Thứ Tư, 25 tháng 6, 2014

Thế nào là hội chứng nôn ói chu kỳ?

(SKDS) - Hội chứng nôn ói chu kỳ (HCNOCK) có biểu hiện đặc trưng là những giai đoạn buồn nôn và nôn ói nặng kéo dài từ nhiều giờ đến nhiều ngày, xen kẽ với những khoảng thời gian bình thường không triệu chứng. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, có thể gây ra các biến chứng: mất nước và muối, viêm thực quản, nôn ra máu, rách thực quản, dạ dày bị trầy xước, sâu răng.
Đến nay người ta biết đến một số nguyên nhân liên quan đến HCNOCK: ở trẻ em, các yếu tố khởi phát thường gặp là stress cảm xúc và tình trạng kích thích thần kinh trung ương; tình trạng lo âu và các cơn hốt hoảng thường gây khởi phát bệnh ở người lớn; tình trạng nhiễm khuẩn; cảm lạnh, dị ứng, viêm xoang, cúm; một số tác nhân khác như ăn sôcôla, phômai, ăn quá no hoặc ăn ngay trước khi đi ngủ có thể khởi phát bệnh; thời tiết nóng nực, cơ thể kiệt sức, phụ nữ đang hành kinh, người bị say tàu xe...
Thông thường HCNOCK có 4 giai đoạn: Khoảng thời gian không triệu chứng giữa 2 đợt nôn ói. Giai đoạn tiền triệu, báo hiệu một đợt nôn ói sắp xảy ra với các biểu hiện nổi bật là nôn ói, có hoặc không kèm theo đau bụng, kéo dài từ vài phút đến vài giờ, nếu dùng thuốc sớm trong giai đoạn này có thể chặn đứng một đợt nôn ói nhưng nhiều khi bệnh nhân lại không có triệu chứng báo trước mà xảy ra một đợt nôn ói ngay. Giai đoạn nôn ói: bệnh nhân buồn nôn và nôn ói, bệnh nhân thường xanh xao và kiệt sức. Giai đoạn hồi phục, bắt đầu khi chấm dứt buồn nôn và nôn ói, bệnh nhân hồng hào hơn, biết đói và phục hồi lại sức lực.
 Hoạt động bất thường của tế bào não trong hội chứng nôn ói chu kỳ.
Biểu hiện của HCNOCK

Một người bị mắc bệnh này phải có các triệu chứng trong ít nhất 3 tháng, với lần phát bệnh đầu tiên ít nhất 6 tháng trước đó. Giai đoạn nôn ói khởi đầu bằng nôn ói nặng, nhiều lần trong mỗi giờ, kéo dài một tuần. Bệnh nhân không buồn nôn và nôn ói giữa các giai đoạn bệnh, có thể kèm theo đau bụng, tiêu chảy, sốt, chóng mặt và nhạy cảm với ánh sáng trong những đợt nôn ói. Vì nôn ói liên tục nên bệnh nhân có thể bị mất nước và muối. Dấu hiệu mất nước gồm: khát nước, đi tiểu ít, người xanh xao, kiệt sức và rối loạn ý thức. Mỗi đợt nôn ói chu kỳ đều diễn ra tương tự như những đợt trước đó.
 
Các đợt đều có khuynh hướng khởi phát vào cùng thời điểm trong ngày, kéo dài trong cùng khoảng thời gian, với các triệu chứng giống nhau và cùng cường độ. Đợt nôn ói nặng khiến người bệnh phải nằm tại giường trong nhiều ngày, không thể đi học hay làm việc được. 
 
 Ảnh minh họa (nguồn Internet)
Người ta cho rằng có sự liên quan giữa bệnh đau nhức đầu migraine và HCNOCK. Nhức đầu migraine gây đau đầu dữ dội, migraine bụng gây triệu chứng đau dạ dày giống như HCNOCK đều biểu hiện bằng những triệu chứng nặng, khởi phát và thoái lui nhanh xen kẽ với những khoảng cách yên lặng không triệu chứng. Nhiều yếu tố gây khởi phát HCNOCK như stress và tình trạng kích thích cũng gây khởi phát các cơn đau đầu migraine.
 
Một vài nghiên cứu đã cho thấy: trẻ bị HCNOCK thường có tiền sử gia đình về migraine hoặc bản thân chúng sẽ phát triển bệnh migraine khi trưởng thành. Do có nhiều điểm tương đồng giữa migraine và HCNOCK, nên các bác sĩ thường điều trị bệnh nhân HCNOCK nặng bằng các loại thuốc dùng để điều trị các cơn nhức đầu migraine, để phòng ngừa cơn, giảm tần số cơn và giảm cường độ cơn nôn ói.
Nôn ói nặng gây ra các biến chứng: mất nước nhanh chóng, mất cân bằng điện giải, viêm thực quản do chất acid từ dạ dày trào ngược lên khi nôn ói, nôn ra máu do thực quản bị kích thích và xuất huyết gây nôn ra máu, hội chứng Mallory-Weiss rách đoạn cuối thực quản, dạ dày bị trầy xước do nôn ói hay nôn khan quá nhiều, sâu răng do acid trong chất nôn gây sâu răng vì làm hư tổn men răng.
Lưu ý trong điều trị và phòng bệnh
Bệnh nhân cần được nghỉ ngơi, ngủ nhiều và dùng thuốc để dự phòng, ngăn chặn, giảm thiểu các chu kỳ nôn ói. Bệnh nhân cần nằm nghỉ tại giường trong phòng tối và yên tĩnh. Nếu nôn ói nặng cần phải nhập viện để điều trị truyền dịch để bồi phụ nước và điện giải. Dùng các thuốc: an thần, chống nôn và đau bụng như: ondansetron, lorazepam..., thuốc ranitidine, omeprazole... giúp ổn định dạ dày nhờ giảm tiết acid. Trong giai đoạn hồi phục, cũng cần chú ý việc bù nước điện giải cho bệnh nhân. Giai đoạn hồi phục một số bệnh nhân có thể ăn uống bình thường ngay, trong khi một số người khác thì chỉ có thể ăn thức ăn lỏng trước, rồi sau đó mới từ từ ăn được thức ăn đặc.
 Sơ đồ cơ chế gây trầy xước dạ dày và rách đoạn cuối thực quản do nôn ói nhiều trong HCNOCK.
Đối với những bệnh nhân có những đợt nôn ói kéo dài và thường xuyên xảy ra cần được điều trị dự phòng trong khoảng thời gian không triệu chứng để giảm nhẹ các đợt về sau. Các loại thuốc dùng cho chứng đau đầu migraine như propranolol, cyproheptadine, amitriptyline, được dùng trong giai đoạn này hằng ngày, trong 1-2 tháng. Giai đoạn không triệu chứng là thời cơ tốt  để loại trừ những yếu tố được cho là khởi phát cho đợt nôn ói chu kỳ. Chẳng hạn nếu bệnh khởi phát do stress hoặc kích thích thì giai đoạn không triệu chứng phải tìm cách giảm stress và sống yên tĩnh.
Để phòng bệnh, cần tránh hay giảm thiểu các stress trong cuộc sống. Người lớn cần hạn chế sự lo âu và các cơn hốt hoảng. Điều trị tích cực các bệnh nhiễm khuẩn, cảm lạnh, dị ứng, viêm xoang, cúm. Tránh ăn quá no hoặc ăn ngay trước khi đi ngủ. Mùa hè cần có biện pháp chống nóng tốt như dùng quạt điện, máy điều hòa nhiệt độ để hạn chế yếu tố khởi phát bệnh...
 ThS. Bùi Quỳnh Nga

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét