Từ khi đưa vào ứng dụng công nghệ phẫu thuật nội soi nhi khoa bằng robot, đã có 54 bệnh nhi tại Bệnh viện Nhi Trung ương được cứu sống bằng kỹ thuật hiện đại nhất hiện nay. Thành tựu này đã đánh dấu một bước phát triển vượt bậc của ngành phẫu thuật nhi khoa Việt Nam nói riêng và nền y học Việt Nam nói chung. Bệnh viện Nhi Trung ương là đơn vị đầu tiên trong cả nước và khu vực Ðông Nam Á áp dụng thành công kỹ thuật này.
Robot có các khớp di động linh hoạt giúp cho việc thực hiện động tác khâu nối dễ dàng hơn rất nhiều.
Nội soi bằng robot
Ngày 27/2/2014, robot đã thực hiện thành công ca phẫu thuật cho bé Nguyễn Trà My (4 tuổi, ở Nam Định) bị bệnh u nang ống mật chủ. Đây là bệnh rất nguy hiểm, nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến xơ gan, ung thư gan. Ngoài ra, khi mật bị giãn quá mức sẽ gây thủng dẫn đến viêm phúc mạc và chảy máu đường mật gây viêm loét các mạch máu trong ống mật, đe dọa tính mạng người mắc bệnh. Kíp mổ do TS.BS. Phạm Duy Hiền, Phó trưởng Khoa Ngoại cùng tập thể y, bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương thực hiện. Chỉ trong 3 giờ, ca mổ đã thành công, 2 ngày sau mổ, bệnh nhi đã xuất viện. Anh Nguyễn Văn Đồng, bố của bé Trà My cho biết: “Gia đình chúng tôi may mắn được các bác phẫu thuật viên mổ cho bằng kỹ thuật hiện đại nhất, sau 2 ngày tôi thấy con tiến triển tốt, tôi mong muốn sẽ có thêm nhiều bệnh nhân được mổ bằng robot”.
Một bệnh nhi nhỏ tuổi hơn bị u nang ống mật chủ cũng đã được các bác sĩ tại Khoa A6, Bệnh viện Nhi Trung ương thực hiện thành công bằng kỹ thuật này. Đó là trường hợp cháu Lê Tường Vy, 2 tuổi, ở xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội. Vy bị u nang ống mật chủ cũng đã được phẫu thuật nội soi cắt bỏ nang trong ống mật bằng robot. Thực hiện ca phẫu thuật cho bé Vy gồm TS.BS. Phạm Duy Hiền và 2 bác sĩ gây mê, 2 bác sĩ phụ mổ.
BS. Hiền cho biết, bệnh nhi được chẩn đoán bị u nang ống mật chủ, tiền sử bị đau bụng, sốt và vàng da, bắt buộc điều trị theo phương pháp ngoại khoa cắt bỏ nang ống mật chủ đầu trên sát với ống gan chung, đầu dưới sát với ống mật tụy chung “Đây là ca mổ rất phức tạp phải tách gan ra khỏi động mạch nang và tách ra khỏi tĩnh mạch cửa là những bộ phận nguy hiểm, không cẩn thận có thể gây chảy máu. Sau đó, chúng tôi sẽ phải nối lưu thông mạch ruột lại. Phẫu thuật nội soi luôn là thách thức lớn đối với những phẫu thuật viên ngoại khoa nói chung và phẫu thuật viên nhi khoa nói riêng. Nhờ robot nên việc thực hiện ca mổ rất dễ dàng và nhẹ nhàng” - BS. Hiền nói.
Ca mổ cho bé Vy cũng kéo dài hơn 3 tiếng và đã thành công. Nghe thì có vẻ đơn giản nhưng để điều khiển robot thực hiện chính xác những đường cắt nhỏ trên bệnh nhi hoàn toàn không phải việc dễ dàng.
Ngoài bệnh lý ống mật chủ, bệnh viện cũng đã thực hiện phẫu thuật nội soi bằng robot cho nhiều bệnh nhi bị các bệnh lý phức tạp khác. Như trường hợp bé Nguyễn Gia Bảo, 1 tuổi, ở Lạng Sơn, trước khi đến viện có triệu chứng chậm đại tiện phân su, táo bón xen kẽ với đi ngoài phân lỏng từng đợt. Bé được đưa vào viện chụp khung đại tràng, được bác sĩ kết luận bị phình đại tràng bẩm sinh, đại tràng xích ma giãn to và được chỉ định phẫu thuật nội soi bằng robot.
Trường hợp bé Lương Nhật Long, 23 tháng tuổi, ở Lâm Thao (Phú Thọ) cũng bị phình đại trực tràng bẩm sinh (đoạn cuối của đại trực tràng không có hạch thần kinh nên không co bóp được, phân ứ ở trên, cháu bé không đi ngoài được, táo bón). Sau 1 thời gian dài điều trị, bé được các bác sĩ chỉ định phẫu thuật nội soi có sử dụng robot. Nguyên tắc của cuộc mổ là cắt hết đoạn đại trực tràng vô hạch, đại tràng giãn và nối đại tràng lành với ống hậu môn. Trường hợp này BV đã sử dụng ống robot DaVinci thế hệ thứ tư (mới nhất bây giờ) mà BV Nhi đã được trang bị.
Chị Nguyễn Thị Thu Hiền, ở Thái Bình, có con gái 17 tháng tuổi bị loạn sản thận được phẫu thuật nội soi có sự hỗ trợ của robot ngày 24/2/2014 cho biết: “Lúc đầu tôi rất lo lắng, tâm trạng của người mẹ ai cũng mong muốn con cái được sử dụng công nghệ tốt nhất. Vì còn quá mới nên mình cũng lo lắng nhưng vẫn gửi gắm niềm tin vào công nghệ mới. Sau quá trình mổ thì sức khỏe con tôi tiến triển nhanh. Đến giờ tôi khá tin tưởng vào công nghệ này”.
PGS.TS. Lê Thanh Hải, Giám đốc bệnh viện cho biết, tính đến thời điểm này đã có hơn 50 trường hợp được phẫu thuật nội soi bằng robot và không có ca nào bị nhiễm khuẩn hay biến chứng. Với tỉ lệ thành công cao, kỹ thuật hiện đại này thực sự không chỉ “nối dài” cánh tay của người thầy thuốc trong lĩnh vực chuyên môn mà còn giúp họ chạm tới lòng tin của gia đình người bệnh. Việc đưa công nghệ phẫu thuật nội soi bằng robot vào ứng dụng tại Bệnh viện Nhi Trung ương đã tạo điều kiện cho các cháu được thụ hưởng những thành tựu trong y học hiện đại mà không phải ra nước ngoài.
Các chuyên gia phẫu thuật trong điều kiện hoàn toàn vô trùng và có độ an toàn cùng xác suất thành công rất cao.
Phẫu thuật được nhiều loại bệnh
Theo TS. Phạm Duy Hiền, phần lớn những ca phẫu thuật nội soi làm được thì phẫu thuật nội soi bằng robot cũng làm được, cụ thể khi nào trong cơ thể có các khoang bơm khí được, có đủ dụng cụ vào được thì làm được như phẫu thuật nội soi ổ bụng (bệnh lý đường mật như nang ống mật chủ, teo mật; hoặc bệnh lý đại tràng như phình đại tràng bẩm sinh; bệnh lý dạ dày như trào ngược dạ dày - thực quản...). Tất cả những bệnh lý, khối u trong ổ bụng, lồng ngực, chỉ cần bơm khí vào được, đưa được dụng cụ vào thì có thể phẫu thuật được bằng robot. Hệ thống phẫu thuật robot này có nhiều ưu điểm so với phẫu thuật nội soi quy ước với tầm nhìn 3D nhìn rất rõ các cấu trúc giải phẫu cũng như các mạch máu, do vậy thao tác phẫu thuật rất chính xác. Thêm vào đó, cổ tay của robot có thể hoạt động được 540 độ, với góc phẫu thuật như vậy thì không cổ tay con người nào có thể đạt tới, do vậy có thể luồn lách vào những phẫu trường nhỏ hẹp và ít sang chấn. Vì vậy, bệnh nhân đỡ đau sau mổ, giảm chảy máu, an toàn. Tư thế ngồi của phẫu thuật viên điều khiển robot phẫu thuật cũng rất thoải mái.
Phẫu thuật nội soi bằng robot là một ứng dụng của nhiều ngành khoa học kỹ thuật cơ bản: máy quay camera cực nhỏ dựng hình không gian 3 chiều, tự động hóa với robot điều khiển từ xa và phẫu thuật nội soi kinh điển trình độ cao đã cung cấp cho y học một công cụ hiện đại đặc biệt hữu ích với sự xâm hại tối thiểu và lợi ích tối đa cho người bệnh, giảm đáng kể sức lực cho phẫu thuật viên.
TS. Bùi Đức Hậu, Trưởng khoa Ngoại cho biết: Từ khi thành lập Trung tâm Phẫu thuật nội soi và Ứng dụng robot đến nay, các phẫu thuật viên đã tương đối thành thạo về kỹ thuật, làm chủ được kỹ thuật, tiến hành thuận lợi được nhiều bệnh và trên bệnh nhi nhỏ nhất chỉ 5kg là hai ca teo mật và dị tật hậu môn trực tràng, đều là những ca khó, mặc dù có thể tiến hành nội soi thông thường nhưng với phẫu thuật nội soi bằng robot cũng rất thành công.
TS.BS. Phạm Duy Hiền cho biết, ban đầu, công nghệ phẫu thuật nội soi bằng robot được ứng dụng phẫu thuật cho người lớn ở Mỹ vào những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước. Từng bước được cải tiến, đầu năm 2000, phẫu thuật bằng robot được ứng dụng cho các bệnh nhân nhỏ tuổi. Ðến nay, robot phẫu thuật đã phát triển đến thế hệ thứ tư với bốn cánh tay thao tác, đầu camera thông minh và góc phẫu thuật rộng (trên hình ảnh 3D). Hiện nay, phẫu thuật nội soi robot đã trở thành phổ biến ở các trung tâm phẫu thuật lớn ở châu Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc để điều trị cho nhiều loại bệnh như cắt khối u tiền liệt tuyến, cắt dạ dày, cắt gan, phổi, cắt u trung thất, u tử cung... ban đầu phẫu thuật này chỉ được thực hiện ở người lớn vì dụng cụ quá lớn nên không thực hiện được ở trẻ em. Tuy nhiên dần dần dụng cụ đã được hoàn thiện, cải tiến nhỏ đi và hiện nay đã thực hiện được ở các bệnh nhi.
Theo PGS.TS. Lê Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư, do chủ động cử các bác sĩ đi đào tạo ở nước ngoài trong việc sử dụng robot để phẫu thuật nên khi được trang bị các thiết bị hiện đại là các phẫu thuật viên có thể sử dụng được ngay. Hệ thống robot phẫu thuật này có thể thực hiện ở khá nhiều mặt bệnh như u nang ống mật chủ, phình đại tràng bẩm sinh, teo đường mật, thận - tiết niệu, sản phụ khoa, chỉnh sửa van tim... cho cả trẻ em và người lớn. Do khả năng kết nối với máy tính của thiết bị robot, vì vậy có thể thực hiện phẫu thuật từ xa mà phẫu thuật viên không phải trực tiếp có mặt tại “hiện trường”. Ðiều này mở ra khả năng ứng dụng lớn (khi có điều kiện tài chính) trong phẫu thuật điều trị cho các trường hợp có nhu cầu ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, hay một khu vực bị thảm họa thiên tai....
Theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi năm ở nước ta có hàng chục nghìn trường hợp bị u nang ống mật chủ, teo đường mật bẩm sinh, thận ứ nước, các bệnh lý về tiêu hóa, tiết niệu... Việc đưa công nghệ phẫu thuật nội soi bằng robot vào ứng dụng nhằm điều trị các chứng bệnh hiểm nghèo cho trẻ em, là cơ hội tạo điều kiện cho các cháu được thụ hưởng những thành tựu khoa học trong y học hiện đại. Tuy nhiên, do thiết bị này còn hiếm lại đắt tiền, giá thành một ca phẫu thuật bằng robot tại Bệnh viện Nhi TW từ 50 đến 80 triệu đồng (ở nước ngoài khoảng 200 triệu đồng), trong khi phần lớn bệnh nhi ở địa bàn nông thôn, miền núi và gặp hoàn cảnh khó khăn. Bởi vậy, Nhà nước cần có chính sách bảo hiểm y tế phù hợp cho các đối tượng điều trị bằng phương pháp phẫu thuật bằng robot để số trường hợp được tiếp cận dịch vụ kỹ thuật cao này ngày càng nhiều hơn.
Nguyễn Hoài An
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét