Văn phòng Diện Chẩn Sống Khỏe_ Khu nhà 102 Ngõ 95 Chùa Bộc-Đống Đa-Hà Nội _ ĐT : 0906143408

Hướng dẫn lý thuyết và thực hành cơ bản cho những quí vị thực sự yêu thích Diện Chẩn . Hãy gọi cho chúng tôi để biết lịch .

Tư vấn sức khỏe , chẩn bệnh đưa ra phác đồ miễn phí.

Thứ Bảy, 1 tháng 11, 2014

Sống chung với bệnh vảy nến mạn tính

Hiện chưa có phương pháp điều trị dứt điểm bệnh vảy nến, người bệnh phải chung sống hòa bình với nó bằng cách giữ sức khỏe, ăn uống dinh dưỡng đúng cách.

Vảy nến là bệnh mạn tính, chiếm 2-3% dân số với tỷ lệ nam nữ mắc bệnh xấp xỉ nhau. 2/3 trong số đó bị vảy nến tuýp 1, khởi phát sớm từ khoảng 16-22 tuổi, diễn tiến rất nặng. Vảy nến tuýp 2 khởi phát muộn, khoảng 57-60 tuổi, diễn tiến bệnh nhẹ hơn. Hàng năm BV Da liễu TP HCM có khoảng 15.000 lượt bệnh nhân vảy nến đến khám và điều trị, nằm trong tốp 4 bệnh có số lượng khám hàng đầu.
BS Nguyễn Trọng Hào, Phó giám đốc BV da liễu TP HCM chia sẻ, hiện nay vảy nến được xem như bệnh viêm hệ thống, có thể ảnh hưởng nhiều cơ quan. Nguyên nhân gây bệnh là do hệ thống miễn dịch phát những tín hiệu sai làm da phát triển quá nhanh. Các tế bào da mới được tạo ra trong vài ngày chứ không phải vài tuần như bình thường, chúng không tróc ngay ra khỏi cơ thể mà xếp thành lớp trên bề mặt da gây nên những mảng vảy nến.
Ảnh: healthxchange
Bệnh vảy nến không nguy hiểm tính mạng nhưng cũng chưa thể điều trị khỏi. Ảnh: healthxchange.
"Vảy nến hiện chưa thể điều trị khỏi hoàn toàn, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa bệnh nhân và bác sĩ để giảm thiểu những tác động của bệnh đến chất lượng cuộc sống", BS Hào phân tích. Bệnh thường có tính chất di truyền trong gia đình. Một số yếu tố khởi phát là stress, viêm họng, sử dụng các thuốc lithium, thuốc kháng sốt rét, khí hậu khô, lạnh, một vết cắt, trầy xước, bỏng nặng... 
Bệnh nhân vảy nến cần giữ sức khỏe tốt bằng chế độ ăn hợp lý, đầy đủ chất dinh dưỡng, dùng muối và đường vừa phải, giảm thức ăn nhiều mỡ và cholesterol, tránh thức ăn có tương tác với thuốc điều trị, bổ sung sinh tố.
Cần tăng cường nhóm thực phẩm chứa chất chống oxy hóa (nho và bưởi, các loại đậu, quả hạch, mơ, nho khô, mận, ngũ cốc, cây đinh hương, cây quế), beta carotene (cà rốt, rau lá xanh, quả mơ, xoài), folate (ngũ cốc, đậu lăng, lúa mì, đậu Hà Lan, cây bông cải xanh, cải bắp, giá và nước cam), kẽm (sò và các thực phẩm có ngũ cốc), axit béo omega‐3 (các loại cá như cá mòi, cá thu, cá hồi; hạt lanh, hạt hướng dương, hạt mè).
Cần hạn chế các thực phẩm như đường, thực phẩm chiên xào và chế biến sẵn, thức ăn cay, tiêu, chocolate, trứng (với một số bệnh nhân). Nên thay thế thịt đỏ bằng cá hồi, cá thu, cá mòi, và sò ít nhất 3 lần một tuần. Ngoài ra, bệnh nhân cần uống nhiều nước, ngủ đủ giấc, bỏ thuốc lá, hạn chế rượu bia, giảm stress bằng cách tham gia các câu lạc bộ vảy nến, tập thể dục, thư giãn...
BS Hào nhấn mạnh, bệnh nhân cần chú ý phát hiện sớm biến chứng, cảnh  giác với dấu hiệu viêm khớp như khớp cứng, đau, nhất là buổi sáng sau khi thức dậy. Biến chứng này thường gặp ở 10-30% bệnh nhân, cần điều trị sớm để phòng ngừa biến dạng khớp. Lưu ý đến móng, đặc biệt khi xuất hiện các triệu chứng bong móng, móng lõm, sần sùi mất bóng, đổi màu vàng cam... 
Tránh tắm gội bằng nước quá nóng, nên dùng nước ấm cùng với chất rửa không chứa hương liệu, chỉ sử dụng những sản phẩm chăm sóc da nhẹ, dịu, nên mang găng khi tiếp xúc với hóa chất hay chất tẩy rửa, tránh cào gãi vì có thể làm tổn thương da, không bóc, cậy các thương tổn, nên mặc trang phục với chất liệu sợi tự nhiên như cotton.
Ngứa là triệu chứng thường gặp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống bệnh nhân. Có thể kiểm soát ngứa bằng các thuốc kháng histamine, sử dụng chất làm mềm da và giữ ẩm, thuốc bôi corticosteroids, capsaicin, thuốc bôi tê, tắm bằng các sản phẩm từ yến mạch, chườm lạnh bằng túi đá, băng kín thương tổn.
"Vảy nến không thể trị khỏi hẳn nhưng không lây. Vì vậy cần phải xóa tan sự kỳ thị, giúp bệnh nhân không còn bị mặc cảm và có thể hướng tới một cuộc sống hòa nhập, thoát khỏi sự ám ảnh", BS Hào chia sẻ.

Theo Lê Phương - VnExpress

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét