SGTT.VN - Pôlýp đại – trực tràng là một hay nhiều khối u đường kính từ vài milimet đến vài centimet, nhô lên bề mặt lòng đại – trực tràng. Pôlýp đại – trực tràng có thể là u lành tính, một số khác có thể biến thành ung thư và một số đã trở thành ung thư rồi!
Người nào dễ bị pôlýp đại – trực tràng?
Đại tràng là phần ruột cuối cùng của ống tiêu hoá (còn được gọi là ruột già), dài 1 – 1,5m, hình chữ U ngược, bắt đầu từ manh tràng đến đoạn cuối cùng là trực tràng và tận hết ở hậu môn.
Bất kỳ ai cũng có thể bị bệnh pôlýp đại – trực tràng, nhưng một số người có cơ địa dễ mắc bệnh hơn: người trên 50 tuổi, người đã từng được cắt bỏ pôlýp đại – trực tràng, người có người thân (cùng huyết thống) bị pôlýp hay ung thư đại – trực tràng, người mắc bệnh ung thư buồng trứng hoặc tử cung trước 50 tuổi. Ngoài ra, những yếu tố sau cũng có thể làm người ta dễ mắc bệnh này: ăn nhiều mỡ, hút thuốc, uống rượu nhiều, không tập thể dục, quá mập.
Đa số bệnh nhân bị bệnh này không có biểu hiện gì cho đến khi tình cờ phát hiện khi khám bệnh vì một bệnh khác hoặc khi kiểm tra sức khoẻ có soi đại tràng. Một số ít bệnh nhân có biểu hiện triệu chứng như: đi tiêu phân có máu, chảy máu ra hậu môn, táo bón hoặc tiêu lỏng kéo dài. Các triệu chứng này cũng có thể xảy ra trong các bệnh khác chứ không chỉ ở pôlýp đại – trực tràng, nhưng đó là những biểu hiện bất thường cần đến bác sĩ chuyên khoa về phẫu thuật tiêu hoá để được định bệnh và chữa trị thích hợp.
Làm sao phát hiện?
Những pôlýp đơn độc ở đại tràng có thể là những khối u hoàn toàn lành tính và tồn tại trong nhiều năm mà không ảnh hưởng gì đến sức khoẻ, và bệnh nhân cũng không hề biết mình mắc bệnh. Tuy nhiên chúng cũng tiềm ẩn khả năng biến thành ung thư đại – trực tràng sau này. Một số pôlýp lành tính có thể gây xáo trộn về tiêu hoá như chảy máu, gây táo bón hoặc tiêu lỏng. Những pôlýp có chân rộng, không có cuống thì khả năng ác tính cao hơn những pôlýp có chân nhỏ hay cuống dài lòng thòng. Càng có nhiều pôlýp thì khả năng hoá ác tính càng cao. Những trường hợp bệnh đa pôlýp đại tràng di truyền thì khả năng trở thành ung thư là 100%. Do đó, bệnh pôlýp đại – trực tràng cần được phát hiện và cắt bỏ trước khi trở thành ác tính.
Bác sĩ khám lâm sàng chỉ phát hiện được những pôlýp trực tràng cách rìa hậu môn từ 8cm trở xuống. Những trường hợp còn lại phải dùng các biện pháp cận lâm sàng mới phát hiện được.
Xét nghiệm phân là phương pháp có tính gợi ý để tầm soát pôlýp và ung thư đại trực tràng bằng cách tìm máu ẩn trong phân hoặc xét nghiệm ADN.
Chụp X-quang đại tràng có thụt thuốc cản quang có thể phát hiện được một hoặc nhiều pôlýp hay khối u đại trực tràng, nhưng dễ bỏ sót những pôlýp nhỏ. Chụp cắt lớp vi tính (CT scan) cũng có thể phát hiện pôlýp hoặc khối u đại trực tràng. Ngoài ra các máy chụp cắt lớp vi tính thế hệ mới (đa lát cắt) có thể thông qua chương trình tái hiện ảnh để cho ra hình ảnh giống như hình ảnh nhìn từ trong lòng đại tràng, gọi là nội soi ảo. Nội soi ảo được thực hiện nhanh chóng, không gây cảm giác khó chịu nhưng độ chính xác không cao như nội soi thật và dĩ nhiên khi phát hiện pôlýp, bệnh nhân cần phải được nội soi thật để xác định và sinh thiết hoặc cắt bỏ.
Nội soi đại tràng là phương pháp chính xác nhất để phát hiện pôlýp hay u và có thể sinh thiết để xác định bản chất của chúng. Ống soi mềm được đưa vào hậu môn và đưa dần lên trên đến hết toàn bộ đại tràng để quan sát trên hệ thống video chất lượng cao. Ngoài ra, qua nội soi, bác sĩ có thể dễ dàng đưa dụng cụ vào theo ống soi để cắt bỏ những pôlýp được phát hiện. Trước khi soi đại tràng, bệnh nhân được chuẩn bị bằng cách uống thuốc xổ làm sạch phân. Khi soi, bệnh nhân được gây mê hoặc tiêm thuốc tiền mê nên không có cảm giác đau hay khó chịu quá mức. Nội soi là thủ thuật tương đối an toàn và có thể thực hiện cho bệnh nhân ngoại trú (không cần nhập viện) vì tỷ lệ biến chứng thủng đại tràng rất thấp: khoảng 0,02%. Thủng đại tràng có thể xảy ra ở trường hợp có sẵn bệnh lý ở thành đại tràng như viêm túi thừa đại tràng.
Điều trị
Ung thư đại – trực tràng ngày càng tăng
PGS.TS.BS Nguyễn Thuý Oanh, chủ tịch chi hội Nội soi tiêu hoá miền Nam, trưởng khoa nội soi bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cho biết: Ở Việt Nam, ung thư đại – trực tràng là một trong những ung thư hàng đầu và có xu hướng ngày càng tăng. Đề tài nghiên cứu khoa học cấp thành phố (giai đoạn 1) về ung thư đại – trực tràng thực hiện trên 219 bệnh nhân tại khoa nội soi bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cho thấy tỷ lệ bệnh nhân mắc bệnh này lên tới 7,3%. Các bệnh nhân trong nhóm khảo sát có các triệu chứng: đau bụng, tiêu chảy, táo bón, hoặc táo bón và tiêu chảy xen kẽ, tiêu ra máu, sụt cân, mót cầu, không triệu chứng (hơn 69%). Nhiều bệnh nhân có triệu chứng bệnh nhưng lần lữa không đi khám. Kết quả khảo sát phát hiện 31,5% bệnh nhân có triệu chứng bất thường, 25,1% có pôlýp, 10,5% bị đa pôlýp và 7,3% ung thư giai đoạn sớm.
T.L
|
Trong hầu hết trường hợp, bác sĩ nội soi sẽ cắt bỏ pôlýp trong khi làm thủ thuật nội soi đại tràng. Mẫu pôlýp cắt bỏ sẽ được gởi đến phòng giải phẫu bệnh để khám nghiệm dưới kính hiển vi xác định bản chất lành hay ác tính của pôlýp. Nếu lành tính, bệnh nhân được coi như đã điều trị hết bệnh nhưng cần được kiểm tra định kỳ sau đó: sau một tháng, mỗi ba tháng trong chín tháng tiếp theo, mỗi sáu tháng trong năm thứ hai và mỗi năm trong ba năm sau đó.
Khi giải phẫu bệnh xác định pôlýp đã hoá ác, nếu sẹo cắt pôlýp còn tế bào ung thư, bệnh nhân cần được phẫu thuật cắt bỏ đoạn đại tràng có pôlýp. Nếu sẹo cắt pôlýp không còn tế bào ung thư, bệnh nhân cần được nội soi kiểm tra định kỳ theo dõi sẹo cắt pôlýp.
Một số trường hợp khó cắt qua nội soi vì nguy hiểm như pôlýp to, cuống ngắn, hoặc pôlýp đã hoá ác, việc cắt pôlýp sẽ diễn ra dưới sự phối hợp giữa bác sĩ nội soi và bác sĩ phẫu thuật nội soi ổ bụng.
Trường hợp bệnh đa pôlýp đại tràng di truyền, bệnh nhân cần được phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ phần đại tràng có pôlýp để ngăn ngừa ung thư vì khả năng hoá ác trong trường hợp này là 100%. Ngoài ra, tất cả thành viên gia đình có cùng quan hệ huyết thống đều phải soi kiểm tra đại tràng.
Phòng ngừa
Hiện nay, y học vẫn chưa có biện pháp chắc chắn để phòng ngừa bệnh pôlýp đại tràng, nhưng có thể giảm thấp nguy cơ bị bệnh bằng cách: ăn nhiều rau quả và ít thịt mỡ, không hút thuốc, hạn chế uống rượu, tăng cường vận động thể dục, giảm béo phì. Điều quan trọng nữa là khám tầm soát pôlýp và u đại – trực tràng đối với đối tượng có nguy cơ cao như đã nói.
TS.BS ĐẶNG TÂM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét