Cụm từ “rối loạn tiền đình” (RLTĐ) ngày càng được nhiều người trẻ tuổi nhắc đến như một nỗi ám ảnh, nhất là dân văn phòng. Vì sao người bị RLTĐ lại ngày càng trẻ hóa.
Bệnh của nhiều bệnh
Nhiều người cho biết, trước khi bị rơi vào trạng thái chóng mặt, hoa mắt, buồn nôn - như nằm trên sóng - sức khỏe họ rất tốt. Nhưng chỉ trong chốc lát, họ đã không thể gượng lại được, nôn thốc nôn tháo, chóng mặt đến lao đao, nằm liệt cả ngày.
Chị Nguyễn Hải V. 30 tuổi - nhân viên kế toán, do công việc phải luôn tiếp xúc với máy tính và con số, nên thường xuyên bị chóng mặt và buồn nôn, đáng nói là lâu lâu triệu chứng này lại quay trở lại.
Khủng khiếp nhất là gần đây, cơn chóng mặt hoa mắt khiến chị V. nhắm mắt cũng không yên mà mở mắt cũng không ổn, cảm giác như bị sóng đánh dập dồn, người bềnh bồng như không có trọng lượng.
Chị V. cho biết, bác sĩ (BS) thông báo chị bị suy nhược do làm việc quá sức, kê toa thuốc về uống và nghỉ ngơi vài ngày. Bệnh có đỡ nhưng khi quay trở lại công việc thì các cơn chóng mặt lại ùa về. Liệu những biểu hiện của chị có phải là RLTĐ?
Theo TS.BS Nguyễn Hoài Nam - giảng viên ĐH Y Dược TPHCM, RLTĐ thực ra chỉ là một hội chứng biểu hiện của khá nhiều bệnh: bệnh của mạch máu não, bệnh của hệ thần kinh trung ương, các bệnh rối loạn hệ thống, các bệnh mạn tính và cả bệnh tự miễn. Trường hợp của chị V. có thể là biểu hiện của RLTĐ nhưng cũng có thể không phải.
Phân biệt rõ ràng nguyên nhân của hội chứng RLTĐ là một việc hết sức khó khăn, đòi hỏi kiến thức, kinh nghiệm của thầy thuốc và các xét nghiệm cận lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh đi kèm. Vì rất nhiều bệnh có thể gây nên hội chứng RLTĐ như xơ vữa động mạch gây hẹp động mạch cảnh, dị dạng mạch máu não, u não, huyết áp thấp, stress, rối loạn thần kinh thực vật, migrain, tiểu đường, suy kiệt trong bệnh ung thư, nhiễm siêu vi...
Tùy theo diễn tiến của bệnh, BS sẽ chỉ định cho bệnh nhân khám chuyên khoa: tim mạch, thần kinh, tâm lý, thậm chí là cả tai mũi họng…
Người trẻ mắc bệnh này ngày càng nhiều, vì sao?
Trước đây, RLTĐ được xem như bệnh lý "độc quyền" của tuổi trung niên và người lớn tuổi, nhưng ngày nay, rất nhiều người trẻ tuổi than phiền mình bị RLTĐ, có trường hợp nặng phải nhập viện cấp cứu.
TS.BS Hoài Nam lý giải, hiện nay người trẻ bị stress do áp lực cuộc sống, áp lực công việc. Đó là chưa kể những nguyên nhân khác như môi trường ô nhiễm, thời tiết chuyển mùa… Trong đó, stress là một trong những nguyên nhân khá quan trọng của hội chứng RLTĐ.
Hệ thống tiền đình của cơ thể là một bộ phận rất quan trọng của hệ thần kinh trung ương, giúp cơ thể định vị được vị trí của mình trong không gian ba chiều và giúp con người ngồi hoặc đứng, đi lại dễ dàng. Một khi rối loạn hệ thống này, hệ thần kinh trung ương sẽ không làm được nhiệm vụ, gây chóng mặt và buồn nôn, đi kèm là bệnh nhân không thể hay khó khăn định vị vị trí của mình trong không gianba chiều.
Các triệu chứng nhận diện ban đầu, nếu có thì có thể là do mất ngủ, mệt mỏi. Nửa đêm về sáng, người bệnh trở mình thấy lao đao, ngồi dậy khó khăn; nhẹ thì có thể cố gắng đứng dậy được nhưng mất thăng bằng, dễ ngã; nặng thì chỉ nằm nguyên một tư thế, buồn nôn và có thể nôn dữ dội, mở mắt thấy mọi vật quay cuồng, đảo lộn.
Người bệnh tỉnh táo, đầu không đau nhức nhưng nặng trĩu như bị nén, ép lại; sợ ánh sáng, tiếng động và sự thay đổi tư thế, muốn tìm sự yên tĩnh…
Bệnh nguy hiểm đến tính mạng, nếu nguyên nhân RLTĐ bắt nguồn từ những hội chứng như u não, tắc động mạch cảnh, ung thư… Trường hợp đã đi khám và được chẩn đoán là RLTĐ thì nên tuân thủ điều trịcủa BS.
Uống nhiều nước, ngủ đủ giấc, tập thể dục đều, tránh thay đổi tư thế đứng ngồi đột ngột, xa lánh tiếng ồn, căng thẳng, lo âu và stress là cách giúp phòng tránh RLTĐ hữu hiệu.
Theo Thiên Nga - Phụ nữ TPHCM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét