Văn phòng Diện Chẩn Sống Khỏe_ Khu nhà 102 Ngõ 95 Chùa Bộc-Đống Đa-Hà Nội _ ĐT : 0906143408

Hướng dẫn lý thuyết và thực hành cơ bản cho những quí vị thực sự yêu thích Diện Chẩn . Hãy gọi cho chúng tôi để biết lịch .

Tư vấn sức khỏe , chẩn bệnh đưa ra phác đồ miễn phí.

Thứ Tư, 31 tháng 12, 2014

Khi giấc ngủ nhiều mộng mị

Theo PGS.TS.BS. Nguyễn Hữu Công, chuyên khoa Thần kinh (ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch và ĐH Y Dược TP.HCM), khi ngủ, mặc dù vẫn nhắm nghiền hai mắt, nhưng bên trong nhãn cầu vẫn chuyển động. Người ta thấy có 2 kiểu: kiểu nhãn cầu chuyển động nhanh, và nhãn cầu không chuyển động nhanh. Do vậy giấc ngủ còn được chia ra làm 2 loại là giấc ngủ có vận động nhãn cầu nhanh, và giấc ngủ không có vận động nhãn cầu nhanh. Một giấc ngủ bình thường sẽ bao gồm các giai đoạn luân phiên nhau giữa giai đoạn có vận động nhãn cầu nhanh, và giai đoạn không có vận động nhãn cầu nhanh, thành chu kỳ lặp đi lặp lại. Mỗi chu kỳ ngủ gồm 2 giai đoạn như vậy và ngủ kéo dài khoảng 90 - 110 phút. Mỗi đêm, một người ngủ bình thường sẽ có khoảng 4 - 5 chu kỳ.
Trong giấc ngủ có vận động nhãn cầu nhanh, người ta hay nằm mơ hơn. Trong giai đoạn này, nhịp tim và nhịp thở trở nên không đều, cương dương vật hoặc âm vật, nhưng các cơ bắp lại thư giãn. Mộng mị thường xảy ra khi có vận động nhãn cầu nhanh. Do vậy, khi bệnh nhân đang ở trong giấc ngủ này, có những giấc mơ đầy kịch tính làm cho bệnh nhân có những động tác bạo lực. Bệnh nhân la hét, đấm đá, nhảy bật khỏi giường. Thường hay xảy ra vào lúc nửa đêm gần sáng, vì đây là giai đoạn hay có giấc ngủ có vận động nhãn cầu nhanh hơn. Bệnh hay xảy ra ở nam giới lớn tuổi và người bị các bệnh thoái hóa thần kinh.
Bóng đè, ma đè, hay là chứng liệt do ngủ (sleep paralysis), ngay trước khi ngủ hay ngay khi thức giấc, bệnh nhân thấy bị liệt toàn thân, tỉnh táo mà không thể cử động được chân tay, giống như mình bị ma quỷ đè vậy, có thể nghe hoặc nhìn thấy ảo giác ghê sợ. Trừ khi bệnh nặng, nói chung không coi là bệnh lý cần điều trị, chỉ cần giảm bớt stress và tạo giấc ngủ đủ giờ. Có thể dùng thuốc chống trầm cảm.
Khi giấc ngủ nhiều mộng mị
Chứng miên hành hay mộng du: trong khi đang ngủ, không có nhận thức về sự vật xung quanh, nhưng lại thực hiện những hành vị giống như đang hoàn toàn tỉnh táo, kiểu như mặc quần áo, ăn uống. Hay gặp nhất là trẻ đang ngủ bỗng ngồi dậy và đi lại trong phòng, trong khi vẫn đang giấc ngủ.
Chứng ngừng thở khi ngủ do tắc nghẽn: tắc nghẽn đường thở trong khi đang ngủ, làm cho bệnh nhân không thể có giấc ngủ sâu. Thường hay đi kèm với chứng ngáy to. Điều trị chứng ngừng thở khi ngủ do tắc nghẽn bằng dụng cụ tạo áp lực đường thở dương liên tục, hoặc phẫu thuật cắt bỏ những phần mô ở phần phía sau của họng, vốn gây tắc nghẽn khi ngủ.
Chứng chân không yên: nhu cầu phải cử động chân (đôi khi cả tay và thân mình), không cưỡng lại được khi đi nằm. Nhiều khi kèm cảm giác khó chịu ở chân, xuất hiện khi nằm nghỉ. Khi cử động thì hết cảm giác khó chịu. Do vậy cứ tối đến đi nằm là nhức mỏi hai chân, phải đấm bóp hoặc gồng cứng chân, hoặc cử động và đi lại. Điều đó làm cho bệnh nhân bị mất ngủ. Có thể dùng thuốc để điều trị.
Rối loạn cử động chân tay theo chu kỳ: đột ngột có các cử động không chủ ý của tay hoặc chân khi đang ngủ, thường nhất là động tác đá chân. Hay liên quan chứng chân không yên. Có thể dùng thuốc để điều trị.
Theo TS. Công, khi bị các rối loạn giấc ngủ, nên khám bác sĩ chuyên khoa thần kinh hoặc tâm thần. Hiện nay một số BV trên địa bàn TP.HCM có chuyên khoa thần kinh và có phòng nghiên cứu giấc ngủ. Bệnh nhân sẽ được thực hiện điện não đồ video, được theo dõi suốt đêm bằng máy ghi điện não, và quay video suốt giấc ngủ. Ngày hôm sau các bác sĩ sẽ phân tích hình ảnh điện não đồ và hình ảnh video của người bệnh, từ đó có được chẩn đoán rối loạn giấc ngủ chính xác hơn và điều trị đúng đắn hơn.

PHƯƠNG KHÁNH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét