Ung thư trực tràng chiếm 25% các bệnh ung thư đường tiêu hóa, thường gặp ở bệnh nhân nam có tuổi, thường là loại ung thư tuyến (ung thư liên kết hiếm hơn), bệnh diễn tiến âm thầm. Hầu hết là ung thư nguyên phát trên nền niêm mạc bình thường, có thể là polyp trực tràng ung thư hóa, viêm loét trực tràng mãn tính…
Ung thư trực tràng sẽ phát triển theo khẩu kính trực tràng và theo chiều sâu (vào lớp dưới niêm mạc, lớp cơ, thành trực tràng, cơ quan lân cận…). Triệu chứng thường nghèo nàn, ở giai đoạn sớm thường không có triệu chứng gì. Đôi khi có một số bất thường nhưng thường ít ai để ý đến như: đi phân có vướng tí máu, tiêu chảy thoáng qua, thay đổi thói quen đi cầu và một số bệnh nhân cảm giác đầy đầy ở hậu môn trực tràng. Khi bệnh khởi phát thì sẽ có triệu chứng thiếu máu (da xanh, gầy sút), táo bón xen lẫn tiêu chảy, phân thay đổi hình dạng (dẹt, nhỏ) và khi khối u lớn sẽ có suy kiệt, thiếu máu nặng, tiêu phân máu thường xuyên hơn, có thể có viêm tắc tĩnh mạch chi dưới…
Thăm khám trực tràng, bác sĩ sẽ phát hiện khối u ở bóng trực tràng (cứng, sần sùi, dễ chảy máu), khối u có thể ăn hết khẩu kính trực tràng, có thể dính vào tổ chức xung quanh… soi trực tràng sẽ có thể thấy khối u dạng sùi như bắp cải trên nền cứng hoặc có loét với bờ nham nhở. Xét nghiệm vi thể (lấy mẫu mô bệnh làm tế bào học) sẽ gặp các dạng: ung thư biểu mô tuyến, biểu mô nhày hay sarcom trực tràng.
Về mặt điều trị nhất thiết phải phẫu thuật cắt bỏ khối u nếu điều kiện cho phép sau đó kết hợp với xạ trị và hóa trị. Còn ung thư hậu môn là một bệnh ít gặp nhưng nếu có bệnh thì dễ phát hiện, bệnh này hay gặp ở nữ nhiều hơn nam. Một số tổn thương ở hậu môn - trực tràng có thể tăng nguy cơ cho ung thư: rò hậu môn, sa trực tràng. Ung thư hậu môn thường di căn theo đường máu và đường bạch mạch huyết đi ra lân cận hay đi xa.
Bs.CkII. Đặng Minh Trí
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét