Chủ Nhật, 1 tháng 3, 2015

Điều trị nấc cục bằng bấm huyệt

Nấc cục là một chứng thường gặp và hầu như ai trong đời cũng ít nhất bị một lần. Lúc còn là nhũ nhi chưa đầy một tháng tuổi cũng có thể bị nấc cục do háo bú, khóc nhè, do bé “ị”, hoặc do thay đổi tư thế đột ngột… Các bà nuôi thường hay dùng cọng chiếu dán lên trán bé, thế mà một lúc sau lại hết ngay. Thật là “hiệu nghiệm như thần”. Hỏi thì các cụ không giải thích được: “Thấy có kết quả thì làm, ông bà ta xưa làm sao thì nay theo vậy mà làm, đừng có hỏi han lôi thôi !” 
Thật ra nấc cục thông thường cũng tự hết và Tây y không đặt thành vấn đề phải quan tâm. Tuy nhiên có một số trường hợp nấc cục kéo dài nhiều ngày làm cho bệnh nhân lo lắng và phải tìm gặp thầy thuốc.
Trong Đông y, nấc cục có tên gọi là “ách nghịch”, được phân thành nhiều thể và có cách điều trị khác nhau theo từng thể. 
* Ách nghịch ngẫu nhiên: có thể kích thích vào mũi làm cho hắt hơi vài cái thì hết, hoặc trừng mắt nhìn thẳng lên trần nhà rồi đi vài bước cũng hết (Ngẫu nhiên ách nghịch: Mục dương thượng thị ốc lương hành số bộ tức chỉ). Đây chính là hình thức các cụ dán cọng chiếu lên trán làm bé khó chịu để ngước mắt nhìn lên mà hết nấc cục.       
* Ách nghịch do khí nhiệt: Dùng Thị Đế ( tai hồng) sắc uống.  
* Ách nghịch do âm hàn: dùng Nhũ hương, Lưu huỳnh, Ngải cứu mỗi thứ hai chỉ, tán nhỏ, dùng rượu tốt một chén đổ vào rồi đun sôi, khi hơi nóng bốc lên thì hít vào. Kết hợp dùng gừng tươi sát lên trước ngực.( Phương này nên thận trọng vì Lưu huỳnh có độc). 
* Ách nghịch do hư nhược: dùng Đinh hương 27 cái, hột sen bỏ tâm 27 hột hầm nhừ, gia thêm gừng nướng 1 lát, gạo nửa lon nấu thành cháo, ăn thì hết. 
* Ách nghịch lâu ngày: Gừng tươi lấy trấp hợp với mật ong vừa đủ một muỗng canh hâm nóng uống. (Lược dịch từ “Tăng Quảng Nghiệm Phương”).
Ngoài ra còn có ách nghịch do Can vị bất hoà, thực trệ, đàm ẩm, khí uất, thai nghịch, Âm hư, Mệnh môn hoả suy, hoặc gặp trong chứng hư thoát…đều có những phương chữa cụ thể. 
Sách “Cẩm nang châm cứu thực hành- Y học nhập môn- Thái ất chân thần châm cứu” của Huỳnh Minh Đức dịch soạn, trong phần bệnh chứng có tổng hợp và mô tả rất đầy đủ các nguyên nhân, triệu chứng, phân loại cũng như cách châm cứu để điều trị chứng nấc cục. 
* Nấc cục do trung khí hư hàn: Châm bổ Trung quản, Khí hải, Quan nguyên, Túc tam lý, Chiên trung, Vị du, Chương môn. Lưu kim 20 phút. Sau cứu từ 5 đến 7 tráng. 
* Do vị nhiệt: Châm trước tả sau bổ Tam âm giao, Thượng quản. Châm tả Khí hải, Quan nguyên, Túc tam lý, Chiên trung, Vị du, Đại trường du, Phong long, Nội đình, Thiên đột, Giải khê.  
* Do Can Vị khí nghịch: Châm tả Dương lăng tuyền, Thái xung, Kỳ môn, Can du. Châm bình bổ bình tả Tỳ du, Chương môn, Trung quản, Túc tam lý. 
* Do hư thoát: Cứu quan nguyên, Khí hải, Trung quản, Thận du, Mệnh môn…
Trong những năm qua Khoa Đông y chúng tôi có điều trị một số trường hợp bị nấc cục bằng bấm huyệt rất đơn giản: Chỉ bấm duy nhất một huyệt Phong trì nhưng kết quả rất ngoạn mục.  
* Cách xác định huyệt: Phía sau gáy, ở giữa lõm tạo nên bởi bờ ngoài cơ thang và bờ trong cơ ức đòn chũm, ngay dưới đáy hộp sọ. 
* Cách bấm huyệt: Dùng ngón cái để bấm, huyệt bên trái thì hướng ngón tay chéo về phía mắt phải và ngược lại. Thông thường chỉ cần bấm một bên là đã có kết quả. Trong các sách châm cứu còn có ghi tác dụng của huyệt Phong trì:  Trị chứng đau cứng cổ gáy, đau đầu, đau mắt đỏ, hoa mắt, ù tai, đau vai, sốt không ra mồ hôi, trúng phong…     
Tuy nhiên tác dụng trị chứng nấc cục của huyệt Phong Trì chưa thấy có tài liệu châm cứu nào ghi chép. Đây là một phát hiện tình cờ. Khi điều trị chứng nấc cục này chúng tôi sử dụng một số huyệt nhạy cảm đau như: Hợp cốc, ế phong, Giáp xa… với chủ ý dùng cảm giác đau của những huyệt này để ức chế cơn nấc, nhưng không mang lại kết quả như mong muốn. Thật ngạc nhiên khi bấm đến huyệt Phong trì thì cơn nấc lập tức ngưng ngay. áp dụng cho những bệnh nhân khác đều đem lại kết quả bất ngờ thú vị.        
Y học cổ truyền là một khoa học có những phương pháp khám chữa bệnh độc đáo, có “biện chứng” để “luận trị”, có “lý pháp” để chỉ đạo cho “phương dược”và “phương huyệt” đã đem lại nhiều lợi ích bảo vệ sức khoẻ cho con người. Tuy nhiên có một số phương trị chỉ dựa vào kinh nghiệm nhiều đời hoặc tình cờ phát hiện cũng mang lại những hiệu quả diệu kỳ bất ngờ, và nhiều khi thầy thuốc cũng thật sự bối rối vì không thể lý giải hết được bằng những lý luận của nền y học cổ xưa này. 

Đỗ Thanh Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét