Văn phòng Diện Chẩn Sống Khỏe_ Khu nhà 102 Ngõ 95 Chùa Bộc-Đống Đa-Hà Nội _ ĐT : 0906143408

Hướng dẫn lý thuyết và thực hành cơ bản cho những quí vị thực sự yêu thích Diện Chẩn . Hãy gọi cho chúng tôi để biết lịch .

Tư vấn sức khỏe , chẩn bệnh đưa ra phác đồ miễn phí.

Thứ Năm, 4 tháng 2, 2016

Xử lý vết thương, ngộ độc

Bị côn trùng cắn, đốt
Khi bị côn trùng cắn, đốt có thể gây ra phản ứng cấp tính làm sưng đỏ, ngứa, đau tại vết đốt và kéo dài dai dẳng, thậm chí có nhiều trường hợp bị sốt và hôn mê. Gặp côn trùng có độc tố cao như ong, kiến càng, ruồi trâu… và tùy vào cơ thể mẫn cảm của mỗi người, có thể sẽ gây phản ứng toàn thân như nổi mẩn đỏ khắp người, nôn ói, đau bụng, tiêu chảy, bứt rứt và nặng nhất là sốc phản vệ: khó thở, mạch nhanh, tụt huyết áp, lơ mơ, hôn mê, thậm chí tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Xu ly vet thuong, ngo doc
ThS.BS Nguyễn Thị Phương Lan - Phó khoa Cấp cứu BV Trưng Vương khuyên, khi tiếp xúc với dịch côn trùng hay bị côn trùng đốt, cần rửa sạch vết thương bằng nước sạch hay tốt nhất là nước muối natri clorid 0,9%, tránh chà xát, gãi, vì sẽ kích thích làm phản ứng viêm nặng hơn, lở loét gây nhiễm trùng.
Đặc biệt, với côn trùng có độc tố cao như ong, ruồi trâu, khi bị đốt cần theo dõi chặt chẽ, nếu có dấu hiệu sốt, khó thở, choáng váng, tim đập nhanh, cần đến bệnh viện ngay để được xử lý kịp thời, vì chậm trễ rất dễ bị sốc phản vệ hay suy đa tạng phải lọc máu rất tốn kém và nguy cơ tử vong rất cao.
Viêm kết mạc do dọn dẹp đón tết, phải làm sao?
Khi dọn dẹp nhà cửa, mắt rất dễ bị dị ứng vì tiếp xúc với bụi bẩn, bào tử nấm mốc, lông vũ, lông thú vật… Lúc này, nếu mắt không được rửa sạch đúng cách sẽ dẫn đến bệnh lý viêm kết mạc dị ứng (kết mạc là phần màng mỏng che phủ trước nhãn cầu và mặt trong của các mí mắt). Viêm kết mạc dị ứng còn gây phù nề, co quắp mi, khiến người bệnh sợ ánh sáng, nhìn mờ nhất thời và hay tái phát khi mắt tiếp xúc với những yếu tố nguy cơ.
Xu ly vet thuong, ngo doc
BS Phan Thị Anh Thư - khoa Mắt, BV Đại học Y Dược TPHCM hướng dẫn: “Nếu lỡ bị bụi bay vào mắt và cảm thấy thốn, cộm thì cần rửa tay thật sạch, nhỏ nước muối sinh lý thật nhiều vào mắt để rửa nhanh bụi bẩn; dùng khăn lạnh chườm mát nếu mắt bị ngứa và tiếp tục dùng nước muối sinh lý để rửa mắt cho đến khi cảm thấy dễ chịu trở lại.
Tuy nhiên, nếu mắt bị đỏ, ngứa, sưng kéo dài cả ngày vẫn không bớt thì cần đến cơ sở y tế khám. Tuyệt đối không day, dụi mắt vì không những sẽ cảm thấy ngứa thêm mà còn khiến mắt bị trầy, đau nhức và cộm thốn nhiều hơn, thậm chí dẫn đến viêm kết mạc do vi trùng, hoặc viêm loét giác mạc”.
Để hạn chế dị ứng, cần giữ môi trường sống sạch sẽ, giữ thú cưng tránh xa khỏi giường, ghế đệm; phơi nắng gối, chăn, thú bông thường xuyên; khi dọn dẹp nhà cửa nên mặc áo dài tay, đeo kính bảo hộ, đeo khẩu trang. Lưu ý, khi dọn cây kiểng, sân vườn nên trang bị ủng và găng tay đề phòng tiếp xúc với dịch côn trùng hay bị côn trùng cắn, đốt.
Nghi ngờ ngộ độc phải làm gì?
Những món ăn ngày tết vốn đã quân bình âm dương. Vì vậy, chỉ cần ăn đúng, ăn vừa đủ là đã có thể phòng tránh được những rắc rối cho hệ tiêu hóa. Chẳng hạn, khi ăn bánh chưng, bánh tét luôn nhớ ăn kèm dưa hành, củ kiệu với lượng vừa phải; không chỉ giúp tăng hương vị, loại đồ chua này còn giúp kích thích tiêu hóa và hấp thu tốt hơn.
Tuy nhiên, nếu ăn quá nhiều dưa kiệu thì lại không tốt vì sẽ sinh nhiệt, rối loạn tiêu hóa. Tương tự, món thịt kho hột vịt cũng cần được ăn kèm với giá hẹ muối chua, vừa thanh mát vừa hỗ trợ tiêu hóa. Ngày tết có nhiều thực phẩm sinh nhiệt, vì vậy, cần có nồi canh khổ qua để hạ nhiệt cho cơ thể.
Xu ly vet thuong, ngo doc
BS Nguyễn Thị Sơn, Phó khoa Y học cổ truyền, ĐH Y Dược TPHCM khuyên: “Trong trường hợp bị tiêu chảy nhẹ, có thể uống nước gừng âm ấm giúp cho tiêu hóa tốt hơn và ổn định trở lại, đồng thời uống nhiều nước để bù lượng nước bị mất.
Khi có cảm giác đầy hơi, chướng bụng nên uống nước chanh muối hoặc ăn mứt gừng. Ăn thêm nhiều trái cây như bưởi, thơm để hỗ trợ tiêu hóa các thức ăn chứa nhiều đạm. Tuy nhiên, nếu đã bị nôn ói, tiêu chảy nặng thì cần phải nhập viện để được bù nước và điều trị”.
Hoa mắt, khó thở, chóng mặt, nôn ói, tiêu chảy… là những dấu hiệu cảnh báo bạn đã uống phải loại rượu công nghiệp, cần nhập viện ngay. Những trường hợp bị say rượu ethanol (rượu gạo, rượu nếp) có thể chăm sóc tại nhà, nhưng cơ thể dễ bị mất nước, hạ đường huyết, thậm chí có thể tử vong. Vì vậy, chú ý bổ sung nước cho người say rượu.

Theo lương y Đinh Công Bảy, Hội Dược liệu TPHCM, nước sẽ giúp làm loãng nồng độ rượu trong máu, giúp người say nhanh tỉnh và đỡ mệt hơn. Có thể uống nước trắng hoặc tốt hơn là các loại nước từ rau quả tươi vì cung cấp thêm vitamin và khoáng chất. Tùy vào điều kiện cụ thể, có thể cho người say uống bất kỳ loại nào trong những loại sau: bột sắn dây, nước chanh, nước lá dong, nước rau má, nước vỏ dưa hấu (phần màu trắng), nước đậu xanh còn vỏ, đậu ván (đã rang sơ), ớt xanh…

Khi cho uống nước cần cẩn trọng vì người say dễ bị sặc và nôn ói. Người say sẽ hồi phục sau khi được nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc. Trong trường hợp đã bù nước nhưng vẫn bị nôn ói nhiều, không dứt thì nên nhập viện vì nguy cơ đã bị ngộ độc chứ không say đơn thuần. Để phòng tránh ngộ độc rượu, không nên mua và uống những loại rượu không rõ nguồn gốc; uống chừng mực, vừa phải và uống sau khi đã ăn no.





1 nhận xét: