Thứ Ba, 4 tháng 8, 2015

Cấp cứu người bị rắn độc cắn

Khi gặp người bị rắn độc cắn, người cấp cứu cần động viện bệnh nhân yên tâm, đỡ lo lắng. Không để bệnh nhân tự đi lại nếu vết cắn ở chân, vì vận động vùng bị rắn cắn sẽ làm nọc độc ngấm vào cơ thể nhanh hơn. Tháo các đồ trang sức như nhẫn, vòng ở chi bị rắn cắn. Dùng nẹp bất động chân, tay bị cắn. Giữ vết cắn ở vị trí ngang bằng hoặc thấp hơn vị trí của tim so với mặt đất. Nếu biết chắc là rắn hổ cắn có thể gây liệt thì áp dụng kỹ thuật băng ép bất động. Nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế bằng phương tiện cơ giới. Nếu có điều kiện thì gọi điện đến bệnh viện báo trước để được bác sĩ tư vấn cách cấp cứu bệnh nhân. Đối với vết cắn ở đầu, mặt, cổ cần khẩn cấp vận chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế ngay, vì để lâu nọc độc dễ tác hại đến não  gây nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân. Nếu bệnh nhân khó thở cần hô hấp nhân tạo: hà hơi thổi ngạt.
Cấp cứu người bị rắn độc cắn
 Những việc người cấp cứu không nên làm là: không mất thời gian đi tìm thầy lang, lá thuốc; không để bệnh nhân phải đợi ở nhà vì đến muộn sẽ mất cơ hội cứu chữa tại bệnh viện; không chích rạch vết cắn nếu rắn lục cắn vì có thể gây chảy máu khó cầm ở vết rạch; không làm các biện pháp như: chườm đá, nặn máu vết cắn…bệnh nhân không nên tự đi thẳng lên các bệnh viện tuyến trên vì đường xa, có thể bị nguy hiểm trên đường đi mà không được cứu chữa.
Cách băng ép bất động chân tay khi bị rắn cắn: dùng băng rộng khoảng 5-10 cm, dài vài mét, có thể là băng chun, băng vải, hoặc tự tạo từ khăn, quần áo. Nên tháo đồ trang sức ở chi bị cắn vì dễ gây chèn ép khi vùng đó bị sưng nề. Không cố cởi quần áo vì dễ làm vùng bị cắn cử động, có thể băng đè lên quần áo. Băng từ ngọn chi về gốc chi, quấn băng tương đối chặt nhưng không quá chặt, vẫn còn sờ thấy mạch đập, đủ để luồn một ngón tay qua giữa các nếp băng. Dùng nẹp cố định chi vừa băng.
Nếu vết cắn ở ngón, bàn, cẳng tay: cũng băng ép từ ngón tay về phía nách. Vết cắn ở thân mình: băng ép lên vùng bị cắn nhưng không làm hạn chế cử động thành ngực. Không băng ép khi biết rõ hay nghi là rắn lục cắn, kể cả rắn lục đuôi đỏ.
Trong quá trình vận chuyển bệnh nhân tới bệnh viện, nên để vùng bị cắn thấp hơn vị trí của tim.  Nếu vết cắn ở chân, tay thì có thể để thõng tay hoặc chân.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét