Thứ Sáu, 24 tháng 7, 2015

Ăn uống trong đái tháo đường: chuyện không nhỏ!

Đái tháo đường (ĐTĐ) được xem là một trong những mối đe doạ lớn cho sức khoẻ của thế giới, trong đó có Việt Nam

Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực truyền thông của ngành y tế, người dân vẫn còn không ít quan niệm sai về bệnh này. BS.CK1 nội tiết Nguyễn Thành Thuận, bệnh viện đại học Y dược TPHCM, cho biết.
Thưa bác sĩ, vì sao ĐTĐ là mối đe doạ lớn cho sức khoẻ nhân loại?
Số liệu của tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy tỷ lệ ĐTĐ ngày càng tăng, đặc biệt là ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. 
Theo WHO, đến cuối năm qua có khoảng 380 triệu người trên thế giới mắc ĐTĐ với 90% là bệnh ĐTĐ type 2 và hơn 80% con số này là ở các nước đang phát triển. WHO dự báo từ năm 2005 - 2030 số tử vong vì ĐTĐ sẽ tăng gấp đôi. Từ năm 2012 - 2014, mỗi năm thế giới có 1,5 - 4,9 triệu người tử vong vì ĐTĐ.
Tình hình ở Việt Nam như thế nào?
Chúng ta chưa có được số liệu từ những cuộc điều tra cả nước mà chỉ có số liệu từ những điều tra riêng lẻ. Một điều tra cho thấy năm 2001 tỷ lệ ĐTĐ ở nước ta là 3,1% dân số, mười năm sau (năm 2011), con số này tăng gấp đôi là 6%. Tăng đột biến là do số người béo phì và thừa cân chiếm khoảng 25 - 30% dân số. Điều này liên quan chính đến thói quen ăn uống của người Việt.
Bác sĩ cho rằng ĐTĐ tăng cao do có liên quan đến thói quen ăn uống. Vậy có quan niệm sai nào về dinh dưỡng phải điều chỉnh?
Một quan niệm khá phổ biến trong dân gian là ăn cơm nhiều sẽ dẫn đến ĐTĐ, nhưng điều này không đúng. Cơm không phải là nguyên nhân chính gây ra ĐTĐ, mà chính là việc ăn những thức ăn giàu năng lượng gây béo phì, thừa cân và dẫn đến đề kháng insulin, một cơ chế gây ra ĐTĐ.
Nhưng ngay cả những bệnh nhân ĐTĐ, có lẽ cũng có những quan niệm sai trong ăn uống?
Trước đây người ta quan niệm bệnh nhân ĐTĐ phải chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ (6 - 8 bữa/ngày). Nhưng điều này không còn đúng nữa. Theo khuyến cáo của hiệp hội ĐTĐ Hoa Kỳ và hiệp hội ĐTĐ châu Âu, bệnh nhân ĐTĐ chỉ cần ăn ba bữa chính mỗi ngày. Nếu ba bữa này không cung cấp đủ năng lượng cho bệnh nhân hoạt động, họ có thể ăn thêm 1 - 2 bữa phụ.
Nhu cầu năng lượng mỗi người tuỳ thuộc vào hoạt động thể lực của họ trong ngày. Người có hoạt động thể lực thấp như nhân viên hành chính, chỉ cần 25 - 30 kCal/kg cân nặng/ngày. 
Người hoạt động thể lực trung bình như công nhân, sinh viên cần 30 - 35 kCal/kg cân nặng/ngày. Người hoạt động thể lực nặng như phu khuân vác cần trên 40 kCal/kg cân nặng/ngày.
Có bệnh nhân gặp tôi nói: "Sao tôi ăn ít cơm mà đường huyết vẫn tăng cao?" Kiểm tra mới biết bệnh nhân này ngoài cơm còn dùng thêm những nguồn tinh bột khác như khoai, mì, bún. Ăn nhiều bột đường, đường huyết tăng cao là đúng rồi.
Một quan niệm sai cũng cần bỏ là kiêng khem quá mức. Có bệnh nhân ĐTĐ bỏ gạo bình thường chuyển sang ăn gạo lức để có nhiều chất xơ. Nhưng đây là loại gạo rất khó ăn, ăn một thời gian bệnh nhân sẽ nản và bỏ cuộc. Chỉ cần ăn gạo bình thường và tính toán đủ nhu cầu là tốt rồi.
Tính toán lượng calo trong thức ăn để đong đếm và quy đổi ra khẩu phần ăn thì thật phức tạp. Có phương pháp nào dễ áp dụng cho người bình thường không, thưa bác sĩ?
Vì sự phức tạp này mà các nhà khoa học đã đưa ra một cách đơn giản là nguyên tắc bàn tay. Lượng tinh bột mỗi người cần cho một bữa ăn tương đương với hai nắm đấm bàn tay. Người càng to, nắm đấm càng lớn, như thế thức ăn nạp vào phải càng nhiều. 
Hai nắm đấm bàn tay tinh bột tương đương với một chén cơm (khoảng 200 kCal). Về nhu cầu đạm (thịt, cá), nó tương đương với một lòng bàn tay. 
Với nhu cầu chất béo, nó chỉ tương đương một lóng tay. Nếu sử dụng thịt, cá, trong đó đã có sẵn một lượng chất béo, người ta không cần bổ sung gì cả. Với nhu cầu chất xơ (rau quả), nó cần đến hai bàn tay bợ lên (400g).
Theo Châu Giang - Thế giới tiếp thị


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét