Văn phòng Diện Chẩn Sống Khỏe_ Khu nhà 102 Ngõ 95 Chùa Bộc-Đống Đa-Hà Nội _ ĐT : 0906143408

Hướng dẫn lý thuyết và thực hành cơ bản cho những quí vị thực sự yêu thích Diện Chẩn . Hãy gọi cho chúng tôi để biết lịch .

Tư vấn sức khỏe , chẩn bệnh đưa ra phác đồ miễn phí.

Chủ Nhật, 14 tháng 6, 2015

Bỏ ngỏ chất lượng thuốc Đông y - Mất mạng vì Đông dược

Nhiều vụ tử vong xảy ra do ngộ độc thuốc Đông y thời gian vừa qua khiến dư luận bất an. Để có cái nhìn rõ hơn về chất lượng thuốc đang lưu hành và những vấn đề bất cập trong sử dụng thuốc Đông y, phóng viên báo Hải quan đã đi tìm hiểu công đoạn sản suất mặt hàng này.
Những quầy thuốc Nam bán thuốc không rõ nguồn gốc ở Chùa Hương - Hà Nội nhan nhản mọc lên để mời chào du khách mua hàng
Nguy hiểm khôn lường
Vừa qua, một việc rất hy hữu liên quan đến chuyện chữa bệnh bằng Đông dược xảy ra khiến nhiều người không khỏi giật mình. Đó là trường hợp của lương y Phạm Minh Tiến, xã Chí Công, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Sau khi bốc thuốc cho một bệnh nhân ở cùng xã, bệnh nhân này đã ngộ độc đến nỗi bị co giật toàn thân, phải đi BV cấp cứu.
Để chứng minh nguyên nhân ngộ độc không phải do thuốc của mình, lương y Phạm Minh Tiến đã uống chính một trong những thang thuốc ấy. Nào ngờ, vị lương y này không những bị ngộ độc mà còn tử vong.
Câu chuyện nêu trên chỉ là một trong số nhiều vụ ngộ độc thuốc Đông y diễn ra thời gian vừa qua chứng minh cho một thực tế, việc quản lý Đông dược hiện đang bị "bỏ ngỏ", đe dọa tính mạng người dùng.
Ông Nguyễn Kim Sơn - Giám đốc Trung tâm Chống độc - BV Bạch Mai cho biết trong số những vụ ngộ độc thuốc Đông y xảy ra, nổi lên tình trạng ngộ độc Asen, lưu huỳnh, phốt pho. "Một số bệnh nhân may mắn nhập viện sớm, tình trạng ngộ độc nhẹ, khả năng phục hồi khả quan nhưng việc điều trị rất tốn kém do phải lọc máu nhiều lần và những di chứng để lại cũng theo suốt đời. Với một số bệnh nhân kém may mắn hơn, khi vào cấp cứu tình trạng bệnh quá nặng, không qua khỏi", BS Sơn cho biết thêm.
Không dừng ở đó, tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, BS Nguyễn Trung Cấp - Phó Trưởng khoa Cấp cứu cho biết: Bệnh nhân K.H.M. (Hải Phòng) đã tử vong sau khi uống thuốc Nam chữa viêm gan C.
"Bệnh nhân M. ở giai đoạn chớm xơ gan và đang được điều trị duy trì sức khỏe ổn định theo đơn của bác sỹ. Tuy nhiên, sau một thời gian điều trị Tây y, nghe lời khuyên của bạn bè, bệnh nhân bỏ điều trị, mua một loại thuốc bí truyền đặc trị viêm gan của thầy lang. Sau khi dùng thuốc chưa được 2 tuần, bệnh nhân M. phải nhập viện trong tình trạng suy gan nặng và tử vong chỉ sau vài ngày nằm viện", BS Cấp nói.
Còn tại BV Chợ Rẫy TPHCM, đầu tháng 3, một bệnh nhân đã tử vong sau khi dùng thuốc Đông y. Theo lời một bác sỹ đã điều trị cho bệnh nhân, được biết, bệnh nhân N. (65 tuổi, ngụ Q.12, TPHCM) đến điều trị tại BV trong tình trạng ho nhiều, viêm loét niêm mạc họng, chán ăn, sụt cân, yếu liệt 2 chân.
Xét nghiệm cho thấy bệnh nhân bị viêm phổi mô kẽ, nhưng đáp ứng điều trị rất kém. Qua điều tra bệnh sử, bệnh nhân cho biết trước khi nhập viện một tháng có uống An cung ngưu hoàng (xuất xứ Trung Quốc) để điều trị suy giãn tĩnh mạch chi dưới.
Qua tìm hiểu tiền sử bệnh của bệnh nhân, các bác sỹ BV Chợ Rẫy đã xác định được trước đó, bệnh nhân N. đi châm cứu gần nhà và được giới thiệu uống An cung ngưu hoàng với liều lượng 1 viên/tuần. Sau khi uống được 2 tuần, bà bị ho, đau ngực nhẹ khi ho, lở miệng, ăn uống kém dần, chân cũng yếu dần, không thể tự đi đứng được. Nhưng bà vẫn tiếp tục uống thuốc. Một tháng sau, bà sụt 3 kg và các triệu chứng như đã nêu ngày càng nặng nên quyết định đến BV.
Sau khi nhập viện, tiến hành điều trị (khoảng 3 tuần), bệnh của bà N. nặng hơn, bắt đầu lơ mơ, tổn thương đa dây thần kinh chi dưới, tổn thương sợi trục, co giật. Xét nghiệm máu cho thấy dương tính với Asen. Đến tuần thứ tư, bà N. tử vong với kết luận ngộ độc thủy ngân và asen gây biến chứng suy tim mạch cấp. Đây là những kim loại nặng rất độc có trong thành phần của An cung ngưu hoàng (gồm 2 vị thuốc Chu sa, Hùng hoàng) mà bệnh nhân đã uống.
Lọ thuốc Nam mà bệnh nhân K.H.M (Hải Phòng) đã tử vong sau khi uống được người nhà cung cấp cho BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương

Nhiều chuyên gia y tế cảnh báo, bên cạnh những ca ngộ độc thuốc Đông y nặng dẫn tới tử vong vẫn còn đó rất nhiều bệnh nhân hiện đang phải "oằn lưng" trả viện phí để chữa trị những biến chứng nguy hiểm sau một thời gian sử dụng Đông dược gây ra.

Theo BS Nguyễn Thị Thanh Mai - Khoa Khám bệnh theo yêu cầu - BV Bạch Mai, vừa qua, cơ sở đã điều trị cho bệnh nhân N.T.L., 67 tuổi, bị bệnh gout nhưng tự ý chữa trị bằng Đông dược của các "lang băm", hậu quả khiến thận suy nặng, xuất huyết tiêu hóa, tăng huyết áp, đái tháo đường...
Cũng theo BS Mai, trước đó, bệnh nhân đã tốn hàng trăm triệu đồng để mua các loại Đông dược mà các thầy lang kê với mong muốn đẩy lùi bệnh, nhưng bệnh này chưa kịp lui thì một loạt bệnh khác lại xuất hiện với cấp độ nặng hơn.
Đông dược hay độc dược?
Nói về nguyên nhân xảy ra những vụ ngộ độc thuốc Đông y thời gian qua, ông Nguyễn Xuân Hướng - nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam cho biết, hiện nhiều người lầm tưởng thuốc Đông y lành, bổ nên tự ý uống một cách "vô tội vạ" mà không theo hướng dẫn của bác sỹ.
Ông Hướng ví dụ: Thời gian vừa qua, trên địa bàn huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) lưu truyền bài thuốc trị bệnh tim, gồm chu sa hấp với tim lợn. Tuy nhiên, ít người biết rằng, chu sa chỉ được dùng tối đa 1g/ngày, lại tuyệt đối tránh tiếp xúc trực tiếp với nhiệt độ cao. Những điều không được hướng dẫn này đã dễ dàng biến bài thuốc trị bệnh thành liều thuốc độc.
Còn qua phân tích của BS Nguyễn Trung Cấp, hiện có tình trạng nhiều bệnh nhân không phải bị dị ứng, nhiễm độc do các hoạt chất trong thuốc Đông y mà nguyên nhân trực tiếp lại do hậu quả của những hóa chất dùng trong quá trình bảo quản, chế biến thuốc như lưu huỳnh, phốt pho, thủy ngân để chống ẩm mốc.
Thống kê của Viện Dược liệu cho thấy, hiện 30% dược phẩm đang được lưu hành chứa nấm mốc, nhất là aflatoxin. Độc tố này có trong dược liệu gây tổn thương gan, ung thư gan. Có những loại độc tố không bị diệt ở nhiệt độ cao (ngay cả khi đun lên tới 200 độ C), do đó, khi sắc thuốc độc tố vẫn còn.
Theo ông Nguyễn Văn Đoàn - Giám đốc Trung tâm miễn dịch lâm sàng - BV Bạch Mai, cây thuốc cũng giống như cây trồng, muốn năng suất, những hộ trồng phải phun thuốc kích thích để phát triển nhanh, cho số lượng lớn.
"Bên cạnh đó, muốn cây thuốc không sâu bệnh, người trồng phải phun thuốc trừ sâu. Chưa kể để sản phẩm giữ được lâu hơn, người kinh doanh phải sử dụng hóa chất chống nấm mốc, mối mọt như lưu huỳnh, phốt pho", ông Đoàn thông tin.
Ngoài lưu huỳnh, theo ông Đỗ Ngọc Duy - Kỹ sư hóa học - Đại học Quốc gia Hà Nội, hiện trong bảo quản thuốc Đông y, có một loại thuốc viên màu xám lục mà người dân hay dùng có công thức hóa học là AlP (AlxP1-x) gọi là nhôm phốt phua (hay nhôm phốt pho). Hóa chất này khi gặp hơi nước sẽ tạo thành phốt phin (PH3), một khí có tỷ trọng nhẹ như không khí nên có tác dụng khử trùng và thấm ngược vào dược liệu.
Tuy nhiên vị này cũng lo ngại khi phốt phin là chất cực độc đối với người. Khi nhiễm chất này, người bị nhẹ cũng là nhức đầu, mệt mỏi, ù tai, bắp thịt co giật. Trường hợp bị nặng hơn là nôn mửa, đau bụng và có thể dẫn đến tê liệt thần kinh, ung thư...
Từ xa xưa cha ông ta đã sử dụng Đông dược trong điều trị bệnh, không ai phủ nhận hiệu quả chữa bệnh của loại thuốc này, nhưng hiện nay, khi mà một bộ phận người kinh doanh khi sản xuất thuốc còn chạy theo lợi nhuận, không quan tâm đến chất lượng, nỗi lo về sức khỏe, tính mạng của người dân vẫn còn đó.
Vậy nên trước khi trông chờ vào sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, khi có vấn đề về sức khỏe, người dân nên tìm đến các BV, trung tâm y tế hoặc các phòng khám uy tín, được cấp phép hành nghề, không nên tự ý "bắt mạch, trị bệnh" theo lời truyền miệng, nhẹ thì "tiền mất tật mang", nặng thì mất mạng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét