Văn phòng Diện Chẩn Sống Khỏe_ Khu nhà 102 Ngõ 95 Chùa Bộc-Đống Đa-Hà Nội _ ĐT : 0906143408

Hướng dẫn lý thuyết và thực hành cơ bản cho những quí vị thực sự yêu thích Diện Chẩn . Hãy gọi cho chúng tôi để biết lịch .

Tư vấn sức khỏe , chẩn bệnh đưa ra phác đồ miễn phí.

Thứ Sáu, 27 tháng 2, 2015

Nguyễn Tử Siêu - nhà văn làm thuốc

Văn học cứu rỗi linh hồn, còn y học chăm sóc thân xác. Vẫn có người kết hợp được cả hai lãnh vực như: văn hào Tchekhop, thi sĩ Nguyễn Đình Chiểu… Trong số những danh nhân này, chúng ta còn nhớ đến thầy thuốc Nguyễn Tử Siêu, tên thật Nguyễn Trọng Thoát, sinh ngày 5/8 năm Mậu Tuất (1898), tại làng Ngái, xã Hương Ngãi, huyện Thạch Thất (Hà Nội).
Thế hệ Nguyễn Tử Siêu lớn lên khi nước mất nhà tan. Ngọn gió Tây học đã thổi dạt những trang sách chữ Hán ở cửa Khổng sân Trình. Những bậc túc nho như Ông đồ trong thơ Vũ Đình Liên cũng chỉ còn đem nét chữ “như phượng múa rồng bay” ra bán ngoài chợ đời xô bồ để kiếm sống đắp đổi qua ngày… Ngay cả cô bán sách Thánh hiền cũng mỏi mệt “lim dim ngủ” trong thơ Tú Xương. Con đường tiến thân của thế hệ này không còn bắt đầu bằng việc dùi mài kinh sử, họ đã chuyển sang học chữ Quốc ngữ để theo kịp với trào lưu mới. Nguyễn Tử Siêu cũng vậy.
Thời cuộc đã thay đổi, làm gì để giúp ích cho đời? Ngoài việc học chữ Quốc ngữ, Nguyễn Tử Siêu lao vào nghiên cứu sách thuốc để bốc thuốc cứu dân, rồi mở trường dạy học. Trong tác phẩm Tử Siêu y thoại, ông cho biết: “Tôi làm thuốc chỉ là tự học, vớ được bộ nào là học ngay bộ ấy, không biết nên học bộ nào trước, bộ nào sau. Sau khi đã đọc qua mấy bộ như: Thị Thế bảo nguyên, Vạn bệnh hồi xuân, Thạch thất bí lục… mới mượn được bộ Thương hàn luận thiển chú của Trần Tu Viên. Đọc thấy từng chữ, từng câu đều có bao hàm một ý nghĩa rất sâu, khác hẳn với loại sách mà mình đã đọc qua mấy năm trước liền đâm ra say mê”.
Dù nghiên cứu kim cổ, nhưng điều cần ghi nhận ở Nguyễn Tử Siêu, như ông cho biết: “Trong đầu óc bao giờ cũng lởn vởn mấy vấn đề: nước Việt mình ở về phương Nam, ở vào khoảng giữa ôn đới và nhiệt đới; con người tùy thổ nghi, khí hậu mà phú bẩm khác; đã do thổ nghi, khí hậu mà phú bẩm khác nên nguyên nhân phát bệnh cũng khác; do nguyên nhân phát bệnh khác nên phương pháp điều trị và dụng dược tất cũng phải khác”.
Lương y thầy thuốc Nguyễn Tử Siêu
Lương y thầy thuốc Nguyễn Tử Siêu
Đây là một trong những nhận thức quan trọng của ông khi nghiên cứu về y học. Tư tưởng trị bệnh cứu người của ông thể hiện qua câu:
Bất tri thiên, địa, nhân, bất khả dữ y ngôn/ Bất tri Nho, Phật, Tiên, bất khả dữ y ngôn.
Nghĩa là: không hiểu biết về trời, đất, con người; không hiểu biết về đạo Nho, đạo Phật và Tiên thì không thể bàn y học.
Về mảng sách nghiên cứu y học, trong thư mục của ông có cả thảy 71 quyển đã xuất bản - do ông vừa biên soạn, vừa dịch thuật ròng rã trong vòng 30 năm trời (1931 - 1965). Chúng ta có thể kể đến loại sách mà ông biên soạn: Y học tùng thư, Khoa thuốc trẻ em, Khoa thuốc đàn bà, Tinh dược giải nghĩa, Sách thuốc sởi đậu, Nhật hoa y học, Nguyên tắc trị liệu của Đông y... hoặc loại sách dịch như: Hoàng Đế nội kinh tố vấn, Hải Thượng quyền thu, Hoàng Đế nội kinh linh khu, Châm cứu lâm sàng trị liệu học… Ngoài ra, ông còn là nhà văn viết nhiều tác phẩm văn học khác.
Tâm huyết với nghề nên cho dù cuối đời, ở xấp xỉ tuổi 70, Nguyễn Tử Siêu cũng dành tâm lực để viết tác phẩm Tử Siêu y thoại - trình bày lại kinh nghiệm điều trị và học tập làm thuốc - gồm 204 điều mà ông thu thập trong suốt một đời tâm huyết với nghề. Ngay trong điều 1 nhận thức về y đạo, ông viết: “Một danh y triều Mãn Thanh bên Trung Quốc thường nói: “Người thầy thuốc nên có tấm lòng coi ở đời không có một loại bệnh tật nào không chữa khỏi; sở dĩ có bệnh không chữa khỏi, đều do mình chưa hết lòng đó thôi”.
Trong cuộc đời tôn Hải Thượng Lãn Ông làm thầy, Nguyễn Tử Siêu học tập gương thầy, ông cũng ghi lại những kinh nghiệm lâm sàng của mình và của những bậc danh y khác. Đây là một trong những “ca” bệnh mà ông đã điều trị theo kinh nghiệm dân gian mà chưa lý giải được: “Hồi còn bé, thấy một ông lang thuộc châu Chiêm Hóa (Tuyên Quang) chữa chứng kinh niên của chị tôi. Ông ta bảo tìm cây chuối tiêu cao, chém ngang cây bỏ một nửa, rồi đào lấy cả củ, đem về dựng tại xó nhà phía đông. Qua một đêm, sáng hôm sau, nõn chuối sẽ mọc trồi lên tới ngót một đốt ngón tay. Bệnh nhân ngủ dậy, đừng súc miệng, đem sẵn một nhúm muối chia nõn chuối ra làm ba miếng, thêm vào mấy hạt muối, nhai rồi nuốt. Sau khi nuốt cả ba miếng xong chỉ tráng miệng một hớp nước lã nóng. Chị tôi chỉ ăn một lần như vậy, mà chứng đau bụng bị tới ba, bốn năm khỏi hẳn. Khi đó bố tôi hỏi ông lang: “Các chứng đau bụng khác có chữa như thế được không?”. Ông không trả lời được. Vậy nõn chuối vì sao có tác dụng như thế, xin nhờ các nhà khoa học phân tích”.
Qua trường hợp này, mới biết nghề y khó biết dường nào!
Thầy thuốc Nguyễn Tử Siêu mất tại Hà Nội vào ngày 27/12/1965. Sống trọn vẹn với nghề y, trước lúc xuôi tay nhắm mắt, ông có thể tự hào: “Tôi hành nghề y đã hơn 50 năm, mà đối với bệnh nhân phải lo lắng từng giờ, từng phút, nghe từ tiếng nói, trông từ lúc co tay, lúc duỗi chân, có lúc quên cả ăn, mất cả ngủ, bao giờ thấy bệnh tình chuyển hướng được đúng như mong mỏi của mình, lúc bấy giờ mới như trút được gánh nặng, nỗi niềm sung sướng có phần hơn cả thân nhân người bệnh”.
Chỉ qua những lời tâm sự ấy cũng đủ hiểu hết y đức đáng quý của ông.

LÊ MINH QUỐC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét