chống viêm, chữa cơ thể suy nhược, chứng chân tay tê bại. Y học hiện đại coi nấm hương như một nguồn bổ sung đáng kể lượng vitamin D2 để phòng và chống bệnh còi xương, trị chứng thiếu máu. Đó là do chất ergosterol có trong nấm hương, dưới tác dụng của tia cực tím trong ánh nắng mặt trời sẽ chuyển thành vitamin D2. Nấm hương, mộc nhĩ có thể kết hợp với súp lơ xanh, cà rốt, ớt đỏ để tạo thành món nấm hương xào thập cẩm, không chỉ ngon mà còn có khả năng phòng bệnh THK. Cà rốt và ớt rất giàu vitamin A và E, hai nhân tố cần thiết để bảo vệ bao khớp và đầu xương. Súp lơ xanh là thực phẩm giàu vitamin K và C, giúp cho xương khớp chắc khỏe. Ngoài ra ăn cà chua cũng rất có lợi cho khớp.
       Chế độ dinh dưỡng hợp lý rất quan trọng. Hiện nay, các thực phẩm chức năng đang rất phổ biến, nhưng giá cả còn tương đối cao, không phải ai cũng có thể sử dụng thường xuyên. Tuy nhiên nếu chỉ chú ý một chút, chúng ta có thể lựa chọn thực phẩm hàng ngày là các thức ăn tự nhiên nhưng cũng có các công dụng phòng chống THK có hiệu quả. Trong dân gian có rất nhiều thực phẩm có thể trở thành bài thuốc phòng ngừa hoặc làm giảm những cơn đau do viêm xương khớp, trong khi đó thì nhiều người thường "ngại" dùng thuốc. Có một số thực phẩm giúp cho phòng bệnh THK nói riêng và tốt cho sức khỏe xương khớp nói chung.
Có quan điểm cho rằng khi chế biến cà chua phải bỏ hạt vì ăn phải thì dễ bị viêm xương khớp. Trên thực tế không đúng như vậy. Ăn cà chua rất có lợi vì có thể làm bớt đau khớp. Hạt cà chua không những không có hại mà còn có thể thay thế aspirin, có tác dụng giảm đau, chống viêm khớp. Tuy nhiên có một số thực phẩm không có lợi cho những người cao tuổi như các chất béo (dầu, mỡ các loại), chất ngọt như kẹo, bánh, đồ uống ngọt thì nên hạn chế.
Về đồ uống, các nghiên cứu của các nhà khoa học Thụy Điển đã chứng tỏ uống rượu vang có điều độ có thể làm giảm một nửa nguy cơ phát triển bệnh viêm khớp mạn tính.
Tóm lại, nếu chúng ta biết cách lựa chọn các thực phẩm bổ dưỡng và phối hợp sử dụng chúng thường xuyên thì có thể nấu được những món ăn rất ngon miệng mà lại có tác dụng phòng chống bệnh THK.
PGS.TS.BS. Nguyễn Vĩnh Ngọc 
 

Quầng thâm ở mắt do đâu?

Hiện nay em đang là sinh viên năm thứ 3, những ngày ôn thi, em thường phải thức khuya học bài thì thấy mắt mình hay bị quầng thâm và hõm xuống. Tuy nhiên, em cũng để ý, ngay cả những ngày em không ôn thi hay thức khuya thì mắt em cũng bị quầng thâm. Em lo lắng không biết đây có phải là dấu hiệu của bệnh về mắt không? Xin quý báo cho biết vì sao lại có những quầng thâm ở mắt như vậy?
Bùi Huyền Thảo My (Thái Nguyên)
Mắt người là một tổ chức rất lỏng lẻo nên dễ bị mất nước và ngấm nước, vùng da quanh mắt lại giãn nở nên dễ nhận thấy những biểu hiện thâm sắc tố của các mô dưới da hay các mao mạch dưới da giãn nở. Thiếu ngủ hay ngủ ít là một trong những nguyên nhân gây quầng thâm ở mắt. Tuy nhiên bên cạnh đó còn do nhiều nguyên nhân khác như do di truyền, do tuổi tác, do ảnh hưởng của ánh nắng mặt trời, do dược mỹ phẩm, do thai nghén hay do ăn uống thiếu dinh dưỡng. Trong trường hợp của bạn có thể loại trừ một số nguyên nhân như tuổi tác hay thai nghén nhưng bạn cần tránh những nguyên nhân khác. Bạn nên ngủ đủ 6-8 tiếng/ngày, khi đi ngoài trời nắng cần đeo kính bảo vệ mắt, đội mũ rộng vành, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng gồm chất đạm, đường, chất béo, chế độ ăn nhiều rau quả và không nên lạm dụng mỹ phẩm. Để hạn chế hay làm mờ quầng thâm này, mỗi tối trước khi đi ngủ, bạn có thể dùng ngón tay mát-xa quanh mắt, sau đó dùng khăn ấm đắp lên mắt nhằm tăng cường lượng tuần hoàn máu đến các mô và làm thư giãn các cơ xung quanh mắt. Bạn cũng nên đến chuyên khoa mắt để khám, tìm nguyên nhân thì mới có biện pháp điều trị phù hợp nhất.
BS. Nguyễn Thu Hà
 
 

Viêm quanh khớp vai chữa thế nào?

Tôi năm nay 32 tuổi, mấy tháng nay thường xuyên bị đau vùng khớp vai, rất khó vận động. Tôi thường xuyên dùng cao dán, xoa bóp nhưng không mấy thuyên giảm, bệnh thường đau tăng khi trời lạnh. Xin hỏi bác sĩ có phải tôi bị viêm quanh khớp vai không? Phải chữa trị thế nào?
Trần Thị Tú Châu (Hà  Nội)
 Hình ảnh viêm quanh khớp vai trên phim Xquang.
Viêm quanh khớp vai là một bệnh hay gặp ở lứa tuổi trung niên và người cao tuổi, ở cả hai giới. Viêm quanh khớp vai là chỉ các thương tổn phần mềm quanh khớp như cơ, gân, bao gân, dây chằng, thần kinh, mạch máu... Đau khớp vai có rất nhiều nguyên nhân, có những nguyên nhân ở tại khớp vai (bao gồm các tổn thương xương, khớp vai, phần mềm quanh khớp vai); có những nguyên nhân khác ở ngoài khớp vai cũng gây đau vai đặc biệt là u đỉnh phổi, thiểu năng vành.. Đây là những nguyên nhân cần phải lưu ý, tránh bỏ sót, gây hậu quả đáng tiếc. Điều trị viêm quanh khớp vai tuỳ thuộc vào từng thể bệnh khác nhau;  thường phối hợp nhiều biện pháp như phục hồi chức năng khớp bằng các bài tập vận động, xoa bóp, bấm huyệt, chiếu tia hồng ngoại sóng ngắn. Các thuốc hay dùng là thuốc giảm đau đơn thuần paracetamol và/hoặc thuốc giảm đau chống viêm không steroid (NSAID) như diclofenac, meloxicam...; thuốc giãn cơ (mydocalm, myonal). Một số trường hợp tiêm thuốc glucocorticoid khớp vai, bao hoạt dịch dưới mỏm cùng vai; điểm bám gân cho kết quả rất tốt nhưng lưu ý phải theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa và trong điều kiện vô khuẩn; tránh biến chứng nhiễm khuẩn và không được lạm dụng (quá liều, quá nhiều lần) gây nhiều biến chứng khác như teo cơ, loãng xương... Chụp khớp cản quang và nong khớp là các kỹ thuật được chỉ định cho khớp vai thể đông cứng; đây vừa là kỹ thuật để chẩn đoán xác định bệnh vừa để điều trị bệnh thông qua giải phóng bao khớp bị dính. Trong một số trường hợp, thể giả liệt do đứt gân các cơ xoay vai, ở người đòi hỏi mức độ vận động cao (vận động viên) có thể phẫu thuật để phụ hồi gân. Gần đây kỹ thuật phẫu thuật nội soi khớp vai để tạo hình mỏm cùng vai, mở rộng bao khớp, nối gân... đã được tiến hành ở một số bệnh viện trong nước và cho kết quả tốt. Trong trường hợp của chị cần đi khám để xác định nguyên nhân bệnh từ đó mới có chỉ định điều trị phù hợp.
TS. Đào Hùng Hạnh
 
 

Tổn thương thính giác do lạnh

Giảm sức nghe đột ngột là hiện tượng sức nghe 1 hoặc 2 bên tai mất đi nhanh chóng do tổn thương dây thần kinh thính giác - thần kinh nghe. Sự thay đổi nhanh chóng của khí hậu trong mùa đông, sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm đã làm cho số bệnh nhân nghe kém tăng lên đáng kể ở mọi quốc gia trên thế giới. Đây là một bệnh được xếp vào nhóm cấp cứu trong chuyên khoa tai mũi họng - cấp cứu về sức nghe. Vì sao giảm sức nghe đột ngột?
Nguyên nhân gây điếc đột ngột có rất nhiều như zonna virut, nhiễm độc thuốc, xuất huyết tai trong, hội chứng tăng áp lực nội dịch tai trong - hội chứng Meniere, u dây thần kinh số VIII... nhưng người ta cho rằng nguyên nhân hay gặp nhất là do rối loạn vận mạch của các mạch máu nuôi dưỡng vùng tai trong (nơi có ốc tai từ đó hình thành nên dây thần kinh nghe). Hiện tượng rối loạn vận mạch này rất hay gặp khi cơ thể gặp lạnh. Nhiệt độ cơ thể giảm làm cho các mạch máu trong cơ thể co lại để làm nóng, đồng thời làm giảm tưới máu cho các cơ quan mà nó cung cấp, trong đó có dây thần kinh nghe làm dây thần kinh này dễ bị tổn thương nếu kèm thêm các yếu tố thuận lợi phối hợp như cơ thể sẵn có các bệnh nội khoa mạn tính kể trên, đang có viêm cấp vùng mũi họng, phụ nữ sau sinh, tắm lạnh...
Dấu hiệu giảm sức nghe thường không rõ ràng
Những biểu hiện báo trước khi bệnh nhân bị giảm sức nghe đột ngột cũng không rõ ràng, đồng thời giảm sức nghe 1 bên dù hoàn toàn cũng chỉ làm giảm 12% tổng sức nghe của cơ thể nên nếu bệnh nhân không làm những nghề cần sự tinh tế như ca sĩ, nhạc sĩ... thì họ sẽ khó phát hiện ra sự suy giảm sức nghe của mình. Sau khi nhớ lại, bệnh nhân kể rằng trước khi bị điếc đột ngột họ cảm thấy đầu óc trống rỗng, nhẹ bẫng kèm theo đau nửa đầu bên tai sắp bị điếc, đi đứng không vững, chóng mặt. Sau đó vài giờ, bệnh nhân nghe thấy tiếng ù trong tai, tiếng ù lúc đầu nghe như tiếng gió rít sau đó chuyển sang như có dế kêu trong tai kèm theo sức nghe của tai giảm đi, mức độ suy giảm sức nghe cũng tùy theo từng bệnh nhân. Tuy không ảnh hưởng tới tính mạng nhưng nghe kém ảnh hưởng lớn tới chất lượng cuộc sống. Nhiều bệnh nhân bị nghe kém đột ngột mà không biết, họ bỏ qua 3 "ngày vàng" đầu tiên có thể phục hồi sức nghe tuyệt đối. Quan sát trên kính hiển vi bộ phận thần kinh của ếch, người ta nhận thấy tổn thương thần kinh sau 3 ngày khó có dấu hiệu phục hồi.
Dự phòng và điều trị giảm sức nghe đột ngột
Các bệnh nhân nghe kém đột ngột thường đi khám vì tiếng ù trong tai bên bệnh và định hướng âm thanh khó khăn mà không phải vì cảm thấy sức nghe bên đó giảm.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học của Trường Đại học Cambridge, những người có cơ địa dị ứng, thoái hóa cột sống cổ, mắc một số bệnh nội khoa như mỡ máu cao, acid uric trong máu tăng, huyết áp thấp, huyết áp cao... đều rất dễ bị nghe kém đột ngột. Đặc biệt khi những đối tượng này đi ra ngoài trời lạnh, nhất là tắm ngay sau khi hoạt động thể thao. Vì thế, để bảo vệ sức nghe trong mùa lạnh, nên tránh ra ngoài trời quá sớm hoặc quá khuya, khi không khí có nhiều sương, độ ẩm cao. Không tắm gội trước 7 giờ sáng và sau 20 giờ. Mặc ấm trước khi ra ngoài trời lạnh. Nếu có bật lò sưởi hay điều hòa ấm, cần tắt trước khi ra ngoài 15 phút để cơ thể quen dần với sự thay đổi của nhiệt độ.
Điếc đột ngột có thể tái phát, những lần sau sẽ nặng hơn lần trước hoặc lan sang tai bên đối diện nên những bệnh nhân đã mắc bệnh cần phải được đặt dưới sự theo dõi chặt chẽ của thầy thuốc chuyên khoa tai mũi họng.
Những bệnh nhân đã bị điếc đột ngột cần điều trị thuốc dự phòng kết hợp việc đeo máy trợ thính kích thích dây thần kinh thính giác hoạt động tránh hiện tượng thoái hóa tiếp theo của dây thần kinh gây cho sức nghe giảm dần. Đồng thời tìm hiểu thêm một số nguyên nhân toàn thân có khả năng gây bệnh để kết hợp điều trị. Nếu bệnh xuất hiện lại thì thời gian phát hiện là rất quan trọng trong tiên lượng bệnh. Điều trị nội khoa cần được tiến hành ngay. Phác đồ điều trị có hiệu quả hiện nay là nghỉ ngơi tuyệt đối và tiêm truyền kháng sinh, chống viêm, giãn mạch, vitamin hỗ trợ thần kinh, thuốc chống dị ứng cũng như an thần trong 10 - 20 ngày.
ThS. Phạm Bích Đào
 
 

Những bệnh dễ gây tổn thương thận

Nhiều nghiên cứu cho thấy thận có thể bị tổn thương do các bệnh toàn thân như đái tháo đường (ĐTĐ), thoái hoá dạng tinh bột, đa u tuỷ xương, gút... Vì vậy cần phát hiện và điều trị sớm các bệnh này mới ngăn chặn được các bệnh về thận nhất là nguy cơ suy thận.
Thận hư do bệnh ĐTĐ
Bệnh ĐTĐ gây nguy cơ chủ yếu là bị hội chứng thận hư (HCTH ). Tổn thương chủ yếu là xơ hoá cầu thận lan toả, xơ hoá cầu thận dạng nốt (các nốt Kimmelstiel-Wilson) là đặc trưng của bệnh lý này. Kích thước thận tăng do phì đại và tăng sinh tế bào. Ở giai đoạn đầu, bệnh gây tăng mức lọc cầu thận, khi bệnh tiến triển đến protein niệu rõ rệt, chức năng cầu thận lại trở về bình thường rồi suy giảm. Vì vậy bệnh nhân cần thường xuyên xét nghiệm để phát hiện protein niệu kín đáo bằng định lượng protein niệu 24 giờ hoặc tỷ lệ albumin/creatinin trong nước tiểu buổi sáng. Bình thường tỷ lệ A/C dưới 3,5, nếu vượt quá 10 là bất thường, còn trung gian thì cần theo dõi tiếp. Bệnh thận sẽ xuất hiện sau 10 - 15 năm bị ĐTĐ và có protein niệu rõ rệt 3 - 7 năm tiếp theo. Bệnh nhân cần điều trị tích cực trước khi xuất hiện protein niệu. Kiểm soát đường huyết và chống tăng huyết áp sẽ ngăn chặn sự tiến triển tổn thương thận ở bệnh nhân ĐTĐ. Một số nghiên cứu cho thấy các thuốc ức chế men chuyển có tác dụng làm chậm tiến triển tới protein niệu rõ rệt ở bệnh nhân ĐTĐ, do thuốc làm giảm áp lực trong cầu thận và giảm huyết áp. Trái lại, khi đã bị protein niệu rõ thì việc khống chế đường huyết và hạ huyết áp không còn tác dụng hạn chế thận hư.
Bệnh nhân ĐTĐ cũng dễ bị các tổn thương thân khác như: hoại tử nhú, viêm thận kẽ mạn tính, nhiễm toan ống thận (thể giảm renin và giảm aldosterone huyết); dễ bị suy thận cấp do dị ứng với thuốc cản quang; tiên lượng rất xấu nếu phải lọc máu. Giải pháp lúc này là ghép thận. Bệnh lý võng mạc do ĐTĐ cũng rất hay gặp.
Thoái hóa dạng tinh bột
Bệnh này gây lắng đọng chất dạng tinh bột protein xơ ở ngoại bào của một hoặc nhiều cơ quan trong cơ thể. Bệnh xảy ra nguyên phát hoặc thứ phát sau quá trình viêm, đa u tuỷ xương, hoặc các bệnh ác tính khác. Bệnh hay gặp ở người cao tuổi. Đặc điểm của bệnh là mức độ protein niệu không tương ứng với mức độ lan rộng tổn thương ở thận. Thận thường to ra do lắng đọng các chất dạng tinh bột.
Theo một nghiên cứu, tiến triển của thoái hóa dạng tinh bột tiên phát đến suy thận giai đoạn cuối từ 2-3 năm. Bệnh này ít có biện pháp điều trị. Trong thể thứ phát, bệnh có thể lành nếu nguyên nhân chính được giải quyết. Tỷ lệ bệnh nhân sống trên 5 năm chỉ dưới 20%, chủ yếu tử vong do suy tim và suy thận. Cách điều trị duy nhất cho bệnh này là ghép thận.
Bệnh đa u tủy xương
Là một bệnh ác tính của các tương bào, có tổn thương thận. "Thận u tủy" là biểu hiện của protein Bence - Jones tức globulin miễn dịch chuỗi nhẹ trong nước tiểu làm nhiễm độc thận, vì tác động trực tiếp lên ống thận và gây tắc ống thận do lắng đọng. Tổn thương sớm gây ra hội chứng Fanconi, nhiễm toan ống lượn gần týp II. Protein Bence - Jones là chuỗi nhẹ nên cần làm một loại xét nghiệm để phát hiện albumin niệu. Sự lắng đọng protein loại này có thể gây thoái hoá thận dạng tinh bột, gây HCTH và sau đó là tăng huyết áp kèm suy thận. Rối loạn chức năng thận còn do thâm nhiễm tương bào vào nhu mô thận và hội chứng tăng độ nhớt máu làm giảm lượng máu đến nuôi thận. Điều trị bệnh nhân bị đa u tuỷ xương có protein Bence - Jones niệu bằng melphalan và prednison. Phòng tránh tăng calci máu và uống nhiều nước để ngăn chặn rối loạn chức năng thận.
Bệnh hồng cầu hình liềm
Bệnh gây tổn thương thận do giảm nồng độ ôxy và tăng nồng độ thẩm thấu máu ở vùng tuỷ thận. Tình trạng ứ đọng và sung huyết ở thận sẽ gây xuất huyết, viêm mô kẽ và nhồi máu nhú thận. Thường gặp đái máu ở những bệnh nhân này. Do tổn thương mao mạch thận nên làm giảm khả năng cô đặc nước tiểu. Bệnh nhân bị mất nước do tình trạng đẳng niệu tức là nồng độ thẩm thấu niệu bằng nồng độ thẩm thấu máu. Tuy tổn thương thận do bệnh hồng cầu liềm hiếm gặp, nhưng một khi đã gặp thì chắc chắn tiến triển đến suy thận giai đoạn cuối, với biểu hiện chính là protein niệu.
 Sơ đồ cấu tạo giải phẫu thận.
Bệnh lao
Bệnh lao gây lao thận với triệu chứng mủ niệu vô khuẩn, thường có hồng cầu niệu. Nếu bệnh lao nặng, cấy nước tiểu có thể thấy trực khuẩn lao. Hang lao ở thận có thể được tạo thành do thoát chất hoại tử ở khối tổn thương lao. Điều trị khỏi lao sẽ làm lành tổn thương ở thận.
Bệnh gút
Chức năng của thận là cơ quan chủ yếu thải trừ acid uric. Tổn thương thận tuỳ thuộc pH niệu và nồng độ acid uric niệu, mà xảy ra lắng đọng acid uric ở ống thận, tổ chức kẽ hoặc trong đường tiết niệu. Độ kiềm nước tiểu càng cao thì càng dễ lắng đọng muối urat trong mô kẽ. Ngược lại độ toan ống thận và đường tiết niệu càng nặng lại càng gây lắng đọng các tinh thể acid uric tại các bộ phận này. Có 3 loại tổn thương hay gặp gồm: sỏi thận do acid uric; bệnh thận cấp do acid uric; bệnh thận mạn do muối urat. Sỏi acid uric xảy ra do bệnh thận tắc nghẽn. Bệnh thận cấp do acid uric xảy ra giống như viêm ống thận, mô kẽ cấp tính do ngộ độc acid uric. Bệnh thận mạn là do lắng đọng các tinh thể urat trong mô kẽ, dẫn đến xơ hoá và teo mô thận. Việc điều trị các đợt cấp của bệnh gút cần tránh thức ăn và thuốc gây tăng uric máu, uống nhiều nước, dùng các thuốc hạ acid máu.
BS. Trần Tất Thắng
 
 

Chắp mắt có thể chẩn đoán nhầm không?

Mẹ tôi năm nay 64 tuổi, mắt hay bị mọc chắp, tái đi tái lại nhiều lần. Tôi đã đưa mẹ đến bệnh viện và được bác sĩ cho làm xét nghiệm mô bệnh học. Xin hỏi, mục đích của xét nghiệm này là gì, có liên quan đến việc lên chắp mắt của mẹ tôi không?
Bùi Thanh Hằng (Quảng Ninh)
Bản chất của chắp mắt là một u hạt xuất phát từ tuyến của sụn mi bị bít tắc. Chất bã ứ đọng xâm nhập các mô lân cận và gây viêm hạt mạn tính, có thể khởi phát cấp tính hoặc âm ỉ. Khi bị chắp có thể sử dụng cách chườm nóng hay xông mắt (bằng lá trầu không giã nát ngâm vào nước nóng và hơ mắt với khoảng cách 10cm) để làm giảm các triệu chứng. Hầu hết các chắp đều vô khuẩn nên việc sử dụng kháng sinh không có giá trị. Chắp mắt có thể tự khỏi sau nhiều ngày đến nhiều tháng nhưng hay tái phát. Ở người cao tuổi, nếu chắp mắt không điển hình, kéo dài, dai dẳng thì nên làm mô bệnh học vì chắp mắt có thể bị chẩn đoán nhầm với các ung thư tại mi mắt như ung thư biểu mô tế bào đáy hay ung thư biểu mô tuyến bã. Việc bác sĩ chỉ định mẹ của bạn làm mô bệnh học là hoàn toàn hợp lý để chẩn đoán phân biệt, nếu bị ung thư tại mi mắt thì sẽ có biện pháp điều trị sớm, thích hợp, nếu không thì sẽ điều trị theo phác đồ điều trị chắp mắt thông thường.
BS. Nguyễn Thu Hà
 
 

Đề phòng tổn thương khớp gối

Đầu gối rất dễ bị chấn thương vì phải chịu sức nặng cơ thể trong khi lao động, chạy nhảy, đi lại. Động tác chủ yếu của khớp gối là gập và duỗi, còn cử động sang bên hoặc quay thì rất hạn chế. Vì vậy khớp gối dễ bị tổn thương bởi những chấn thương từ hai bên hay từ phía trước hoặc do vặn xoay. Tuy nhiên nếu biết bảo vệ, bạn sẽ có khớp gối chắc khỏe và giữ được vẻ đẹp của hai đầu gối.
 Bảo vệ khớp gối
Tổn thương hay gặp ở khớp gối Đau đầu gối: sau một chấn thương đầu gối bạn bị đau. Có khi người bệnh mô tả là đau buốt "đến tận tim", hay đau "điếng người". Dĩ nhiên là bạn phải xoa dầu và uống thuốc mới mong khỏi được sớm.
Lỏng khớp gối: là một chấn thương hay gặp trong thể thao, khi dây chằng chéo trước bị tổn thương, khớp gối sẽ lỏng. Nhưng lúc mới chấn thương, do cơ đùi hỗ trợ nên bạn chưa cảm nhận được bị lỏng gối. Thời gian sau cơ đùi bị teo không còn đủ sức gồng gánh cho dây chằng chéo trước, các dấu hiệu của lỏng gối mới xuất hiện. Bạn sẽ cảm thấy chân bị yếu khi đi lại, khó khăn khi phải đứng trụ bằng chân bị bệnh, đi nhanh trên đường không bằng phẳng dễ bị trẹo gối, cảm giác bất thường khi lên xuống cầu thang, khó điều khiển chân mình như ý muốn.
Trật khớp gối: nếu chấn thương mạnh bạn có thể bị trật khớp gối với các biểu hiện đau, không cử động được khớp gối, biến dạng khớp gối. Tổn thương có thể làm gãy xương, vỡ sụn, rách bao hoạt dịch, đứt rách dây chằng... Khi đó bạn phải điều trị tại bệnh viện bằng cách nắn chỉnh, phẫu thuật phục hồi khớp và dùng thuốc giảm đau, chống viêm.
 Viêm khớp: có thể do các nguyên nhân chấn thương, nhiễm khuẩn hoặc không nhiễm khuẩn, bệnh tự miễn gây ra. Khớp gối bị sưng, nóng, đỏ đau, hạn chế vận động. Tùy nguyên nhân mà bạn phải điều trị bằng thuốc chống viêm, kháng sinh...
 Thoái hóa khớp gối: là tình trạng lão hóa của khớp. Ở người cao tuổi, sụn khớp bị lão hóa trở nên sần sùi, mất độ trơn nhẵn, giảm đàn hồi, khô và nứt nẻ, mòn, khuyết... Mức độ lão hóa từng người có khác nhau, tùy thuộc điều kiện sống của mỗi người. Ba triệu chứng thường gặp ở bệnh thoái hóa khớp gối là đau khớp, sưng khớp và hạn chế cử động. Điều trị cần dùng các loại thuốc: giảm đau, chống viêm; bổ sung chất nhày cho khớp; thuốc tăng dinh dưỡng sụn khớp như glucosamin; các thuốc bôi, xoa ngoài; các thuốc bổ gân, xương.
Tổn thương khớp gối trên phim Xquang.
Chăm sóc đầu gối Đầu gối quan trọng đối với sức khỏe và cả thẩm mĩ nên chúng ta cần phải biết cách chăm sóc để bảo vệ "sức khỏe" và vẻ đẹp cho đầu gối. Chúng tôi xin chia sẻ với các bạn những "bí quyết" sau đây: 
Do đầu gối chỉ được che phủ bằng một lớp da, thiếu sự bảo vệ của bắp cơ và mỡ, nên không được cung cấp đầy đủ nhiệt trong điều kiện thời tiết lạnh giá của mùa đông. Vì vậy chúng ta cần giữ ấm cho đầu gối bằng cách mặc quần dài với chất liệu vải thun hay cotton dày, đi giầy tất để thường xuyên giữ ấm chân và đầu gối. 
Để phòng tránh khớp gối bị xơ cứng, bạn cần thường xuyên tập cử động bằng các động tác như đứng lên, ngồi xuống, xoay tròn khớp gối theo chiều kim đồng hồ và ngược lại để đầu gối được tưới máu nuôi dưỡng đầy đủ, dịch khớp tiết đều đặn, giúp mọi hoạt động được nhịp nhàng. Buổi tối trước khi ngủ bạn có thể tập động tác duỗi gấp gối bằng cách ngồi tựa lưng ghế, kê một cái gối mềm cao chừng 10 - 15cm dưới khoeo chân, tập duỗi thẳng chân rồi lại hạ cẳng chân xuống ở tư thế vuông góc với đùi từ 15 - 20 lần. 
Trước khi luyện tập thể dục thể thao hay tập quân sự, bạn nhất thiết phải tập khởi động toàn thân và khớp gối để khi vận động cơ thể nói chung và khớp gối nói riêng được trơn tru, thuận lợi. Bạn không nên đá chân cao một cách đột ngột để tránh tổn thương khớp gối. Trong tập luyện một số môn thể thao dễ gây chấn thương, bạn nên bó khớp gối bằng băng thun để bảo vệ.
Bạn cũng nên tránh các tư thế gây hại cho khớp gối như: tránh ngồi gác chéo chân; bỏ thói quen ngồi xổm vì gập gối quá mức tạo lực ép rất lớn lên mặt sụn khớp và sụn bánh chè, mặt sụn dễ mòn, dập, sẽ thoái hóa sớm. Động tác quỳ gối hay tập cử tạ mà gánh tạ quá thấp cũng gây hại khớp gối nặng hơn ngồi xổm. Khuân vật nặng hay đứng lâu, khớp gối chịu lực không thẳng trục gây đau vùng trước gối và làm cho khớp gối nhanh bị thoái hóa.
Bạn chỉ nên đi giầy dép có đế rộng, độ cao vừa phải, khoảng 3cm. Nếu đi giầy dép cao gót sẽ tăng áp lực lên khớp gối. Tránh thừa cân, vì thừa 1kg thì khớp gối phải chịu đựng sức nặng tăng gấp 5 lần. Nếu bạn bị dị dạng chi dưới như chân chữ O, chữ X cũng cần phẫu thuật chỉnh hình cho trục đầu gối được thẳng.
Khớp gối được tạo thành bởi 3 xương: xương đùi, xương chày và xương bánh chè. Giữa mặt khớp lồi cầu đùi - mâm chày có cấu trúc sụn gọi là sụn chêm. Sụn chêm nằm chêm giữa mặt sụn khớp lồi cầu đùi và mâm chày có tác dụng giảm sóc khi sụn khớp lồi cầu đùi và mâm chày tiếp xúc khi vận động và giữ cho khớp gối được vững vàng. Hệ thống dây chằng bên trong, bên ngoài và hai dây chằng chéo trước và chéo sau nhằm giữ cho khớp gối vững chắc. Dây chằng chéo trước có tác dụng chính là giữ không cho mâm chày trượt ra trước và dây chằng chéo sau giữ cho mâm chày không bị trượt ra sau. Dây chằng bên ngoài giúp gối không bị vẹo trong, dây chằng bên trong giúp cho gối không bị vẹo ra ngoài. Toàn bộ khớp gối được bao bọc bởi một lớp màng hoạt dịch có tác dụng tiết ra dịch khớp để bôi trơn trong quá trình vận động.
ThS. Nguyễn Hoàng Lan
 
 

Lưu ý trong điều trị á sừng

Bệnh á sừng còn được gọi là viêm da cơ địa mùa đông (atopic winter feet dermatitis). Đây là một bệnh rất nan giải, không chỉ bị ở bàn chân mà còn thấy ở cả bàn tay, một thách thức lớn với cả thầy thuốc và bệnh nhân. Rất nhiều người bệnh không làm được gì vì chân tay đau đớn, nứt rớm máu, đi lại, lao động khó khăn, chạy chữa nhiều nơi không khỏi.
 Á sừng lòng bàn tay.
Ai hay bị á sừng?  Á sừng hay gặp ở các thiếu nữ, nhân viên nhà hàng, đầu bếp, người nội trợ, y tá, hộ lý. Tất cả những người này thường xuyên phải tiếp xúc với chất tẩy rửa. Khí hậu khô hanh của mùa đông miền Bắc nước ta là yếu tố làm cho bệnh càng nặng lên.
Chị em nội trợ cần lưu ý có một số rau quả, hải sản có thể gây viêm da kích ứng làm khởi động cho viêm da cơ địa như: hành tỏi, củ cải, nước nho, cam, tôm, cá. Một số chất như găng tay cao su, chất mạ nickel của một số đồ dùng và đồ trang sức, chất PPD (paraphenylenediamine) có trong sơn móng, chất thuộc da. Những chất này gây viêm da kích ứng, tế bào da vùng đó bị mất nước khô nứt ra, tạo nên bệnh cảnh lâm sàng là những đám da đỏ dày khô, nứt nẻ bong vảy, chảy máu, đau đớn.
Á sừng thường gặp ở vị trí nào trên cơ thể?
Vị trí hay gặp là bàn tay, ngón tay, đặc biệt là ở 1/3 trước của bàn chân. Bệnh nặng về mùa đông, giảm về mùa hè, đôi khi khỏi hẳn, đến mùa đông năm sau lại tái phát. Bệnh viêm nhiễm mãn tính, khi cơ thể có sự thay đổi về nội tiết có thể tự khỏi như: đến tuổi dậy thì, chửa đẻ, mãn kinh... Chẩn đoán bệnh không khó nhưng cần phân biệt với bệnh vảy nến, nấm da bàn tay, bàn chân, tổ đỉa, viêm da tiếp xúc...
Lưu ý trong điều trị
Tránh tiếp xúc với chất tẩy rửa, không dùng găng tay cao su mà dung găng latex, không đi tất nilon mà đi tất cotton, thận trong khi tiếp xúc với dụng cụ mạ nickel và đồ thuộc da như giày dép da.
 Rửa tay chân bằng xà phòng có chất giữ ẩm như: oilatum, cetaphyl, physiogel. Sau khi rửa chân tay, bôi ngay thuốc giữ ẩm lacticare, lacticare HC, skincare U hoặc cream ure 5 - 10%, vaserlin, bôi nhiều lần trong ngày hoặc những lúc da khô. Ăn đủ chất, nhiều rau quả, uống đủ nước trong ngày (1,5 - 2l/ngày). Uống kháng sinh khi có nhiễm khuẩn, uống kháng histamin để chống ngứa gãi. Ngoài ra có thể uống thêm những thuốc có tác dụng tốt cho da như bepanthen, l-systine, silica và các loại vitamin A, C, E... theo chỉ định của thầy thuốc.
Lưu ý, không tự pha nước muối để ngâm chân vì khi tự pha không thể chuẩn độ được mà thường là nước muối ưu trương sẽ hút nước trong tế bào làm da càng khô và nứt rộng, sâu hơn. Vì vậy điều quan trọng là duy trì được thuốc giữ ẩm thường xuyên thì tổn thương sẽ nhanh hồi phục và khỏi hẳn.
ThS.BS. Đỗ Xuân Khoát
 
 

Đái tháo nhạt - Cách nhận biết và điều trị

Hiện nay, số bệnh nhân đái tháo đường (ĐTĐ) đang gia tăng nhanh chóng và sự quan tâm của cộng đồng đến căn bệnh này cũng nhiều hơn do biến chứng nặng nề của bệnh. Tuy nhiên, song song với ĐTĐ, đái tháo nhạt (ĐTN) cũng là một bệnh chuyển hóa cần được chú ý vì nó ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng sống của người bệnh. Vậy ĐTĐ và ĐTN có gì giống và khác nhau? Biến chứng của ĐTN có nguy hiểm không?...
Các dạng chính của ĐTN Có 3 dạng bệnh ĐTN chính là:
ĐTN trung ương: Do tuyến yên hoặc vùng dưới đồi bị phá huỷ, lượng ADH sản xuất ra bị giảm, hậu quả là cơ thể thiếu ADH nên đi đái rất nhiều. Các nguyên nhân thường gặp là phẫu thuật tuyến yên hoặc u tuyến yên, viêm tuyến yên hoặc do chấn thương sọ não...
ĐTN do thận: Nguyên nhân là do các khiếm khuyết ở ống thận là phần cấu trúc có chức năng thải hoặc tái hấp thu nước. Khi đó hoạt động của thận không chịu ảnh hưởng của ADH nữa nên sẽ thải rất nhiều nước tạo ra nhiều nước tiểu. Nguyên nhân gây khiếm khuyết có thể do di truyền hoặc mắc phải sau khi bị bệnh thận mạn tính (như viêm thận bể thận mạn, bệnh thận đa nang...). Ngoài ra, một số thuốc như lithium (điều trị bệnh tâm thần), tetracycline (kháng sinh), methoxyflurane (thuốc gây mê), colchicin (thuốc điều trị bệnh gout)... cũng có thể gây ĐTN do thận. Một số trẻ sơ sinh bị ĐTN ngay sau khi đẻ thường do nguyên nhân di truyền gây biến đổi vĩnh viễn khả năng cô đặc nước tiểu của thận. Gen gây bệnh có liên quan đến nhiễm sắc thể Y nên bệnh thường chỉ xảy ra ở trẻ trai.
ĐTN ở phụ nữ có thai: Một số phụ nữ có thai bị ĐTN do nhau thai của họ tiết ra một loại enzyme có khả năng phá huỷ ADH (vasopressinase). Bệnh thường xuất hiện ở 3 tháng cuối.
Bệnh ĐTN có thể gặp ở những bệnh nhân (BN) bị hạ kali máu, tăng calci máu ... có giảm sự cô đặc nước tiểu (giảm tái hấp thu). Tuy nhiên có tới 30% số BN bị ĐTN không thể tìm được nguyên nhân.
Triệu chứng của bệnh ĐTN
 Triệu chứng ở người lớn:
Triệu chứng nổi bật là đái rất nhiều và uống cũng rất nhiều. BN ĐTN thường đái từ 4 - 8lít/ngày, có thể tới 15 - 20 lít/ngày vì thế trung bình 30 - 60 phút họ phải đi tiểu 1 lần, kể cả ban đêm. Mức độ khát nước rất dữ dội khiến BN phải uống nước liên tục, một số người có thể bị mất nước nặng với những biểu hiện như môi khô, tim đập nhanh, huyết áp tụt, thậm chí hôn mê.
Tuy nhiên BN ĐTN lại ít khi bị gầy sút và không bao giờ có hiện tượng kiến bâu vào nước tiểu (khác với ĐTĐ). Vì thế cần đi khám bác sĩ ngay nếu có đái nhiều và uống nhiều để tránh bị mất nước nặng.
Trẻ em bị bệnh ĐTN có thể có những biểu hiện khác lạ như: trẻ quấy khóc nhiều; bỉm thường xuyên bị ướt; sốt, nôn hoặc tiêu chảy là dấu hiệu mất nước; da khô và chân tay lạnh; trẻ chậm lớn, thậm chí sút cân.
Các biến chứng của bệnh ĐTN
Xảy ra khi lượng nước uống vào ít hơn lượng nước tiểu, chủ yếu là ở những BN già hoặc BN là trẻ em gây mất nước: nhịp tim nhanh, huyết áp tụt; yếu cơ, đau cơ; sốt, đau đầu, sút cân; xét nghiệm thấy tăng natri máu.
Làm cách nào chẩn đoán bệnh ĐTN?
Để chẩn đoán xác định ĐTN, tất cả các BN nghi ngờ đều phải thực hiện test nhịn uống tại bệnh viện có chuyên khoa nội tiết để chẩn đoán chắc chắn ĐTN và thể ĐTN (do thận hay do tuyến yên).
Chuẩn bị: Tốt nhất BN cần được nhập viện từ tối hôm trước.
Thực hiện: Test có thể kéo dài 5 - 8h. Bắt đầu lúc 5h sáng, BN được yêu cầu đi tiểu hết và sau đó không được uống nước nữa. Thu thập nước tiểu của BN mỗi 1h để làm xét nghiệm. Trong suốt thời gian đó BN được theo dõi sát về cân nặng, nhiệt độ, nhịp tim, huyết áp, tình trạng mất nước. Sau khoảng 5 - 8h sẽ tiến hành đánh giá dựa trên thể tích nước tiểu và các kết quả xét nghiệm:
 Các xét nghiệm khác để giúp chẩn đoán nguyên nhân: Xét nghiệm máu, nước tiểu, siêu âm để chẩn đoán bệnh thận mạn tính. Chụp cộng hưởng từ sọ não phát hiện các tổn thương tuyến yên.
 Tuyến yên bị tổn thương dễ dẫn đến đái tháo nhạt.
Điều trị bệnh ĐTN Điều trị chung: Với mọi BN ĐTN thì điều trị đầu tiên và quan trọng nhất là phải uống đủ nước. Lượng nước uống vào gần tương đương với lượng nước tiểu. Vì thế với những BN bị bệnh nhẹ thì có thể bác sĩ chỉ khuyên uống 2 - 3 lít nước/ngày mà không cần dùng thuốc gì. Những BN đi tiểu nhiều lần khiến BN mất thời gian và phiền toái nên cần phải được điều trị để hạn chế đái nhiều. Dù đi đâu, làm gì thì BN ĐTN cũng phải mang theo hoặc chuẩn bị có đủ nước uống, nhất là trong những ngày hè.
Điều trị đặc hiệu: Phương thức điều trị phụ thuộc loại ĐTN
ĐTN trung ương: Nếu bệnh gây ra bởi các bệnh lý vùng dưới đồi - tuyến yên như u tuyến yên thì cần điều trị bệnh chính này trước, ví dụ phẫu thuật loại bỏ khối u. Vì nguyên nhân của bệnh là thiếu ADH nên BN sẽ được điều trị thay thế bằng loại hormon tổng hợp có tác dụng tương đương có tên là demopressin dưới dạng thuốc xịt mũi, viên uống (minirin) và cả dạng tiêm. Thuốc có tác dụng tốt và an toàn ở đại đa số BN, giúp BN có cuộc sống bình thường. Với những BN bị bệnh nhẹ thì có thể chỉ cần dùng thuốc 1 lần vào buổi tối để đảm bảo có giấc ngủ ngon. Còn nếu BN là trẻ em thì cần ưu tiên điều trị ban ngày để hạn chế BN phải đi ra nhà vệ sinh nhiều lần trong giờ học.
ĐTN do thận: Nguyên nhân của bệnh là do thận không đáp ứng với kích thích của ADH, nên điều trị demopressin sẽ không có hiệu quả. BN ăn chế độ ăn nhạt để hạn chế tạo quá nhiều nước tiểu và uống đủ nước để tránh bị mất nước. Thuốc hydrochlorothiazide (biệt dược hypothiazide) vốn là thuốc lợi tiểu nhưng ở các BN ĐTN do thận nó lại có tác dụng làm thận giảm sản xuất nước tiểu. Hypothiazide có thể dùng một mình hoặc phối hợp với các thuốc khác như indometacin, clofibrate hoặc tegretol... Nếu bệnh ĐTN do thuốc thì ngừng các thuốc này có thể làm giảm hoặc hết bệnh. Tuy nhiên phải trao đổi, xin ý kiến thầy thuốc chuyên khoa trước  khi quyết định ngừng thuốc.
ĐTN ở phụ nữ có thai: Phần lớn các BN này có đáp ứng tốt với thuốc demopressin. Bệnh sẽ tự hết ngay sau đẻ.
ĐTN là bệnh ít gặp, có thể điều trị được nhưng lại gây ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống người bệnh, đôi khi cũng có thể gây biến chứng mất nước nặng. Vì thế những người có đái nhiều và khát nước nhiều cần đi khám bệnh sớm. Những người đã được chẩn đoán chắc chắn bị ĐTN cần nhớ dùng thuốc đều và uống đủ nước.
ThS. Nguyễn Quang Bảy
 
 

Viêm màng bồ đào

Viêm màng bồ đào là bệnh lý ở mắt do nhiều nguyên nhân gây ra, bệnh có thể tự xác định được nhưng tìm nguyên nhân thường khó khăn. Bệnh có nhiều biến chứng, hay tái phát và dễ dẫn đến mù lòa.
Màng bồ đào (MBĐ) từ trước ra sau gồm mống mắt, thể mi, hắc mạc. Có ba loại viêm MBĐ: viêm MBĐ trước là viêm mống mắt và thể mi, viêm MBĐ trung gian và viêm MBĐ sau là viêm hắc mạc, có khi là viêm hắc võng mạc.                  
 Đục dịch kính là biến chứng nặng của viêm màng bồ đào.
Viêm màng bồ đào do đâu? Viêm màng bồ đào là một bệnh do nhiều nguyên nhân phức tạp, có khi đan chéo nhau.
Do tụ cầu, liên cầu, lậu cầu, trực khuẩn mủ xanh, virus hecpet, nấm candida, kí sinh trùng toxoplasma gondii, riketzia
Do nhiễm độc: như chất độc, thức ăn biến chất; Do nội sinh như teo, thoái hóa tổ chức xuất huyết; Do bệnh tự miễn (trong cơ thể có kháng thể chống màng bồ đào);
Do chấn thương; Thứ phát từ các bệnh toàn thân: collagenose, sarcoidose, bệnh Behcet, bệnh da liễu, bệnh máu.
Ngoài ra, viêm MBĐ chưa rõ nguyên nhân: Nhãn viêm đồng cảm; viêm mống mắt nhược sắc.
Cách phát hiện viêm MBĐ
Với viêm màng bồ đào trước, dấu hiệu dễ thấy là cương tụ mạch máu ở lòng trắng (ở sát rìa lòng đen gọi là cương tụ rìa). Ta không được lầm nó với bệnh đau mắt đỏ thông thường (mạch máu cương tụ rộng khắp ở lòng trắng, càng gần lòng đen màu đỏ càng thưa nhạt). Bệnh nhân nhìn thấy mờ, nhìn hình như qua một lớp màng sương mờ.
Với viêm màng bồ đào sau, người bệnh không thấy cương tụ vùng rìa nhưng hay xuất hiện đau đầu, nhức trong nhãn cầu,  nhìn mờ.
Những điều đáng lo nhất khi viêm MBĐ
Với viêm màng bồ đào trước: Đáng lo nhất là tình trạng dính đồng tử hoặc bít đồng tử. Tổn thương này vừa gây mù lòa vừa gây biến chứng tăng nhãn áp (do cản trở lưu thông thủy dịch từ khoang sau ra khoang trước của nhãn cầu). Việc cho nhỏ atropin làm giãn đồng tử, chống dính chiếm 70% ý nghĩa điều trị cấp cứu.
Với viêm màng bồ đào sau: Điều đáng lo nhất là dịch kính đục thành mảng thô hoặc mủ dịch kính. Các tổn thương này hay gây tổ chức hóa dịch kính biến chứng co kéo gây bong võng mạc, teo nhãn cầu. Đặc biệt các viêm màng bồ đào sau do virut thường gây hóa mủ dịch kính nhanh chóng. Khi có các dấu hiệu bất thường ở mắt như đã nói ở trên, bệnh nhân phải đến khám tại cơ sở nhãn khoa. Cách điều trị cụ thể, việc theo dõi lâu dài sẽ do cơ sở nhãn khoa tiến hành, chỉ định hoặc hẹn khám định kì. Viêm MBĐ dễ tái phát, người bệnh phải gắn bó với cơ sở nhãn khoa lâu dài.
Điều trị viêm MBĐ Do viêm MBĐ có nhiều nguyên nhân nên việc điều trị cần căn cứ vào nguyên nhân để cho thuốc đặc hiệu. Tuy nhiên, trong mọi trường hợp viêm MBĐ cần được sử dụng trước thuốc giãn đồng tử và liệt thể mi để tránh dính đồng tử và giảm đau. Thuốc thường dùng là dung dịch atropin 1 - 4% hoặc mỡ atropin 1% tra mắt.
Thuốc chủ lực trong điều trị viêm MBĐ là chống viêm corticosteroit, có thể dùng theo các đường khác nhau phối hợp như tiêm cạnh nhãn cầu, tiêm bắp, tiêm tĩnh mạch hoặc uống, tra mắt (chỉ có tác dụng trong điều trị viêm MBĐ trước). Liều lượng và cách dùng theo chỉ định của bác sĩ và cần được theo dõi chặt chẽ khi sử dụng cho người bị loãng xương, đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp, tăng huyết áp... Các thuốc chống viêm không steroit được dùng trong các trường hợp chống chỉ định dùng corticosteroit. Ngoài ra, người bệnh còn có thể được sử dụng thuốc ức chế miễn dịch trong các trường hợp viêm MBĐ liên quan đến yếu tố miễn dịch và không đáp ứng với corticosteroit.
Phương pháp phẫu thuật cũng được lựa chọn để điều trị biến chứng của viêm MBĐ như phẫu thuật bong võng mạc, phẫu thuật lấy thủy tinh thể, phẫu thuật lỗ rò điều trị tăng nhãn áp, cắt dịch kính...
Người bệnh khi phát hiện có những biểu hiện đầu tiên như kể trên thì cần đến chuyên khoa mắt để được khám, điều trị đúng và theo dõi chặt chẽ, ngăn ngừa biến chứng có thể xảy ra.            
ThS.BS. Cù Thanh Phương (Bệnh viện Mắt TW)
 
 

Chăm sóc người bệnh tăng huyết áp tại nhà

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khi chỉ số huyết áp thấp hơn hoặc bằng 120/80mmHg được xem là huyết áp tối ưu không gây hại cho sức khoẻ; trong đó 120 gọi là số huyết áp tối đa (biểu hiện sức bóp của tim), 80 là số huyết áp tối thiểu (biểu hiện sức cản của thành mạch máu). Chỉ khi nào huyết áp tối đa bằng hoặc lớn hơn 140mmHg hoặc số huyết áp tối thiểu bằng hoặc lớn hơn 90mmHg thì được coi là tăng huyết áp.
Tăng áp chia làm 3 mức độ: - Tăng huyết áp độ 1 (tăng huyết áp nhẹ) khi trị số huyết áp tối đa từ 140 - 159mmHg hoặc chỉ số huyết áp tối thiểu từ 90 - 99mmHg.
- Tăng huyết áp độ 2 (tăng huyết áp trung bình) khi huyết áp tối đa từ 160 - 179mmHg hoặc chỉ số huyết áp tối thiểu từ 100 - 109mmHg.
- Tăng huyết áp độ 3 (tăng huyết áp nặng) khi huyết áp tối đa đo được từ 180mmHg trở lên hoặc huyết áp tối thiểu từ 110mmHg trở lên. Đối với người bệnh tăng huyết áp được điều trị tại nhà thì vấn đề khống chế huyết áp và theo dõi để kiểm soát các yếu tố làm tác động đến sức khoẻ là rất quan trọng, đó là: các yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch; các yếu tố nguy cơ gây tổn thương nội tạng trong cơ thể do tăng huyết áp; tăng huyết áp kèm theo bệnh đái tháo đường. Khi càng có nhiều yếu tố nguy cơ thì khả năng bị tai biến do bệnh tăng huyết áp càng tăng lên.
Để điều trị tốt bệnh tăng huyết áp và phòng ngừa nguy cơ, người bệnh cần tuân thủ các nguyên tắc sau: uống thuốc và áp dụng chế độ ăn nhạt, ăn đủ dinh dưỡng để khống chế huyết áp dưới mức 140/90mmHg; điều trị các bệnh kèm theo. Cụ thể là: nếu bị béo phì, nên áp dụng chế độ ăn giảm cân: ít đường, ít mỡ, nhiều chất đạm và chất xơ rau quả, trái cây; ăn nhạt; ăn chất đạm có nguồn gốc từ cá và thực vật tốt hơn là chất đạm từ thịt gia súc, gia cầm; không nên ăn quá ngọt ngay cả khi không bị bệnh đái tháo đường; hạn chế ăn mỡ động vật và dầu dừa mà nên dùng dầu hướng dương, dầu vừng, dầu đậu nành; nên ăn nhiều rau cải, trái cây để cung cấp nhiều chất khoáng, vitamin và chất xơ.
Ngoài ra bắt buộc phải bỏ những thói quen xấu như uống nhiều rượu; hút thuốc lào, thuốc lá; giữ nếp sinh hoạt điều độ, ổn định, tránh trạng thái căng thẳng, xúc động, lo âu; thường xuyên tập thể dục vừa sức ít nhất 45 phút mỗi ngày, 3 lần trong một tuần.
Trong điều trị tăng huyết áp, việc dùng thuốc để khống chế huyết áp dưới mức 140/90mmHg là rất cần thiết. Ở gia đình, người bệnh phải tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ, khám lại đúng kỳ hẹn, không nên tự ý mua thuốc hạ huyết áp để uống hay uống thuốc theo chỉ dẫn của người quen, lối xóm hay bạn bè không phải là bác sĩ. Theo cách điều trị tăng huyết áp hiện nay, các thầy thuốc phối hợp nhiều loại thuốc hạ huyết áp với liều thấp có hiệu quả hơn là sử dụng một loại thuốc hạ huyết áp với liều cao. Các nhóm thuốc hạ huyết áp thường được sử dụng hiện nay bao gồm: nhóm thuốc lợi tiểu; nhóm thuốc chẹn kênh canxi; nhóm thuốc ức chế thụ thể bêta; nhóm thuốc ức chế thụ thể alpha; nhóm thuốc ức chế men chuyển; nhóm thuốc ức chế thụ thể angiotensin II.
Khi điều trị tăng huyết áp tại nhà cần tránh 3 sai lầm sau đây:  Tự mua thuốc hạ huyết áp để uống. Đã có nhiều trường hợp phải đến bệnh viện cấp cứu do tự uống thuốc hạ huyết áp; chỉ chữa bệnh khi huyết áp tăng cao và ngừng thuốc khi huyết về bình thường; uống lâu dài với một đơn thuốc mà không khám lại để đánh giá diễn tiến của bệnh.
 Bệnh nhân tăng huyết áp cần theo dõi huyết áp hằng ngày.
Để bảo đảm hiệu quả trong quá trình điều trị và theo dõi huyết áp tại nhà, bệnh nhân cần tuân thủ các cách sau: - Phải có sổ theo dõi huyết áp: trong sổ ghi số đo huyết áp mỗi ngày 1-3 lần, triệu chứng bất thường trong ngày, thuốc uống trong ngày. Bệnh nhân cần đưa sổ này cho bác sĩ điều trị mỗi lần tái khám.
- Cách dùng máy đo huyết áp điện tử tại nhà: Khi theo dõi huyết áp tại nhà chỉ nên đo huyết áp 1-3 lần trong ngày, mỗi lần đo huyết áp nên đo 2 lần liên tiếp cách nhau vài phút rồi lấy trung bình 2 lần đo. Cần nhớ phải nằm nghỉ tuyệt đối khoảng 15 phút trước khi đo. Trước khi đo huyết áp 30 phút không được uống rượu, cà phê hay hút thuốc lá. Không nên đo huyết áp sau khi ăn hoặc khi mới ngủ dậy.
- Khi có những dấu hiệu bất thường về sức khoẻ thì nên chủ động tới bác sĩ chuyên khoa tim mạch để khám, không chờ đến hẹn để chủ động ngăn ngừa tai biến do tăng huyết áp.      
BS. Nguyễn Minh Hồng
 
 

Những sai lầm khi điều trị bong gân

Bong gân là một trong những tổn thương rất hay gặp và sẽ để lại nhiều hậu quả nếu không điều trị đúng cách.Tuy nhiên trên thực tế thì hầu hết bệnh nhân thường chủ quan với chấn thương này và không tuân thủ đúng điều trị. Bài viết sau đây sẽ cung cấp cho bạn đọc những điều cần thiết nhất khi mắc phải chấn thương này.
Bong gân xảy ra khi nào? Bong gân chính là tổn thương dây chằng ở các khớp, đây là phần liên kết 2 xương lại với nhau, bong gân là một cách gọi dân gian với dạng chấn thương này. Các trường hợp dẫn đến chấn thương dây chằng thường là chơi thể thao, tai nạn giao thông, tai nạn trong sinh hoạt hằng ngày... Các vị trí dây chằng bị tổn thương thường gặp là khớp cổ tay, cổ chân, vai, khuỷu tay... gồm các mức độ khác nhau:
Týp 1: dây chằng bị giãn.
Týp 2: dây chằng bị đứt một phần.
Týp 3: dây chằng bị đứt hoàn toàn.
Xác định mức độ chấn thương đúng để điều trị đúng
Cần dựa vào các biểu hiện qua thăm khám tại chỗ, nếu người bệnh chỉ thấy sưng đau, cảm giác mất vững khi vận động thì dây chằng bị giãn hoặc có đứt một phần nhưng nếu vừa sưng đau, mất vững và vừa bầm tím thì rất có thể dây chằng đã bị đứt một phần hoặc hoàn toàn.
Để khẳng định chắc chắn hơn bệnh nhân cần được chụp Xquang, ngoài ra có thể phải làm siêu âm và chụp cộng hưởng từ.
Phải làm gì khi bị bong gân?
Đối với tổn thương dây chằng thì biện pháp điều trị bảo tồn là chủ yếu. Quan trọng nhất là cần thực hiện bất động khớp bị tổn thương đủ thời gian để dây chằng phục hồi trở lại. Có thể bất động bằng dùng nẹp y tế, dùng băng chun ép nhưng tốt nhất là bất động bằng đắp bột  mới đảm bảo được bất động tuyệt đối. Thời gian cần bất động thường là 4 tuần, với  người cao tuổi thì thời gian có thể lâu hơn một chút. Sau đó người bệnh có thể vận động nhẹ nhàng và sau 8 tuần có thể chơi thể thao bình thường.
Những trường hợp tổn thương dây chằng nhưng do không tuân thủ đúng chỉ định điều trị sẽ dẫn đến xơ hoá dây chằng gây đau mạn tính và khó vận động sẽ phải phẫu thuật để tạo hình lại dây chằng.
Đa số người bệnh sai lầm khi bị bong gân
Quan niệm của người bệnh thường rất chủ quan khi bị bong gân, họ cho rằng tai nạn bong gân không quan trọng, họ chỉ đến bệnh viện khi có kết hợp với gãy xương vì thế dẫn đến hàng loạt sai lầm do tự điều trị. Người dân thường dùng mật gấu, rượu, xoa cao vào nơi bị tổn thương, đây là sai lầm nghiêm trọng vì tổn thương dây chằng nghiêm cấm dùng các chất nóng tác động tại chỗ do những chất này gây chảy máu mạnh hơn. Trong khi tổn thương này cần dùng các thuốc gây lạnh và làm giảm đau tại chỗ như các loại thuốc dạng gel lạnh hay salonpas lạnh.
Các chất có tính nóng chỉ nên dùng trong trường hợp gãy xương vì tác dụng của sức nóng sẽ làm tăng tiết dịch, máu làm nhanh liền xương hơn. Nhưng tuyệt đối không nên xoa vào nơi dây chằng tổn thương vì  có thể dẫn đến teo cơ, cứng khớp sau này.
Do chủ quan với bệnh nên hầu hết người bệnh đều cố gắng vận động mà không tuân thủ yêu cầu phải cố định, điều này có thể dẫn đến đau dây chằng mạn tính, có dùng thuốc cũng không điều trị dứt điểm được.     
Sử dụng các thuốc điều trị như thế nào?
Ngoài việc dùng băng chun ép, đắp bột để bất động người bệnh cần dùng các thuốc sau:
Thuốc giảm đau, dòng NSAIDs;  thuốc giảm phù nề, viêm như alphachoay; trong một số trường hợp tổn thương dây chằng lớn có thâm tím do đứt nhiều thì phải dùng kết hợp thuốc kháng sinh để phòng nhiễm khuẩn.
ThS. Trần Trung Dũng
 
 

Tăng huyết áp ở người trẻ

Tăng huyết áp ở người trẻ (dưới 35 tuổi) là dạng bệnh lý khá phổ biến hiện nay với tỉ lệ người mắc khoảng 5% - 12%. Tình trạng huyết áp tăng cao gây nhiều tác động xấu đến sức khỏe và hiệu quả công việc.
Phát hiện tình cờ
Tăng huyết áp ở người trẻ có đến 70% là không có triệu chứng điển hình như nhức đầu, chóng mặt... và được phát hiện tình cờ trong đợt khám sức khỏe định kỳ hoặc bệnh nhân đến khám bệnh vì lý do khác.
Tăng huyết áp ở người trẻ thường bị cao số huyết áp dưới, ví dụ 120/95mmHg, trong khi tăng huyết áp ở người cao tuổi thường là tăng số huyết áp trên, ví dụ 170/80mmHg. Dấu hiệu không điển hình của tăng huyết áp ở người trẻ có thể gặp như khó kiềm chế cảm xúc, dễ nóng giận, dễ mất tập trung, dễ ảnh hưởng đến công việc, giao tiếp... Tăng huyết áp gây các biến chứng trên tim mạch, tai biến mạch máu não... Ngoài ra, ở người trẻ bị tăng huyết áp thì tỉ lệ rối loạn chức năng tình dục cao gấp 2,5 lần so với người không bị tăng huyết áp. Tỉ lệ này còn cao hơn khi người trẻ bị tăng huyết áp kèm theo các bệnh khác như đái tháo đường, bệnh lý thận mạn... Ngoài ra, người bệnh cũng dễ bị rối loạn cảm xúc theo chiều hướng dễ nóng giận, mất kiềm chế...
Các yếu tố cản trở việc điều trị tăng huyết áp ở người trẻ xuất phát từ tâm lý không chấp nhận mình bị tăng huyết áp vì cảm thấy cơ thể khỏe mạnh bình thường, tâm lý che giấu bệnh vì sợ ảnh hưởng việc thăng tiến trong công việc.
Nguyên nhân chủ yếu
Nguyên nhân gây tăng huyết áp ở người lớn tuổi có đến 95% trường hợp không có nguyên nhân, chỉ khoảng 5% có nguyên nhân. Tuy nhiên, ở người trẻ, tỉ lệ tăng huyết áp có nguyên nhân cao hơn so với người lớn tuổi. Các nguyên nhân có thể gặp là bệnh lý thận mạn tính, mất thăng bằng nội tiết tố, dùng nhiều rượu ... Ngoài ra, các yếu tố góp phần làm tăng huyết áp là hút thuốc lá (kể cả hút thuốc lá thụ động), béo phì, stress, lối sống tĩnh tại, ăn quá mặn, uống nhiều rượu.
Để phòng ngừa tăng huyết áp ở người trẻ tuổi, cần thực hiện giảm cân nếu bị béo phì. Nên áp dụng chế độ ăn giảm cân: ít đường, ít mỡ, nhiều chất đạm và chất xơ. Ngoài ra, nên giảm bớt khẩu phần trong mỗi bữa ăn chứ không nên giảm bớt số bữa ăn hằng ngày. Không nên ăn quà bánh vặt, nên ăn nhạt. Chỉ nên ăn không quá 2 - 4g muối mỗi ngày. Lượng muối này bao gồm cả lượng muối có trong thức ăn và nước chấm. Nên ăn thức ăn có chứa nhiều các chất kali (có nhiều trong chuối, nước dừa, đậu trắng...), can-xi (có nhiều trong sữa, tôm, cua...), ma-giê (có nhiều trong thịt) để hoạt động của hệ tim mạch được ổn định.
Nên ăn chất đạm có nguồn gốc từ cá và thực vật hơn là các loại thịt heo, bò, gà...
Không nên ăn quá ngọt ngay cả khi không bị đái tháo đường..., hạn chế ăn mỡ động vật. Nên ăn nhiều rau xanh, trái cây để cung cấp nhiều chất khoáng, vitamin và chất xơ. Hạn chế uống nhiều rượu. Nên rèn luyện thân thể, thường xuyên tập thể dục đều đặn mỗi ngày, mỗi lần khoảng 30 - 45 phút. Nên dùng các loại hình như dưỡng sinh, đi bộ, chạy bộ... và tuyệt đối không được gắng sức. Giữ  nếp sinh hoạt điều độ, ổn định, tránh trạng thái xúc động, lo âu. Ngưng hút thuốc lá. Khi điều trị dùng thuốc, người bệnh nên tuân thủ lời dặn của bác sĩ, không nên tự ý ngừng thuốc.     
BS. Hạnh Trinh
 
 

Thể thao giúp phòng bệnh tim mạch

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, khi nồng độ cholesterol "tốt" (HDL) - yếu tố đóng vai trò quyết định ngăn ngừa khả năng nhồi máu cơ tim trong máu quá thấp sẽ có hại cho hệ tim mạch hơn cả trường hợp nồng độ cholesterol "xấu" (LDL) trong máu cao hơn mức bình thường chút ít. Thường xuyên tập thể thao và tham gia các hoạt động thể lực một cách vừa phải là cách tốt nhất để gia tăng nồng độ HDL.
Nếu bạn biết vận động và TDTT  cùng các hoạt động thể lực một cách thích hợp thì không chỉ là điều cần thiết để có cơ thể khoẻ mạnh, mà còn làm giảm thiểu các tác động của bệnh tim mạch. TDTT nhưng bạn không cần phải thực hiện những bài tập nặng, tập quá sức, hay phải tập hàng ngày với thời lượng lớn  60 phút. Tập thể dục có thể bao gồm đi bộ, chạy bộ aerobic, tập yoga. Điều quan trọng hơn cả là bạn phải có ý thức đối với việc tập luyện và chỉ cần có lòng quyết tâm thay đổi những thói quen trong cuộc sống và thắng được sức ỳ của mình. Mỗi ngày chỉ cần đi dạo từ 30-60 phút, hoặc hoạt động thể thao theo chế độ 15-30/phút/lần/ ngày là đủ để hạ huyết áp, duy trì nồng độ HDL, lượng đường trong máu cũng như trọng lượng cơ thể hợp lý. Chế độ tập luyện như thế không phải là quá khó ngay cả với những người mà quỹ thời gian không có nhiều. Các nhà khoa học cho rằng, không có phương thức để giảm thiểu tối đa cơn nhồi máu cơ tim nào hiệu quả hơn là tập TDTT và hoạt động thể lực. Những người tin và thực hiện tốt "liệu pháp" này có tỷ lệ  nhồi máu cơ tim giảm thấp nhất. Khi "liệu pháp" này được áp dụng rộng rãi, trong 10 năm qua, những ca tử vong do bệnh tim mạch giảm hẳn. Nếu mỗi ngày thời gian dạo bộ lớn hơn 60 phút, kèm theo đấy là những bài tập thể lực tích cực thì ích lợi cho sức khoẻ càng lớn. Ưu điểm của phương pháp này còn cao hơn cả Jogging, đi xe đạp, bơi lội hoặc chơi tennis. Khi hoạt động của cơ bắp được duy trì với thời lượng tối thiểu 240 phút/tuần, trước hoặc sau giờ làm việc, thì trung bình 2/10 người trong nhóm tuổi 35-49 sẽ tránh được nguy cơ tử vong vì các bệnh tim.
Việc tập luyện cần được duy trì mỗi ngày thì hiệu quả mới tốt. Còn kiểu tập "no dồn, đói góp" (cả tuần thì lao vào công việc, đến ngày nghỉ thì dốc toàn lực để tập luyện) không những sức khoẻ không được cải thiện mà còn tăng nguy cơ chấn thương và đau đớn nghiêm trọng. Những người trước đó ít hoạt động hoặc đã bước vào tuổi trung niên không nên tập những bài tập thể lực quá nặng ngay từ đầu, bởi việc đó sẽ làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim cao hơn 30 lần. Ban đầu chỉ nên tập với cường độ và thời lượng vừa phải, sau đó mới tăng dần sau 10 hay 15 ngày, tuỳ thuộc vào sự đáp ứng của cơ thể với chế độ luyện tập.
Địa điểm và thời gian cho việc TDTT cũng tối quan trọng. Bạn nên tập luyện khi cơ thể khỏe mạnh, tập nơi có ánh sáng mặt trời, thông thoáng, không nên tập vào sáng sớm hay tối khuya; không nên tập thể dục khi bạn quá no hoặc quá đói. Vân động luyện tập thích hợp ngoài việc hạn chế tối đa nguy cơ nhồi máu cơ tim, lối sống tích cực còn ngăn chặn các bệnh về mắt, bệnh  ung thư... đặc biệt là chứng béo phì - nguyên nhân gây ra hàng trăm thứ bệnh nguy hiểm cho tính mạng như tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, đái tháo đường... Bên cạnh việc rèn luyện thân thể thì chế độ ăn uống hợp lý, đầy đủ chất cũng góp phần đẩy lùi nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
BS. Đào Thái Dũng
 
 

Tăng huyết áp - “Kẻ giết người thầm lặng”

Tại sao lại nói "tăng huyết áp là kẻ giết người thầm lặng"?
Thứ nhất là, tăng huyết áp (THA) là một vấn đề rất thường gặp trong cộng đồng. Tỷ lệ người mắc THA ngày càng tăng và tuổi bị mắc mới cũng ngày một trẻ. Vào năm 2000, theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), toàn thế giới có tới 972 triệu người bị THA và con số này được ước tính là khoảng 1,56 tỷ người vào năm 2025. Các yếu tố nguy cơ của lối sống như lười vận động, ăn không hợp lí với chế độ ăn quá nhiều chất béo, ăn mặn, hút thuốc lá... là những nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng gánh nặng này. Một vấn đề khá quan trọng nữa là tỷ lệ người mắc THA ngày một tăng nhanh chóng ở các nước đang phát triển (châu Á, châu Phi). Theo thống kê tại Hoa Kỳ năm 2006, có khoảng 74,5 triệu người Mỹ bị THA; cứ 3 người lớn có 1 người bị THA. Ngay tại Việt Nam, thống kê mới nhất năm 2007 cho thấy tỷ lệ THA ở người lớn là 27,4% (!).
 Giáo sư Nguyễn Lân Việt hướng dẫn bác sĩ nội trú thăm khám bệnh nhân.
Thứ hai là, THA đã và đang trở thành nguy cơ hàng đầu của các biến chứng tim mạch. Vào năm 2002, WHO đã ghi nhận trong báo cáo sức khỏe hàng năm và liệt kê THA là "kẻ giết người số 1". Nói một cách ngắn gọn, đối với người bị THA, nguy cơ bị đột quỵ (tai biến mạch não) tăng gấp 4 lần, nguy cơ bị nhồi máu cơ tim tăng gấp 2 lần nếu so với người không bị THA. Nguy cơ tử vong sẽ tăng gấp đôi khi số huyết áp tăng mỗi 20mmHg đối với huyết áp tâm thu và tăng 10mmHg đối với huyết áp tâm trương. Năm 2008 có khoảng 16,5 triệu người chết vì THA trên toàn thế giới. Thống kê tại Hoa Kỳ năm 2006 cho thấy có khoảng 56.561 người Mỹ chết vì THA. Đây là những con số thật kinh khủng (!). Trong cuộc sống bình thường của chúng ta, những nguy cơ chết người mà chúng ta phải đối mặt như thế nào? Một thống kê tại Đức cuối những năm 80 của thế kỷ trước đã cho thấy, nguy cơ tử vong trong một năm tại Đức là: Đi máy bay thì nguy cơ là 1/1.000.000; lái xe ôtô là 1/5.000; hút thuốc lá là 1/250 và THA sẽ là 1/50 (!). Các biến chứng thường gặp của THA đã được đề cập đến là: - Các biến chứng tim mạch: nhồi máu cơ tim, bệnh động mạch vành khác, suy tim...
- Các biến chứng về não: tai biến mạch não (bao gồm cả xuất huyết não và nhũn não); bệnh não do THA...
- Các biến chứng về thận: đái ra protein; suy thận...
- Các biến chứng về mắt, tiến triển theo các giai đoạn, thậm chí có thể dẫn đến mù lòa.
- Các biến chứng về mạch ngoại vi, trong đó đặc biệt nguy hiểm là biến chứng tách thành động mạch chủ có thể dẫn đến chết người.
Thứ ba là, đại đa số các bệnh nhân bị THA (trên 90%) thường không có các dấu hiệu nào cảnh báo trước. Quan điểm trước đây cho rằng cứ THA là phải có đau đầu, mặt bừng đỏ, béo... là hết sức sai lầm. Nhiều khi, sự xuất hiện triệu chứng đau đầu đã có thể là sự kết thúc của người bệnh THA do đã bị tai biến mạch não. Do vậy, việc kiểm tra huyết áp thường xuyên, nhất là những người có nguy cơ cao, là hết sức cần thiết và quan trọng.
Thứ tư là, THA ở người lớn đại đai số là không có căn nguyên (còn gọi là THA nguyên phát). Chỉ một số nhỏ dưới 5% là THA có căn nguyên (tức là do hậu quả của một số bệnh lí khác). Do vậy, những dấu hiệu thể hiện bệnh THA không đặc hiệu và không có gì khác biệt so với người bình thường.
Thứ năm là, mặc dù THA đã được chứng minh sự nguy hiểm như vậy, nhưng ngay cả tới hiện nay, THA vẫn tồn tại như là một "bộ ba nghịch lý" đó là:
- THA là bệnh rất dễ phát hiện (bằng cách đo khá đơn giản) nhưng người ta lại thường không được phát hiện mình bị THA từ bao giờ.
- THA là bệnh điều trị được nhưng số người được điều trị không nhiều.
- THA là bệnh có thể khống chế được với mục tiêu mong muốn nhưng số người mắc dù được điều trị đạt mục tiêu cũng không nhiều.
Và do vậy, đã rất nghiều người bệnh cho đến khi bị các biến chứng của THA, thậm chí tử vong mới biết mình bị THA hoặc mới hiểu rõ việc khống chế tốt THA là quan trọng như thế nào.
Vấn đề kiểm soát THA cũng đáng để bàn. Ngay tại một số nước phát triển như Hoa Kỳ, trong năm 2006, trong tổng số người bị THA có khoảng 77,6 % là đã được biết bị THA. Trong tổng số bệnh nhân bị THA chỉ có 67,9% được điều trị và chỉ có 44,1% là được khống chế tốt trong khi có tới 55,9% không được khống chế tốt. Tại một số nước như Canada; Anh, Đức... tỷ lệ bệnh nhân THA được điều trị cũng chỉ từ 27-47%. Tại Việt Nam, thống kê năm 2007, có tới gần 70% không biết bị THA, trong số bệnh nhân biết bị THA chỉ có 11,5% được điều trị và chỉ có khảng 19% được khống chế huyết áp đạt yêu cầu (!).
 Đo huyết áp thường xuyên để kiểm soát huyết áp. Ảnh: KM
Tại sao lại như vậy? Đây thực sự là vấn đề khá khó. Để trả lời được câu hỏi này chúng ta cần có một cái nhìn tổng thể đối với phía các nhà quản lí, người dân và thầy thuốc.
- Nhận thức của nhân dân về nguy cơ, thái độ và hành động đối với THA chưa đầy đủ và đúng mực: Các nguy cơ thực tế mà người THA bị thường ước lượng không đầy đủ, thường bị bỏ sót hoặc ước lượng dưới mức. Mức THA thật của người bị THA cũng bị ước lượng dưới ngưỡng. Nhiều người còn coi thường về THA hoặc coi THA là có thể chữa khỏi hoàn toàn.
- Còn chưa thống nhất về các mục tiêu đích thực cần đạt được trong điều trị THA.
- Điều chỉnh lối sống là vấn đề rất quan trọng trong khống chế THA nhưng lại là vấn đề khó khăn nhất trong áp dụng do sự thay đổi đời sống xã hội và nhận thức còn hạn chế của người dân.
- Điều trị THA là một hoạt động liên tục, kiên trì, lâu dài, có thể suốt cả đời. Do vậy, cần có sự nhận thức đầy đủ và tuân thủ điều trị.
- Điều kiện kinh tế, xã hội chưa cho phép tất cả người dân được tiếp cận điều trị THA đầy đủ và đúng mực.
- Người bệnh THA thường kèm theo nhiều rối loạn và bệnh tật khác như: béo phì, hội chứng chuyển hóa, rối loạn lipid, đái tháo đường... làm cho việc khống chế huyết áp càng khó khăn.
- Các thuốc điều trị THA có nhiều sự thay đổi, giá thành còn cao và vẫn còn tồn tại nhiều tác dụng phụ.
- Ngay cả trong giới chuyên môn, các khuyến cáo cũng chưa hoàn toàn được thống nhất.
Chúng ta có thể ngăn chặn, chống lại được "Kẻ giết người thầm lặng" này không?
Câu trả lời là hoàn toàn có thể. Vấn đề phụ thuộc vào chính bản thân bạn rất nhiều.
Những nghiên cứu kinh điển đã cho thấy, việc tôn trọng điều trị giảm được huyết áp đã ngăn chặn được đáng kể tử vong và tàn phế do các biến chứng của THA gây ra. Theo ước tính, nếu cứ giảm đi được  10 mmHg huyết áp tâm thu ở người bị THA thì giảm được khoảng 30% nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch và giảm được 40% nguy cơ tử vong do tai biến mạch máu não.
Làm thế nào để giảm được huyết áp như mong muốn: Vấn đề này phụ thuộc rất nhiều vào bản thân người bệnh. Việc thay đổi lối sống đóng một vai trò quyết định. Thêm vào đó, hãy dùng thuốc đều đặn và liên tục theo chỉ định của thầy thuốc.
Theo ước tính của Hội Tim mạch Canada năm 2009 cho thấy, tại Canada, với việc giảm ăn mặn từ 3.500mg muối xuống 1.700mg muối trong một ngày đã giúp giảm: 1 triệu người bị THA; giảm 5 triệu lượt người phải đi khám bác sĩ trong một năm; tiết kiệm được 450 - 540 triệu đô-la trong một năm do phải đi khám và dùng thuốc; giảm được 13% tử vong do các biến chứng tim mạch và tổng cộng chi phí y tế giảm được 1,3 tỷ đô-la mỗi năm (!). Những thống kê khác về thay đổi lối sống là: cứ giảm được 1.800mg muối mỗi ngày thì giảm được trung bình 5,5mmHg huyết áp; cứ giảm được mỗi 1kg cân nặng thừa thì giảm được trung bình 1,5mmHg; tập thể dục đều ít nhất 60 phút mỗi ngày và hàng ngày thì giảm được trung bình 5,5mmHg; chế độ ăn hợp lý (chế độ DASH theo khuyến cáo của Canada) sẽ giúp giảm được 11mmHg. Đây là một dẫn chứng nhỏ để nói lên rằng nếu chúng ta nghiêm túc thực hiện các khuyến cáo, thì những biện pháp dù đơn giản cũng có hiệu quả đáng kể.
Khi có chỉ định dùng thuốc điều trị, cần tuân thủ chặt chẽ theo đúng các chỉ dẫn của thầy thuốc. Những nghiên cứu cho thấy, việc dùng đúng các thuốc hạ huyết áp không chỉ làm giảm huyết áp như mong muốn mà còn giúp giảm đáng kể các tổn thương cơ quan đích (hay các biến chứng của THA). Chúng ta rất vui mừng là hiện ngày càng có nhiều loại thuốc có hiệu quả cao trong điều trị THA, ít tác dụng phụ. Tuy nhiên, một vấn đề khá nan giải là sự tuân thủ điều trị của người bị THA còn kém, làm cho số bệnh nhân đạt được mục tiêu còn khiêm tốn.
Tóm lại, việc kiểm soát THA chủ yếu dựa vào cộng đồng và có ý nghĩa quyết định, mang lại lợi ích đáng kể. Việc cổ vũ lối sống lành mạnh và thay đổi những lối sống có hại cho mỗi cá nhân là "vũ khí" lợi hại hàng đầu trong cuộc chiến chống lại "kẻ thù thầm lặng này". Những lời khuyên hữu ích là:
- Giảm cân nặng nếu thừa cân.
- Không hút thuốc lá, thuốc lào.
- Ăn uống hợp lý, không ăn nhiều chất béo bão hòa.
- Không ăn mặn (giảm muối trong khẩu phần).
- Tập thể dục đều dặn.
- Uống rượu bia có chừng mực (nếu đã có thói quen).
- Tránh căng thẳng, tự tạo cho mình cuộc sống hài hòa.
- Hãy kiểm tra huyết áp của bạn thường xuyên hơn theo khuyến cáo.
- Hãy kiểm tra các nguy cơ khác: rối loạn đường máu, lipid máu...
Dự án quốc gia phòng chống bệnh tăng huyết áp - Viện tim mạch Việt Nam
TS.BS. Phạm Mạnh Hùng (Tổng thư ký Hội Tim mạch học Việt Nam)
 
 

Phát hiện và điều trị sớm giãn phế quản

Giãn phế quản là một bệnh bẩm sinh hay mắc phải, tổn thương gây giãn thường xuyên không hồi phục của một hay nhiều phế quản lớn, có hủy hoại thành phế quản. Bệnh có thể ảnh hưởng nặng nề đến tim, phổi, gan, thận nên cần phải phát hiện và điều trị sớm mới có thể tránh các biến chứng nặng.
Nguyên nhân gây bệnh
Bệnh giãn phế quản do viêm hay nhiễm khuẩn đường hô hấp tái đi tái lại gây hoại tử thành phế quản, thường xảy ra sau khi mắc các bệnh cúm, sởi, ho gà, phế quản phế viêm. Xơ nang chiếm khoảng 50% trong các nguyên nhân giãn phế quản. Tổn thương xơ quanh phế quản co kéo do lao xơ phổi, lao xơ hang, áp-xe phổi mãn tính. Các hội chứng như Kartagener: giãn phế quản kèm polip mũi và viêm xoang, đảo lộn phủ tạng; hội chứng Mounier-Kuhn: giãn phế quản kèm viêm xương sàng. Chít hẹp phế quản do u, dị vật, phía dưới chỗ chít hẹp dễ bị nhiễm khuẩn đồng thời nội áp lực phế quản tăng gây giãn phế quản. Suy giảm miễn dịch, thiếu hụt alpha1antiprotease do hút thuốc lá, rối loạn thanh thải nhầy lông, các bệnh thấp. Các trường hợp suy giảm miễn dịch có thể dẫn đến giãn phế quản gồm: thiếu hụt toàn thể gamma globulin mắc phải, suy giảm miễn dịch thông thường; thiếu hụt chọn lựa các nhóm IgA, IgM và IgG; suy giảm miễn dịch mắc phải do điều trị độc hại tới gan.
 Phế quản bình thường (trên) và tổn thương giãn phế quản (dưới).
Biểu hiện lâm sàng Triệu chứng giãn phế quản gồm ho mạn tính, đờm mủ xuất tiết nhiều, ho ra máu và viêm phổi tái đi tái lại. Sút cân, thiếu máu, yếu sức. Ho, khạc đờm dai dẳng, khạc đờm là chủ yếu, thường khạc đờm vào sáng sớm, số lượng nhiều có thể tới  300ml/24 giờ. Đờm có thể lắng thành 3 lớp từ trên xuống dưới: bọt, nhầy, mủ. Ho ra máu nhiều hoặc ít. Ho ra máu tái diễn không khạc đờm gặp trong giãn  phế quản thể khô. Trong giãn phế quản lan toả có thể khó thở. Khám thấy khoảng trên 30% số bệnh nhân có ngón tay dùi trống. Nghe phổi: có ran ẩm, ran nổ ở đáy phổi, một bên hoặc hai bên. Vị trí nghe tương đối cố định. Nếu giãn phế quản lan toả đi kèm bội nhiễm có thể thấy ran rít, ran ngáy nhưng chủ yếu vẫn là ran nổ và ran ẩm. Rối loạn chức năng phổi tắc nghẽn với thiếu ôxy máu gặp trong giãn phế quản trung bình hoặc nặng. Chụp Xquang thấy hình các phế quản dày đặc do xơ quanh phế quản, các ổ tròn sáng nhỏ ở đáy phổi. Có thể có ổ mức khí nước. Thùy phổi có ổ giãn nhỏ lại. Xẹp phổi thùy dưới trái. Chụp phế quản cản quang: bơm thuốc cản quang  (lipiodol) vào trong phế quản, rồi chụp là biện pháp chẩn đoán quyết định. Chụp cắt lớp vi tính độ phân giải cao có thể chẩn đoán xác định được ổ giãn phế quản. Xét nghiệm máu: trong đợt bùng phát có thể bạch cầu tăng, N tăng, máu lắng tăng. Đo thông khí phổi: có thể thấy rối loạn thông khí tắc nghẽn hoặc hỗn hợp. Cấy vi khuẩn có thể thấy tạp khuẩn.
Bệnh giãn phế quản không tự khỏi, ngược lại nếu không điều trị, thì các ổ giãn có xu hướng lan rộng. Thỉnh thoảng có những đợt bội nhiễm làm cho bệnh nặng dần lên. Các biến chứng hay gặp là: tâm phế mạn, suy hô hấp mạn, thoái hóa dạng tinh bột ở gan thận, các áp-xe tạng thứ phát ở nhiều nơi như não, gan, trung thất...; bội nhiễm phổi phế quản dịch mủ ứ đọng trong ổ giãn gây viêm phổi, áp-xe hoá; ho ra máu dai dẳng, có khi ho ra máu nặng đe dọa đến tính mạng; viêm phế quản mạn, khí phế thũng.
Phòng bệnh cần thực hiện các biện pháp phối hợp như: điều trị tốt các bệnh cúm, sởi, ho gà khi còn nhỏ; điều trị tốt các bệnh đường hô hấp trên như: viêm xoang, viêm họng, viêm amidal, điều trị tốt lao phổi như lao sơ nhiễm, lao thâm nhiễm, lao phế quản.
Chẩn đoán định hướng dựa vào triệu chứng lâm sàng và Xquang phổi chuẩn. Chẩn đoán xác định dựa vào chụp cắt lớp vi tính độ phân giải cao hoặc chụp phế quản cản quang. Bệnh cần chẩn đoán phân biệt với viêm phế quản mạn, lao phổi có hang nhỏ ở thùy dưới, áp-xe phổi.
Điều trị
Điều trị nội khoa gồm dùng kháng sinh; lý liệu pháp lồng ngực hàng ngày với dẫn lưu tư thế, vỗ rung lồng ngực, hít thở các thuốc giãn phế quản. Sử dụng kháng sinh dựa trên  kháng sinh đồ hoặc dùng gentamyxin phối hợp với nhóm cephalosporin, điều trị cho đến khi hết đờm mủ, thường phải dùng từ 2-4 tuần. Soi phế quản cần để lượng định ho ra máu, hút các xuất tiết ứ đọng, loại trừ các tổn thương đường thở tắc nghẽn. Chọn tư thế thích hợp để dẫn lưu đờm kết hợp với vỗ rung cho bệnh nhân ho khạc đờm mủ ra ngoài. Nếu bệnh nhân khó khạc đờm thì cho các thuốc long đờm như: natribenzoat 5%, mucomyst, mucitux, phun mù nước muối ấm, cho uống nhiều nước, cho alpha chymotripsin. Trái lại nếu đờm nhiều loãng, đờm trong không có mủ thì cho giảm tiết bằng atropin hoặc phun atrovent. Có thể dùng các vị thuốc nam như ăn hành, tỏi sống, uống nhiều nước. Điều trị cầm máu nếu ho ra máu. Có khó thở thì cho theophylin, salbutamol, thở ôxy ngắt quãng.
Điều trị ngoại khoa là biện pháp hữu hiệu nhất nếu điều trị nội khoa không hiệu quả. Thường chỉ định trong các trường hợp giãn phế quản khu trú; ho ra máu nặng đe doạ tính mạng, hoặc dai dẳng, chức năng phổi đảm bảo, điều trị bảo tồn thất bại. Phẫu thuật cắt thuỳ hoặc phân thuỳ phổi. 
ThS. Phạm Thanh Tùng