Đầy hơi khó tiêu là một triệu chứng dễ mắc, biểu hiện thông thường gây trướng, căng tức bụng, ợ chua, ợ nóng... Ở một số người, triệu chứng này đến và đi rất nhanh, song nhiều trường hợp khác thường xuyên gặp và tái phát gây nên sự khó chịu.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến chứng đầy bụng khó tiêu song thông thường, nguyên nhân chủ yếu là do lối sống, thói quen ăn quá nhiều chất xơ, tinh bột hoặc trong bữa ăn có nhiều chất béo và gia vị. Ăn quá nhanh, không nhai kỹ, khi ăn uống nhiều nước cũng là những yếu tố nguy cơ. Lạm dụng rượu, cà phê, thuốc lá làm tăng axit dịch vị khiến bụng khó chịu. Một nguyên nhân nữa là do nuốt nhiều không khí trong và giữa bữa ăn ở những người có tâm trạng bồn chồn, lo lắng, ở trẻ sau khi bú không ợ hơi.
Khi đầy bụng khó tiêu cần tránh ăn các loại đậu nành, đậu Hà Lan. Ảnh minh họa
Chính vì vậy, khi bị đầy bụng khó tiêu người bệnh cần có một chế độ sinh hoạt khoa học, hạn chế các món chiên xào chứa nhiều dầu mỡ, thực phẩm giàu tinh bột, hoặc đồ ăn quá nhiều chất đạm… Nếu không thay đổi chế độ ăn sẽ làm cho đường tiêu hóa không tiết ra đủ lượng men cần thiết để tiêu hóa thức ăn gây đầy bụng.
Đối với người có thói quen ăn nhanh, vừa ăn vừa xem ti vi, đọc sách, báo cần phải từ bỏ thói quen xấu. Vì nếu ăn nhanh, nhai không kỹ, ăn trong khi xem ti vi, đọc sách, lúc ăn nói quá nhiều hoặc vừa ăn xong đã đi nằm ngay... cũng làm cho tình trạng này kéo dài hơn.
Hạn chế các loại gia vị chua, cay hoặc một số thực phẩm cũng có thể làm tăng thêm chứng đầy bụng khó tiêu như: Đậu Hà Lan, đậu lăng, đậu nành và các sản phẩm từ đậu nành thường gây sinh khí và các thực phẩm chế biến sẵn có chứa protein thực vật. rau họ cải (bắp cải, bông cải xanh, mầm, súp lơ), dưa chuột, hành tây và tỏi sống, măng tây, khoai tây và củ cải thường thúc đẩy sản xuất khí trong cơ thể.
Ngoài ra, đối với một số người không dung nạp lactose thì không dùng sữa và các sản phẩm sữa. Không lạm dụng các chất kích thích như rượu, cà phê, thuốc lá… Sau khi ăn nên vệ sinh răng miệng sạch sẽ để tránh các chất cặn bã bám ở chân răng, trong khoang miệng, điều này sẽ giảm được được chứng đầy hơi. Ngoài ra, người bệnh cần thường xuyên luyện tập thể dục và chọn những môn thể thao phù hợp với lứa tuổi và những động tác để giúp ruột tránh ứ đọng khí.
Tuy nhiên, nếu đầy hơi khó tiêu xảy ra liên tục và lặp lại nhiều lần kèm theo triệu chứng hoa mắt chóng mặt, sụt cân, tiêu ra máu, đau bụng âm ỉ (nhất là về đêm)… bạn phải làm ngay các xét nghiệm nhằm loại trừ hoặc chẩn đoán xác định các bệnh lý nguy hiểm về đường tiêu hóa. Ngoài ra, người có tiền sử bệnh thực thể về tiêu hóa như: gan mật, tụy tạng, loét dạ dày, hẹp môn vị, viêm dạ dày... dù đã được điều trị khỏi vẫn có thể gây ra chứng đầy hơi khó tiêu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét