Thứ Ba, 4 tháng 2, 2014

Phất phơ lá mía

SGTT.VN - Mươi hôm trước, nhiều báo Mỹ đưa tin về cuộc ghép đa tạng (tuỵ, gan, thận) cứu sống bé Angela sáu tuổi. Cuối năm ngoái, Steve Jobs – cha đẻ iPad và Raph Steiman – giải Nobel Y học 2011 rời bỏ chúng ta. Năm 2015, tuỵ nhân tạo sẽ góp mặt trên thị trường. Bao nhiêu là chuyện, khổ có vui có, xung quanh cái lá mía trong người chúng ta.
Cuộc ghép đa tạng thần kỳ. Ngày 8.3.2012, FoxNews, ABC News, msnbc.com… đồng loạt đưa tin ghép tạng cứu sống bé gái khỏi căn bệnh hiểm nghèo. Hội chứng Wolcott-Rallison (WRS) là một bệnh di truyền hiếm, gây tiểu đường lệ thuộc insulin và suy tạng, thường có kết cuộc bi thảm. Angela Bushi là bệnh nhân nhỏ tuổi nhất nhận một lá mía, một lá gan và hai quả thận mới. Lên một, bé đã bị tiểu đường, năm tuổi bị cảm cúm, có triệu chứng suy gan vào cuối năm 2011. Ngày 29.12.2011, cuộc mổ được thực hiện tại bệnh viện Jackson Memorial, đại học Y Miami Miller, bang Florida. Cuộc mổ kéo dài 14 giờ, Angela hồi phục về nhà sau gần hai tháng nằm viện. Cháu không cần insulin nữa.
Phất phơ trước gió
Thảnh thơi lá mía. Chắc ít ai biết tuyến tuỵ (tiếng Anh pancreas) dài khoảng 15cm, rộng khoảng 3,5cm giống như trái chuối dẹp, nằm vắt ngang từ đầu ruột non đến lá lách núp sau bao tử, nằm sâu trong bụng. Không nhớ lúc nào tôi kết được tên gọi lá mía trong dân gian với tuyến tuỵ trong y học. Lá mía rất gợi hình. Trước gió, thân cây thẳng đong đưa, các tàu lá mía mềm mại phất phơ, mộc mạc nên thơ. Trong cơ thể, lá mía thảnh thơi điều hoà lượng đường trong máu giúp chúng ta sinh hoạt êm đềm. Một mình lo hai việc vừa nội tiết vừa ngoại tiết. Tuỵ nội tiết điều hoà lượng đường trong máu (đường huyết) bằng các hormon. Tuỵ ngoại tiết chế tạo các enzym và thải vào tá tràng làm nhiệm vụ tiêu hoá thức ăn. Lá mía bị xáo trộn, có lắm chuyện khổ đau.
Tuỵ nội tiết chỉ chiếm 1 – 2% tổng số tế bào của tuỵ mà gồm cả triệu cụm tế bào gọi là tiểu đảo Langerhans (islets of Langerhans). Sao mà tinh vi, tiểu đảo chứa bốn loại tế bào khác nhau, có phận sự khác nhau. Đặc biệt quan trọng là tế bào alpha chế tạo hormon tên là glucagon, các tế bào bêta nhả ra insulin, các tế bào delta tiết ra somatostatin. Các hormon được nhả thẳng vào dòng máu đi khắp cơ thể. Thật ngộ nghĩnh, các tiểu đảo này như thể là các đảo quốc biệt lập chí thú sản xuất hormon chẳng lý gì tuỵ ngoại tiết chung quanh. Hàm lượng các hormon trong máu mới tác động trực tiếp lên tuỵ nội tiết.
Phận sự tuyệt vờiđiều hoà lượng đường trong máu. Khi đường huyết lên cao (sau khi ăn chẳng hạn), các tế bào bêta tiết ra insulin. Hormon này kích thích các tế bào trong cơ thể tóm lấy đường glucoza khiến đường huyết giảm xuống, cũng báo cho lá gan biến đường thành dạng dự trữ glycogen. Khi đường huyết xuống dưới mức chuẩn, các tế bào alpha tiết ra glucagon, lệnh cho gan tái chế glycogen thành glucoza rồi đổ lại vào dòng máu. Insulin và glucagon cân bằng đường huyết.
Cùng lo với lá mía
Cảm động chuyện xưa. Trong bệnh viện ở Toronto – Canada, các trẻ hấp hối vì tiểu đường được tập trung trong các phòng rộng, 50 trẻ hoặc hơn trong mỗi phòng, phần lớn hôn mê. Người thân đau khổ chờ đợi cái chết của các bé. Các bác sĩ Banting, Best và Collip đi từng giường để tiêm tinh chất tuỵ tạng. Trước khi đến lượt các trẻ hấp hối cuối cùng thì vài trẻ được chích đầu tiên đã tỉnh dậy khỏi cơn hôn mê, trong tiếng hoan hô của người thân. Giải Nobel Sinh lý hoặc Y học năm 1923 được trao cho Frederic Banting và J. J. R Macleod vì tìm ra insulin. Banting chia tiền thưởng cho Charles Best, người cộng tác cận kề, và Macleod cũng làm vậy với James Collip. Bằng sáng chế insulin được bán cho đại học Toronto với giá tượng trưng nửa đôla. Từ insulin thay thế từ isletin dùng lúc ban đầu. Isletin là tên gọi từ gốc Latinh xuất phát từ islet (tiểu đảo) Langerhans. Insulin người là một hormon peptid gồm 51 acid amin.
Thương cho lá mía. Xáo trộn chủ yếu là bệnh tiểu đường, mất cân bằng của lượng đường trong máu. Tiểu đường loại 1 (lệ thuộc insulin) xảy ra từ sự phá huỷ các tế bào bêta. Một bệnh tự miễn tấn công các tiểu đảo Langerhans. Lượng insulin trong máu rất thấp hoặc không có. Lượng đường trong máu tăng lên quá cao. Bệnh nhân cần nguồn insulin từ bên ngoài. Bệnh thường gặp ở người trẻ, nhất là khoảng 10 – 14 tuổi. Nguyên nhân tiểu đường loại 2 (không lệ thuộc insulin) chưa được hiểu rõ. Có sự kết hợp của sự lờn insulin, rối loạn chức năng tế bào bêta và viêm. Đây là một bệnh của đường huyết. Bệnh nhân có thể không cần insulin và đôi khi kiểm soát được đường huyết nhờ tập thể dục, ăn lành và vài thứ thuốc.
Đỡ đần cho trọn
Ghép tuỵ đầu tiên thực hiện năm 1966, dùng tuỵ của người hiến tạng để ghép vào người bệnh mà tuỵ không hoạt động tốt nữa. Thường ghép tuỵ thực hiện chung với ghép thận, hầu như chỉ dành cho người bệnh loại 1 bị biến chứng trầm trọng. Năm 1979, người ta bắt đầu thực hiện ghép một phần tuỵ lấy từ người sống. Những năm gần đây, kết quả được cải thiện và nguy cơ giảm nhiều.
Tuỵ nhân tạo đang được thử nghiệm lâm sàng. Tiểu đường loại 1 rất nghiêm trọng. Không có cách nào ngoài việc tiêm insulin suốt đời.
Đã có nhiều thiết bị tốt để chích insulin. Phương cách lý tưởng nhất đang ló dạng. Tuỵ nhân tạo là thiết bị điện tử kiểm tra đường huyết, biết được cơ thể cần bao nhiêu, từ đó cung cấp insulin. Tự máy này làm việc với cơ thể người bệnh, không cần sự can thiệp của con người.
Sớm nhất năm 2015, FDA Hoa Kỳ mới chuẩn nhận tuỵ nhân tạo dùng đại trà.
GS.BS NGUYỄN CHẤN HÙNG
Thương sao lá mía
Tiếc thương. Raph Steinman ra đi ngày 30.9.2011, mấy ngày sau khi Steve Jobs qua đời (5.10). Lá mía của hai vĩ nhân bị ung thư tàn phá. Steinman mắc loại ung thư tuỵ xuất phát từ các tế bào ngoại tiết ác tính thật cao, thường giết người trong vòng một năm. Steinman chiến đấu tích cực, đã thử tám liệu pháp, kéo dài cuộc sống đến bốn năm rưỡi. Ông chết ba ngày trước khi giải Nobel Y học 2011 được công bố dành cho ông. Steve Jobs chết vì loại ung thư tuỵ mọc từ tiểu đảo Langerhans, rất hiếm, ác tính nhẹ, cơ may khỏi bệnh được tính bằng nhiều năm. Jobs chỉ có bảy năm sống thêm là một nuối tiếc.
Nhắn các đệ tử Lưu linh. Rượu làm hư tuỵ. Ống tuỵ chạy dọc theo tuyến tuỵ đem dịch tuỵ đổ vào tá tràng (phần đầu ruột non) giúp tiêu hoá thức ăn. Có vài yếu tố làm tăng áp lực trong các ống dẫn. Ống tuỵ bị bể, dịch tụy trào ra phá tan thịt của chính mình… gây viêm tuỵ. Thủ phạm thường là rượu và sỏi mật. Viêm tuỵ không nhẹ đâu, lại là bạn của dân nhậu sớm say chiều xỉn.
Ít người biết. Insulinom là bướu mọc từ tiểu đảo Langerhans chế tạo thật nhiều insulin, gây ra chứng hạ đường huyết trầm trọng thường xuyên. Hầu hết là bướu lành. Phải mổ bứng khối bướu. Nang tuỵ là do ống tuỵ nghẹt, dịch tụ trong bọc phồng lên. Lá mía nhỏ, dẹp, ẩn sâu sau bao tử vậy mà có lúc thành một cái bọc lớn đội thành bụng lên như trái banh. Rất may, hầu hết là lành, có thể tự xẹp, có khi cần mổ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét