Dị vật đường tiêu hóa là một trong những trường hợp cấp cứu thường gặp.
Trong đó, dị vật ở thực quản chiếm tỷ lệ cao nhất, nếu không phát hiện sớm và chữa trị kịp thời có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Các loại dị vật có thể là kim, tăm xỉa răng, cục pin, hàm răng giả, các vỉ thuốc có cạnh sắc nhọn hay khối thịt to; một số loại nấm to (nấm đông cô…); các loại hạt như hạt nhãn, hạt mít, hạt sa pô chê, hoặc các loại xương động vật như cá, gia cầm, heo…Ngoài ra, còn có một số dị vật khác như muỗng, bàn chải đánh răng, búi tóc, đồng xu.
Vội vàng dễ gây hóc
Dị vật thực quản thường xảy ra do thói quen ăn uống: ăn khối thịt to hoặc nuốt cả cục nấm to; ăn các loại thịt có lẫn với xương, ăn không nhai kỹ, hoặc vừa ăn vừa nói chuyện, đùa giỡn, thói quen ngậm tăm xỉa răng sau ăn. Việc uống thuốc vội vàng, không loại bỏ các vỏ bao thuốc có cạnh sắc nhọn cũng là nguyên nhân gây mắc dị vật thực quản.
Ngoài ra thức ăn dễ bị vướng lại do các tổn thương làm rối loạn vận động thực quản như các khối u tại thực quản. Một số tổn thương ngoài thực quản làm thực quản bị hẹp.
Một số trường hợp khác do trẻ em và bệnh nhân tâm thần tự ý nuốt các dị vật.
Biểu hiện thường gặp
Thông thường sau khi nuốt dị vật, người bệnh có thể có các biểu hiện như nuốt khó, nuốt đau, nuốt vướng, không ăn uống được, có cảm giác vướng ở cổ, ngực, cảm giác đau sau xương ức, đau lan ra sau lưng hay lên vai. Trẻ em có thể hay quấy khóc, không ăn uống được, miệng chảy nhiều nước bọt.
Nếu người bệnh đến bệnh viện quá trễ sau bốn-năm ngày, có thể bị sốt cao, chảy nước bọt, hơi thở hôi, khó thở, ho khạc ra máu, ho đàm mủ, viêm tấy vùng cổ, tiêu phân đen. Bệnh nhân có thể tử vong nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Các biểu hiện có thể khác nhau tùy theo loại dị vật gây tổn thương thực quản; hình dạng, kích thước dị vật, độ tuổi, thời gian nuốt dị vật, vị trí dị vật bị vướng.
Biến chứng khó lường
Đối với những trường hợp người bệnh đến khám trễ (một-hai ngày sau khi nuốt dị vật), có thể xảy ra các biến chứng như: loét thực quản, xuất huyết tiêu hóa trên với triệu chứng ói ra máu hay tiêu phân đen (trường hợp dị vật là cục thịt to hoặc có tính ăn mòn).
Những dị vật sắc nhọn có thể làm tổn thương niêm mạc thực quản gây viêm loét thực quản, xuất huyết tiêu hóa hay tổn thương xuyên thành thực quản; nghiêm trọng hơn, có thể đưa đến các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng người bệnh như: viêm thực quản lan tỏa, viêm quanh thực quản cổ, áp xe vùng cổ, thủng thực quản, viêm trung thất, áp xe trung thất, viêm mủ màng phổi, sốc nhiễm trùng-nhiễm độc.
Khi dị vật đâm thủng các mạch máu lớn trong lồng ngực, quá trình viêm lan tỏa làm hoại tử các mạch máu lớn dẫn đến xuất huyết trầm trọng và tử vong nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Phòng bệnh
Để tránh những biến chứng do dị vật thực quản, cần:
- Thay đổi thói quen ăn uống: nhai kỹ khi ăn, không nên vừa ăn vừa nói chuyện hay đùa giỡn. Các loại thịt có xương nên lọc bỏ xương, các loại cá nên loại bỏ xương cẩn thận. Người già và trẻ em nên dùng loại thức ăn mềm, không xương, tránh các loại hạt to hay có cạnh sắc nhọn. Không nên có thói quen ngậm tăm xỉa răng sau khi ăn, tốt nhất nên dùng chỉ nha khoa thay tăm.
- Thận trọng loại bỏ các vỏ bao thuốc khi uống đặc biệt là vỏ bao thuốc có cạnh sắc nhọn.
- Phụ huynh chăm sóc trẻ cẩn thận, không để cho trẻ ngậm bất cứ vật gì, chuẩn bị kỹ thức ăn cho trẻ, tập cho trẻ có thói quen ăn chậm nhai kỹ.
- Khi người bệnh biết mình bị mắc dị vật, không nên chữa bằng thuốc Nam hay mẹo vặt vì không những không khỏi mà còn làm chậm quá trình chẩn đoán và can thiệp điều trị, đưa đến những biến chứng nguy hiểm. Người bệnh nên đến các trung tâm y tế hay các bệnh viện để khám càng sớm càng tốt.
Theo ThS.BS Đào Hữu Ngôi - BV An Bình
Phụ nữ TPHCM
Phụ nữ TPHCM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét