Trong thoái hóa khớp thì có tình trạng hạn chế vận động của khớp do tổn thương cấu trúc khớp (sụn, xương dưới sụn, bao hoạt dịch). Các động tác bị hạn chế có thể không nhiều và có thể chỉ ảnh hưởng một số động tác. Do hạn chế vận động nên các nhóm cơ liên quan không hoạt động, lâu ngày sẽ dẫn đến teo cơ. Các khớp thoái hóa có thể bị biến dạng nhưng thường không nhiều như các bệnh khớp khác, ở đây có thể có tình trạng gai xương mọc ở đầu xương hoặc cột sống bị gù, vẹo, cong, lõm. Ngoài ra có thể nghe được tiếng lạo xạo khi vận động khớp hoặc tràn dịch khớp (thường gặp ở khớp gối do phản ứng xung huyết và tiết dịch ở màng hoạt dịch). Cũng có thể gặp tình trạng cứng khớp (xảy ra theo định kỳ khi vừa ngủ dậy hoặc đứng lên), nếu có sưng, đỏ, nóng tại khớp thì xem có viêm khớp kèm theo không.
Các chuyên gia đưa ra một số khuyến cáo nhằm phòng ngừa tình trạng thoái hóa khớp: trong lao động, sinh hoạt hoặc thể dục thể thao nên tránh một số tư thế xấu; tránh các động tác quá mạnh, đột ngột và sai tư thế khi mang vác, đẩy, nâng, bưng, xách…; có chế độ ăn uống và tập luyện phù hợp để tránh tăng cân quá mức; phát hiện và chữa trị sớm các bệnh lý của xương khớp, ngăn ngừa thoái hóa khớp thứ phát; phòng ngừa và phát hiện sớm các bệnh nghề nghiệp, nhất là những người lao động nặng. Chữa trị bệnh chủ yếu là chữa triệu chứng: giảm đau và kháng viêm. Không có thuốc ngăn quá trình thoái hóa khớp, trong đợt cấp tính dùng thuốc giảm đau và kháng viêm. Điều quan trọng là điều trị phục hồi chức năng.
Hiện nay người ta quan tâm đến các phương pháp không dùng thuốc: các bài thể dục cho từng vị trí thoái hóa, xoa bóp, vật lý trị liệu (chườm nóng, đèn hồng ngoại, máy sóng ngắn, sóng siêu âm, xung điện …).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét