Văn phòng Diện Chẩn Sống Khỏe_ Khu nhà 102 Ngõ 95 Chùa Bộc-Đống Đa-Hà Nội _ ĐT : 0906143408

Hướng dẫn lý thuyết và thực hành cơ bản cho những quí vị thực sự yêu thích Diện Chẩn . Hãy gọi cho chúng tôi để biết lịch .

Tư vấn sức khỏe , chẩn bệnh đưa ra phác đồ miễn phí.

Thứ Tư, 29 tháng 4, 2015

Ngứa ... bâng quơ

Không ít người đã bị tăng men gan, suy thượng thận thứ phát, thậm chí trở nên hoang tưởng chỉ vì... quá ngứa.

Hàng trăm "thủ phạm"
Mới đây, một bệnh nhân (BN) nam đến khám tại Phòng khám Dị ứng - miễn dịch lâm sàng, BV ĐH Y Dược TPHCM, với biểu hiện khắp người có vết cào cấu, nhiều vết chưa lành miệng. Người bệnh khẳng định "có con gì ẩn dưới da khiến tôi luôn ngứa ngáy. 
Rất nhiều lần thấy nó, tôi đã dùng móng tay cạy lên và bắt được. Nó có màu trắng, tròn tròn nhỏ nhỏ...". Tuy nhiên, khi bác sĩ (BS) yêu cầu BN này thực hiện việc "bắt con gì" tại chỗ thì chỉ có máu chảy ra. BN lý giải: "Chắc tại nó... sợ BS!".
ThS.BS Lê Thái Vân Thanh, Bộ môn Da liễu ĐH Y Dược TPHCM, người trực tiếp điều trị BN này phân tích: do căn bệnh ngứa kéo dài nhiều năm mà không được điều trị đúng cách nên người bệnh đã chuyển sang mắc chứng tâm thần hoang tưởng nhẹ. Lúc nào BN cũng nghĩ có con gì bò lúc nhúc dưới da nên tìm mọi cách để moi ra.
Trường hợp khác, hai BN nữ đến khám trong tình trạng luôn cảm thấy ngứa khắp người, đã từng uống thuốc thời gian dài nhưng không hết. Theo BN, do kết quả xét nghiệm huyết thanh dương tính với ký sinh trùng (KST) nên họ đã uống thuốc xổ nhiều đợt. Thuốc đã uống, tiền đã mất mà "ngứa vẫn hoàn ngứa". Chưa kể, với những triệu chứng biểu hiện trên da và một số xét nghiệm, BS còn phát hiện BN đã bị suy thượng thận.
BS Trần Thiên Tài, Phòng khám Dị ứng - miễn dịch lâm sàng BV Đại học Y Dược TPHCM cho biết: dị ứng là phản ứng quá mức của cơ thể với một chất, một thành phần, một tác nhân nào đó. Nguồn cơn là do hệ miễn dịch bị rối loạn, cơ thể không chấp nhận chất nào đó nên tạo ra những phản ứng để báo hiệu. 
Tác nhân gây dị ứng có thể đến cả trăm loại khác nhau, từ bên trong cơ thể hoặc từ môi trường bên ngoài. Những nguyên nhân từ bên ngoài có thể kể đến: nhiệt độ đột ngột thay đổi, nắng nóng hay khô lạnh quá cũng gây ngứa; hóa chất bảo quản, kích thích tăng trưởng… trong thức ăn; môi trường sống ô nhiễm; bụi bẩn, nấm mốc, phấn hoa, lông súc vật; mỹ phẩm, dầu thơm; các loại thuốc; nhiễm KST... Ngoài ra còn có trường hợp không thể tìm được nguyên nhân do có những rối loạn từ bên trong cơ thể.
Biểu hiện của dị ứng rất đa dạng, nó có thể tác động đến mũi gây viêm mũi dị ứng, nặng hơn là lên cơn hen suyễn; đến mắt gây viêm kết mạc dị ứng; đến da gây nổi mề đay, viêm da tiếp xúc dị ứng… Triệu chứng điển hình của dị ứng là ngứa, nặng hơn là nổi mẩn đỏ, nổi mề đay, mẩn nước; hơn nữa là bỏng nước, loét, bóc da toàn thân; thậm chí gây sốc, khó thở đến ngưng thở.
Tỷ lệ dị ứng với những tác nhân của cuộc sống hiện đại (hóa chất trong thực phẩm, trong sản phẩm gia dụng, vệ sinh, làm đẹp; không khí ô nhiễm…) ngày càng tăng cao với triệu chứng điển hình là ngứa một bộ phận hoặc nhiều vị trí trên cơ thể, thậm chí là rất mơ hồ, không xác định được. 
Ngứa tuy không nguy hiểm nhưng lại gây nên một hệ lụy đáng sợ xuất phát từ sự chủ quan của người bệnh. Họ không chỉ khổ ải trầm luân trong chứng bệnh ngứa mà còn gánh thêm một số bệnh hiểm khác.
Khi ngứa hầu hết người bệnh đều không đi khám mà tự ý mua thuốc uống, thoa (với ngứa trên da) hoặc xịt (với ngứa mũi). Để cắt nhanh cơn ngứa, thông thường nhà thuốc sẽ bán loại dược phẩm có chứa corticoid. Vì chưa cắt được nguyên nhân nên tần suất bị ngứa trở lại rất cao và người bệnh lại tiếp tục tự ý uống thuốc. Kết quả, nhiều BN ngoài bệnh dị ứng còn bị suy thượng thận, men gan tăng do bị corticoid phá hủy.
Nếu đi khám, thông thường lần đầu BN sẽ được bác sĩ kê thuốc cắt cơn ngứa. Trên thực tế, không ít thuốc được kê đơn thuộc nhóm chứa corticoid vì có tác dụng cắt cơn ngứa nhanh, mạnh (nguyên nhân do người bệnh thường đến khám trong tình trạng bệnh đã trở nặng). Do thấy có tác dụng nên người bệnh lại tiếp tục mua thuốc chứa corticoid theo đơn đầu tiên chứ không tái khám.
Nhiều BN bị rơi vào cái vòng ngứa luẩn quẩn do đi xét nghiệm huyết thanh để tìm KST. Theo Viện Sốt rét - KST - Côn trùng Trung ương, có đến hơn một nửa dân số Việt Nam nhiễm KST. Vì vậy, phần lớn các xét nghiệm đều cho kết quả dương tính. 
Tuy KST là một trong những tác nhân gây ngứa nhưng không phải cứ nhiễm là ngứa. Song với kết quả dương tính, BN sẽ được cho uống thuốc xổ, loại thuốc này rất độc cho gan. Kết quả, ngứa không hết mà lại rước thêm bệnh gan.
Cùng nhau chữa bệnh
ThS.BS Lê Thái Vân Thanh khuyến cáo: để điều trị bệnh ngứa, BN cần có sự hợp tác tốt với BS điều trị để cùng nhau tìm ra được tác nhân gây bệnh. Trước tiên, BN nên tự rà soát lại trong sinh hoạt thường ngày mình đã tiếp xúc với những nguyên nhân gây dị ứng nào. Có thể bắt đầu từ điều kiện vệ sinh trong nhà ở, phòng làm việc. 
Liệu những nơi đó có quá bụi, có nhiều gián, kiến hay những con mạt; bạn có nuôi chó mèo, thú cưng hay trồng hoa không… Nếu có thì khả năng bị dị ứng rất cao, nên hãy loại bỏ chúng trước. Drap giường, quần áo đồ dùng được giặt tẩy bằng loại xà bông nào, loại có tác dụng tẩy rửa càng mạnh, càng trắng thì càng có nguy cơ gây dị ứng cao hơn…
Thực phẩm hàng ngày cũng là tác nhân gây dị ứng cần đặc biệt lưu ý. Các loại hải sản, thịt bò, thực phẩm công nghiệp đóng hộp, đóng gói sẵn là các loại có nguy cơ cao. Nếu có thể, hãy ăn riêng từng loại và để ý phản ứng cơ thể mỗi khi ăn để "bắt tận tay" kẻ gây rối.
Một số tác nhân gây ngứa có thể không ở gần người bệnh, chẳng hạn trong rất nhiều trường hợp, dù nhà BN không nuôi chó mèo, không trồng hoa, nhưng nhà hàng xóm có nuôi, có trồng, BN vẫn bị ảnh hưởng vì phấn hoa, lông súc vật có thể phát tán trong gió.
Những dữ liệu tự rà soát mà BN cung cấp sẽ giúp việc chẩn đoán thuận lợi. Từ đó, BS sẽ loại trừ được một số nguyên nhân và tiếp tục cho BN thực hiện xét nghiệm để tìm ra tác nhân cụ thể. Theo BS Trần Thiên Tài, sau hơn một năm áp dụng phương pháp test lẩy da, hầu hết các trường hợp đều tìm được "thủ phạm". Tác nhân gây dị ứng phổ biến ở nước ta là do thức ăn, môi trường sống ô nhiễm và lông súc vật.
ThS.BS Lê Thái Vân Thanh cho biết thêm: trong trường hợp chưa tìm được tác nhân, BS sẽ cắt ngứa cho BN bằng những thuốc kháng dị ứng. Người bệnh cần hiểu rằng, thuốc có rất nhiều nhóm khác nhau, điển hình như: nhóm chứa corticoid có tác dụng rất nhanh, nhưng cũng nhiều tác dụng phụ nên không dùng quá một tuần.
Nhóm kháng histamine có thể dùng lâu dài mà không gây tác dụng phụ. Trong thực tế, vẫn có những trường hợp không thể tìm được nguyên nhân gây dị ứng nên thường xuyên phải điều trị bằng thuốc, lúc này nhóm kháng histamine sẽ là lựa chọn tốt.
Người bệnh nên chú ý, nếu bị ngứa, không nên ra nhà thuốc khai bệnh mà cần đi khám ở chuyên khoa về miễn dịch, dị ứng để được chẩn đoán và điều trị tốt nhất.
Theo An Hà - Phụ nữ TPHCM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét