Thứ Năm, 26 tháng 3, 2015

Chăm sóc sức khỏe tâm thần cho con em thế nào?

Nghiên cứu của Bệnh viện Tâm thần Hà Nội và một số nghiên cứu khác, tỷ lệ trẻ em và vị thành niên có vấn đề về sức khỏe tâm thần chiếm khoảng 15-17% số học sinh.
Sự cần thiết chăm sóc sức khỏe tâm thần học đường
Theo WHO, sức khỏe tâm thần là một trạng thái không chỉ không có rối loạn hay dị tật tâm thần mà còn là một trạng thái tâm thần hoàn toàn thoải mái, cân bằng về cảm xúc, hòa hợp các mối quan hệ gia đình, xã hội; có cảm xúc, hành vi và ứng xử phù hợp với nhu cầu của xã hội.
Chăm sóc sức khỏe tâm thần cho con em thế nào?
Các hoạt động tập thể giúp các em có một trạng thái sức khỏe tâm thần tốt hơn.
Trường học là nơi dạy dỗ, giáo dục trẻ em. Ngoài việc được học tập văn hóa còn là cơ hội để trẻ học cách kết bạn, tham gia các môn thể thao, tham gia các hoạt động nhóm, được khen thưởng khi làm tốt. Hầu hết trẻ em đều thích ứng tốt với môi trường học đường. Tuy nhiên, một số em gặp khó khăn lúc ban đầu, một số em tuy ban đầu tốt đẹp, song về sau lại nảy sinh vấn đề. Chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần học đường sẽ làm hai điều quan trọng:
- Xác định và hỗ trợ các em gặp khó khăn khi tới trường, trong học tập hay khi tham gia hoạt động xã hội ở trường;
- Đảm bảo môi trường trường học an toàn và hỗ trợ cho trẻ học tập và phát triển.
Bài này đề cập cụ thể đến các vấn đề sức khỏe tâm thần học đường dành cho lứa tuổi tiểu học và trung học cơ sở (cụ thể về chăm sóc sức khỏe tâm thần vị thành niên).
Ở một số nơi, cán bộ y tế thực hiện chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần tại trường học một cách khá đều đặn. Nhân rộng cách làm - đó là phương pháp tốt nhất để tăng cường chăm sóc sức khỏe tâm thần học đường. Cộng tác với các giáo viên là điều quan trọng vì hầu hết can thiệp đối với học sinh đều do giáo viên thực hiện. Giáo viên cũng là người đầu tiên có thể cho các nhà chuyên môn biết em nào đang gặp khó khăn hoặc có thể có vấn đề trục trặc.
Làm gì để chăm sóc sức khỏe tâm thần tại trường học?
Để tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần trong trường học, các nhà chuyên môn cần đến trường thường xuyên, khoảng 1 tháng/lần, vào một ngày cố định. Khi đó, giáo viên sẽ gửi các em học sinh mà họ cho rằng cần được quan tâm tới các nhà chuyên môn để đánh giá. Giáo dục cho các em về nhu cầu kiểm tra thị lực và thính lực nếu các em gặp phải vấn đề này. Những khó khăn chủ yếu ở những năm tiểu học và trung học cơ sở là các hành vi trong lớp học và các vấn đề liên quan đến học tập. Hãy hỏi giáo viên xem có trẻ nào gặp khó khăn không, ví dụ như: nhận thức hạn chế, vấn đề cảm xúc, vấn đề ứng xử, vấn đề tăng động… Có 2 vấn đề chúng ta cần quan tâm khi muốn xây dựng một môi trường lành mạnh cho sự phát triển sức khỏe tâm thần của học sinh, đó là: học sinh bắt nạt nhau và xây dựng lòng tự tin cho các em.
Bắt nạt là sự gây hấn của một nhóm học sinh này với các em khác. Nó bao gồm mức nhẹ như trêu chọc, tới mức nặng là đánh đập. Thường thì học sinh lớp lớn hơn là người đi bắt nạt, còn các em bé hơn là nạn nhân. Những em hay xấu hổ và ít đánh trả thường là mục tiêu bị bắt nạt. Các em bị tật như nói lắp cũng hay trở thành mục tiêu. Trẻ bị bắt nạt thường ít nói, thiếu tự tin và có ít bạn bè. Một số em thậm chí đã cố tự tử. Một trường học mà hay xảy ra hiện tượng học sinh bắt nạt nhau thường sẽ tồn tại thêm nhiều vấn đề khác. Giải quyết vấn đề bắt nạt không chỉ giúp cho các em học sinh mà còn cải thiện toàn bộ hệ thống trong trường học đó. Chiến lược chủ đạo để ngăn chặn là yêu cầu trường đặt ra quy định cho vấn đề này. Nên khuyến khích học sinh chia sẻ kinh nghiệm khi bị bắt nạt và đưa ra các biện pháp cứng rắn đối với những em vẫn tiếp tục bắt nạt bạn khi đã được cảnh cáo. Khi một học sinh cho biết mình bị bắt nạt, em đó cần được chú ý và việc quy cho các em đó “yếu kém” là sai lầm. Các em chuyên đi bắt nạt bạn cũng không hẳn là những đứa trẻ hạnh phúc, nên thực hiện tư vấn trước khi đe dọa dùng biện pháp mạnh.
Xây dựng lòng tự tin: nên khuyến khích giáo viên lồng ghép hoạt động xây dựng lòng tự tin cho học sinh vào chương trình học. Các nhà chuyên môn có thể đóng vai trò quan trọng bằng cách thông báo cho giáo viên biết hoạt động này mang lại lợi ích như thế nào với sức khỏe tâm thần của học sinh. Từ đó sẽ cải thiện kết quả học tập và giảm đi các vấn đề về hành vi của học sinh cũng như mâu thuẫn trong lớp học. Những hoạt động này cũng có thể áp dụng với những trẻ đã từng bị lạm dụng hoặc trẻ bỏ học.
- Xây dựng sự tự tin cho trẻ: “Hãy cảm thấy tốt hơn về bản thân”.
Xây dựng cảm giác an toàn: Trẻ em cần cảm giác an toàn và biết mọi người mong đợi từ chúng. Để củng cố điều đó, cần: có quy định và giới hạn rõ ràng cho các hành vi trong lớp học, ví dụ cần phải giơ tay xin phát biểu, khi có người nói thì cần có người lắng nghe, giữ lịch sự, đảm bảo tất cả học sinh đều cảm thấy mình là thành viên và được hỗ trợ trong lớp học; Thảo luận về các quy định và những lợi ích khi thực hiện chúng; Treo bảng quy định ở chỗ dễ nhìn trong lớp và thực hiện như đã định; Đảm bảo không xảy ra hiện tượng học sinh bắt nạt nhau trong lớp.
Xây dựng ý thức về bản thân: Điều này có nghĩa là trẻ nhận biết được điểm mạnh và điểm yếu của mình, trẻ cảm nhận được sự khác biệt của bản thân mình. Để xây dựng được cảm nhận về bản thân của trẻ, cần: Khuyến khích các hoạt động “mọi thứ là về bản thân tôi” (tranh, ảnh, tường thuật) để giúp trẻ tự khám phá bản thân; Giao bài tập về nhà những dạng bài mà trẻ cần phải tương tác với các thành viên khác trong gia đình. Ngoài ra, cần giáo dục trẻ có ý thức về tập thể và sống có mục đích.

BSCC. Lý Trần Tình (Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hà Nội)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét