Văn phòng Diện Chẩn Sống Khỏe_ Khu nhà 102 Ngõ 95 Chùa Bộc-Đống Đa-Hà Nội _ ĐT : 0906143408

Hướng dẫn lý thuyết và thực hành cơ bản cho những quí vị thực sự yêu thích Diện Chẩn . Hãy gọi cho chúng tôi để biết lịch .

Tư vấn sức khỏe , chẩn bệnh đưa ra phác đồ miễn phí.

Thứ Bảy, 28 tháng 3, 2015

Sự thật về bệnh hôi nách

Nhiều người cho rằng hôi nách có thể lây nhiễm nên thường ngại tiếp xúc với ai mắc bệnh. Vậy quan niệm này có chính xác?

Mới cưới nhau được 2 tháng nhưng vợ chồng anh Hòa (30 tuổi, Hà Nội) đã “cơm không lành, canh chẳng ngọt”. Nguyên nhân xuất phát từ căn bệnh hôi nách của anh. 
Hòa tâm sự: “Hàng ngày vợ đứng xa tôi vài mét, tối ngủ chung, cô ấy nhất quyết bắt tôi tắm rửa sạch sẽ mới được leo lên giường. Bực mình nhất là cô ấy đòi mua thêm một tủ đựng quần áo để đồ riêng vì sợ lây mùi hôi nách từ tôi. Cô ấy xem tôi như người mắc bệnh truyền nhiễm vậy”.
Cùng chung cảnh ngộ, Nguyễn Trang (27 tuổi, Bắc Ninh) luôn mặc cảm vì mùi cơ thể của mình mặc dù cô đã hết sức chú ý ngăn chặn mùi tốt nhất. Chính nỗi mặc cảm ấy khiến cô không dám yêu ai dù đã đến tuổi khiến bố mẹ lo lắng.
Hôi nách không lây
Theo TS.BS Ngô Hồng Phong, chuyên ngành Da liễu, BVĐK Hồng Ngọc, Hà Nội, nguyên nhân sâu xa gây nên hôi nách là do tuyến mồ hôi hoạt động quá mạnh, tiết ra nhiều dầu và chất béo. Khi kết hợp với nhóm vi khuẩn định cư ở đây sẽ sinh ra mùi hôi khó chịu.
Khi được hỏi về khả năng lây của bệnh BS Cao Xuân Phúc, Học viện Quân y 103, khẳng định: "Hôi nách không phải là căn bệnh truyền nhiễm, hoàn toàn không thể lây do mặc chung quần áo hoặc tiếp xúc cơ thể trực tiếp với nhau. Chỉ những người có tuyến mồ hôi có quá nhiều dầu và béo mới bị chứng bệnh này".
Có thể di truyền
Theo các chuyên gia, yếu tố di truyền cũng là nguyên nhân gây nên hôi nách. Do đó, dù người bị hôi nách đã điều trị căn bệnh dứt điểm nhưng tới con cái của họ vẫn có thể mắc bệnh.
TS Phong cho hay, không cứ nhất thiết bố mẹ bị hôi nách, con cũng bị. Kiểm nghiệm lâm sàng cho thấy, nếu cả cha và mẹ đều bị hôi nách thì tỷ lệ đời sau mắc bệnh là 85% trở lên, nếu chỉ cha hoặc mẹ thì con số này là 50%.
Hôi nách cũng có thể trầm trọng hơn do thói quen sinh hoạt như lười tắm giặt, mặc áo chật, bó. Nhiều người hay dùng dao cạo lông nách làm phì đại nang lông, tăng sự bài tiết chất béo trên bề mặt da. Do đó, nếu không muốn tình trạng mùi hôi nghiêm trọng hơn, cần hạn chế làm kích ứng da vùng nách.
Ngoài ra, các thực phẩm như hành, tỏi, thức ăn cay nóng, thực phẩm có chứa caffein cũng được xếp vào nhóm nguyên nhân gây bệnh.
Có thể điều trị dứt điểm?
Hiện nay có nhiều cách để điều trị như uống thuốc, phẫu thuật, chiếu laser, tiêm botox. Mục đích là giảm hoạt động hoặc bớt các tuyến mồ hôi. Tuy nhiên, những biện pháp này chỉ phù hợp với những bệnh nhân bị hôi nách nặng, gây cản trở việc sinh hoạt bình thường.
Theo các chuyên gia da liễu, mồ hôi là sinh lý của cơ thể, do vậy không nên và không thể tiêu diệt vĩnh viễn những tuyến này.
Để hạn chế mùi khó chịu, bạn có thể dùng xà phòng diệt khuẩn để vệ sinh vùng da dưới cánh tay. Mặc quần áo rộng làm mồ hôi dễ bay hơi. Hạn chế ăn gia vị, chất kích thích như hạt tiêu, tỏi, hành, cà phê, rượu để tránh việc tiết mồ hôi.
Với những người hay vận động, tập thể thao, ra nhiều mồ hôi, cần tắm rửa, thay quần áo sau khi vận động mạnh.
Một số biện pháp sát khuẩn ngoài da cũng tương đối hiệu quả, làm giảm đáng kể mùi hôi nách. Với những trường hợp bị hôi nách nhẹ, bạn chỉ cần chú ý vệ sinh, mùi hôi có thể biến mất.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét