Văn phòng Diện Chẩn Sống Khỏe_ Khu nhà 102 Ngõ 95 Chùa Bộc-Đống Đa-Hà Nội _ ĐT : 0906143408

Hướng dẫn lý thuyết và thực hành cơ bản cho những quí vị thực sự yêu thích Diện Chẩn . Hãy gọi cho chúng tôi để biết lịch .

Tư vấn sức khỏe , chẩn bệnh đưa ra phác đồ miễn phí.

Chủ Nhật, 18 tháng 10, 2020

Chữa bệnh và kéo dài tuổi thọ bằng phương pháp cứu (Kỳ I)

 Châm và cứu là hai thủ thuật điều trị phổ biến trong y học cổ truyền (YHCT). Tuy nhiên trong thực tiễn lâm sàng, một số thầy thuốc do thiếu hiểu biết hoặc do thấy phương pháp cứu có thao tác phiền phức hơn nên ít sử dụng, làm cho nhiều bệnh nhân không được tiếp cận một phương pháp chữa bệnh độc đáo, hiệu quả.

Vậy vì sao cứu lại có hiệu quả trong phòng, chữa bệnh, kéo dài tuổi thọ cho con người?

                       Cứu Phương pháp điều trị hiệu quả và độc đáo


Để trả lời câu hỏi này cần phải tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, sự già cả và cái chết. Cách đây hơn 2.000 năm, nhà triết học cổ Hy Lạp Aristole (384-199 trước Công nguyên) đã cho rằng "sự giảm dần thân nhiệt bẩm sinh là nguyên nhân dẫn đến cái già". Còn hai học giả khác là Galen và Pecgamon (129-199 trước Công nguyên) cũng kết luận: Sự mất mát về thân nhiệt thông qua sự giảm độ ấm trong cơ thể và trong các mô sẽ dẫn đến cái già, còn cái chết là sự mất hoàn toàn thân nhiệt. Nền YHCT thì nhận định nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, nếu là do ngoại nhân thì hàn tà (thời tiết lạnh) được xem là nguy hiểm nhất, bởi vì nó liên kết với phong tà (gió), thấp tà (độ ẩm thấp), làm suy giảm vệ khí (dương khí, thân nhiệt) bảo vệ bên ngoài cơ thể gây nên bệnh là chủ yếu. Còn bên trong, mỗi tạng phủ đều nhờ dương khí mới hoạt động được. Cùng với tuổi tác ngày mỗi cao và nhất là bị bệnh lâu ngày làm cho dương khí bị giảm sút sẽ làm rối loạn chức năng các tạng, phủ. Các nguyên nhân trên dẫn đến làm thiên lệch âm - dương mà gây nên bệnh. Sự thiên lệch âm dương có hư và có thực. Nếu thực là do âm thắng, tức là do hàn tà, thì phải dùng nhiệt (sử dụng thủ thuật cứu để đẩy hàn tà đi). Nếu hư mà do dương hư cũng dùng thủ thuật cứu để trợ dương. Như vậy rõ ràng rằng, dùng thủ thuật cứu có thể áp dụng điều trị cho khoảng 40-50% bệnh nhân trên lâm sàng.

Để cứu đạt hiệu quả tốt, ngoài việc phải am hiểu bệnh nào thì nên cứu, còn phải bào chế ngải cứu, tiến hành thủ thuật cho thật đúng.

Để chẩn đoán đúng bệnh, như đã phân tích trên, nếu do nhiễm hàn tà (kể cả hàn tà kết hợp với các tà khác như phong hàn, phong thấp) hoặc do dương hư thì phải cứu. Ngoài ra, trong sách Châm cứu đại thành của Dương Kế Châu (Trung Quốc) còn nói thêm nếu gặp các bệnh mà châm không thấy có hiệu quả thì cứu; nếu âm, dương đều hư hoặc kinh lạc hạ hãm cũng cần phải cứu.

Để cứu, cần phải có ngải nhung. Ngải nhung được bào chế như sau: Hái lá ngải cứu (tốt nhất là hái vào ngày 3 tháng 3 hoặc ngày 5 tháng 5 âm lịch) phơi hoặc sấy cho thật khô và để càng lâu càng tốt. Khi dùng phải tước hết cọng và gân lá rồi đem giã cho thật mịn. Sau đó dùng rây, rây bỏ phần còn thô, chỉ lấy phần bột mịn để làm ngải nhung. Ngải nhung được sử dụng để làm điếu ngải hoặc mồi ngải.

Cách chế điếu ngải: Lấy giấy mỏng, dễ cháy (giấy cuộn thuốc lá), cắt thành hình chữ nhật, thường với kích thước 24cm x 28cm, cho vào 20g ngải nhung, cuộn lại như cuốn thuốc lá rồi cất vào hộp kín dùng dần.

Cách làm mồi ngải: Để ngải nhung lên một mảnh ván phẳng, nhẵn. Dùng ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa vê ngải nhung thành hình tháp hoặc hình chóp nón là được. Tùy vị trí huyệt và yêu cầu chữa bệnh mà dùng mồi ngải to, nhỏ khác nhau.

Phương pháp cứu trong đông y

Có hai phương pháp cứu là cứu trực tiếp và cứu gián tiếp.

- Cứu trực tiếp: Đặt mồi ngải trực tiếp lên da vùng huyệt định cứu rồi đốt từ đỉnh mồi ngải. Khi mồi ngải cháy gần hết, bệnh nhân có cảm giác nóng lắm thì thay mồi khác. Tùy bệnh và tùy vị trí các huyệt mà có thể dùng nhiều hay ít mồi ngải. Phương pháp này thích hợp với các bệnh mạn tính, lâu ngày.

Có thể cứu trực tiếp bằng cách đốt cháy điếu ngải rồi hơ lên vùng huyệt.

Cứu gián tiếp: Là đặt mồi ngải lên trên các vị thuốc lót sẵn trên huyệt. Tùy tác dụng mà có thể dùng các vị thuốc lót khác nhau. Thông thường người ta hay lót gừng, tỏi, muối.

Cứu lót gừng: Lấy gừng tươi thái thành lát mỏng 0,5cm, đường kính khoảng bằng 1/2 tấc (1/2 thốn). Dùng kim xăm nhiều lỗ xuyên qua miếng gừng rồi đặt lên huyệt. Sau đó đặt mồi ngải lên trên miếng gừng và đốt cháy từ đỉnh mồi ngải. Khi bệnh nhân cảm giác nóng bỏng mới thay mồi khác. Khi lát gừng cháy khô thì thay lát gừng mới. Cứu lót gừng ứng dụng để chữa các bệnh như nôn mửa, tả lỵ, các khớp xương đau nhức.

Cứu lót tỏi: Thái củ tỏi có kích thước như lát gừng và cũng tiến hành cứu như cứu lót gừng. Cứu lót tỏi để chữa các bệnh như mụn nhọt mới mọc, bị rắn độc cắn, lao phổi...

Cứu lót muối: Thường dùng cho huyệt thần khuyết (tại lỗ rốn). Lấy muối ăn lấp phẳng núm rốn, rồi đặt mồi ngải lên trên muối đốt từ đỉnh mồi ngải. Khi bệnh nhân cảm giác nóng bỏng thì thay mồi ngải khác. Áp dụng để chữa các chứng tay, chân lạnh toát; đau bụng thổ tả; cấp cứu trong các trường hợp dương thoát (tay, chân lạnh, toát mồ hôi, mạch nhỏ, tụt huyết áp...).

Ngoài ra còn có phương pháp kết hợp giữa châm và cứu như sau: châm kim vào huyệt rồi dùng điếu ngải hơ vào đốc kim để nhiệt theo kim truyền vào huyệt vị. Hơ từng huyệt một cho đến khi bệnh nhân có cảm giác nóng lại chuyển qua huyệt khác. Phương pháp này được áp dụng chủ yếu trong các trường hợp dương khí hư; những huyệt vị vùng mặt, các huyệt nằm sát gân, xương không có chỉ định cứu trực tiếp; hàn tà xâm nhập sâu dưới bì phu gây đau nhức, nặng nề vùng bị bệnh.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét