Thứ Ba, 7 tháng 10, 2014

Cứ 3 phút có một người tử vong do đột quỵ

Theo thống kê, mỗi 45 giây trôi qua trên thế giới có ít nhất 1 người bị đột quỵ và cứ 3 phút trôi qua có 1 người tử vong do đột quỵ.


Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 200 nghìn trường hợp đột quỵ não mắc mới. Đó là thông tin được đưa ra tại Hội nghị về đột quỵ não khu vực Châu Á Thái Bình Dương 2014.
Ảnh minh họa.

Đột quỵ là hiện tượng máu lên não bị gián đoạn đột ngột hoặc chảy máu trong não, hậu quả là tế bào não bị chết do thiếu oxy và thường xảy ra ở người cao tuổi, người già. Song, điều đáng lo ngại là những năm gần đây số người trẻ bị đột quỵ có xu hướng tăng do lối sống không lành mạnh như nghiện thuốc lá, rượu bia, chế độ ăn uống thiếu khoa học, cuộc sống hiện đại với nhiều căng thẳng, kèm theo lối sống ít vận động khiến người trẻ tuổi dễ mắc các bệnh về chuyển hóa như béo phì, tiểu đường, cholesterol trong máu tăng cao…

Theo thống kê của một số bệnh viện, số người trẻ bị đột quỵ vào viện cũng tăng từ 20% đến 30% so với vài năm trước đây...
Nghiên cứu về đột quỵ tại Châu Á cho thấy có sự khác biệt so với phương Tây. Cụ thể là tỷ lệ nam giới mắc bệnh ở các nước khu vực Châu Á đều hơn 70%, cao hơn Châu Âu từ 44,1% đến 58,9%. Các nghiên cứu cũng chỉ ra những nguyên nhân khiến bệnh nhân trẻ thiếu máu lên não do hẹp động mạch nội sọ phổ biến hơn so với hẹp động mạch ngoại sọ.
Theo GS.TS Lê Đức Hinh, Chủ tịch Hội Thần kinh học Việt Nam, việc điều trị đột quỵ não rất khó khăn và phức tạp. Nếu may mắn được cứu sống thì tiếp sau đó là một quá trình luyện tập trong nhiều tháng, nhiều năm để giúp phục hồi các chức năng của cơ thể.

Do đó, điều quan trọng hơn cả là phải làm gì để ngừa đột quỵ xảy ra, cũng như đề phòng tái phát. Đặc biệt, dự phòng có ý nghĩa rất quan trọng trong đột quỵ não. Ở người chưa mắc bệnh là việc phát hiện bệnh sớm và can thiệp kịp thời và ở người đã mắc tai biến mạch máu não cần dự phòng bệnh tái phát:
- Thay đổi nếp sống tĩnh tại, ít vận động; tăng cường tập thể dục, vận động vừa sức sao cho phù hợp với tình hình sức khỏe; không lạm dụng thuốc lá, rượu bia…;
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ thường xuyên, điều trị các bệnh lý đi kèm, nhất là các bệnh lý rối loạn chuyển hóa như vừa kể trên; không ăn nhiều mỡ, chất ngọt, tinh bột;
- Nên ăn nhiều rau củ quả; hạn chế muối; đời sống tình cảm tâm lý ổn định, tránh những xúc động hay chấn thương quá mức… là những biện pháp phòng bệnh không tốn kém mà hiệu quả.
Tuy nhiên, nếu bị đột quỵ thì việc được phát hiện, cấp cứu kịp thời sẽ giúp cho việc chữa trị đạt kết quả khả quan hơn. Vấn đề là làm sao để biết được triệu chứng của bệnh và xử trí đúng cách.


Theo Minh Hải - VnMedi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét