Văn phòng Diện Chẩn Sống Khỏe_ Khu nhà 102 Ngõ 95 Chùa Bộc-Đống Đa-Hà Nội _ ĐT : 0906143408

Hướng dẫn lý thuyết và thực hành cơ bản cho những quí vị thực sự yêu thích Diện Chẩn . Hãy gọi cho chúng tôi để biết lịch .

Tư vấn sức khỏe , chẩn bệnh đưa ra phác đồ miễn phí.

Chủ Nhật, 22 tháng 6, 2014

Đề phòng chấn thương thận!

Thận nằm sau phúc mạc, được che phủ bởi vòm sườn, cột sống và khối cơ lưng ở phía sau. Nhưng chấn thương thận vẫn nhiều nhất so với các bộ phận của hệ tiết niệu. Chấn thương thường gây tổn thương thận từ nhẹ đến nặng là: không rách bao thận; có rách bao thận; thận vỡ thành nhiều mảnh, kèm theo tổn thương mạch máu cuống thận, niệu quản.
Vì sao thận dễ bị tổn thương?
 Trên thực tế, thận thường bị tổn thương do chấn thương trực tiếp vào vùng thắt lưng, mạng sườn, hoặc gián tiếp do ngã ngồi hay động tác gập người quá sức đột ngột. Thận dễ bị tổn thương vì tổ chức thận rất giòn và dễ vỡ. Mặt khác nhu mô thận luôn chịu áp lực thủy tĩnh của máu và nước tiểu, khi thận bị chấn thương sẽ có hai lực tác dụng ngược chiều lên nhu mô thận, đó là lực tác động từ ngoài vào do chấn thương và lực tác động từ trong do áp lực thủy tĩnh. Trường hợp bạn đang có các bệnh về thận như: thận giãn do sỏi, u thận, thận đa nang, viêm cầu thận... tổn thương sẽ nặng hơn thận bình thường.
Dấu hiệu chấn thương thận 
Sau một chấn thương, nếu thận bị tổn thương sẽ có các triệu chứng như: đau ở vùng thận với tính chất đau liên tục, lúc đầu đau khu trú ở vùng hố thắt lưng, sau đó có thể đau lan sang xung quanh, có khi lan ra toàn ổ bụng. Đái ra máu: có thể đái ra máu ở mức độ vi thể mà mắt thường không nhìn thấy được. Hoặc đái máu đại thể: đái máu toàn bãi, nước tiểu có màu từ hồng nhạt đến máu tươi toàn bãi và có trường hợp đái ra cả máu cục. Nguy hiểm hơn là tuy bạn bị chấn thương thận rất nặng nhưng lại không thấy đái ra máu vì bị đứt cuống thận, hoặc đứt đôi niệu quản nên máu chảy ra ở trong ổ bụng chứ không ra ngoài.
 
Khi đó sẽ thấy xuất hiện khối u ở vùng hố thắt lưng nơi bị chấn thương, khối u này có thể to lên nhanh chóng. Có khi thấy khó thở, có thể do đau, nhưng cũng có khi do tràn máu màng phổi. Thầy thuốc khám thấy: vùng thận bị tổn thương có vết bầm tím, xây xát ở da và phần mềm. Khối u vùng hố thắt lưng, to nhỏ tùy từng trường hợp: nếu nhỏ thì thấy vùng hố thắt lưng đầy, ấn đau; trường hợp to gồ lên và đặc biệt khối u này to lên chỉ điểm một ổ máu tụ ở hố thận đang phát triển. Khi có tổn thương phối hợp có thể thấy các triệu chứng gãy xương, tràn dịch màng phổi, viêm phúc mạc...
 
Trường hợp nặng, có biểu hiện sốc do chấn thương và do mất máu với các dấu hiệu: vẻ mặt hốt hoảng, vã mồ hôi, chân tay lạnh, da niêm mạc nhợt nhạt, mạch nhanh, nhỏ, huyết áp tụt... Xét nghiệm máu: số lượng hồng cầu giảm, có viêm nhiễm thấy số lượng bạch cầu tăng cao nhất là bạch cầu đa nhân trung tính. Xét nghiệm nước tiểu: thấy nhiều hồng cầu. Chụp Xquang thấy: tổn thương của xương như gãy cột sống, gãy xương sườn... Chụp động mạch thận: thấy tổn thương của mạch máu, nhu mô thận. Siêu âm thấy hình ảnh tổn thương thận, ổ máu tụ quanh thận...
Chấn thương thận có thể có các biến chứng sau: viêm tấy hố thắt lưng, với biểu hiện sốt cao, đau thắt lưng, sưng nề vùng hố thắt lưng; đau lưng kéo dài do viêm xơ quanh thận; ứ nước thận do viêm xơ chít hẹp niệu quản hoặc bể thận; xơ teo thận sau chấn thương dẫn đến tăng huyết áp; tổn thương mạch máu dẫn đến phồng động mạch hoặc tĩnh mạch.
 Sơ đồ khối máu tụ quanh thận do chấn thương phát triển tăng dần.
Xử lý và phòng tránh
Chấn thương thận có thể tiến triển theo mấy trường hợp: nếu người bệnh bớt đau, đái máu màu nâu rồi vàng nhạt, tình trạng toàn thân ổn định, tổ chức thận bị đụng giập liền sẹo và xơ hoá là tiến triển tốt. Trường hợp nặng lên: người bệnh đái máu tiếp diễn, đái máu tươi, khối máu tụ to dần lên. Chấn thương nặng: vỡ nát thận hay đứt cuống thận, người bệnh đái ra máu dữ dội. Khối máu tụ tăng nhanh, người bệnh bị mất máu cấp, toàn thân có dấu hiệu sốc. Khi đó phải mổ cấp cứu và truyền máu, thở ôxy, trợ tim mạch. Vì vậy người bệnh chấn thương thận cần được theo dõi sát để có thái độ xử trí phù hợp.
Xử lý khi bị chấn thương thận: cần nằm bất động, uống thuốc giảm đau. Nếu vận chuyển đến cơ sở y tế hoặc bệnh viện phải được vận chuyển nhẹ nhàng, nhanh chóng, tuyệt đối không vận chuyển khi người bệnh đang sốc.
Điều trị nội khoa: cần nằm bất động, ăn uống, đại tiểu tiện tại giường, truyền dịch hoặc máu khi cần thiết. Dùng kháng sinh có hoạt phổ rộng và tác dụng tốt với vi khuẩn đường tiết niệu. Điều trị ngoại khoa: mổ cấp cứu khi bị đứt cuống thận, vỡ thận, có tổn thương tạng khác trong ổ bụng như vỡ gan, lách, thủng ruột... Mổ theo kế hoạch khi điều trị nội khoa có thất bại, người bệnh vẫn đái máu tăng, khối máu tụ tăng, toàn thân thay đổi và đi vào tình trạng sốc.
Biện pháp phòng chống chấn thương thận phải bao gồm nhiều biện pháp phối hợp: mọi người nên khám sức khỏe định kỳ nhằm phát hiện sớm những bệnh lý toàn thân và của thận để điều trị kịp thời. Thực hiện các phương pháp đề phòng tai nạn lao động, tai nạn giao thông bằng cách thực hiện tốt các quy định về an toàn lao động, an toàn giao thông. Sau một chấn thương như bị đánh, va quệt, vấp ngã... nếu nghi ngờ có chấn thương thận phải đến bệnh viện khám ngay. Tuyên truyền cho mọi người biết sự nguy hiểm của chấn thương thận để  có ý thức đề phòng tai nạn và các chấn thương thận.  
Sơ đồ khối máu tụ quanh thận do chấn thương phát triển tăng dần.
ThS. Trần Tất Thắng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét