Thứ Hai, 2 tháng 3, 2015

Các vật dụng trong nhà có nguy cơ gây ung thư như thế nào?

Trên thị trường hiện nay có rất nhiều sản phẩm thông dụng trong gia đình mà trên nhãn của nó có ghi các thành phần được chứng minh có nguy cơ gây ung thư ở người.

Nhưng không phải người tiêu dùng nào cũng biết được mối nguy tiềm ẩn này.

Những sản phẩm đã được cấp phép lưu hành không phải sản phẩm nào cũng an toàn. Trong thành phần của nó ít nhiều đều có những hoạt chất mà người sản xuất bắt buộc phải sử dụng để kéo dài tuổi thọ của sản phẩm hoặc tăng tác dụng của sản phẩm.
Một nghiên cứu tại Mỹ đã cho thấy một con số đáng báo động, cứ 70 bé gái sử dụng phấn rôm có 1 em sẽ bị ung thư buồng trứng
Nhưng chính những thành phần này đang “đầu độc” người tiêu dùng hàng ngày, hàng giờ. Dưới đây là các sản phẩm thông dụng nhất trong gia đình có thể chứa các nguy cơ gây ung thư.
Phấn rôm trẻ em
Thành phần chính sản xuất ra phấn rôm trẻ em là bột talcum. Bột talcum hay còn gọi là bột talc, có mặt trong hầu hết các loại phấn trang điểm và các dòng mỹ phẩm khác.

Đây là một loại khoáng chất có nguồn gốc từ magnesium silicate, mềm mịn, không tan trong nước, kháng axít, chịu nhiệt.... được sử dụng trong rất nhiều các sản phẩm trang điểm như phấn nén, phấn mắt, má, sáp khử mùi, kem dưỡng da.... Bột latc đã được chứng minh không tốt cho sức khỏe, có thể gây ung thư buồng trứng, gây kích thích đường hô hấp...

Một nghiên cứu tại Mỹ đã cho thấy một con số đáng báo động, cứ 70 bé gái sử dụng phấn rôm có 1 em sẽ bị ung thư buồng trứng, việc sử dụng phấn rôm liên tục trong thời gian dài làm tăng nguy cơ mắc ung thư buồng trứng lên gấp 4 lần so với trẻ không dùng.

Nghiên cứu cho biết do hạt phấn rôm rất nhỏ, có thể xâm nhập vào bộ phận sinh dục của các bé gái. Thậm chí ở nhiều quốc gia còn khuyến cáo các bậc cha mẹ không nên thoa phấn rôm vào phần bụng dưới của các bé gái.
Phấn trang điểm
Phấn trang điểm ngoài thành phần bột latc nguy hiểm kể trên, chúng còn chứa một số thành phần như triethanolamine (TEA), đây là chất hóa học triết xuất từ amoniac, có tác dụng tẩy rửa, khi tương tác với nitrit- chất thường được sử dụng trong các sản phẩm chế biến sẵn sẽ tạo thành nitrosamine gây ung thư, chất này còn kích thích màng nhầy, gây kích ứng da.

Chất lanolin được lấy từ lớp bã nhờn giữa da và lông cừu, nó được sử dụng trong các loại phấn khiến cho khi trang điểm da trông mềm, mịn, láng bóng, tăng cường độ ẩm cho da. Tuy nhiên trong quá trình chiết xuất, loại hợp chất này có thể không loại bỏ được hoàn toàn thuốc trừ sâu độc hại còn tồn dư trong quá trình chăn nuôi cừu. Đây là mầm mống gây ung thư ở người sử dụng.
Kem đánh răng
Hầu hết kem đánh răng trên thị trường đều có chứa fluoride có tác dụng chống sâu răng. Nhưng hãy thử tưởng tượng, một hóa chất chống lại các vi khuẩn tự nhiên tất sẽ gây độc cho con người.
Trẻ em nên sử dụng kem đánh răng không có floride.
Viện nghiên cứu ung thư quốc gia Mỹ đã chỉ ra mối liên hệ khi sử dụng các sản phẩm có chứa fluoride với căn bệnh ung thư , chất này còn có khả năng tích lũy gây độc tính ở người. Trong một số kem đánh răng còn có saccharin- gây ung thư bàng quang. Tuy nhiên nó sẽ gây độc nếu sử dụng một số lượng lớn.

Các chuyên gia nha khoa đã đưa ra khuyến cáo không nên sử dụng quá 3,4 mg kem đánh răng mỗi ngày cho người lớn, và 1,9 mg đến 2,1 mg đối với trẻ từ 7-15 tuổi. Trẻ em nên sử dụng kem đánh răng không có floride.
Dầu xả
Trong dầu xả có chứa nhiều chất độc thần kinh, gây viêm da tiếp xúc, mẫn cảm, thậm chí là ung thư như chất formaldehyde, polysorbate, fragrance. Ví dụ như formaldehyde được sử dụng như một chất bảo quản và khử trùng trong hóa mỹ phẩm.

Fragrance được biết đến như một chất tạo mùi tổng hợp, nó gây độc với da, tăng khả năng lão hóa, kích thích hệ thần kinh, gây rối loạn nội tiết. Nó được sử dụng rất nhiều trong các loại mỹ phẩm như dầu gội, dầu xả, các sản phẩm có mùi hương. Tất cả các chất này có khả năng gây ung thư máu, phổi, bạch cầu, gây độc cho gan.
Thuốc nhuộm tóc
Không loại hóa mỹ phẩm nào nhiều thành phần độc hại như thuốc nhuộm tóc. Chúng chứa quaternium 15, diethanolamine (DEA), propylene glycol, phenylene diamin, fragrance. Cũng giống như chất TEA nói ở trên, DEA là chất độc có thể gây ung thư, tuy nhiên chúng lại được sử dụng phổ biến trong mỹ phẩm như trong xà phòng, dầu gội, sữa rửa mặt....

Hay propylene glycol được dùng để giúp dễ hấp thu các thành phần của thuốc vào tóc hay da tuy nhiên chúng lại ngăn cản quá trình tái tạo tự nhiên của da hay tóc, thậm chí gây viêm da. Phenylene diamin trong thuốc nhuộm tóc nếu thấm vào da đầu đi vào cơ thể, chúng có thể gây dị ứng hay ung thư da, ung thư máu, hay ung thư bàng quang.
Các chất tẩy rửa
Một trong những hóa chất thường xuất hiện trên nhãn các loại hóa chất tẩy rửa là dioxane, nó thường gây ra nhiều loại ung thư. Dioxane cũng có mặt trong các nhãn hàng hóa ghi polyethylene, polyethylene glycol, polyetylen oxit .

Nhất là những sản phẩm được quảng cáo là chất tẩy rửa đa năng, thành phần của nó có nhiều chất độc hại hơn nhưng nhà sản xuất lại lờ đi việc khuyến cáo trên sản phẩm của mình. Như chất crystalline silica, hay orthophenylphenol (OPP) cực kỳ độc hại, có khả năng gây ung thư phổi cho người, gây kích ứng da, mắt....
Các sản phẩm nhựa
Hầu hết các loại đồ nhựa đều chứa Bispheol-A (BPA), nhất là khi trong quá trình sử dụng, con người thường dùng các vật dụng bằng nhựa để đựng các thực phẩm nóng, có tính axít như đồ chua, mặn, hoặc dùng trong lò vi sóng. Trong quá trình được cung cấp nhiệt lượng, nhựa sẽ sản sinh ra các hóa chất độc hại ngấm vào thực phẩm.

Bispheol-A (BPA) trong nhựa có thể gây rối loạn nội tiết, làm trẻ con dậy thì sớm hơn, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản sau này. Đặc biệt việc sử dụng đồ nhựa ảnh hưởng đối với cơ thể không thể hiện ngay lập tức mà nó thường tích tụ lâu dài trong cơ thể người gây hậu quả nghiêm trọng như các căn bệnh ung thư hiện nay.
Theo Bạch Dương - Sức khỏe và Đời sống

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét