Thứ Năm, 5 tháng 3, 2015

Ăn nhiều dưa cà muối nguy cơ mắc ung thư vòm họng

Triệu chứng của căn bệnh mà người mẫu Duy Nhân mắc phải rất khó nhận biết. Một phát hiện bất ngờ khác là những người thích ăn các món lên men nguy cơ mắc ung thư vòm vọng cao hơn.

Những ngày qua, thông tin người mẫu Duy Nhân mắc căn bệnh ung thư vòm họng khiến người hâm mộ chú ý bởi anh mới 27 tuổi. Nhận định về căn bệnh hiểm nghèo này, TS Ngô Thanh Tùng- Trưởng khoa Xạ 1 vùng Mặt, BV Ung bướu Trung ương chuyên gia này cho biết, với bệnh ung thư vòm họng, đến nay vẫn chưa xác định được nguyên nhân rõ ràng nhưng có nhiều yếu tố ảnh hưởng.
“Có gia đình, 3 anh em đều bị ung thư vòm họng, đó là yếu tố di truyền; có khu vực, nhiều người bị ung thư vòm họng, đó là yếu tố môi trường…”, BS Tùng nói.
Thông tin thêm, TS Ngô Thanh Tùng cho biết, bệnh ung thư vòm họng còn được gọi là “U Quảng Đông (Trung Quốc)” bởi khu vực này có số lượng người mắc cao nhất trên thế giới. Ngay cả, nếu người Quảng Đông đi nơi khác sinh sống, vùng đó sẽ có nhiều người mắc ung thư vòm họng.
Ăn nhiều dưa cà muối nguy cơ mắc ung thư vòm họng
Oral sex ít gây nguy cơ cho ung thư vòm họng do vị trí này ở khá sâu.
Ăn nhiều dưa, cà muối dễ mắc ung thư vòm họng
Theo số liệu thống kê từ nhiều năm, TS Tùng cho biết, đối tượng mắc chủ yếu là nam trong độ tuổi từ 50-60. Đôi khi cũng có trẻ em trên 10 tuổi mắc ung thư vòm họng nhưng khá hiếm và cũng có thể có người ngoài 80 tuổi mắc bệnh. Riêng ung thư vòm họng thuộc thể bệnh phổ biến nhất tại vùng đầu. Nó đặc biệt so với các bệnh ung thư khác về khả năng tiến triển bệnh nhanh, kín.
“Ăn nhiều dưa, cà muối, cá muối, trứng muối… khả năng mắc ung thư vòm họng cũng cao hơn người khác” – ông Tùng khuyến cáo.
Sex qua đường miệng có phải là nguyên nhân dẫn đến ung thư vòm họng?
Ngoài yếu tố môi trường, di truyền, có thông tin cho rằng, việc oral sex (quan hệ tình dục bằng đường miệng) là nguyên nhân chính dẫn đến căn bệnh này. Tuy nhiên, Tiến sĩ Tùng cho biết: nguy cơ ung thư vòm họng đối với những người thường xuyên oral sex chưa rõ ràng.
Theo giải thích của TS Ngô Thanh Tùng, vòm họng là cơ quan nằm sâu trong phần giữa mặt, sau mũi, rất khó phát hiện và chạm tới. Trong khi đó, nếu quan hệ bằng miệng sẽ chỉ chạm tới quanh khoang miệng.
“Nếu quan hệ tình dục với người có virus HPV trong miệng, bạn tình sẽ bị nhiễm HPV và ngược lại. Từ đó, khoang miệng cũng nhiễm HPV từ cơ quan sinh dục và nguy cơ ung thư khoang miệng khá cao. Tuy nhiên, do vòm họng nằm rất sâu trong hốc mặt mà ung thư vòm họng phần nhiều do virut EBV gây nên, nên nguy cơ ung thư từ việc oral sex là rất ít” – TS Thanh Tùng nói.
Ăn nhiều dưa cà muối nguy cơ mắc ung thư vòm họng
“Ăn nhiều dưa, cà muối, cá muối, trứng muối… khả năng mắc ung thư vòm họng cũng cao hơn người khác” - TS Ngô Thanh Tùng, BV Ung bướu TƯ. Ảnh nhân vật cung cấp.
Triệu chứng và điều trị ung thư vòm họng
Triệu chứng sớm của ung thư vòm họng rất ít được thể hiện và khó phát hiện. Do đó, đối với những bệnh nhân trên 40 tuổi, có tiền sử rượu bia, thuốc lá nếu thấy có bất thường như: ngạt mũi, ù tai, đau đầu, xì mũi có máu, chảy máu cam… nên đi khám chuyên khoa để xác định rõ ràng. Đôi khi, ung thư vòm họng có biểu hiện di căn sớm, có hạch ở cổ hoặc góc hàm.  
Nói về phương pháp điều trị đối với căn bệnh này, Trưởng khoa Xạ 1 vùng Mặt, BV Ung bướu Trung ương cho biết: Đối với ung thư vòm họng giai đoạn sớm, xạ trị vẫn là biện pháp quan trọng nhất, có thể chữa khỏi với tỷ lệ sống thêm 5 năm toàn bộ đạt tới 97 -100%; Giai đoạn tiến triển tại chỗ, việc xạ trị đơn thuần cho thấy tỷ lệ tái phát và di căn sau điều trị rất cao, thời gian sống thêm 5 năm thấp từ 10% đến 40%.
Việc phẫu thuật trong trường hợp này không được coi là tối ưu bởi vòm họng nằm ở vị trí giải phẫu chật hẹp nên chỉ có thể áp dụng để sinh thiết hạch chẩn đoán mô bệnh học hoặc lấy hạch còn lại sau khi xạ trị.
Đối với hóa trị, trước đây chỉ áp dụng điều trị bệnh ung thư vòm mũi họng khi đã có di căn xa hoặc tái phát mà xạ trị không còn khả năng kiểm soát. Xu hướng mới hiện nay là hoá - xạ trị kết hợp đối với bệnh nhân ở giai đoạn tiến triển ở những vùng gồm: điều trị hoá chất tân bổ trợ, điều trị hoá chất bổ trợ và điều trị hoá chất xen kẽ trong thời gian xạ trị.
Tuy nhiên, việc chữa khỏi hẳn căn bệnh nan y này theo TS Thành Tùng là rất khó, có chăng chỉ ổn định lâu dài (với ung thư, ổn định được trên 5 năm gọi là khỏi). Vậy nên, vị này đưa ra lời khuyên, thay vì để có bệnh rồi mới chữa, người dân nên vệ sinh cơ thể sạch sẽ, đặc biệt là răng miệng nếu muốn phòng tránh ung thư vòm họng; tránh khói bụi; hạn chế rượu bia, thuốc lá, tránh ăn đồ lên men như cà, dưa muối…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét