Văn phòng Diện Chẩn Sống Khỏe_ Khu nhà 102 Ngõ 95 Chùa Bộc-Đống Đa-Hà Nội _ ĐT : 0906143408

Hướng dẫn lý thuyết và thực hành cơ bản cho những quí vị thực sự yêu thích Diện Chẩn . Hãy gọi cho chúng tôi để biết lịch .

Tư vấn sức khỏe , chẩn bệnh đưa ra phác đồ miễn phí.

Thứ Sáu, 29 tháng 5, 2015

Chuẩn mới chẩn đoán béo phì ở người Việt Nam

Lần đầu tiên, các nhà khoa học thuộc Trường Đại học Tôn Đức Thắng tìm ra một ngưỡng tỉ trọng mỡ toàn thân để chẩn đoán béo phì. Dựa vào tiêu chuẩn này, các nhà nghiên cứu ước tính rằng TPHCM có 15% người trưởng thành là béo phì. Công trình nghiên cứu mới được công bố trên tập san khoa học quốc tế PLoS ONE.
Vấn đề của tỉ trọng cơ thể (BMI)
Mặc dù béo phì được ghi nhận là một vấn đề y tế lớn ở nước ta, nhưng chưa ai đánh giá đúng qui mô của bệnh trong cộng đồng. Một trong những khó khăn là tiêu chuẩn chẩn đoán béo phì cho người Việt Nam vẫn chưa được xác định.
Hiện nay, chẩn đoán béo phì chủ yếu dựa vào chỉ số tỉ trọng cơ thể (body mass index hay BMI), được tính bằng cách lấy trọng lượng cơ thể chia cho chiều cao bình phương. Ví dụ như một phụ nữ có trọng lượng là 60 kg và chiều cao 1.56 m, thì BMI của chị ấy là 24.6. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cá nhân nào có BMI bằng hoặc trên 30 là béo phì; BMI trong khoảng 25 và 30 được xem là "thừa cân". Dựa vào tiêu chuẩn này, chúng tôi ước tính có khoảng 1% người trưởng thành ở TPHCM là béo phì.
Nhưng tiêu chuẩn BMI có vấn đề vì không phân biệt được lượng cơ và lượng mỡ trong cơ thể. Một người như diễn viên Arnold Schwarzenegger (cựu thống đốc bang California) nếu theo tiêu chuẩn của WHO thì được xem là "béo phì", nhưng đó là một chẩn đoán sai, vì diễn viên này có nhiều lượng cơ hơn là lượng mỡ. Phương pháp chẩn đoán béo phì chính xác là phải phân biệt được lượng mỡ và lượng cơ. Để phân xác định lượng mỡ trong cơ thể cần đến công nghệ DXA.
Tỉ trọng mỡ toàn thân
Chúng tôi đã thực hiện một nghiên cứu qui mô trên 1.200 cá nhân được chọn ngẫu nhiên từ TP.HCM. Chúng tôi dùng công nghệ DXA để đo lượng mỡ và tính toán tỉ trọng mỡ của mỗi cá nhân. Tính trung bình, tỉ trọng mỡ ở nam giới là 25% và nữ giới là 35%. Nói cách khác, mỗi phụ nữ VN mang trong người khoảng 18 kg mỡ, và nam là 15 kg.
Qua phân tích mối tương quan giữa tỉ trọng mỡ và BMI, chúng tôi xác định rằng tỉ trọng mỡ trên 30% ở nam giới, và trên 40% ở nữ giới, nên được chẩn đoán là béo phì. Đây là một chuẩn hoàn toàn mới và có cơ sở khoa học. Trước đây chưa có ai đề nghị một chuẩn nào hợp lí. Các nhà nghiên cứu hi vọng các nhóm nghiên cứu khác trên thế giới sẽ kiểm tra tính hợp lí của chuẩn mới này.
Đây là lần đầu tiên công nghệ DXA được dùng trong nghiên cứu béo phì ở Việt Nam. Tính trung bình, mỗi chúng ta mang trong người 25% lượng mỡ (nếu là nam) hoặc 35% (nếu là nữ). Dựa vào tiêu chuẩn này, có khoảng 15% nam và nữ ở Sài Gòn được xem là béo phì. Sự khác biệt này cho thấy chẩn đoán béo phì dựa vào tiêu chuẩn BMI của Tổ chức Y tế Thế giới có thể không chính xác cho người Việt.
Qua công trình này, chúng tôi cũng phản bác một tiêu chuẩn tồn tại khá lâu trong thế giới y khoa. Trong gần 20 năm qua, giới nghiên cứu béo phì thường dựa vào tiêu chuẩn được cho là của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mà theo đó tỉ trọng mỡ >25% (nam) hay tỉ trọng mỡ >35% (nữ) được xem là béo phì. Nhóm đầu tiên đề cập đến tiêu chuẩn này là một nhóm nghiên cứu ở Singapore. Tuy nhiên, chúng tôi đã chỉ ra rằng đó là một trích dẫn hoàn toàn sai lầm của nhóm Singapore. Trong thực tế, WHO chưa bao giờ đề ra tiêu chuẩn về tỉ trọng mỡ cho chẩn đoán béo phì.
Qua chuẩn mới chúng tôi đề nghị, qui mô béo phì ở Việt Nam rất đáng kể. Nếu chỉ tính những người trên 16 tuổi, chúng tôi ước tính rằng hiện nay Việt Nam có khoảng 8 triệu người béo phì. Đó là một qui mô khá lớn, và chắc chắn sẽ còn tăng trong tươn g lai khi nền kinh tế tăng trưởng theo thời gian.
Đây là công trình nghiên cứu đầu tiên ứng dụng công nghệ DXA để nghiên cứu béo phì ở Việt Nam. Trước đây, người ta chỉ dùng các chỉ số "thô" như BMI để nghiên cứu béo phì, nhưng công trình này chỉ ra rằng có thể dùng tỉ trọng mỡ để chẩn đoán béo phì chính xác hơn. Tôi hi vọng rằng công trình này sẽ mở ra một hướng đi mới cho nghiên cứu béo phì ở Việt Nam trong tương lai.
GS.TS. Nguyễn Văn Tuấn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét