Thời tiết mùa xuân ẩm ướt là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn sinh sôi, nhiều bệnh xuất hiện, trong đó phải kể đến viêm đường hô hấp ở người cao tuổi (NCT).
Các bệnh viêm đường hô hấp NCT hay mắc phải
Ở người bình thường, nhờ có sự chênh lệch áp suất mà sự trao đổi khí ở phế nang và môi trường bên ngoài diễn ra liên tục, tạo ra sự hoạt động của cơ hô hấp để lưu thông không khí. Khi tuổi càng cao, mọi chức năng của cơ thể đều bị lão hóa, trong đó có bộ máy hô hấp, vì vậy, phổi ít di động hoặc di động kém càng dễ mắc bệnh viêm hô hấp.
Phương pháp thở: hít vào phình bụng, thở ra thót bụng rất hiệu quả giúp người cao tuổi phòng được nhiều bệnh về đường hô hấp.
Bệnh viêm hô hấp ở NCT lúc giao mùa thường gặp là viêm mũi, họng, thanh quản hoặc viêm xoang (viêm đường hô hấp trên) và viêm phế quản, đặc biệt là viêm phổi (viêm hô hấp dưới). Viêm đường hô hấp trên nếu không chữa trị dứt điểm sẽ lan xuống viêm đường hô hấp dưới. Viêm hô hấp dưới thường nặng, thậm chí nguy kịch (viêm phổi cấp tính).
Bởi lẽ, ở NCT hiện tượng vách phế nang và mao mạch bị teo dần theo năm tháng làm giảm vách phế nang; mao mạch bị teo và mô tạo keo dần dần thay thế cho những mao mạch đã bị thưa đi khiến cho không khí qua lại không được dễ dàng như lúc tuổi còn trẻ.
Và do sự giảm bớt mao mạch đưa máu đến các phế nang làm cho độ đàn hồi của các phế nang bị suy giảm gây nên hiện tượng hô hấp kém, vì vậy, NCT rất dễ mắc bệnh viêm phổi.
Thêm vào đó, một số NCT vào mùa lạnh lúc ngủ thường đắp chăn phủ kín đầu làm cho lượng khí vào phổi giảm cả về số lượng, cả về chất lượng (do không khí không được lưu thông) càng tạo điều kiện cho bệnh viêm phổi phát triển.
Tác nhân gây viêm phổi ở NCT hoặc do vi sinh vật (vi khuẩn, virut, vi nấm) hoặc do khói bụi (môi trường ô nhiễm, khói bếp, thuốc lá, thuốc lào) hoặc ít vận động, nằm lâu bởi tai biến gây liệt hoặc kết hợp các loại tác nhân.
Viêm phổi ở NCT khác với người trẻ tuổi, nhiều trường hợp chỉ viêm họng, mũi cũng rất dễ dẫn đến viêm phế quản, viêm phổi. Một số trường hợp NCT mắc một số bệnh mạn tính đường hô hấp (bệnh giãn phế quản, khí phế thũng, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính hoặc hen suyễn), khi sức đề kháng của cơ thể giảm xuống, gặp thời tiết thay đổi (mưa, rét, gió mùa, áp thấp nhiệt đới) bệnh rất dễ tái phát, kèm theo viêm phổi, thậm chí viêm phổi cấp tính.
Cần lưu ý là viêm phổi ở NCT, đôi khi người bệnh sốt không cao, thậm chí không sốt, nhất là người có tuổi cao, sức yếu, lú lẫn, ít vận động, ăn uống thất thường, do đó người bệnh và người nhà không được xem thường.
Một số NCT mắc một số bệnh mạn tính kéo dài (nằm liệt giường do tai biến mạch máu não hoặc bệnh Parkinson hoặc do biến chứng của thoái hóa khớp, hư khớp rất khó khăn trong việc đi lại) vào lúc thời tiết chuyển mùa càng dễ mắc bệnh viêm phổi.
Cần xử trí thế nào?
Trước hết, khi NCT nghi ngờ bị viêm hô hấp cần được khám bệnh để xác định nguyên nhân. Đối với NCT mắc viêm phổi, việc điều trị dùng thuốc rất khó khăn, nhất là viêm phổi do virut. Vì vậy, cần dùng thuốc gì, dùng trong bao lâu, liều lượng như thế nào là do bác sĩ khám bệnh kê đơn và tư vấn, người bệnh hoặc người nhà không tự mua thuốc để điều trị.
Để phòng bênh, thường ngày NCT không nên làm việc quá sức. Tránh để cơ thể nhiễm lạnh, đặc biệt là lúc giá rét, lạnh. Tuy vậy, rét vẫn có thể tắm rửa nhưng cần dùng nước ấm, ở phòng kín gió, tắm xong cần mặc quần áo ngay, nếu có lò sưởi, quạt sưởi hoặc điều hòa nóng thì sử dụng ngay.
Cần lưu ý, không nên tắm lâu quá. Khi lạnh, rét, ẩm ướt, mưa nên hạn chế tối đa ra khỏi nhà. Nếu ra khỏi nhà cần mặc thật ấm, cổ quàng khăn, tay đi găng, chân đi tất, đeo khẩu trang và đầu đội mũ ấm.
Hàng ngày, cần ăn đủ và đúng bữa ăn (tránh bỏ bữa), uống đủ lượng nước cần thiết (khoảng từ 1,5 - 2 lít), ăn thêm rau xanh trong các bữa ăn và tăng cường ăn trái cây hàng ngày và không hút thuốc. Cần vệ sinh họng, miệng hàng ngày như đánh răng, súc họng sau khi ăn, trước và sau khi ngủ dậy.
Hàng ngày, NCT nên tập thở đúng phương pháp, đó là phương pháp thở bụng, thực hiện như sau: ngồi yên trên ghế hoặc nằm trên giường (hai vai không nhúc nhích, không cúi gập người), thở nhẹ nhàng (không phì phò), chậm rãi.
Sau đó bắt đầu thót bụng lại, thở ra hết sức. Khi bụng đã thót hết thì ngừng thở, cho bụng phình lên một cách tự nhiên nhẹ nhàng để hít vào; khi bụng phình lên hết, ngừng một lúc rồi lại thở ra. Tập như vậy khoảng từ 4-5 phút rồi nghỉ. Ngày tập 5-7 lần hoặc nhiều hơn càng tốt.
Khi tập thở đã quen, ngồi nghe nói chuyện, xem tivi... đều có thể tranh thủ tập thở được. Trong một số trường hợp bị liệt cần được ngồi nhiều hơn nằm và xoa bóp các cơ bắp, bụng và tập hít thở bằng bụng càng tốt.
Theo PGS.TS.TTƯT Bùi Khắc Hậu - Sức khỏe và Đời sống
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét