Thứ Năm, 2 tháng 4, 2015

Coi chừng u lành "trở mặt"

Lành hóa dữ
Cách đây ba năm, khám bệnh tại BV Từ Dũ, phát hiện khối u buồng trứng (UNBT) bên trái, nhưng chị L.T.Q.H. không tích cực điều trị. Mới đây, bị đau bụng dữ dội, chị H. mới chấp nhận phẫu thuật. Khối UNBT to (96x68x100mm), phẫu thuật cắt khối u quá trễ, chị mất cơ hội làm mẹ dù mới ở tuổi 25.
Thực tế, UNBT đa phần là u lành, chỉ một số trường hợp UNBT ác tính. U nang cơ năng có thể tự khỏi và biến mất trong vòng ba tháng. Vì vậy, nếu phát hiện bị UNBT cơ năng, chỉ cần theo dõi theo chỉ định của bác sĩ (BS). 
Sau ba tháng theo dõi, nếu u vẫn còn tồn tại hoặc lớn lên, BS sẽ chỉ định phẫu thuật. Một số trường hợp, trong lần đầu tiên phát hiện, nếu BS chuyên khoa phụ sản thấy UNBT không phải là "u nang chức năng" mà là "u thực thể", thì sẽ chỉ định phẫu thuật.
Tùy thuộc vào đặc tính của khối u, tuổi và số con của bệnh nhân (BN), BS sẽ cân nhắc thời điểm cũng như phương pháp phẫu thuật. Đặc biệt, một số trường hợp khi u quá to, hoặc UNBT có biến chứng như xoắn hoặc vỡ gây đau bụng nhiều... BN cần được phẫu thuật khẩn cấp. Sau phẫu thuật cần sinh thiết khối u để biết chắc chắn đó là u lành hay ác tính.
BS Lưu Thị Thanh Loan, BV Từ Dũ cho biết: "UNBT là bệnh khá thường gặp. Rất nhiều trường hợp, BN tự đi siêu âm tình cờ phát hiện "nang chức năng buồng trứng", cứ nghĩ đó là "u buồng trứng" và đâm ra lo lắng quá mức. Thực tế, "nang chức năng buồng trứng" là những nang sau khi hoàn thành chức năng, sẽ tự tiêu… BN cần đi khám chuyên khoa phụ sản để có tư vấn và theo dõi thích hợp".
Cần theo dõi định kỳ
Là loại u lành nhưng trở thành mối lo đối với thai phụ. Chị P.N., mang thai 26 tuần, bị u xơ ở mặt trước bên phải tử cung, chia sẻ: "Tôi thường bị đau bụng, khi sờ ở bụng thấy có u như quả cam. BS cảnh báo nguy hiểm, phải cẩn thận theo dõi". Thai phụ C.T. bị u xơ đoạn eo tử cung lo lắng: "Mình có thai được 25 tuần, phát hiện u 60x70mm, nằm ở đoạn eo tử cung. BS bảo chắc chắn phải mổ u chặn "đường ra" của em bé".
U xơ tử cung (UXTC) cũng là loại u thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Phần lớn UXTC là lành tính, rất hiếm trường hợp ác tính. Sau khi phụ nữ mãn kinh, UXTC thường tự "teo" đi. Tuy là loại u lành nhưng UXTC cũng có thể gây một số biến chứng như ra kinh nhiều và kéo dài, đau bụng khi hành kinh, vô sinh, sẩy thai, sinh non… Dù vậy, có không ít trường hợp, người bệnh bị UXTC mang thai vẫn có thể sinh em bé khỏe mạnh.
Theo các BS, thai phụ bị UXTC cần được theo dõi định kỳ để có thể xử trí kịp thời các biến chứng. Ngoài các u lành ảnh hưởng trực tiếp đến sinh nở nêu trên, còn có những u lành cần theo dõi thường xuyên như: bướu cổ, polyp mũi, dạ dày, polyp túi mật, u nang tuyến vú… Qua theo dõi định kỳ, BS sẽ có hướng giải quyết khi chúng bỗng nhiên "thay lòng đổi dạ".
GS Nguyễn Chấn Hùng - Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam khuyên, không nên chủ quan, coi thường khối u, nhưng cũng đừng quá lo sợ. U lành có rất nhiều loại, tùy theo tình trạng u, BS sẽ cân nhắc và đưa ra hướng điều trị thích hợp. BN cần tuân thủ chỉ định của BS.
Theo Phương Nam - Phụ nữ TPHCM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét