Đau ngực là triệu chứng rất thường gặp. Điều đáng lưu ý, có những cơn đau ngực nguy hiểm, nhưng không có dấu hiệu báo trước.
Khi cơn đau bùng lên dữ dội, khó trở tay vì ít nhiều liên quan đến các bệnh nặng như: nhồi máu cơ tim, tràn khí màng phổi, phình tách động mạch chủ.
Theo TS.BS Nguyễn Hoài Nam - Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Phẫu thuật tim mạch - lồng ngực TPHCM, thông thường đau cơ vùng ngực thường xảy ra ở những bệnh nhân trẻ tập thể hình, chơi thể thao… Nếu không bị chấn thương trực tiếp, các triệu chứng đau thường lan tỏa theo nhóm cơ và giảm sau vài ngày nghỉ ngơi. Tuy nhiên, đau ngực cũng là dấu hiệu cảnh báo của nhiều căn bệnh.
Từ những lần bất chợt
Chẳng hạn, đau dây thần kinh liên sườn cũng gây đau ngực. TS.BS Nguyễn Hoài Nam cho biết, dây thần kinh liên sườn có thể bị chấn thương; bị viêm, chèn ép, do vi-rút như bệnh Zona thần kinh.
Những tổn thương của xương sườn, màng phổi và thành ngực cũng gây đau ngực, nhưng thường là đau âm ỉ, đau nhiều về đêm và ngày càng tăng dần. Bệnh thường do các tổn thương ác tính như ung thư xương và ung thư phần mềm. Mức độ ác tính rất cao nếu là ung thư loại trung biểu mô của lá thành màng phổi.
"Đau ngực trái, lan ra cánh tay trái kèm theo mệt, tim đập hỗn loạn, xuất mồ hôi… xảy ra ở bệnh nhân có tiền căn cao huyết áp hay bệnh lý tim mạch, cũng có thể là triệu chứng của một cơn nhồi máu cơ tim cấp - bệnh gây tử vong cao do tắc nghẽn động mạch vành.
Tuy nhiên, có một ngoại lệ ít người nghĩ đến, ngay cả các bác sĩ đôi khi cũng bị nhầm lẫn, đó là những bệnh nhân bị đau ngực vùng giáp ranh với vùng thượng vị, rất dễ chẩn đoán nhầm với bệnh viêm dạ dày cấp, thực ra đó là biểu hiện của nhồi máu cơ tim cấp thể dưới hoành.
Thực tế đã có trường hợp trong một phiên trực đêm tại bệnh viện, vị bác sĩ trực bị đau ngực gần vùng thượng vị. Do nghĩ mình bị đau dạ dày nên yêu cầu điều dưỡng trực tiêm một ống thuốc giảm đau. Sau đó khoảng mười phút, vị bác sĩ tử vong do nhồi máu cơ tim thể tối cấp vùng dưới hoành" - TS.BS Nguyễn Hoài Nam cho biết.
Triệu chứng đau rát ngực hay đau nhói ngực vùng trước xương ức rất có thể là biểu hiện của bệnh viêm dạ dày thực quản trào ngược. Thông thường với bệnh này, các triệu chứng cơ năng, thực thể và chẩn đoán hình ảnh rất mơ hồ, đôi khi phải điều trị thăm dò với các loại thuốc chống viêm dạ dày thực quản, thuốc chống co thắt và thuốc an định hệ thần kinh.
Đến những cơn nguy hiểm
Cũng theo TS.BS Nguyễn Hoài Nam, những cơn đau ngực nguy hiểm thường là do đau ngực trong bệnh tràn khí khoang màng phổi. Triệu chứng đau chủ yếu ở bên ngực bị tràn khí không lan, có kèm theo khó thở.
Mức độ khó thở tùy theo dạng tràn khí toàn bộ hay khu trú, tràn khí nguyên phát trên bệnh nhân trẻ không có bệnh về phổi hay tràn khí khoang màng phổi thứ phát trên bệnh nhân lớn tuổi có bệnh phổi (bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, lao phổi và di chứng lao phổi…).
Ngoài ra, khi thấy đau ngực, cần phải chụp X-quang phổi thẳng và nghiêng để xem bệnh nhân có bị khối u của phổi hay trung thất. Các khối u khi gây nên triệu chứng đau thường đã khá lớn, xâm lấn nhiều vào trung thất và thành ngực. Thông thường nếu là u ác tính thì không thể chỉ định can thiệp triệt để bằngphẫu thuật.
Nhồi máu cơ tim là bệnh tim gây tử vong nhiều nhất ở những người trên 50 tuổi. Điều đáng nói, nhiều người còn trẻ (khoảng 20-30 tuổi) đã bị nhồi máu cơ tim, có lẽ là do thay đổi cách sống, thay đổi môi trường, thay đổi chế độ ẩm thực. Thông thường, nhồi máu cơ tim xảy ra ở bệnh nhân có tiền căn xơ vữa động mạch và cao huyết áp, đột nhiên đau thắt ngực bên trái lan xuống cánh tay trái, gây mệt, đổ mồ hôi lạnh, đau càng ngày càng tăng…
Việc phòng ngừa nhồi máu cơ tim không quá phức tạp. Bệnh nhân cần chú ý đi khám, kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện dấu hiệu của xơ vữa động mạch và cao huyết áp. Bệnh nhân cần quan tâm đến dấu hiệu thỉnh thoảng có cơn đau ngực bên trái, nhất là khi làm việc gắng sức.
Nên duy trì cân nặng ở mức độ cho phép, tránh béo phì, không hút thuốc lá, điều trị tốt bệnh đái tháo đường (nếu có). Bệnh nhân nên đo điện tim, nếu thấy dấu hiệu của thiểu năng động mạch vành hay thiếu máu cơ tim, cần phải đi khám bệnh và điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa tim mạch.
Tràn khí màng phổi cũng gây đau ngực. Bệnh được chia làm nhiều loại: tràn khí màng phổi do chấn thương, tràn khí màng phổi do vết thương, tràn khí màng phổi tự phát nguyên phát, tràn khí màng phổi tự phát thứ phát...
Tràn khí màng phổi tự phát nguyên phát thường xảy ra ở những người trẻ (tuổi từ 20-40), hoàn toàn không có bệnh phổi trước đó, nam nhiều gấp ba lần nữ, hay gặp ở những người cao và gầy.
Triệu chứng căn bản là đau ngực; cơn đau vừa phải nhưng bên ngực bị tràn khí màng phổi đau nhiều hơn. Bệnh nhân có thể có cảm giác khó thở. Phòng ngừa chủ yếu là không hút thuốc lá, không vận động quá sức ở những người có nguy cơ cao (người cao và gầy).
"Người bị cơn đau ngực nguy hiểm, cần được chuyển đến cơ sở y tế gần nhất, tránh trì hoãn bằng việc cạo gió, xoa bóp… làm mất thời gian vàng trong cấp cứu"- TS.BS Nguyễn Hoài Nam khuyến cáo.
Theo Thiên Nga - Phụ nữ TPHCM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét