Thứ Tư, 19 tháng 11, 2014

Không bao giờ là quá muộn

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là một bệnh biểu hiện bằng tắc nghẽn luồng khí thở ra không phục hồi hoàn toàn do phản ứng viêm không đặc hiệu đường thở bởi tác động của các yếu tố bụi và khí độc hại (GOLD). Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), năm 1997, có khoảng 300 triệu người mắc BPTNMT và là nguyên nhân tử vong xếp hàng thứ 4. Theo dự đoán của WHO, số người mắc bệnh sẽ tăng 3 - 4 lần trong thập kỷ này, gây ra 2,9 triệu người chết mỗi năm và đến năm 2020, BPTNMT sẽ là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 3. Tại Việt Nam, nghiên cứu năm 2007 thấy có khoảng 1.460.700 người trong lứa tuổi trên 15 mắc BPTNMT.
Không bao giờ là quá muộn
Khám tư vấn và phát thuốc miễn phí cho bệnh nhân BPTNMT tại BV Bạch Mai.
Đứng trước thực trạng đó, Tổ chức Chiến lược toàn cầu về bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (GOLD) phối hợp với các nhân viên y tế và các nhóm bệnh nhân BPTNMT khắp thế giới tổ chức Ngày BPTNMT toàn cầu, nhằm tăng cường sự hiểu biết về BPTNMT và cải thiện việc chăm sóc BPTNMT trên khắp thế giới. Ngày BPTNMT toàn cầu đầu tiên được tổ chức vào năm 2002. Hàng năm, tại hơn 50 quốc gia tiến hành nhiều hoạt động thiết thực, khiến ngày này trở thành một trong những sự kiện thông tin và giáo dục về BPTNMT quan trọng nhất. Ngày BPTNMT toàn cầu năm 2014 diễn ra vào ngày 19 tháng 11 với chủ đề: “Không bao giờ là quá muộn”. Thông điệp tích cực này được chọn để nhấn mạnh những hành động có ý nghĩa mà mọi người có thể tiến hành được để cải thiện sức khỏe hô hấp của họ, ở bất cứ giai đoạn trước hoặc sau khi được chẩn đoán BPTNMT.
Với BPTNMT, hút thuốc lá chính là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất của căn bệnh này. Hút thuốc lá thụ động (hít phải khói thuốc lá do người khác hút) cũng có thể tăng nguy cơ BPTNMT. Có 80 - 90% bệnh nhân BPTNMT đang hút hoặc có tiền sử hút thuốc lá. Ngoài ra, bụi, hóa chất nghề nghiệp, khói bếp, không khí ô nhiễm đều có thể là nguyên nhân gây bệnh. Tổ chức Y tế Thế giới ước lượng các khí thải độc hại làm cho khoảng 400.000 người chết mỗi năm.
GS.TS. Ngô Quý Châu
(PGĐ BV Bạch Mai - Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam)
Để phòng tránh BPTNMT, người dân cần:
 Không hút thuốc lá, thuốc lào.
 Tránh tiếp xúc với khói thuốc, khói đun bếp, khói bụi trong môi trường làm việc.
 Ðeo khẩu trang khi tiếp xúc với bụi, giữ ấm cổ, ngực khi lạnh.
 Hãy đến bác sĩ ngay khi có dấu hiệu mắc bệnh: ho, khạc đờm và khó thở khi làm nặng. Hãy đo chức năng hô hấp để xác định xem liệu bạn có mắc BPTNMT.
Hưởng ứng ngày BPTNMT toàn cầu năm 2014, ngày 8/11, Dự án Phòng chống BPTNMT và hen phế quản kết hợp với Trung tâm Hô hấp - Bệnh viện Bạch Mai tổ chức khám, tư vấn và phát thuốc cho 570 người dân ở khu vực Hà Nội và các tỉnh lân cận. Ngày 21/11, Dự án phòng chống BPTNMT tổ chức mít-tinh kỷ niệm Ngày BPTNMT toàn cầu cùng chương trình Hội nghị khoa học “Cập nhật phác đồ chẩn đoán và điều trị BPTNMT” nhằm nâng cao và cập nhật kiến thức BPTNMT cho các bác sĩ chuyên ngành Hô hấp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét