Văn phòng Diện Chẩn Sống Khỏe_ Khu nhà 102 Ngõ 95 Chùa Bộc-Đống Đa-Hà Nội _ ĐT : 0906143408

Hướng dẫn lý thuyết và thực hành cơ bản cho những quí vị thực sự yêu thích Diện Chẩn . Hãy gọi cho chúng tôi để biết lịch .

Tư vấn sức khỏe , chẩn bệnh đưa ra phác đồ miễn phí.

Thứ Hai, 8 tháng 12, 2014

Hy vọng cho điều trị lao kháng thuốc

Mỗi năm tai nạn giao thông làm chết 11.000 người thì bệnh lao lại khiến 18.000 người tử vong.

 

Và trong khi mỗi năm có 10.000 ca mắc HIV mới, số ca mắc lao mới lại gấp mười lần. Đáng tiếc thay, cộng đồng dường như đang thờ ơ với bệnh lao.
Gia tăng lao kháng thuốc
Thành, 48 tuổi, kỹ sư cơ khí, thuộc loại gia đình khá giả. Anh không nhậu nhẹt, không hút thuốc. Nhưng đầu năm nay, sau một đợt ho kéo dài và sụt cân, anh bất ngờ khi được bác sĩ chẩn đoán tràn dịch màng phổi do lao.
Sau tám tháng nghỉ việc để chữa lao, tháng qua anh khỏi bệnh. Anh nói: "Đó có lẽ là quãng thời gian dài nhất đời. Ngoài chuyện uống gần chục loại thuốc, chịu đựng tác dụng phụ của thuốc lao, tôi còn bị nhiều người xa lánh bởi nghe đến bệnh lao ai cũng sợ".
Thành may mắn vì được chữa khỏi, nhưng Loan, 25 tuổi, sinh viên đại học năm thứ ba, lại khác. Tại một nhà trọ ở quận 11, TPHCM, cô kể: "Từ quê vào Sài Gòn học, do không đủ tiền trang trải cuộc sống nên tôi phải làm thêm buổi tối. Có lẽ do sống vất vả và thiếu thốn nên tôi mới bị bệnh này". Đây là lần tái phát lao thứ hai của Loan, sau lần bệnh đầu tiên vào năm 2011, lần này cô được bác sĩ chẩn đoán… lao kháng thuốc (LKT)!
TS.BS Phan Thượng Đạt, trưởng khoa LKT BV Phạm Ngọc Thạch TPHCM, cho biết LKT là một vấn đề trầm trọng trong công tác phòng chống lao vì khi bị LKT bệnh nhân phải điều trị kéo dài, sử dụng thuốc lao hàng thứ hai, mà các thuốc này lại đắt tiền và có nhiều tác dụng phụ hơn.
Nhưng LKT lại có chiều hướng gia tăng ở nước ta. BS Đạt nói: "Nếu trước đây tỷ lệ lao phổi kháng thuốc ở bệnh nhân mới mắc là 2,7% thì nay là 4%. Còn tỷ lệ lao phổi kháng thuốc ở bệnh nhân tái trị trước đây là 19%, nay là 23%".
Vì sao LKT lại tăng? Theo BS Đạt có nhiều nguyên nhân, do bản thân vi khuẩn lao, bệnh nhân và cả thầy thuốc. Ông giải thích: "Số vi khuẩn lao trong tổn thương càng nhiều, khả năng đột biến kháng thuốc càng cao.
Về phía bệnh nhân, việc điều trị không đều đặn, tự ý bỏ trị khi cảm thấy khoẻ hơn sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn lao kháng thuốc. Còn với thầy thuốc, lao kháng thuốc có thể xảy ra khi một số thầy thuốc có quan điểm điều trị sai hoặc lạm dụng thuốc kháng lao để trị các bệnh thông thường".
Hai loại thuốc mới
Nhưng dự kiến từ đầu năm 2015, nước ta sẽ đưa vào hai loại thuốc chống lao mới để điều trị lao kháng thuốc. Thuốc đầu tiên là Bedaquiline, sản xuất tại Mỹ, đã được cục Quản lý dược phẩm và thực phẩm (FDA) Hoa Kỳ phê duyệt và tổ chức Y tế thế giới (WHO) ra hướng dẫn sử dụng. Thuốc thứ hai là Delamanid do Nhật Bản sản xuất.
Sống hợp lý để phòng ngừa bệnh lao
Theo TS.BS Phan Thượng Đạt, do bệnh lao lây truyền qua không khí, nên việc phòng tránh rất khó khăn. Ước tính 1/3 dân số thế giới nhiễm lao, một khi mang sẵn vi khuẩn trong người, bệnh sẽ phát ra khi sức đề kháng giảm đi. Vì thế, theo BS Đạt để phòng bệnh, không được làm việc quá sức, có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt hợp lý và tăng cường tập luyện để nâng cao sức đề kháng.

Đây có thể là tin vui cho bệnh nhân lao kháng thuốc vì nhiều người trong số họ tiến đến tình trạng lao siêu kháng thuốc, nghĩa là kháng luôn thuốc lao hàng thứ nhất và hàng thứ hai, gần như không còn thuốc điều trị.
Theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, GĐ BV Phổi trung ương, chủ nhiệm chương trình Chống lao quốc gia Việt Nam, sẽ có 100 bệnh nhân tại Hà Nội, TPHCM và Cần Thơ được sử dụng miễn phí thuốc mới.
Đó là những bệnh nhân lao siêu kháng thuốc, tiền siêu kháng thuốc và bệnh nhân đa kháng thuốc nhưng không dung nạp khi sử dụng các thuốc hiện có. Ngoài ra, bệnh nhân LKT nhưng kháng với nhiều loại thuốc trong phác đồ hiện nay cũng có thể được sử dụng thuốc mới.
Nhưng sử dụng thuốc mới cũng có những thách thức. Do là thuốc mới, nên theo các nhà chuyên môn, việc sử dụng thuốc phải nghiêm ngặt vì nếu không sẽ dẫn đến tình trạng vi khuẩn kháng thuốc trong tương lai. Mặt khác, những tác dụng phụ của thuốc mới vẫn chưa được lường hết.
Một khó khăn của các thuốc mới là giá rất cao. Ước tính, nếu dùng Bedaquiline để phối hợp trị LKT, chi phí chữa lao có thể tăng đến 60 triệu đồng, một số tiền lớn khiến bệnh nhân nghèo khó tiếp cận. Theo PGS Nhung, khó khăn này có thể được giải quyết nếu ngân sách địa phương và bảo hiểm y tế cùng tham gia hỗ trợ.

Tên nhân vật đã được thay đổi
Theo Bình Yên - Thế giới tiếp thị/ Nông thôn ngày nay

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét