Văn phòng Diện Chẩn Sống Khỏe_ Khu nhà 102 Ngõ 95 Chùa Bộc-Đống Đa-Hà Nội _ ĐT : 0906143408

Hướng dẫn lý thuyết và thực hành cơ bản cho những quí vị thực sự yêu thích Diện Chẩn . Hãy gọi cho chúng tôi để biết lịch .

Tư vấn sức khỏe , chẩn bệnh đưa ra phác đồ miễn phí.

Thứ Năm, 23 tháng 4, 2015

Rối loạn ngôn ngữ do tổn thương não

Não có vai trò là trung tâm điều khiển của hệ thần kinh trung ương, chịu trách nhiệm chỉ huy mọi hành vi của con người. Mỗi vùng của não được một mạch máu riêng nuôi dưỡng. Khi bị tổn thương não có thể dẫn tới rối loạn chức năng của vùng não, trong đó có vùng điều khiển ngôn ngữ. Khi vùng ngôn ngữ bị tổn thương, người bệnh có thể gặp hiện tượng rối loạn ngôn ngữ với biểu hiện khá đa dạng như: nói ngọng, âm điệu bị biến đổi, nói lắp, ú ớ… và gặp khó khăn khi diễn đạt, thậm chí là không nói được.
Nguyên nhân do đâu?
Bệnh nhân sau tổn thương não có thể bị một hoặc cùng lúc nhiều dạng rối loạn ngôn ngữ như: mất ngôn ngữ, rối loạn vận ngôn và mất sử dụng lời nói. Có nhiều nguyên nhân làm não bị tổn thương, trong đó, tai biến mạch máu não là nguyên nhân hàng đầu của tình trạng mất ngôn ngữ. Tai biến này không chỉ làm mất đi khả năng nói mà còn làm mất khả năng viết của người bệnh. Ngoài ra, nhiều trường hợp mắc đau nửa đầu kéo dài cũng có thể dẫn đến hậu quả này. Những chấn thương sọ não hở hoặc kín trong chiến tranh hay trong sinh hoạt hằng ngày (tai nạn giao thông, công nghiệp) cũng là nguyên nhân thường gặp của mất ngôn ngữ. Các trường hợp u não cũng có thể gây mất ngôn ngữ và có thể là triệu chứng điển hình của u não thái dương trái. Nhiễm khuẩn gây ra áp-xe hay lan tỏa (viêm não) có thể gây ra tình trạng bệnh này. Những rối loạn ngôn ngữ có thể hợp thành triệu chứng của một cơn động kinh có ổ khu trú.
Rối loạn ngôn ngữ do tổn thương não
Một số vùng của não liên quan đến các chức năng khác nhau.
Nói chung, các hậu quả của tổn thương não, rối loạn giao tiếp làm bệnh nhân khó khăn giao tiếp với người xung quanh, dễ bị cô lập, khó hòa nhập với cuộc sống, lâu ngày có thể dẫn đến bệnh trầm cảm.
Một số thể thường gặp
Rối loạn vận ngôn: là do tổn thương não gây ra những hậu quả như: rối loạn hơi thở, rối loạn phát âm ở thanh quản, rối loạn khả năng cấu âm (phụ âm, nguyên âm), rối loạn độ vang của âm... Đây là tình trạng yếu, liệt của các cơ quan liên quan đến chức năng nói chứ không ở trung khu ngôn ngữ. Do đó, kho ngôn ngữ vẫn còn, khả năng sử dụng ngôn ngữ vẫn nguyên vẹn nhưng lời nói bị “biến dạng” hoặc sai lệch khiến người khác không thể nghe ra những gì bệnh nhân muốn truyền đạt. Người thân, nhờ tiếp xúc lâu ngày có thể hiểu được phần nào những gì người bệnh nói. Trong khi đó, người lạ, bác sĩ thường không hiểu được hoặc hiểu rất ít, khoảng 10-20%.
Nói loạn biệt ngữ: là một rối loạn được biểu hiện là những từ dùng không sát hợp được thay thế những từ đúng (dùng một từ này cho một từ khác). Ở dạng rối loạn này, bệnh nhân bị mất khả năng “lập trình” phát âm. Biểu hiện điển hình là một âm bị nói sai nhiều kiểu.
Mất ngôn ngữ: Bệnh nhân bị rối loạn ngôn ngữ diễn tả thường vẫn có thể hiểu, nhận biết sự vật, người thân nhưng không tìm được từ ngữ thích hợp để truyền đạt cho người nghe. Đối với trường hợp mất ngôn ngữ Wernicke thì tất cả những hoạt động của ngôn ngữ đều bị nhiễu loạn nhưng không có mất vận ngôn. Trong ngôn ngữ nói xuất hiện các chứng: thiếu từ, nói loạn, những sai lầm về cú pháp; trong những thể nặng còn thấy cả chứng nói biệt ngữ (nói khó hiểu, bịa từ). Mất ngôn ngữ Wernicke nói chung là do tổn thương phần sau của hồi thái dương 1 và 2, hồi góc và hồi trên viền vì những tia thị giác chạy ở phía dưới vùng vỏ não. Khi những tổn thương lan rộng thì sẽ xuất hiện hội chứng Gerstmann, mất khả năng làm tính, mất khả năng viết, không phân biệt được phải trái, mất nhận thức ngón tay, mất nhận thức định khu bản thân có thể phụ thêm với mất ngôn ngữ.
Tập luyện rối loạn ngôn ngữ như thế nào?
Ngôn ngữ là chức năng rất quan trọng của bộ não con người, là phương tiện và công cụ giao tiếp xã hội rất quan trọng. Đối với bệnh nhân  rối loạn ngôn ngữ đòi hỏi một chương trình phục hồi chức năng chuyên sâu cầu kỳ. Rối loạn ngôn ngữ càng nặng nề thì càng ảnh hưởng đến tiến trình phục hồi chức năng và quá trình điều trị phải kiên trì và lâu dài.
Việc tập luyện có hiệu quả hay không còn tùy từng trường hợp cụ thể. Những tổn thương tiến triển như u não thì rất khó phục hồi. Nếu là mất ngôn ngữ, giảm chất lượng ngôn ngữ do xuất huyết não có tiến triển tốt hơn so với nguyên nhân nhồi máu não. Trong nhồi máu não, chứng bệnh này do tắc nghẽn động mạch nói chung lại có tiên lượng tốt hơn do huyết khối. Nếu mất ngôn ngữ xảy ra trước 10 tuổi thường có khả năng phục hồi tốt, càng già thì càng kém đáp ứng phục hồi.
Nhưng nhìn chung, việc luyện tập phục hồi ngôn ngữ thường đem lại kết quả tốt đối với bệnh nhân bị rối loạn ngôn ngữ biểu đạt.
Trước hết, cần khuyến khích bệnh nhân tập nói tự nhiên: Một số từ bệnh nhân có thể nói được một cách tự nhiên như đếm số, bảng chữ cái, ngày tháng… Đối với trường hợp nhẹ, khuyến khích bệnh nhân chịu khó giao tiếp, hát, kể chuyện, đọc thơ… Đối với trường hợp nặng, bệnh nhân tập nói một số đồ vật xung quanh như: bàn, ghế, sách, quạt, máy tính… và màu sắc các đồ vật đó. Cho bệnh nhân đọc một số từ, từ ngắn đến dài dần: Ví dụ: xoài, mít - quả xoài, quả mít.
Điều lưu ý, cần thay đổi cách tập và vị trí tập để tránh sự nhàm chán. Không nên tập quá nhiều vào cùng một lúc mà chia ra nhiều lần trong ngày để tránh mệt mỏi, quá sức của bệnh nhân. Tập từ dễ đến khó dần. Tạo ra môi trường vui vẻ, có thể nhiều thành viên tham gia tập cho bệnh nhân. Khi tập, cố gắng cho bệnh nhân nói to nhất có thể. Tập càng sớm càng có lợi, có thể phục hồi được ngôn ngữ.

BS. Trần Văn Liệu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét