Văn phòng Diện Chẩn Sống Khỏe_ Khu nhà 102 Ngõ 95 Chùa Bộc-Đống Đa-Hà Nội _ ĐT : 0906143408

Hướng dẫn lý thuyết và thực hành cơ bản cho những quí vị thực sự yêu thích Diện Chẩn . Hãy gọi cho chúng tôi để biết lịch .

Tư vấn sức khỏe , chẩn bệnh đưa ra phác đồ miễn phí.

Thứ Năm, 13 tháng 2, 2014

Viêm màng bồ đào

Viêm màng bồ đào là bệnh lý ở mắt do nhiều nguyên nhân gây ra, bệnh có thể tự xác định được nhưng tìm nguyên nhân thường khó khăn. Bệnh có nhiều biến chứng, hay tái phát và dễ dẫn đến mù lòa.
Màng bồ đào (MBĐ) từ trước ra sau gồm mống mắt, thể mi, hắc mạc. Có ba loại viêm MBĐ: viêm MBĐ trước là viêm mống mắt và thể mi, viêm MBĐ trung gian và viêm MBĐ sau là viêm hắc mạc, có khi là viêm hắc võng mạc.                  
 Đục dịch kính là biến chứng nặng của viêm màng bồ đào.
Viêm màng bồ đào do đâu? Viêm màng bồ đào là một bệnh do nhiều nguyên nhân phức tạp, có khi đan chéo nhau.
Do tụ cầu, liên cầu, lậu cầu, trực khuẩn mủ xanh, virus hecpet, nấm candida, kí sinh trùng toxoplasma gondii, riketzia
Do nhiễm độc: như chất độc, thức ăn biến chất; Do nội sinh như teo, thoái hóa tổ chức xuất huyết; Do bệnh tự miễn (trong cơ thể có kháng thể chống màng bồ đào);
Do chấn thương; Thứ phát từ các bệnh toàn thân: collagenose, sarcoidose, bệnh Behcet, bệnh da liễu, bệnh máu.
Ngoài ra, viêm MBĐ chưa rõ nguyên nhân: Nhãn viêm đồng cảm; viêm mống mắt nhược sắc.
Cách phát hiện viêm MBĐ
Với viêm màng bồ đào trước, dấu hiệu dễ thấy là cương tụ mạch máu ở lòng trắng (ở sát rìa lòng đen gọi là cương tụ rìa). Ta không được lầm nó với bệnh đau mắt đỏ thông thường (mạch máu cương tụ rộng khắp ở lòng trắng, càng gần lòng đen màu đỏ càng thưa nhạt). Bệnh nhân nhìn thấy mờ, nhìn hình như qua một lớp màng sương mờ.
Với viêm màng bồ đào sau, người bệnh không thấy cương tụ vùng rìa nhưng hay xuất hiện đau đầu, nhức trong nhãn cầu,  nhìn mờ.
Những điều đáng lo nhất khi viêm MBĐ
Với viêm màng bồ đào trước: Đáng lo nhất là tình trạng dính đồng tử hoặc bít đồng tử. Tổn thương này vừa gây mù lòa vừa gây biến chứng tăng nhãn áp (do cản trở lưu thông thủy dịch từ khoang sau ra khoang trước của nhãn cầu). Việc cho nhỏ atropin làm giãn đồng tử, chống dính chiếm 70% ý nghĩa điều trị cấp cứu.
Với viêm màng bồ đào sau: Điều đáng lo nhất là dịch kính đục thành mảng thô hoặc mủ dịch kính. Các tổn thương này hay gây tổ chức hóa dịch kính biến chứng co kéo gây bong võng mạc, teo nhãn cầu. Đặc biệt các viêm màng bồ đào sau do virut thường gây hóa mủ dịch kính nhanh chóng. Khi có các dấu hiệu bất thường ở mắt như đã nói ở trên, bệnh nhân phải đến khám tại cơ sở nhãn khoa. Cách điều trị cụ thể, việc theo dõi lâu dài sẽ do cơ sở nhãn khoa tiến hành, chỉ định hoặc hẹn khám định kì. Viêm MBĐ dễ tái phát, người bệnh phải gắn bó với cơ sở nhãn khoa lâu dài.
Điều trị viêm MBĐ Do viêm MBĐ có nhiều nguyên nhân nên việc điều trị cần căn cứ vào nguyên nhân để cho thuốc đặc hiệu. Tuy nhiên, trong mọi trường hợp viêm MBĐ cần được sử dụng trước thuốc giãn đồng tử và liệt thể mi để tránh dính đồng tử và giảm đau. Thuốc thường dùng là dung dịch atropin 1 - 4% hoặc mỡ atropin 1% tra mắt.
Thuốc chủ lực trong điều trị viêm MBĐ là chống viêm corticosteroit, có thể dùng theo các đường khác nhau phối hợp như tiêm cạnh nhãn cầu, tiêm bắp, tiêm tĩnh mạch hoặc uống, tra mắt (chỉ có tác dụng trong điều trị viêm MBĐ trước). Liều lượng và cách dùng theo chỉ định của bác sĩ và cần được theo dõi chặt chẽ khi sử dụng cho người bị loãng xương, đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp, tăng huyết áp... Các thuốc chống viêm không steroit được dùng trong các trường hợp chống chỉ định dùng corticosteroit. Ngoài ra, người bệnh còn có thể được sử dụng thuốc ức chế miễn dịch trong các trường hợp viêm MBĐ liên quan đến yếu tố miễn dịch và không đáp ứng với corticosteroit.
Phương pháp phẫu thuật cũng được lựa chọn để điều trị biến chứng của viêm MBĐ như phẫu thuật bong võng mạc, phẫu thuật lấy thủy tinh thể, phẫu thuật lỗ rò điều trị tăng nhãn áp, cắt dịch kính...
Người bệnh khi phát hiện có những biểu hiện đầu tiên như kể trên thì cần đến chuyên khoa mắt để được khám, điều trị đúng và theo dõi chặt chẽ, ngăn ngừa biến chứng có thể xảy ra.            
ThS.BS. Cù Thanh Phương (Bệnh viện Mắt TW)
 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét