Thứ Tư, 5 tháng 11, 2014

Tại sao phải nhổ bỏ hết răng khôn?

Trung bình mỗi ngày, BV Tân Bình TPHCM tiếp nhận từ 2-3 ca xử lý về tai biến răng miệng do răng khôn.

Răng khôn mọc lệch, ngầm gây các tai biến chiếm tỉ lệ khoảng 20% các bệnh về răng hàm mặt. Vì vậy, nhiều nha sĩ khuyên bệnh nhân là hãy nhổ bỏ hết răng khôn ngay cả khi nó chưa "gây sự" và điều này khiến nhiều người băn khoăn. Sự thật là có nên hay không nên nhổ bỏ hết? 

Những chia sẻ của BS Nguyễn Thị Thảo Uyên, chuyên khoa Răng Hàm Mặt, BV Tân Bình, TPHCM sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Răng khôn là tên thường gọi của răng số 8 hay răng hàm lớn thứ ba. Mỗi người thường có bốn răng khôn ở bốn góc hàm. 

Răng khôn thường mọc lúc 18 - 25 tuổi, tuy nhiên cũng có thể mọc sớm hơn (16 - 17 tuổi) hoặc muộn hơn (trên 30 tuổi), có người không thấy răng khôn mọc lên nhưng thực tế vẫn có thể có răng khôn và do răng mọc lệch, ngầm dưới xương hàm và bị mô mềm che phủ. Đi chăm sóc răng miệng định kỳ và thường xuyên sẽ giúp bạn biết chính xác mình có gặp vấn đề với răng khôn hay không.

Về việc có nên nhổ bỏ hết răng khôn trước khi nó gây ra vấn đề cho sức khỏe thì điều này vẫn còn gây nhiều tranh cãi trong giới nha sĩ. Nếu răng khôn mọc bình thường thì việc giữ lại những chiếc răng khôn này có lợi.
Trước hết là việc còn nguyên hàm răng, giúp cho bạn có bộ răng khỏe và thực hiện được đầy đủ các chức năng. Ngoài ra, nó còn có ích trong việc là giúp phục hình răng đối với những người bị mất răng số 7. Chiếc răng khôn mọc thẳng này có thể được dùng làm trụ để phục hình cầu răng của bạn.
Tuy nhiên, nếu chiếc răng khôn xảy ra biến chứng thì sao? Có nên giữ lại? Câu trả lời là không.

Răng khôn và những tai biến
Tai biến thuờng gặp nhất là sưng đau, nhiễm trùng tại chỗ, răng bị nuớu trùm lên hoặc ngầm trong xương hàm, khiến thức ăn và vi khuẩn dắt vào túi nuớu gây viêm lợi trùm, viêm quanh chân răng cấp.
Nặng hơn gây u, nang xương hàm. Những nhiễm trùng mạn tính quanh thân răng, những tổ chức của túi răng còn sót lại do quá trình mọc lên không hoàn chỉnh của răng khôn là nguyên nhân để hình thành lên những khối u xương hàm như nang thân răng, ung thư xương hàm…
rang-khon-moc-khong-khon
Răng khôn mọc không khôn có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn
Gây tổn thương răng bên cạnh, quá trình tổn thương có thể âm thầm kéo dài trong nhiều năm đến khi tổn thương đến tủy, gây đau nhức nhiều, bệnh nhân mới đi khám thì lúc này răng bên cạnh cũng đã nhiễm trùng nặng, không thể giữ lại được. Trong khi đó, răng bên cạnh lại là răng hàm lớn thứ hai, một trong những răng giữ chức năng ăn nhai chính.
Răng khôn mọc lệch, ngầm gây ra rất nhiều biến chứng ảnh hưởng tại chỗ và sức khỏe toàn thân của người bệnh. Do vậy việc hiểu biết về nguy cơ, biến chứng do răng khôn gây ra là rất cần thiết trong việc dự phòng các bệnh răng miệng.
Cách xử trí
Nếu thấy bất thường, bệnh nhân nên đến khám chuyên khoa, điều trị ngay từ đầu. Tuyệt đối tránh tình trạng để bệnh phát triển âm ỉ, lâu dài dẫn đến các tai biến nguy hiểm. 

Sau khi khám lâm sàng và chụp phim X-quang, tùy theo vị trí mọc răng, răng có đủ chỗ hay không đủ chỗ mọc, tuổi của bệnh nhân và sự phát triển của bệnh, bác sĩ sẽ có chỉ định sử dụng kháng sinh, cắt lợi trùm, chỉ những trường hợp quá đau đớn hoặc răng gây tai biến mới phải nhổ.

rang0khon-moc-khong-khon
Không phải trường hợp này cũng phải nhổ bỏ răng khôn

Ngày nay, với trình độ kỹ thuật cao cùng trang thiết bị hiện đại các bác sĩ hoàn toàn có thể giúp bệnh nhân nhổ bỏ những chiếc răng khôn mọc lệch, ngầm ở mức độ nhẹ nhàng nhất, ít sang chấn nhất. 

Tuy nhiên, cũng có những lưu ý mà bạn cần nhớ khi nhổ răng khôn đó là sưng mặt rất thường xảy ra, nhất là trong các trường hợp tiểu phẫu răng khôn mọc kẹt hoặc ngầm có khoan xương. 

Hiện tượng này sẽ giảm dần nếu người bệnh tuân thủ đúng hướng dẫn chăm sóc hậu phẫu của nha sĩ. Ngoài ra, sau khi nhổ răng khôn người bệnh cảm thấy khó mở miệng. Đó là phản xạ bảo vệ vết thương và không đáng lo ngại, chỉ sau một thời gian ngắn sẽ hết.

Một lời khuyên là, sau khi nhổ răng khôn, người bệnh nên chờ ít nhất là 1 giờ mới súc miệng để cho các mạch máu tại vết thương được bịt kín lại, tránh tình trạng xuất huyết trong miệng.


Theo Hải Nam - Một thế giới

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét